RSS

Monthly Archives: Tháng Năm 2014

KHẮC PHỤC TÍNH ĐỐ KỴ

 

Ảnh

Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100008155093621

❉ Bài học này hay quá , cần phải phổ biến càng nhiều càng tốt .

Là con người chúng ta không ai không có tính đố kỵ, hoặc ít, hoặc nhiều mà thôi. Thấy người ta giỏi hơn mình hoặc có điểm nào đó nổi trội hơn mình là sinh ra đố kỵ. Đố kỵ là con dao hai lưỡi, trong phần lớn trường hợp, tính đố kỵ làm tổn thương cả hai người, cho nên nhà văn hình dung đố kỵ là ác Quỷ. Đại văn hào Sếch-xbia mô tả đố kỵ là “con quỷ mắt xanh”, nhà văn khác miêu tả lòng đố kỵ là “cái u của linh hồn”.

Tính đố kỵ là một tật nguyền nghiêm trọng trong tính cách của con người, không hay ho gì cả. Đố kỵ khiến con người rơi vào tình trạng căng thẳng, buồn đau và hết chịu nổi. Nhưng nếu sự đố kỵ đó được thay thế bằng nỗ lực chủ quan nhằm thay đổi vị thế bất lợi của mình, cân bằng lại tâm lý ở tầm cao hơn, thì sự đố kỵ sẽ biến thành cạnh tranh lành mạnh. Khi đố kỵ thăng hoa thành cạnh tranh lành mạnh, kẻ đố kỵ vươn lên để rút ngắn khoảng cách với người bị đố kỵ. Người bị đố kỵ không cam chịu bị lép vế, tiếp tục phấn đấu để duy trì và phát triển ưu thế của mình, thế là hai bên đố kỵ biến thành hai đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.

Đố kỵ làm phát sinh và thúc đẩy cạnh tranh như trên đã nói, trên ý nghĩa này mà nói, đố kỵ quả là vĩ đại. Đáng tiếc là số người biến đố kỵ thành sự vươn lên tích cực quá ư là ít ỏi, tuyệt đại đa số biến nó thành hành vi đối lập, thù hằn, công kích và phá hoại. Nhà văn Ban-dắc than rằng: “đố kỵ nấp trong lòng, như rắn độc nấp trong hang.”

Người có tính đố kỵ không muốn chấp nhận người khác hơn mình, thấy người ta có được địa vị, danh vọng và những thứ khác mình không có là ghen ghét. Họ chỉ mong cái gì mình không làm được thì người khác cũng không làm được, mình không có thì người khác cũng không được có.

Tính đố kỵ rất có hại, với người đố kỵ, nó là một yếu điểm về bản chất. Một người phụ nữ công chức hiền lành, nếu nhiễm cảm xúc đố kỵ, sẽ trở thành con người thiển nghĩ và cố chấp, lúc nào cũng nhằm làm hại người khác để bù đắp hẫng hụt tâm lý trong mình, dẫn đến nhiều hành động ngu ngốc. Kẻ đố kỵ thường bị ức chế về tâm lý, tâm thức họ luôn luôn bị ám ảnh, căng thẳng. Vậy làm thế nào khắc phục tính đố kỵ để nó thăng hoa thành cạnh tranh lành mạnh?

Mở rộng tầm nhìn, cởi mở tấm lòng

Cần phải nhớ rằng, người giỏi hơn bạn nhiều lắm, đố kỵ một hai người thì có ích lợi gì? Chỉ cần bạn vươn lên, đuổi kịp người ta.

Phải tôn trọng người khác

Tục ngữ nói, muốn người khác tôn trọng mình, thì mình phải tôn trọng người khác trước. Cần phải thừa nhận ưu thế và sở trường của người khác, thậm chí thán phục người giỏi giang hơn mình về mặt nào đó.

Nhận rõ tác hại của tính đố kỵ

Kẻ đố kỵ thường phải lao tâm khổ tứ trong việc công kích và làm hại người bị đố kỵ, làm ảnh hưởng xấu tới công việc của mình, rút cuộc người bị thiệt thòi vẫn là kẻ đố kỵ.

Khơi dậy tính đố kỵ tích cực

Tính đố kỵ tích cực thường sinh ra lòng tự trọng và ý thức cạnh tranh lành mạnh. Khi bạn thấy mình đang ngấm ngầm đố kỵ một đồng nghiệp giỏi hơn mình về mặt nào đó, bạn hãy tự vấn tại sao lại như thế và hậu qủa sẽ ra sao nếu không dừng lại. Khi bạn có được kết luận rõ ràng, bạn sẽ thấy muốn đuổi kịp người ta, mình phải quyết tâm vươn lên, đạt được tiến bộ trong học tập và công tác. Bạn có thể biến đố kỵ thành động lực vươn lên, thăng hoa xúc cảm đố kỵ thành ý thức phấn đấu không mệt mỏi và quyết tâm vươn lên.

Nói tóm lại, đối với thành công của người ta, nếu có đố kỵ thì hãy đố kỵ tích cực chớ đừng đố kỵ tiêu cực, nghĩa là tập trung sức lực và trí tuệ của mình vào việc thực hiện mục tiêu cao hơn của mình. Không đố kỵ tiêu cực, nghĩa là vui mừng trước thành công của người khác, không ghen tị và tìm cách dèm pha, hãy tìm cách hoàn thành tốt công việc của mình.

Như thế, cuộc đời bạn sẽ có sự đền đáp xứng đáng.

ST

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 26, 2014 in Giáo Dục

 

Thánh GRÊGORIÔ VII Giáo Hoàng (1028-1085) 5/25/2013 Ngày 25/5

Ảnh

Thánh Gregoriô hay là Hildebrand theo tên rửa tội, sinh khoảng năm 1028. Gia đình Ngài không thuộc dòng tộc quí phái và có thuộc gốc Do thái. Thấy con mình thông minh lại hiếu học, thân phụ thánh nhân gởi Ngài tới thụ huấn với người chú là Tu viện trưởng Đức Bà Maria ở Aventin, Hildebrand đã trở thành một tu sĩ dòng Bênêdictô.

Tuy nhiên khả năng đặc biệt của Ngài đã sớm kéo Ngài ra khỏi hàng rào tu viện để phục vụ tại giáo triều. Khi đắc cử giáo hoàng, trên đường về nhận chức, Đức Leo IX ghé qua Cluny và dẫn theo thầy dòng trẻ tuổi Hildebrand để làm cố vấn cho mình. Đức giáo hoàng đã trao cho Ngài điều khiển tu viện thánh Phaolô và đặt làm hồng y. Đức giáo hoàng Leo IX là vị tiên khởi trong cuộc cải cách Grêgoriô, danh hiệu dựa vào khuôn mặt sáng giá nhất cuộc cải cách này, nhưng chính đức Leo là người khởi xướng.

Kể từ việc đề cử của Đức Leo IX Hildebrand đã có ảnh hưởng lớn lao trong nhiều triều đại liên tiếp. Khi được cử làm đặc sứ tại Pháp Đức Hồng y Hildebrand, đã chống lại nhiều tập tục xấu. Trong hội đồng họp ở Tour, Ngài đã buộc Berenger từ bỏ những lầm lạc của mình. Thế là chính Ngài đã giữ phần quyết định trong cuộc tranh luận về bí tích Thánh Thể giữa Lanfranc và Berenger. Ngài ủng hộ giáo thuyết về sự biến thể của Lanfranc nhưng cũng giảm bớt sức đối kháng để trình bày cách mầu nhiệm hơn.

Dưới ảnh hưởng của Đức hồng y Hildebrand, chức giáo hoàng ngày càng nghịch với hoàng đế hơn. Một liên minh hình thành với nhiều nhà cai trị ở miền nam nước Ý chống lại các Hoàng đế nhà Hohenstanen. Đức giáo hoàng nâng đỡ phong trào quần chúng chống lại hoàng đế ở Milanô nhưng tâm điểm đường lối chính trị của tòa thánh được diễn tả trong việc chọn lựa Đức Giáo hoàng, dành riêng cho hồng y đoàn. Nói cách khác, ảnh hưởng của hoàng để bị rút lại, nếu không nói là bị hủy bỏ. Năm 1073 dưới ảnh hưởng đã trở nên lớn mạnh, Đức Hồng y Hildebrand đắc cử giáo hoàng với hiệu Gregoriô VII.

Tình hình Giáo hội lúc này thật đáng buồn với nhiều thảm trạng đang diễn ra. Đích thân giáo hoàng thấy rõ những điều đó, sống khắc khổ như một thầy dòng, Ngài đã sáng ngời như mặt trời chiếu dãi vào ngôi nhà Giáo hội. Đầy uy quyền trong lời nói và việc làm, Ngài đã nỗ lực tái lập kỷ lục truyền bá đức tin, diệt trừ các lỗi lầm. Nhất là Ngài được chống lại hoàng đế Henri IV nước Đức. Ông hoàng này ham mê khoái lạc và tham lam, đã dám bán quyền giám mục và các chức vụ trong Giáo hội cho những người bất xứng.

Năm 1075, Đức Gregoriô VII đã tuyên bố phạt mọi người ở bất cứ địa vị nào dám dùng tiền để mua bán chức thánh. Với tình phụ tử, Ngài cảnh cáo hoàng đế Henri IV và các lạm quyền của ông. Tức giận ông bắt cóc Đức Giáo hoàng đang khi Ngài làm lễ và giam ngục. Nhưng rồi dưới áp lực của dân Roma, ông phải thả Ngài ra. Đức giáo hoàng đã tha thứ cho ông. Tuy nhiên nhà vua vẫn ngoan cố. Năm 1076, ông triệu tập một số giám mục rồi đặt Gnibert de Ravenna làm giáo hoàng. Đức Gregoriô VII liền ra vạ tuyệt thông Henri IV. Hối hận và sợ các quan bất phục, Henri IV lo giữ ngôi bằng cách đến Canossa làm việc đền tội.

Ngày 28 tháng giêng năm 1077, Đức giáo hoàng giải vạ cho ông.

Một thời gian sau Henri IV lại trở mặt, ông cầm quân sang Roma để bắt Đức Giáo hoàng. Nhưng Đức Gregoriô đã kịp thời rút lui về Sôlerna và qua đời tại đây năm 1085. Trước khi qua đời Ngài đã nói: – Ta yêu mến điều công chính và chê ghét sự gian tà nên mới phải chết ở chốn lưu đày này.

Người ta đã nói tới cuộc cải cách thời Gregoriô. Phải nhận định rằng ý tưởng của Ngài rất cao thượng, Ngài quan niệm hàng giáo sĩ được đặt ra ngoài mọi người khác bởi phép truyền chức thánh làm thành một cộng đoàn siêu nhiên ấn định bởi quyền ban bí tích và được cai quản bởi đấng kế vị thánh Phêrô. Họ phải sống xứng đáng với phận vụ thiêng liêng, Ngài nhiệt hành ủng hộ luật độc thân của giáo sĩ và chống lại mọi thứ buôn thần bán thánh.

Ngài cũng nỗ lực diệt trừ mọi can thiệp vào việc chọn giám mục, nhất là sự can thiệp của hoàng đế. Dầu không thành công trong việc này, nhưng chắc chắn đã làm thay đổi thái độ của mọi người đối với Giáo hội.

Sau khi đã từ trần, lý tưởng canh tân Giáo hội của Ngài mới rõ rệt hơn, sắc bén hơn và tiến gần tới hiện thực hơn.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 24, 2014 in Các Thánh

 

10 CÁCH ỨNG XỬ CẦN CÓ TRONG GIA ĐÌNH

Ảnh

1. Lắng nghe tích cực: không đưa ra giải pháp, không đặt câu hỏi, và không tranh cãi. Đôi khi một thành viên nào đó trong gia đình chỉ cần những người thân của mình lắng nghe là đủ.

 

2. Nên giữ giới hạn: không xâm phạm vào không gian cá nhân của người thân khi không có sự đồng ý của người đó. Tôn trọng câu chuyện cá nhân, vui vẻ khi người thân từ chối trả lời câu hỏi của mình.

 

3. Kiểm soát cảm xúc cá nhân: mình phải chịu trách nhiệm cho tình cảm của mình. Khi mình có thể mất kiểm soát thì xin lỗi và cố gắng không tái phạm. Đừng đòi hỏi người thân làm mình vui và đừng trách móc họ làm mình buồn.

 

4. Đáp lại, đừng đáp trả: đừng vội trả đủa khi cảm thấy bị tổn thương. Đôi khi lời nói làm người nghe bị tổn thương là vì cách suy diễn của người nghe chứ không phải sự cố tình của người nói. Hãy tìm cách đáp lại tích cực để tránh tốn thương cho đôi bên.

 

5. Im lặng không luôn luôn là vàng: khi không thể nói lời tốt đẹp thì im lặng, nhưng phải báo “tôi không thể nói chuyện bình tĩnh được, tôi cần yên tĩnh.” Vì nếu không sự im lặng sẽ làm cho người thân bối rối và có cảm giác bị chối bỏ.

 

6. Thông cảm: đừng vội phán xét hay tức giận. Thử đặt mình vào tình trạng của người thân để có thể thông cảm. Đừng vội kết luận, hãy tìm cách làm sáng tỏ suy diễn và kết luận của mình trước khi quyết định hành động.

 

7. Sống trong hiện tại: đừng nên nhắc lại những chuyện buồn trong quá khứ để tiếp tục buồn. Nhắc lại chuyện vui trong quá khứ sẽ làm mình so sánh và mất vui trong hiện tại. Đừng phỏng đoán chuyện tương lai rồi từ đó lo lắng buồn phiền.

 

8. Chia sẻ để gắn bó: chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, lo lắng với người thân của mình để cùng nhau cảm thấy sự quan trọng của từng người đối với nhau. Hãy nhận sự giúp đỡ và sẻ chia từ các thành viên khác trong gia đình để họ cảm nhận họ quan trọng.

 

9. Chấp nhận mình: cố gắng thay đổi mình tốt đẹp hơn không đồng nghĩa với từ chối bản chất thật của mình. Chỉ khi mình chấp nhận mình với những xấu tốt của mình, mình mới có thể chấp nhận người khác với những xâu tốt của họ.

 

10. Chấp nhận mọi người: hãy vui vẻ với người thân như chính họ. Mình không thể thay đổi người khác. Trách nhiệm của mình là giới thiệu thông tin có lợi cho người thân, nhưng từ chối là quyền của họ.

 

(Theo Nghệ Thuật Sống)

 

Nguồn: https://www.facebook.com/dinh.nguyenvan.370177

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 24, 2014 in Hôn Nhân Gia Đình

 

Thánh lễ cầu nguyện cho quê hương đất nước vào ngày 22.05 tại Gx. ĐMHCG

Image

 

http://www.chuacuuthe.com/2014/05/tuong-thuat-thanh-le-cau-nguyen-cho-que-huong-dat-nuoc-vao-ngay-22-05-tai-giao-xu-duc-me-hang-cuu-giup-q-3/

 

VRNs (23.05.2014) – Sài Gòn- Vào lúc 18 giờ, ngày 22.05, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Q.3, tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho sự an nguy của Tổ quốc, cho sự toàn vẹn lãnh thổ và nền hòa bình trên đất nước VN, đồng thời cũng đáp lại lời kêu gọi “cầu nguyện cho quê hương đất nước” của Hội Đồng Giám Mục VN.

Các linh mục đồng tế trong thánh lễ, 22.05.2014

Thánh lễ do cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT chủ tế cùng hơn 30 Quý cha đồng tế cho hơn 50 Quý thầy DCCT và gần 1000 giáo dân và lương dân tham dự. Ngoài ra còn có sự hiện diện đặc biệt của hơn 30 anh chị em đến từ cộng đoàn DCCT trên toàn cõi VN đến hiệp thông.

Trong bài giảng, cha Giám Tỉnh nhấn mạnh đến “niềm vui mang danh Chúa Giêsu” nghĩa là “được hưởng niền vui trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa bằng tình yêu thương sự hiệp nhất để niềm vui của anh em được trọn vẹn”.

Thế nhưng, “niềm vui mà Thiên Chúa muốn chúng ta – không loại trừ một ai, được tận hưởng là trong sự yêu thương hiệp thông, trong sự công bằng hòa bình. Nhưng niềm vui ấy đang bị đe dọa.”

Cha Giám Tỉnh giải thích: “giặc ngoại xâm đã tràn vào đất nước chúng ta. Từ lâu rồi, những hàng hóa và trái cây độc hại đầu độc cả một dân tộc chúng ta. Những công trình kém phẩm chất, gây phá hoại nhiều là xây dựng. Chúng ta có thể điểm lại tất cả các công trình đó dọc trên đất nước này. Một đất nước thân yêu, rừng vàng biển bạc bị tan nát vì giặc ngoại xâm như dự án boxit ở Tây Nguyên… Trung Cộng đã đặt giàn khoan [HD 981] ngay giữa lòng biển của chúng ta. Tổ quốc đang lâm nguy và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) kêu gọi chúng ta cầu nguyện cho Tổ quốc.”

“HĐGMVN qua lá thư của Đức cha chủ tịch Phaolo đã gửi đến cho mọi thành phần dân Chúa, mỗi người tín hữu tùy theo lương tâm của mình đóng góp một cách thiết thực vào việc bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ tổ quốc là sứ mạng thiêng liêng. Hãy làm theo mách bảo của lương tâm mà không một thế lực nào có quyền ngăn cản bổn phận được thúc đẩy bởi lương tâm mà bảo về tổ quốc. Hôm nay, chúng ta vâng lời và chắc chắn phải vâng lời vì HĐGMVN đã chỉ cho chúng ta con đường đúng đắn cầu nguyện cho đất nước, cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho những người đang hung hăng xâm chiếm chúng ta nhận biết sự thật và chấm dứt tình trạng đó; cầu nguyện cho những người có trách nhiệm trên đất nước này biết sáng suốt lắng nghe tiếng Chúa trong lương tâm của họ để cùng với toàn dân bảo vệ đất nước, gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ. Lương tâm của người tín hữu trước lời kêu gọi của HĐGMVN không được phép tránh né.”

Cha Giám tỉnh khằng định: “Đức cha chủ tịch Phaolô kêu gọi chúng ta cầu nguyện, sám hối, ăn chay. Đã có một lần Chúa Giêsu nói: “Loài quỷ dữ này sẽ không trừ được nó nếu không ăn chay cầu nguyện”.

Quan ngại trước tình hình nguy hiểm và căng thẳng này, ngày 09.05.2014, Đức tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, TGM giáo phận Sài Gòn, Chủ tịch HĐGMVN đã gởi đến Quý đức giám mục, linh mục, tu sĩ và cộng đồng dân Chúa một thông báo về Tình hình Biển Đông.

Trong thông báo nhấn mạnh: “Với Chính Phủ Việt Nam, tuy phải kiên trì đường lối ngoại giao, đối thoại để giải quyết xung đột, nhưng phải có lập trường kiên định lấy đạo lý truyền thống dân tộc vì dân, vì nước để thực hiện đường lối chính sách với Trung Quốc. Những thoả ước tôn trọng tình hữu nghị giữa hai quốc gia láng giềng, giữa hai Đảng Cộng sản thực tế đã cho thấy không mang lại ích lợi cho dân nước mà còn đưa đất nước vào tình trạng lâm nguy.” (số 2 trong thông báo)

Với người Công Giáo Việt Nam, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI huấn dụ: “Là người công giáo tốt cũng là công dân tốt”. Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương đất nước và với tất cả lương tâm của mình tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi cứu nguy Tổ quốc.”

Pv.VRNs

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 24, 2014 in Giáo Xứ ĐMHCG

 

THÔNG BÁO CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A 25/5/2014

Ảnh

 

 

VPGX trân trọng thông báo:

 

1/ Nhân kỷ niệm 50 năm hồng ân Tỉnh DCCT hiện diện tại Việt Nam (27/5/1964 – 27/5/2014), tại Nhà Thờ có tổ chức chương trình mừng lễ như sau:

Thứ Hai, 26/5/2014: 17 giờ 00 Thánh lễ, sau Thánh lễ có diễn nguyện.

Thứ Ba, 27/5/2014 : Ngày chính lễ.

17 giờ 00: Thánh lễ đồng tế, chủ sự Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc – Tổng Giáo Phận Sàigòn.

(Tại Nhà Nguyện Xóm các ngày 26 và 27/5/2014 không cử hành Thánh lễ.)

 

2/ Thứ Sáu 30/5/2014, tại Nhà Thờ Giáo Xứ và các Nhà Nguyện Xóm Giáo long trọng khai mạc Tuần Cửu Nhật kính Chúa Thánh Thần nhân lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Chúa Nhật 08/6/2014.

Xin lưu ý: Làm giờ kính trước mỗi Thánh lễ.

 

3/ Thứ Bảy 31/5/2014 Lễ Đức Maria thăm viếng Bà Êlisabeth lễ kính, bổn mạng Cộng đoàn Xóm Giáo 2.

 

4/ Giáo Xứ sẽ mở Lớp Giáo Lý Thêm Sức cho các em độ tuổi từ 12 đến 15 (Tức sinh năm 1999 – 2000 – 2001 – 2002) và được khai giảng vào lúc 19 giờ 30 ngày Thứ Hai 02/6/2014.

Thời gian ghi danh: Từ 07/5/2014 đến 27/5/2014

Xin lưu ý:

Các em sinh hoạt trong Xứ Đoàn xin ghi danh tại Xứ Đoàn.

Các em không sinh hoạt trong Xứ Đoàn, xin ghi danh tại Ban Điều Hành Xóm Giáo nơi cư ngụ. Xin quí phụ huynh quan tâm ghi danh cho các em đúng thời hạn.

 

5/ Thứ Bảy 14/6/2014, vào lúc 19 giờ 00, Giáo Xứ có tổ chức hội thảo chuyên đề  hậu kết hôn năm 2014.

Đề tài: Bạn biết gì về “Hội chứng tự kỷ” ở trẻ em?

Thuyết trình viên: Bác sĩ Têrêsa Phạm Ngọc Thanh.

Địa điểm: Lầu 3 – Phòng 01 (Dãy nhà giáo lý sau Nhà Thờ).

 

6/ Thứ Bảy 24/5/2014, sau Thánh lễ 18 giờ 30, Xóm Giáo 1 và 3 đại diện Giáo Xứ dâng hoa kính Đức Mẹ.

 

* Thông báo 6 không đọc các Thánh lễ Chúa Nhật 25/5/2014.

 

Xin quí cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa, xin Người đổ muôn phúc lộc cho Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam và Quí Linh mục, Tu sĩ nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện tại quê hương Việt Nam và Cộng Đoàn Xóm Giáo 2 nhân ngày bổn mạng Đức Mẹ Thăm Viếng.

 

VPGX

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 24, 2014 in Thông báo

 

LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH – NĂM A (25/05/2014) (Ga 14,15-21)

Ảnh

Chủ tế: (Tùy nghi)

Anh chị em thân mến! Qua Đức Kitô phục sinh, Thiên Chúa Cha đã ban tặng bình an và Thánh Thần cho các môn đệ cùng tất cả chúng ta. Trong tâm tình cảm mến tri ân, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu xin:

 

“Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bảo trợ khác.” Chúng ta cùng cầu xin Cha tuôn đổ Thần khí trên Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng Giám Mục và các Linh Mục, để các ngài chu toàn nhiệm vụ dẫn dắt đoàn chiên của Cha đã ủy thác.

 

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha. – Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.

 

“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” Chúng ta cùng cầu xin Cha cho mọi người trong cộng đoàn biết thể hiện lòng yêu mến Cha qua việc tuân giữ các giới răn, và tận tâm chu toàn bổn phận đối với gia đình cũng như xã hội.

 

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha. – Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.

 

Thứ Ba ngày 27/5/2014, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam, cộng đoàn cùng hiệp ý xin Cha soi sáng, hướng dẫn cho Quý Linh Mục, Tu Sĩ của Tỉnh Dòng luôn thực thi việc đem Chúa đến cho tất cả mọi người nhất là những người chưa nhận biết Chúa.

 

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha. – Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.

 

Thứ Bảy ngày 31/5/2014 lễ kính Đức Maria thăm viếng bà Élisabeth, bổn mạng Xóm Giáo 2. Chúng ta cùng cầu xin Cha ban nhiều ơn lành trên Linh Mục đặc trích, các giáo dân Xóm Giáo và những ai mang thánh hiệu.

 

Xướng: Chúng con nguyện xin Cha. – Đáp: Xin Cha nhậm lời chúng con.

 

Chủ tế: (Tùy nghi)

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin thương chúc lành cho những ý nguyện của chúng con và ban tràn đầy ân huệ Thánh Thần, giúp chúng con luôn hăng say trong sứ vụ loan báo niềm vui Phúc Âm giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.