RSS

Monthly Archives: Tháng Ba 2014

Xét mình

VRNs (15.03.2014) – Sài Gòn – Làm việc gì cũng phải chuẩn bị, việc càng quan trọng càng phải chuẩn bị kỹ lưỡng, huống chi lúc chúng ta sắp sửa ra trước “vành móng ngựa” để tự thú tội lỗi trước mặt Chúa và cầu xin Ngài thương tha thứ. Xét mình là tự kiểm điểm linh hồn xem mình đã có những động thái sai trái nào, rồi khiêm nhường nhìn nhận, quyết tâm ăn năn và cố gắng chấn chỉnh.

14031500Có những động thái chúng ta cảm thấy “bình thường”, tưởng rằng vô hại, thế nhưng lại là những ngẫu tượng nguy hại cho đời sống tâm linh đấy. Hãy ghi nhớ: Đừng bao giờ “dễ dãi” với chính mình!

Lãnh nhận Bí tích Hòa giải là đón nhận ơn thứ tha từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là 6 bước cần làm:

1. Xét xem mình đã phạm tội gì kể từ lần xưng tội trước.

2. Thành tâm ăn năn tội.

3. Thú tội với linh mục.

4. Chắc chắn đã xưng các tội trọng và số lần đã phạm.

5. Sau khi xưng tội, hãy làm việc đền tội.

6. Hằng ngày cầu xin thêm sức mạnh để tránh các dịp tội, nhất là những tội mà bạn vừa xưng thú.

KINH ĂN NĂN TỘI

Lạy Chúa, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời, chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con đau buồng lo lắng, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự, con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ lánh xa dịp tội, cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

ĐIỀU RĂN 1: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20:2-3).

+ Tôi có nghi ngờ hoặc không tin Thiên Chúa hiện hữu?

+ Tôi có không tin những gì Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta?

+ Tôi có tin bói toán, chỉ tay (palmistry), tử vi, chiêm bao, mê tín, dị đoan, bùa ngải, xem quẻ, đầu thai, nhập hồn, cầu cơ (Ouija boards)?

+ Tôi có không dám tỏ ra mình là người Công giáo?

+ Tôi có chối bỏ đức tin Công giáo?

+ Tôi có dành thời gian cầu nguyện với Chúa hằng ngày?

+ Tôi có yêu mến Chúa hết lòng?

+ Tôi có thất vọng hoặc mạo nhận về lòng thương xót của Chúa?

+ Tôi có thờ ngẫu tượng như thầy cúng, mê tiền bạo, nghiện ma túy, ham rượu chè, mê danh vọng, khoái lạc thú, mê ti-vi, nghiện máy vi tính, ham vật chất,…?

ĐIỀU RĂN 2: “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì Đức Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người một cách bất xứng” (Xh 20:7).

+ Tôi có phỉ báng hoặc xúc phạm Thiên Chúa?

+ Tôi có kêu tên Chúa vô cớ?

+ Tôi có nguyền rủa người khác, nuốt lời hứa, hoặc lỗi lời khấn?

+ Tôi có trách giận Thiên Chúa?

ĐIỀU RĂN 3: “Ngươi hãy nhớ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh” (Xh 20:8).

+ Tôi có bỏ lễ Chúa Nhật hoặc lễ buộc vì lười biếng?

+ Tôi có đi lễ đúng giờ, hoặc bỏ về sớm?

+ Tôi có làm việc vào ngày Chúa Nhật khi không thực sự cần thiết?

+ Tôi có dành ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa, để nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình?

+ Tôi có tin và cung kính Chúa Giêsu hiện diện thật trong Bí tích Thánh Thể?

ĐIỀU RĂN 4: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20:12).

+ Tôi có cãi lời hoặc không tôn trọng cha mẹ hoặc bề trên?

+ Tôi có bỏ nhiệm vụ đối với cha mẹ, vợ chồng, con cái, hàng xóm, cộng đồng?

+ Tôi có làm gương sáng?

+ Tôi có xao nhãng việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái?

+ Tôi có tìm hiểu và tuân phục các giáo huấn của Giáo hội?

+ Tôi có làm nói điều không hay hoặc làm gương xấu, nhất là đối với trẻ em?

+ Tôi có làm cho người khác mất đức tin?

+ Tôi có gây căng thẳng, làm xáo trộn gia đình?

+ Tôi có quan tâm nâng đỡ người già, người bệnh, người yếu đuối?

+ Tôi có làm việc đúng mức để nhận lương bổng xứng công?

+ Tôi có trả lương phù hợp cho người được thuê làm việc?

ĐIỀU RĂN 5: “Ngươi không được giết người” (Xh 20:13).

+ Tôi có giết người hoặc làm hại ai về thể lý?

+ Tôi có phá thai hoặc bảo người khác bỏ thai? (Ai làm vậy là tự động bị vạ tuyệt thông, Giáo luật 1398. Vạ tuyệt thông này được tha qua Bí tích Hòa Giải).

+ Tôi có dùng biện pháp ngừa thai nhân tạo?

+ Tôi có ý muốn tự tử?

+ Tôi có góp phần vào việc “an tử” (làm chết êm dịu – mercy killing, euthanasia)?

+ Tôi có tức giận, thiếu kiên nhẫn, ghen tỵ, không tử tế, kiêu ngạo, trả thù, ghen tương, lười biếng, thù hận?

+ Tôi có làm gương xấu bằng cách lạm dụng ma túy, nghiện rượu, cãi nhau, ẩu đả,…?

+ Tôi có lạm dụng trẻ em?

ĐIỀU RĂN 6 & 9: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14) và “Ngươi không được ham muốn vợ người ta” (Xh 20:17).

Chúa Giêsu cảnh báo: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:28). Thánh Phaolô xác định: “Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1 Cr 6:9-10).

+ Tôi có ý nghĩ hoặc ham muốn nhục dục?

+ Tôi có nói những lời dâm đãng, kể chuyện tục tĩu, thích nghe/đọc chuyện “bẩn” hoặc xem hình ảnh “đen”?

+ Tôi có lỗi đức trong sạch bằng cách thủ dâm (tự sướng)?

+ Tôi có lỗi đức trong sạch với người khác – sống thử, ngoại tình (với người đã kết hôn), gian dâm hoặc thông dâm (với người chưa kết hôn)?

+ Tôi có dùng biện pháp tránh thai nhân tạo?

+ Tôi có kết hôn hoặc khuyên người khác kết hôn với người ngoại giáo?

+ Tôi có tránh những dịp lỗi đức trong sạch?

+ Tôi có cố gắng kiểm soát tư tưởng của tôi?

+ Tôi có “dính líu” hoạt động tình dục đồng giới?

+ Tôi có tôn trọng người khác phái, có coi người khác như đồ vật?

+ Tôi có làm cho người khác mất khả năng sinh sản?

+ Tôi có lạm dụng quyền hôn nhân?

ĐIỀU RĂN 7 & 10: “Ngươi không được trộm cắp” (Xh 20:15) và “Ngươi không được ham muốn bất cứ vật gì của người ta” (Xh 20:17).

+ Tôi có ăn trộm, ăn cướp, lừa dối, đồng lõa hoặc tiêu thụ đồ ăn cắp? Tôi có trả lại đồ ăn cắp, đồ nhặt được?

+ Tôi có hoàn tất hợp đồng, có nhận hối lộ, thanh toán chi phiếu, cờ bạc, gian lận?

+ Tôi có lãng phí thời gian?

+ Tôi có ghen tỵ hoặc ham muốn đồ của người khác?

+ Tôi có làm việc lương thiện để sinh sống?

ĐIỀU RĂN ĐIỀU RĂN 8: “Ngươi không được làm chứng gian hại người” (Xh 20:16).

+ Tôi có ăn gian, nói dối?

+ Tôi có ăn chặn hoặc lừa đảo người khác?

+ Tôi có thề gian hoặc khai man?

+ Tôi có nói hành, nói xấu người khác?

+ Tôi có làm lộ bí mật điều phải giữ bí mật? Với linh mục: Tôi có lỗi ấn tòa giải tội?

CÁC TỘI KHÁC

+ Tôi có giữ luật chay ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh?

+ Tôi có kiêng thịt các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay?

+ Tôi có rước lễ trong Mùa Phục Sinh?

+ Tôi có rước lễ khi mắc tội trọng, hoặc không giữ chay (60 phút) trước khi rước lễ?

+ Tôi có xưng tội bất thành?

+ Tôi có tích cực bảo vệ Giáo hội?

Thánh Phaolô nói: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11:27-29). Vì thế, nếu chúng ta rước lễ khi đang mắc tội trọng, thì chúng ta phạm tội trọng – tội phạm thánh (sacrilege).

Hãy thành tâm sám hối và thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13). Chính Chúa đã mời gọi: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18).

Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1:9).

Ơn tha thứ vô cùng, lòng thương xót của Chúa bao la: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34). Vì thế, chúng ta đừng ngần ngại, hãy thành tâm sám hối và không ngừng cầu xin: “Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11:4).

Mùa Chay này, tôi đã “chay” (kiêng cữ hoặc từ bỏ cái gì đó) được gì chưa? Và tôi đã “tịnh” (không nói bậy, nói nhảm, nói nhiều, nghĩ quấy, nghĩ xấu,…) được gì chưa?

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ ScBorromeo.org)

Mùa Chay – 2014

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 15, 2014 in Suy tư, Tin tức

 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chia buồn vì sự ra đi của ĐHY José IV, Nguyên Thượng phụ Lisbon

VRNs (15.3.2014) – Sài Gòn – ĐTC Phaxicô đã gửi 1 điện thư chia buồn với sự ra đi của ĐHY José da Cruz Policarpo là Nguyên Thượng Phụ Lisbon, Bồ Đào Nha. Ngài đã ra đi hôm thứ Tư, ngày 12-3 vừa qua, ở tuổi 78.

ĐTC đã bảy tỏ sự hiệp thông trong lời cầu nguyện của mình với tất cả những người đang buồn vì sự ra đi đột ngột của ĐHY. ĐTC Phanxicô đã nhớ lại công việc của Thượng phụ José trong nhiều văn phòng khác nhau của Tòa Thánh, và những cuộc gặp gỡ riêng với Thượng Phụ. ĐTC đã mô tả Thượng Phụ José như một mục tử đam mê với con đường tìm kiếm công lý.

ĐHY José da Cruz Policarpo. Ảnh ogginotizie

ĐHY José da Cruz Policarpo. Ảnh ogginotizie

Ngài thêm rằng, Đức nguyên Thượng phụ mong muốn mang những món quà đã nhận được từ Thiên Chúa để phục vụ dân Chúa và anh giám mục của mình. ĐHY đã tạ ơn Thiên Chúa vì sự bao dung và nhiệt tâm của Người trong việc thực hiện sứ vụ của Người nơi ĐHY José, đặc biệt công nghiệp của Ngài ở trường ĐH Công Giáo Bồ Đào Nha.

Cuối bức điện thư ĐTC đã ban phép lành Tòa Thánh đến tất cả mọi người trong tang quyến.

Sinh năm 1936 ở Alvorninha, Đức ĐHY José da Cruz Policarpo được ĐGH Gioan Phaolô II phong tước Hồng y 21/2/2001. ĐHY José đã hai lần vào mật nghị bầu Giáo hoàng, một lần Đức Benedict XVI được bầu chọn, lần sau là Đức Phanxicô. Với sự ra đi của Ngài, Hồng y đoàn còn 127 vị, trong đó 120 vị còn quyền bầu Giáo hoàng.

PV.VRNs

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 15, 2014 in Tin Công giáo

 

DCCT Sài Gòn mừng lễ thánh Clemente Hofbauer

VRNs (15.3.2014) – Sài Gòn – Hôm qua thứ Sáu 14.3, quý cha quý thầy trong Tu viện DCCT Sài Gòn đã cùng với cộng đoàn Gx Đức Mẹ HCG dâng thánh lễ kính trọng thể thánh Clemente Hofbauer, tu sĩ DCCT.

Thánh lễ do cha Phêrô Nguyễn Thành Tâm, Phó xứ Đức Mẹ chủ tế và cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, thuộc Cộng đoàn DCCT Huế giảng lễ.

Chia sẻ với cộng đoàn trong thánh lễ, cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải nhấn mạnh tới lời mời gọi nhìn lên mẫu gương sống của thánh Clemente hầu bắt chước ngài trong việc phục vụ ơn cứu độ cho người khác, trong việc trung kiên bước theo Chúa.

Được biết, thánh Clemente Hofbauer sinh năm 1758 tại Đức. Ngài là tu sĩ DCCT đầu tiên bên ngoài nước Ý và được coi như Đấng sáng lập thứ hai của Dòng vì đã đưa Dòng vượt dãy Alpes tới các nước Bắc Âu. Nơi thánh Clemente người ta nhận thấy một lòng tin kiên vững, lòng hăng say loan báo Tin Mừng cho người nghèo qua nhiều sáng kiến mục vụ khác nhau: mở trường học, viện mồ côi, lo cho các cô gái điếm, dịch sách và báo chí… Đặc biệt, khi thực hiện công việc mục vụ, thánh Hofbauer đã chú trọng cách đặc biệt vào công việc đào tạo người tông đồ giáo dân để họ cộng tác với Nhà Dòng trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Trải qua những gian khó do những vấn đề chính trị, sự nghi kị của chính quyền đối với Giáo hội do cuộc cách mạng Pháp để lại, thánh Clemente Hofbauer đã được Chúa gọi về vào ngày 15.3.1820, trước lúc nước Áo công nhận sự hiện diện chính thức của Dòng.IMG_0725

Cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, DCCT Huế giảng lễ

Cha Gioan Nguyễn Ngọc Hải, DCCT Huế giảng lễ

IMG_0721

PV.VRNs

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 15, 2014 in Giáo Xứ ĐMHCG

 

Thánh Clemente Hofbauer, Đấng sáng lập thứ hai của DCCT

VRNs (15.3.2014) – Sài Gòn – Thánh Clemente Hofbauer (kính ngày 15.3) được xem như Đấng sáng lập thứ hai của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), bởi ngài đã có công đưa Dòng ra khỏi nước Ý và từ đó Dòng lan tới các nước trên toàn thế giới. Một vị thánh như vậy, ta thường nghĩ ngay trong đầu là khi còn sống, ngài ăn chay hãm mình, sống khắc khổ và làm phép lạ…Quả thật điều đó có thể đúng với nhiều vị, nhưng với thánh Clemente Hofbauer ta sẽ không thấy những chi tiết này khi đọc tiểu sử ngài. Thay vào đó, rất rõ nét, Đấng sáng lập thứ hai của DCCT nên thánh bởi đức tin mạnh mẽ và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo khổ qua nhiều hoạt động khác nhau, trong một giai đoạn xã hội Châu Âu đang thù nghịch với Giáo hội.

Thánh Clemente Hofbauer sinh năm 1758 tại Tasswitz, Moravie, nước Đức (nay là một phần của Cộng hòa Séc). Ngay từ nhỏ thánh nhân đã ước ao làm linh mục và ngài luôn theo đuổi ước mơ này, dù có nhiều lý do khác nhau đã ngăn cản ngài tiến tới. Clemente Hofbauer lần lượt làm thợ bánh mì, rồi sau đó tiếp tục đi học, có lúc lại làm nhà ẩn tu tại Moravie. 3 lần Clemente Hofbauer hành hương tới Rôma tìm cơ hội để được làm linh mục, rồi lại trở về quê làm bánh mì. Ngài bỏ nghề, tiếp tục đi học tại Vienne, rồi lại làm nhà ẩn tu ở Tivoli gần Rôma. Bỏ đời sống ẩn tu, Clemente Hofbauer trở thành sinh viên thần học tại Vienne. Cuối cùng, năm 1785, Clemente Hofbauer trở thành tu sĩ DCCT đầu tiên không phải là người Ý; để đến ngày 29.3.1789 thầy Clemente Hofbauer hoàn thành ước mơ trở thành linh mục khi đã 34 tuổi.

lemente Hofbauer đã khát khao trở thành linh mục của Chúa như thế nào, thì khi đã là linh mục DCCT ngài cũng khát khao, nhiệt thành loan báo Tin Mừng cho người nghèo, người bị bỏ rơi theo tôn chỉ của Dòng như thế.

Sau khi lãnh sứ vụ linh mục, cha Clemente Hofbauer và một người anh em khác trong Dòng được cha Bề Trên Cả truyền cho các ngài vượt dãy núi Alpes đi truyền giáo. Từ đây cha Clemente Hofbauer bắt đầu cuộc đời với những gian truân, khó khăn hơn bao giờ hết.

Nơi đầu tiên cha Clemente Hofbauer đặt chân đến và có ý định lập cơ sở của Dòng là Vienne, Áo. Nhưng chưa khởi công các ngài đã nhìn thấy thất bại. Vua nước Áo lúc bấy giờ là Joseph II vừa mới xóa xổ 800 tu viện trên đất nước. Hơn nữa, hình thức giảng “Đại Phúc”, và phục vụ tầng lớp dân nghèo như mục đích của DCCT lại đang bị cấm nghiêm ngặt trên toàn nước Áo.

Đứng trước khó khăn, các vị ở Trung Ương Dòng từ Rôma đã gợi ý cho các ngài trở lại Ý, nhưng Clemente Hofbauer đã không bỏ cuộc. Rời Áo, Clemente Hofbauer và người bạn của mình tới Varsovie, thủ đô của Ba Lan. Vào cuối thế kỷ XVIII, Varsovie rất phước tạp: nhiều sắc tộc tộc nói những ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là bị xâu xé bởi vấn đề chính trị khi Phổ liên minh với Nga và Áo để thôn tính Ba Lan. Tưởng như hoàn cảnh phức tạp ấy không thuận tiện cho những linh mục chân ướt chân ráo muốn thành lập một cơ sở để hoạt động, nhưng ý Chúa muốn thì không có gì không thể.

Saint Bennon, một nhà thờ tại thủ đô Varsovie trước đây do các cha Dòng Tên coi sóc, nhưng từ khi Dòng Tên bị giải thể năm 1773 thì nhà thờ trở nên hoang tàn do thiếu mục tử. Do vậy, sự xuất hiện của các tu sĩ DCCT lúc này thật đúng lúc. Hội Huynh đệ Saint Bennon đứng ra xin các cha khôi phục các hoạt động mục vụ tại ngôi nhà thờ này.

Saint Bennon dần trở thành một trung tâm sinh hoạt tôn giáo sầm uất: “Mỗi sáng, từ 6 giờ, thứ tự là: một thánh lễ với thánh ca; bài giảng bằng tiếng Ba Lan; một lễ hát; sau đó là bài giảng bằng tiếng Ba Lan và bài giảng khác bằng tiếng Đức; sau cùng là đại lễ long trọng có âm nhạc. Buổi chiều, sau khi viếng Thánh Thể, lại có một bài giảng bằng tiếng Đức; rồi bài giảng bằng tiếng Ba Lan; chặng đàng thánh giá….đôi khi có thêm bài giảng bằng tiếng Pháp”.

Không chỉ bằng lòng với những cử hành phụng vụ sầm uất, các tu sĩ tại Saint Bennon còn lo sao cho đời sống đức tin của người dân mỗi ngày một lớn mạnh, những người nghèo, người bị bỏ rơi được quan tâm về mọi mặt nên hàng loạt công việc mục vụ khác dần mở ra trong suốt thời gian 20 năm tại Saint Bennon. Với tư cách là vị Phó Tổng Quyền bên ngoài nước Ý, cha Clemente Hofbauer đã chiêu sinh và đào tạo để có thêm các tu sĩ, linh mục cho cánh đồng truyền giáo. Nhưng đối với thánh nhân, việc truyền giáo không thể chỉ dựa vào các tu sĩ, nhưng còn là công việc chung của cả Giáo hội, đặc biệt nơi những người giáo dân thiện chí. Do đó, cha Clemente Hofbauer quan tâm đào tạo giáo dân để họ trở thành những thừa sai giáo dân cộng tác với Nhà Dòng. Ngài cho ra đời những cộng đoàn giáo dân với những điều lệ rõ ràng. Ngoài Ba Lan, sau này khi các tu sĩ DCCT đi tới Đức, Áo, Thụy Sĩ thì hiệp hội giáo dân cũng lan ra tới các nước đó.

Tại Saint Bennon, khi có thêm tu sĩ, khi có những người giáo dân nhiệt thành cộng tác cũng là lúc các hoạt động khác được mở ra phục vụ cho những người thiệt thòi hơn cả trong xã hội: Trường học bình dân dành cho trẻ nam và nữ, không phân biệt tôn giáo. Có lúc trường đã đạt con số 500 em; Trường kỹ thuật và dạy nghề; Viện mồ côi; Tìm việc cho các em khi ra trường…và lo cho cả những cô gái điếm muốn trở về hòa nhập với xã hội…

Lòng nhiệt thành nơi thánh Clemente Hofbauer, nơi các tu sĩ khác và nơi những người tông đồ giáo dân DCCT không đủ để giữ cho Saint Bennon thoát khỏi những vấn đề thời cuộc. Năm 1795-1796 nước Phổ đánh chiếm và Ba Lan bị xóa khỏi bản đồ, cũng là lúc các tu sĩ DCCT tại Saint Bennon phải dừng mọi công việc mục vụ để rồi mỗi người tản mát một nơi.

Hành trình mới lại bắt đầu, cha Clemente Hofbauer cùng với một số anh em thử nghiệm lập cơ sở Nhà Dòng nhiều nơi khác nhau, từ Vienne (Áo), Munich (Đức), đến Thụy Sĩ và nhiều nước khác nhưng không nơi nào các ngài có thể lập cơ sở Dòng để hoạt động mục vụ ổn định trong một thời gian dài. Vài ba tháng lại phải ra đi vì bị coi là những thành phần nguy hiểm: “Vì lợi ích tập thể và sự an toàn chính trị cho Thụy Sĩ cũng như cho Baviere, bọn thầy tu nguy hiểm này phải bị đuổi ra khỏi lãnh thổ”.

Năm 1808, cha Clemente Hofbauer trở lại thành Vienne một lần nữa và có ý định ở đây một thời gian ngắn, nhưng ý Chúa lại khác. Cha Clemente Hofbauer ở lại thành Vienne trong 12 năm, cũng là những năm cuối đời của ngài. Tại Vienne, cha Clemente Hofbauer đã âm thầm miệt mài giảng dạy, lo tĩnh tâm cho các dòng tu, đến với những người nghèo khổ nơi tư gia cung như ngoài đường phố; đặc biệt, thánh nhân quy tụ “cả đàn ông và phụ nữ, người trẻ và người già, quý tộc và tư sản, học thức và nghệ sĩ, viên chức và giám chức, sinh viên và giáo sư” để hướng dẫn, phổ biến những tư tưởng của ngài và họ dần trở thành những người trong “Hội Hofbauer”. Để rồi chính những người trẻ trong Hội Hofbauer, sau này sẽ nên những linh mục của Chúa (có 36 linh mục, trong đó có 6 giám mục); số khác trở thành những nhà tri thức nước Áo trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng luôn trung thành với đức tin Công giáo Rôma. Họ sẽ tiếp tục truyền bá tư tưởng của cha Hofbauer qua việc viết, dịch sách….đặc biệt là qua các tời báo khác nhau họ phụ trách.

Lòng nhiệt thành lo cho người nghèo, người bị bỏ rơi của cha Clemente Hofbauer không phải ai cũng nhìn nhận, nhất là đối với chính quyền một số nước đang bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bài tôn giáo từ cuộc cách mạng Pháp năm 1789. Do đó, cha Clemente Hofbauer trở thành đối tượng “đặc biệt” luôn có trong danh sách của mật vụ các nước.

Khi cha Clemente Hofbauer và người anh em của mình vừa vượt dãy Alpes để vào Áo thì trong sổ tay mật vụ Vienne đã có những dòng sau: “Một vài tu sĩ Dòng Tên ở Rôma (người ta chưa biết tới DCCT, hơn nữa tu phục của DCCT cũng có màu đen như Dòng Tên) đã đến thành phố…Họ đã tuyển chọn những hội viên, nhưng con số là bao nhiêu chúng tôi không được biết. Chúng tôi chỉ biết một trong số ấy: tên hắn là Kunzmann, một thợ bánh mì đã từng sống đời phiêu bạt. Khi nhận hắn, họ cho hắn ăn mặc chỉnh tề và gọi hắn là Emmanuel, rồi cùng hướng đến Mohilev”

Thời kỳ đầu ở Saint Bennon, cha Clemente Hofbauer và các tu sĩ bị những người không ưa chống đối bằng nhiều cách khác nhau: “Người ta chế giễu các ngài trong rạp hát, trên đường phố, lúc thì đối xử với các ngài như những tu sĩ Dòng Tên, lúc thì đối xử như người Đức (người thiểu số Đức tại Ba Lan), người theo Luther (Tin Lành), hoặc như những kẻ cuồng tín”. Khi những hoạt động mục vụ tại Saint Bennon trở nên sầm uất thì chính quyền Phổ đang thôn tính Ba Lan. Họ nghi kị với các ngài, cho các ngài là những kẻ cuồng tín, “truyền bá mê tín, kích động hoang tưởng”. Trong đó, họ coi cha Clemente Hofbauer là “người cuồng tín vượt xa tất cả những kẻ cuồng tín nhất”. Họ o bế các ngài, đến nỗi “khi cha Clemente Hofbauer  treo bức tranh của một vị thánh trong nhà thờ mà không có phép của chính quyền, điều đó xem như một trọng tội.”

Những hoạt động mục vụ của cha Clemente Hofbauer đôi khi cũng trở thành lý do cho người ta nghi ngờ, kết án ngài. Khi mở trường học, mở viện mồ côi tại Saint Bennon ngài bị chính quyền để ý cách đặc biệt, đến nỗi cả mật vụ Áo, Đức cũng nhắm vào ngài (bởi một vài gia đình từ Cracovie hay quê hương Tasswits gửi con tới trường của cha Hofbauer). Do đó mật vụ của Áo, Đức coi ngài như “kẻ bắt cóc trẻ con”.

Năm 1798 khi từ bỏ Saint Bennon sang Áo với ý định lập Dòng, cha Clemente Hofbauer đã bị mật vụ vây bắt vì “vị giáo sĩ có đời sống lang thang lúc bên này, lúc bên kia biên giới, cần được xem như một kẻ thủ đoạn thực sự”. Sau 7 ngày không thể đưa ra tội danh nào hợp lý hơn để kết án, họ đưa ra tối hậu thư cho cha Clemente Hofbauer là phải thả những người trẻ “bị bắt cóc” cho chính quyền. Nhưng khi những đứa trẻ được trả lại với cha mẹ chúng, mật thám vẫn chưa tha cho ngài. Họ phát hiện đã có hai tu sĩ người Áo đang sống tại Saint Bennon và cha Clemente Hofbauer bắt đầu “bị tra hỏi, viết báo cáo”. Hết chịu nổi, cha Clemente Hofbauer đã nổi giận, la hét phản đối chính quyền Áo và như một báo cáo của cảnh sát ghi lại: cha Hofbauer “đã dùng những lời lẽ mất lịch sự”. Sau 106 ngày bị giam, cha Hofbauer đã “tẩu thoát và vượt biên giới”.

Một vị thánh lại trở thành con người “nguy hiểm” đối với mật vụ. Lần cuối cùng cha Clemente Hofbauer tới Áo vào năm 1802, cảnh sát và mật vụ luôn theo sát ngài. Họ gài bẫy bằng cách cài người vào Hội Hofbauer, giả dạng là những người đạo đức đến xin lễ ngài để theo dõi, nhưng tất cả đều thất bại. Không chịu dừng lại, kẻ thù luôn bày ra những mưu kế để có thể ám hại: Họ vu cho ngài liên quan đến vụ việc một cô gái 25 tuổi bị mất tích (không lâu sau người ta biết được cô gái này đã trốn ra nước ngoài để gia nhập một dòng tu). Cần có chứng cứ rõ ràng có thể bắt cha Clemente Hofbauer, năm 1818 ba cảnh sát đã xông thẳng vào căn phòng nơi ngài đang ở lục soát, nhưng rồi tất cả đều thất bại, ngoài một vài giấy tờ liên quan đến Nhà Dòng tại Trung Ương.

Mặc dù cảnh sát, mật vụ tại Áo luôn tìm cách “tống cổ vị tu sĩ Hofbauer ra khỏi đất nước” nhưng đường lối Thiên Chúa lại khác. Trong báo cáo gửi cho Hoàng đế Áo là Francois đệ nhất lúc bấy giờ, người ta đã lừa dối ông. Tuy nhiên, Hoàng đế đã biết sự thật: Trong một lần đến Rôma, Hoàng đế Francois đệ nhất đã được nghe Đức Giáo Hoàng Piô VII cho biết sự thật về cha Hofbauer. Hơn nữa, chính Hoàng đến đã tới Napoli là cái nôi của DCCT và hỏi dò về Nhà Dòng. Sau chuyến đi này, Hoàng đế đã ra lệnh cho cha Hofbauer phải ở lại Áo và trình luật Dòng để ông có thể phê chuẩn. Tuy nhiên, trước khi chứng kiến Hoàng đế chấp thuận cho Dòng hiện diện tại Áo cách chính thức, thì cha Clemente Hofbauer đã được Chúa gọi về vào ngày 15.3.1820; nhưng “hậu sinh sẽ được gặt hoa trái từ cuộc đời tông đồ thực sự của ngài”.

Cha Clemente Hofbauer được Đức Giáo Hoàng Leo XIII phong chân phước năm 1888. Năm 1909 Đức Giáo Hoàng Piô X phong ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1914 cũng vị Giáo Hoàng này đặt cho thánh Clemente Hofbauer danh hiệu Tông Đồ và Đấng Bảo Trợ thành Vienne.

Xin được dùng lời nhận định trong tác phẩm viết về thánh Clemente Hofbauer của cha Joseph Heizmann, DCCT để kết thúc: “Thiên Chúa đã đặt để một trái tim vĩ đại nơi thánh Clemente Hofbauer. Người nghèo khó và kẻ thấp cổ bé miệng, kẻ bị bỏ rơi và người thất thế, tất cả đều tìm thấy nơi ngài một người bạn tận tâm.” “Phải chăng ngài là ‘một vị thánh không có phép lạ’ như người ta nói? Nhưng phép lạ liên tục chính là cuộc đời ngài. Trước tiên đó là cuộc đấu tranh dài để thực hiện ơn gọi, rồi lo cho các em nghèo tại Varsovie, sau cùng đấu tranh để Tin Mừng được loan báo theo cách thức mới đến với mọi tầng lớp trong xã hội ở Vienne. Thánh nhân không ngừng thất bại do chiến tranh, do sự cai trị của nhà nước, do bị trục xuất, tù tội, bị đeo đuổi và bách hại, nhưng không bao giờ mệt mỏi. Với tư chất rất người và rất thân tình, ngài đáp lại những nhu cầu của thời đại mà ngài đã nhạy bén cách chắc chắn. Như thế, ngài đã chuẩn bị một sư chuyển tiếp: ‘thành công’ to lớn bắt đầu sau khi ngài qua đời.”

VRNs

Viết theo tác phẩm “Thánh Clêmntê Maria Hofbauer” của cha Joshep Heizmann, DCCT

 

Cha Michael Brehl: Thiên Chúa biến những thất bại của chúng ta trở nên những cơ hội tuyệt vời

VRNs (15.03.2014) – “Cuộc đời và ơn gọi của Thánh Clêmentê Hofbauer là một bằng chứng quan trọng về quyền năng của Thiên Chúa biến những thất bại của chúng ta trở nên những cơ hội tuyệt vời, và nâng đỡ các ơn gọi thừa sai ở những nơi khó khăn nhất.” Đó là xác tín của cha Michael Brehl, Bề trên Tổng quyền DCCT trong Sứ điệp của ngài nhân ngày lễ thánh Clêmentê hôm nay.

VRNs xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt của Sứ điệp này:140315-St.Clement

Kính thưa anh chị em Tu sĩ DCCT, các hội đoàn giáo dân và bạn hữu,

Trong Năm Ơn gọi Thừa sai DCCT, chứng tá đời sống của Thánh Clêmentê Hofbauer cung cấp cho chúng ta những phương thế đặc biệt mà Thiên Chúa kêu gọi dân Người bước vào ơn gọi thừa sai của Dòng chúng ta.

Clêmentê Hofbauer được nhận vào Nhà Tập khi đã ở tuổi 33, cùng với bạn ngài là Thaddeus Hübl. Mặc dù thánh nhân có một ý thức mạnh mẽ về ơn gọi đời sống thừa sai và linh mục, nhưng có nhiều rào cản dường như muốn dập tắt mọi hy vọng của ngài.  Tuy nhiên, ngài đã không ngừng tìm kiếm mọi cách để đáp trả lời mời gọi của Chúa. Ngài học Thần học tại Vienna, sống như ẩn sĩ và sau đó làm giáo lý viên tại Tivoli, đọc sách thiêng liêng, tập luyện sống đời cầu nguyện sâu sắc, và hành hương về Rome. Đây là cơ hội để ngài gặp được các Thừa sai DCCT làm việc ở nhà thờ San Giuliano và xin gia nhập Dòng Chúa Cứu Thế.

Câu chuyện phi thường về cuộc đời ngài chưa kết thúc ở đây. Thật ra, đó chỉ mới là khởi đầu. Chưa đầy một năm sau khi tuyên khấn làm Tu sĩ Thừa sai DCCT, ngài và Thaddeus một lần nữa vượt qua dãy núi Alps để đi thành lập Dòng Chúa Cứu Thế tại những vùng đất mới. Chưa đầy hai năm sau, ngài thiết lập tại Warsaw (thủ đô của Ba Lan) ngôi nhà đầu tiên của DCCT ngoài nước Ý. Tính năng động truyền giáo của ngài đã làm cho một ngôi nhà thờ nhỏ bé St. Benno trở thành một trung tâm mục vụ sầm uất lôi cuốn hàng ngàn người lui tới. Nhiều người trẻ gia nhập Dòng, những viễn ảnh mới được hoạch định ra, mục vụ về xã hội phát triển, những cách thức loan báo Tin mừng mới được cổ vũ. Thánh nhân luôn nhắc lại câu này:Phúc âm phải được tái loan báo cho mọi thời và muôn thế hệ, bằng một ngôn ngữ mà người bình dân có thể hiểu được.

Tuy nhiên, Thánh Clêmentê tiếp tục đối diện với những trở ngại nghiêm trọng. Bạn đồng hành với ngài là cha Thaddeus Hübl qua đời vào thời bị bách hại. Nhiều việc mục vụ bị ngưng lại do áp lực của nhà cầm quyền. Thánh nhân kinh nghiệm được việc thiếu sự nâng đỡ từ các linh mục khác và các vị lãnh đạo Giáo hội. Cuối cùng, ngài và các anh em DCCT đã bị trục xuất khỏi Warsaw. Trong vòng 12 năm sau, ngài đã nỗ lực thành lập rất nhiều cộng đoàn khác. Mọi sự khởi đầu đều gặp thất bại. Ngài lôi cuốn nhiều thanh niên khao khát muốn gia nhập Dòng để hiến mình cho ơn cứu độ chứa chan trong ơn gọi thừa sai. Ngài không thể thiết lập Nhà Tập nên các anh em trẻ không thể được chung trong một cộng đoàn. Khi ngài qua đời vào ngày 15/3/1820 dường như mọi cố gắng của ngài không mang lại kết quả nào. Nhưng Chúa lại có kế hoạch khác.

Một tháng sau khi ngài qua đời, ngày 19/4/1820, nhà cầm quyền đã cho phép DCCT được thiết lập các nhà trong đế quốc Áo-Hungari. Chẳng bao lâu sau, những người trẻ ấp ủ ơn gọi thừa sai đã chờ đợi lâu nay đã được thiết lập Nhà Tập. Ngay sau đó, nhà Dòng lan ra đến Vienna, xuyên qua Bắc Âu, Bắc Mỹ và cuối cùng Clêmentê Hofbauer được phong Thánh vào năm 1909 và được chọn làm Bổn mạng thứ hai của thủ đô Vienna cách đây100 năm vào năm 1914.

Cuộc đời và ơn gọi của Thánh Clêmentê Hofbauer là một bằng chứng quan trọng về quyền năng của Thiên Chúa biến những thất bại của chúng ta trở nên những cơ hội tuyệt vời, và nâng đỡ các ơn gọi thừa sai ở những nơi khó khăn nhất. Khi chúng ta mừng lễ ngài hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến sự kiên trì và trung tín trong ý chí đơn thành của ngài, cũng như tầm nhìn lớn lao và tính sáng tạo phi thường của ngài. Nguyện xin Chúa tiếp tục canh tân Hội Dòng và ơn gọi thừa sai của chúng ta theo tinh thần của Thánh Clêmentê. Nhờ ân sủng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, xin Chúa Cứu Thế tiếp tục kêu gọi các thanh niên nam nữ đến chia sẻ ơn gọi thừa sai của chúng ta trong xã hội hôm nay. Nguyện xin Đức Maria Hằng Cứu Giúp luôn đồng hành với chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin mừng.

Cầu chúc anh chị em một ngày lễ Thánh Clêmentê đầy ơn phúc và niềm vui.

Trong Chúa Cứu Thế,

Michael Brehl, C.Ss.R.

Người dịch: Giuse Đinh Hữu Thoại, C,Ss.R

Trích từ nguồn VRNs

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 15, 2014 in Uncategorized