RSS

Category Archives: Tin tức

Tết Trung Thu nơi Bệnh viện Dã chiến

 Têrêsa Nguyễn Vui  TNV 

Ngày 21/09/2021

Tết Trung Thu nơi Bệnh viện Dã chiến

TGPSG — Dưới sân của Bệnh viện Dã chiến, các TNV múa lân cho các bệnh nhân xem. Các cửa sổ của bệnh viện luôn mở để bệnh nhân có thể nghe được những âm thanh Trung Thu ấy…

Tết Trung thu đã đến. Em thơ tiếc nhớ dĩ vãng khi một mùa Tết thiếu nhi bị Covid-19 quấy rối làm cho mẹ không đi chợ mua đèn ông sao, đồ chơi, bánh Trung Thu… Ở góc phố không có tiếng trống múa sư tử, múa lân rộn ràng…

Dẫu dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhưng trong lòng trẻ thơ vẫn háo hức, chờ mong được đón Tết Trung thu với đêm trăng sáng đẹp bên những người thân yêu. Đó đây, trên đường đi làm về, tôi vẫn nghe vang lên những giai điệu rộn rã, vui tươi: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường…” ngân vang trong những ngôi nhà nhỏ giữa đại dịch Covid-19 làm ấm áp lòng người.

Với những thiện nguyện viên (TNV) nơi Bệnh viện Dã chiến thì đây là dịp hết sức đặc biệt bởi được đón Trung Thu ở môi trường đặc biệt với những bệnh nhân nơi đây. Không có các hoạt động bày cỗ, rước đèn ông sao, giao lưu văn nghệ… mà thay vào đó, chúng tôi tự tổ chức lễ Trung Thu ấm áp tình người bên bệnh nhân.

Để tạo niềm vui cho các bệnh nhân, chúng tôi đã tận dụng vật dụng có sẵn như giấy, lon nước, thùng cạc tông… làm cho các trẻ em nơi này những chiếc lồng đèn, những món đồ chơi thật đặc biệt. Sau đó, cùng nhau múa lân với những giai điệu rộn ràng của đêm hội trăng Rằm.

Vui đón Tết Trung Thu ngay trong Bệnh viện Dã chiến sẽ mãi là kỷ niệm khó quên đối với bệnh nhân mắc Covid-19 mà chúng tôi tự đặt cho cái tên thật ý nghĩa: “Trung thu yêu thương – Cùng bệnh nhân vượt qua đại dịch”.

Trong lớp áo bảo hộ, các TNV đã đem những phần quà gồm bánh và lồng đèn tự tay làm đến với các bệnh nhân. Những chiếc đèn lồng ấy tuy không rực rỡ, lộng lẫy bằng những chiếc đèn bày bán sẵn giống mọi năm, nhưng nó đã đem lại nụ cười rạng rỡ trên gương mặt bệnh nhân. Họ đã rất vui, rất hạnh phúc.

Có bệnh nhân rơi những giọt nước mắt vì cảm động: “Con nhớ Tết Trung Thu năm trước, con dẫn các con đi mua quà, bánh và cả đèn lồng cho tụi nó nữa. Lúc đó chưa có dịch, tụi nó được ra nhà Văn Hóa rước đèn cùng các bạn, rồi cười đùa vui vẻ. Bây giờ chắc tụi nó nhớ lắm, sơ ạ!” Nghe vậy, hai hàng nước mắt tự nhiên chảy xuống…

Bỗng các tiếng trống múa lân “cắc… tùng… tùng…” vang lên phá tan bầu khí tĩnh lặng của bệnh viện. Dưới sân của Bệnh viện Dã chiến, các TNV múa lân cho các bệnh nhân xem. Các cửa sổ của bệnh viện luôn mở để bệnh nhân có thể nghe được những âm thanh Trung Thu ấy, để họ không còn cảm thấy lẻ loi…

Vì muốn mang lại niềm vui cho các bệnh nhân, các TNV hát vang lên các giai điệu múa lân, rước đèn… quên cả trời đang mưa. Những chú lân ấy mới đặc biệt và đẹp làm sao! Đẹp không phải bởi màu sắc sặc sỡ bên ngoài nhưng đẹp nơi tâm hồn.

Quả thật, với những tâm hồn yêu thương, họ sẽ luôn biết cách khiến những thứ vô vị trở nên đặc biệt để tô điểm cuộc đời bằng những nét mới mẻ lạ thường. Với những người biết yêu thương, những gì mọi người cho là tầm thường và đơn điệu sẽ ẩn chứa những nguồn cảm hứng lớn lao mà không ai có thể hiểu được. Người ta sẽ luôn thắc mắc rằng tại sao những người có tấm lòng rộng mở lại có thể tìm thấy cảm hứng sáng tạo trong những điều bình thường và chán chường như vậy. Câu trả lời chính là Tình yêu. Có lẽ họ học được nơi Chúa Giêsu bài học “yêu thương người khác như chính mình” và rồi lan tỏa tình yêu ấy cho tha nhân.

Lâu lắm rồi, Bệnh viện Dã chiến mới sôi động như vậy. Sân khấu là khuôn viên của bệnh viện. Khán giả là những trường hợp F0, F1 đang cách ly và đứng trên các cửa sổ nhìn xuống. Những bài hát là các câu ca có chủ đề về Trung Thu, chị Hằng, chú Cuội… Các ca sĩ, nhạc công đều phải mặc đồ bảo hộ, nhưng ai cũng biểu diễn hết mình.

Một bệnh nhân bộc bạch: “Vô khu cách ly này vui quá, không những được chăm sóc tốt mà còn được mừng Tết Trung Thu, được tặng bánh, lồng đèn, còn được xem văn nghệ nữa. Biết vậy tui đăng ký vô đây từ lâu rồi!” Cả phòng ồ lên cười.

Với những bệnh nhân lớn tuổi, đây có lẽ là cái Tết đoàn viên đặc biệt nhất trong đời họ, khi các bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên trở thành những người thân của họ. Chính họ cảm nhận được sự ấm áp của tình thân trong ngôi nhà đặc biệt này. Quả là một mùa Trung Thu đặc biệt đối với cả các y bác sĩ và tình nguyện viên, tuy thiếu thốn nhiều thứ nhưng lại ấm áp tình người. Dẫu biết cuộc chiến chống Covid còn nhiều gian nan, nhưng mọi người vẫn luôn sát cánh cùng nhau vượt qua, để Tết Trung Thu năm sau sẽ ấm áp và trọn vẹn hơn.

Hy vọng những hoạt động nhỏ bé nhưng thiết thực trong dịp Tết Trung Thu này sẽ giúp các bệnh nhân mau hồi phục sức khỏe, có thể vững tin vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.

Bài Têrêsa Nguyễn Vui,
Ảnh TNV (TGPSG)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/tet-trung-thu-noi-benh-vien-da-chien-64221

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Chín 22, 2021 in Tin tức

 

Bệnh viện tư ‘chia lửa’ chống dịch

TP HCM1h, vừa đưa F0 vào bệnh viện dã chiến Bình Chánh cấp cứu, bác sĩ Trần Văn Dương nhận tiếp cuộc gọi có ca khác trở nặng, vội cùng đồng nghiệp lái xe cứu thương đi trong màn đêm.

F0 cần hỗ trợ là người đàn ông 65 tuổi suy hô hấp nặng, khó thở, ở quận 8. Bác sĩ Trần Văn Dương (36 tuổi, Giám đốc Phòng khám Đa Khoa Sài Gòn Medic) cùng bác sĩ hồi sức cấp cứu Nguyễn Minh Luân cho người bệnh thở oxy, đưa đi bệnh viện.

Được 1/3 quãng đường, bệnh nhân có dấu hiệu ngưng thở. Sau khi chia nhau bóp bóng, nhồi tim nhưng tình hình không cải thiện, bác sĩ Luân phải đặt nội khí quản ngay trên xe và thực hiện các bước hồi sức. Người đàn ông dần qua cơn nguy kịch, SpO2 nâng dần từ 52% lên 58%, sau đó lên 75% khi xe vừa đến bệnh viện.

Đây là ca thứ 8 trong ngày nhóm bác sĩ Dương hỗ trợ cấp cứu.

Xe cấp cứu của Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Medic chạy xuyên đêm đưa F0 đến bệnh viện. Ảnh: Saigonmedic
Xe cấp cứu của Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Medic chạy xuyên đêm đưa F0 đến bệnh viện. Ảnh: Saigonmedic

Từ cuối tháng 6, mỗi ngày TP HCM ghi nhận 2.000-3.000 ca nhiễm, hotline hỗ trợ và xe chở bệnh nhân đều quá tải, nhiều người bệnh trở nặng vì không thể tiếp cận lực lượng y tế… Xót ruột, anh Dương đóng cửa phòng khám, gửi công văn cho Sở Y tế đề xuất tình nguyện tham gia chống dịch. Ban đầu, nhóm anh gồm 10 bác sĩ và điều dưỡng, một xe cứu thương, chia thành 3 đội hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, khám miễn phí cho cư dân tại nhà. Trung bình mỗi ngày nhóm chở 5-10 ca cấp cứu.

“Chúng tôi không thể ngồi yên giữa đại dịch. Nhân lực mỏng, xe ít, đang chở bệnh nhân ở quận này thì F0 ở quận khác gọi. Tôi quyết định bỏ tiền túi đầu tư thêm một xe cứu thương và kêu gọi người tình nguyện chống dịch”, bác sĩ Dương chia sẻ.

Hiện, nhóm anh có hơn 60 nhân viên y tế, tình nguyện viên được chia thành 8 đội hỗ trợ tiêm chủng, xét nghiệm tại hai xã Tân Kiên và Phong Phú (huyện Bình Chánh) – một trong những nơi nhiều ca nhiễm nhất. Trên mỗi xe cấp cứu được trang bị máy thở cơ bản, hai máy thở mini, thiết bị đặt nội khí quản dành cấp cứu F0. Hai tháng qua, tổng cộng nhóm đã hỗ trợ chuyển bệnh cấp cứu hơn 2.000 F0, cung cấp hàng trăm lượt bình oxy, máy đo SpO2, máy thở oxy cho bệnh nhân điều trị tại nhà.

Mỗi tháng, anh Dương phải chi gần 300 triệu đồng cho các khoản để duy trì phòng khám làm nơi hoạt động cho các tình nguyện viên. Riêng chi phí ăn uống sinh hoạt, mua sắm trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ chống dịch, thuốc, kit xét nghiệm… hết gần 700 triệu đồng. Nhiều mạnh thường quân, một số gia đình bệnh nhân được hỗ trợ miễn phí đã tìm đến đóng góp đồ bảo hộ, bình oxy, thiết bị y tế cùng chung tay chống dịch.

“Tôi cũng lo lắng khi sức khoẻ và tài lực đã dần cạn kiệt, khó giúp được nhiều người bệnh. Nếu chỉ mình tôi thì dễ nhưng đây là cả team, mỗi người một hoàn cảnh. Dịch có thể còn dài, sức khoẻ anh em bị bào mòn mà không có khoản động viên hỗ trợ sẽ rất dễ nản”, bác sĩ Dương nói.

Giám đốc Phòng khám Đa Khoa Sài Gòn Medic cho biết dự tính hỗ trợ chống dịch đến khi TP HCM hết giãn cách, sau đó quay lại mở cửa phòng khám để tiếp nhận bệnh nhân và F0 cần điều trị.

Êkip Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức mổ bắt con cho sản phụ đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh. Bệnh viện cung cấp
Êkip Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức mổ bắt con cho sản phụ đang điều trị Covid-19 tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để “chia lửa” với hệ thống y tế thành phố lúc số ca nhiễm lên tới cả trăm nghìn, cuối tháng 7, nhiều bệnh viện tư, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức đã chuyển công năng để điều trị Covid-19.

Bà Lê Thị Loãn (thường gọi là Ngọc, Phó giám đốc tài chính Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức) cho biết, hiện cơ sở điều trị cho 165 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 9 ca thở máy, 9 ca sử dụng máy thở oxy dòng cao (HNFC). Tổng số ca đã xuất viện đến 25/8 là 115. Bệnh viện đang huy động hơn 400 y bác sĩ để bảo đảm công tác chăm sóc và điều trị tích cực cho bệnh nhân. Sau thời gian đi vào hoạt động, hiện bệnh viện nâng quy mô từ 100 giường lên 200 giường bệnh.

“Đến nay, các kinh phí phát sinh nằm ngoài dự toán, bệnh viện vẫn phải gồng để duy trì điều trị cho người bệnh Covid-19”, bà Loan nói. Giá thuốc, vật tư y tế bệnh viện rất khó mua, thậm chí có thuốc đã cố gắng mua theo đúng giá của ngân sách để đảm bảo chi phí cho người bệnh hưởng, song các nhà cung cấp không đủ lượng cung cho những đơn vị thầu nên những đơn vị áp thầu không mua được.

Bệnh viện đã phải chi rất nhiều cho vật tư tiêu hao, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cấp 4, khẩu trang N95, hóa chất khử khuẩn… để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Chi phí xét nghiệm định kỳ để tầm soát và điều trị cho nhân viên nếu chẳng may bị lây nhiễm chéo. Các chi phí liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ đều tăng lên và hiện bệnh viện đều chi trả các khoản này.

“Trước đây số lượng vật tư, máy móc của bệnh viện không sử dụng nhiều, khi chuyển đổi bắt buộc bệnh viện phải trang bị thêm. Thực tế bệnh viện đã đầu tư thêm bồn oxy lỏng, mua mới 5 máy thở chức năng cao, 5 máy HFNC, máy lọc thận liên tục và lọc thận chu kỳ”, bà Ngọc nói.

Tương tự, Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á TP HCM đã đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây mới khu điều trị dã chiến và tự trang bị các trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao. Từ 6/8 đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 517 ca mắc Covid-19 trong đó có hơn 100 ca nặng phải đưa vào hồi sức tích cực. Hiện 163 Bệnh nhân đã được xuất viện, các trường hợp nằm điều trị đa phần diễn tiến tốt.

Bệnh viện cũng đã đầu tư trang thiết bị cải tiến phương pháp để nâng cao hiệu quả điều trị như máy thở, máy HFNC, phương pháp lọc máu hấp phụ, sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu: Remdesivir, Tocilluzumab.

Đánh giá cao vai trò tham gia chống dịch của lực lượng y tế tư nhân, UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Y tế cho các cơ sở này được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Bởi hầu hết các cơ sở đang gặp khó khăn do việc mua sắm thuốc, vật tư y tế… cũng như định mức sử dụng, chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt.

Cụ thể, cơ sở y tế tư nhân mua sắm không qua đấu thầu nên giá mua sắm một số loại thuốc, vật tư y tế… cao hơn giá mua của các cơ sở y tế công lập. Lương các nhân viên y tế tại cơ sở y tế tư nhân cũng cao hơn nhiều lần khối công lập. Ngân sách thành phố không thể chi theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân bởi không có căn cứ để thực hiện. Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng trả tiền điều trị Covid-19 để được chữa trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách.

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đa Khoa Xuyên Á. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Tổng thư ký liên chi hội Hành nghề Y tư nhân TP HCM, cho biết thành phố có khoảng 50 bệnh viện tư nhân, 250 phòng khám đa khoa và 6.000-7.000 phòng khám chuyên khoa và phòng mạch tư. Hiện, rất nhiều nơi đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do Covid-19 phức tạp nhưng vẫn tự nguyện tham gia chống dịch cùng địa phương, hoặc theo kêu gọi của ngành y tế.

Ông Hưng hoan nghênh kiến nghị của UBND TP HCM về việc cho các cơ sở y tế tư nhân được điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng. Bởi hệ thống y tế công đang rất quá tải, Bộ Y tế đã huy động hàng chục nghìn nhân sự y tế từ trung ương đến các địa phương, y bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên… chi viện cho thành phố nhưng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân Covid-19 vẫn chưa được đáp ứng hết.

“Với sự tham chiến của mạng lưới các cơ sở y tế tư nhân sẵn có, với sự liên kết chặt chẽ trước nay, chắc chắn sẽ góp phần giảm áp lực cho thành phố. Mặt khác, đặc thù của y tế tư nhân là tự thu, tự chi thì việc thu phí khám chữa bệnh là bình thường, hợp lý”, ông nói.

Theo bác sĩ Hưng, rất nhiều người trong số hơn 20.000 F0 đang điều trị tại nhà sẵn sàng trả phí để được chữa trị theo yêu cầu. Tuy nhiên, mức phí như thế nào phải nằm trong khung, quy định của cơ quan chức năng. Đồng thời bảng giá phải được liệt kê chi tiết, công khai, minh bạch để người dân tự lựa chọn có muốn điều trị tại cơ sở đó hay không.

“Hãy coi Covid-19 là một trong số các mặt bệnh thông thường để đưa ra bảng giá khám, điều trị phù hợp”, bác sĩ Hưng nói. Trong trường hợp người bệnh gặp khó khăn về kinh tế, không thể tự chi trả, cơ sở y tế tư nhân có thể linh động dùng nguồn quỹ từ thiện, công tác của mình cho số ít, hoặc kết nối với các tổ chức từ thiện khác để hỗ trợ người bệnh.

Lê Cầm – Anh Thư – Lê Phương

Nguồn: https://vnexpress.net/benh-vien-tu-chia-lua-chong-dich-4346058.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 29, 2021 in Tin tức

 

CHỦ BẾP ĂN TỪ THIỆN CƯỜNG BÉO QUA ĐỜI: VỢ XUẤT VIỆN CHỜ NHẬN TRO CỐT CHỒNG

Trước khi qua đời vì Covid-19, người đàn ông mang tên Cường Béo vẫn bình thản gửi lời động viên, dặn dò cộng sự tiếp tục giúp đỡ người khó khăn, nghèo đói.

Chủ quán ăn từ thiện Cường Béo qua đời

Những ngày qua, cộng đồng mạng liên tục chia sẻ, truyền đi thông tin chủ nhân quán cơm chay xã hội Cường Béo qua đời. Thông tin trên khiến nhiều người đau buồn, xót xa bởi Cường Béo được biết đến là người đàn ông dành nhiều năm để làm việc thiện.

Nhiều năm qua, Cường Béo, tên thật là Vũ Quốc Cường (SN 1975, ngụ phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) mở 2 quán cơm chay xã hội Cường Béo để hỗ trợ người nghèo. Dù nằm trong hẻm nhỏ nhưng quán cơm luôn là địa chỉ thân thuộc của hàng ngàn người nghèo tại TP.HCM.

Khi dịch bệnh bùng phát, anh và bạn bè tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để nấu các bữa cơm cho tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện cho bà con nơi tâm dịch, anh nhiễm Covid-19 rồi qua đời.

Chủ bếp ăn từ thiện Cường Béo qua đời: Vợ xuất viện chờ nhận tro cốt chồng 
Anh Cường Béo, người dành nhiều năm làm từ thiện vừa qua đời khiến nhiều người thương tiếc.

Sự ra đi của chủ nhân quán cơm chay xã hội Cường Béo khiến nhiều người xót xa, thương tiếc. Rất nhiều hội, nhóm thiện nguyện đã chia sẻ thông tin, bày tỏ niềm thương tiếc, nói lời chào tạm biệt người quá cố trên trang cá nhân của mình.

Đặc biệt, thông tin trước khi nhập viện, Cường Béo vẫn gọi điện thoại động viên, dặn dò cộng sự tiếp tục chăm lo cho người nghèo khiến cộng đồng mạng xúc động. Tài khoản có tên Trịnh Thủy chia sẻ: “Hơn 2 tháng đồng hành cùng nhau, bếp cơm anh Cường Béo đã hỗ trợ rất rất nhiều cho các bệnh viện, tuyến đầu chống dịch”.

“Anh dễ thương, khoan thai, nhẹ nhàng, vui tính cực kỳ và được tất cả những người tiếp xúc anh yêu mến. Khi thiếu nhân sự nấu cơm, anh đổi sang làm bánh mì ngọt buổi sáng cho y bác sỹ trước khi vào ca trực.

Chưa khi nào anh ngơi nghỉ hay nghĩ cho mình. Nhớ mãi lời cuối anh nói khi anh nhập viện ngày 17/8: “Thanh ơi, anh dương tính rồi, em ráng tiếp tục nha em. Cần gì anh gọi”…

Thôi thì kiếp này vậy là đủ rồi. Cầu mong anh thanh thản, cảm ơn anh vì đã gặp nhau và đồng hành chặng đường vừa qua! Cảm ơn vì tất cả những gì anh đã cống hiến cho đời này”, tài khoản này viết.

 Khi còn sống, anh nổi tiếng là người có đam mê làm từ thiện. Anh mở quán cơm chay xã hội để giúp người nghèo.

Anh Đỗ Học, một người bạn của Cường Béo cho biết, trước ngày phát hiện mình nhiễm Covid-19, anh Cường vẫn đi gửi tặng bánh mì cho người dân.

“Khi phải nhập viện, anh ấy vẫn gọi điện, nhờ bạn bè trong nhóm đem số bánh mì còn lại đi gửi cho người khó khăn. Lúc nào anh ấy cũng chỉ nghĩ cho người khác, còn mình thì cứ dung dị, xuề xòa”, anh Học chia sẻ.

Một nhân viên Trạm y tế phường Bến Nghé xác nhận thông tin anh Vũ Quốc Cường tử vong do nhiễm Covid-19. “Khi biết tin anh Cường nhiễm bệnh, chúng tôi đã đến thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Hiện nay, ngôi nhà gia đình người này ở vẫn đang bị phong tỏa. Nhà còn một cụ già, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho cụ”, người này cho biết.

“Chỉ để lại nhân đức và tấm lòng vì cộng đồng”

Anh Cường Béo phát hiện nhiễm Covid-19 vào ngày 16/8. Sau đó, cả gia đình anh gồm vợ và một số người cũng dương tính với Sars-Cov-2, phải đi cách ly, điều trị. Hôm 17/8, anh được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị và mất vào ngày 22/8.

Anh Đỗ Học cho biết, khi nghe tin anh Cường mất vì Covid-19, anh rất đau xót. Bởi, ngày còn sống, anh Cường gần như dành toàn bộ tâm tư, tình cảm, sức lực của bản thân, gia đình để làm việc thiện.

 Anh Cường Béo thường xuyên đến những gia đình khó khăn để gửi quà.

“Anh mở quán cơm chay xã hội cho người nghèo, vận động, quyên góp tiền ủng hộ người khó khăn, xây nhà, tặng xe đạp… cho người cần. Làm được bao nhiêu, anh đều đem đi làm từ thiện hết, không tích góp, để lại gì cho vợ con… Đến khi mất, anh cũng không để lại được gì cho gia đình”, anh Học chia sẻ.

Vừa được xuất viện để chuẩn bị để tang chồng, chị Diệu Tuyền (vợ anh Cường Béo) xót xa cho biết, gia đình chị nhiều năm làm từ thiện nhưng lại chịu quá nhiều mất mát. Trước khi chồng qua đời vì Covid-19, chị cũng mất mẹ vì dịch bệnh.

“Hiện, gia đình chúng tôi ly tán. Mẹ, chồng tôi đã mất vì dịch bệnh. Các con tôi vẫn đang đi cách ly mỗi đứa mỗi nơi. Chỉ có một đứa đang học đại học y và tham gia tuyến đầu chống dịch là còn chạy đi chạy về lo việc nhà. Tôi vừa xuất viện, đến ở nhờ nhà người em để đợi nhận tro cốt chồng. Căn nhà thuê ở Quận 1 vẫn đang bị phong tỏa”, chị nói.

Chị Tuyền chia sẻ, trước khi mất, anh Cường Béo dành hết tâm huyết để làm thiện nguyện vì thế kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn. Hai vợ chồng làm làm lụng vất vả nhưng vẫn phải ở nhà thuê rộng chưa đầy 20m2.

 Cho đến khi mất, anh vẫn dặn dò bạn bè, cộng sự tiếp tục giúp đỡ người khó khăn hơn mình.

Cũng theo chị, khi còn sống, anh Cường chỉ lo giúp người nghèo. Khi thành phố thực hiện việc giãn cách, người người nhà nhà đi mua thức ăn dự trữ, anh lại dốc hết tiền đi mua hộp, túi, thức ăn chay về chất trong nhà.

Vợ hỏi, anh nói sẽ nấu cơm, bỏ hộp để gửi cho người nghèo, vô gia cư. Đến bây giờ, nhà anh ngoài số đồ đó chỉ còn đôi ba ký gạo. Chị Tuyền nói, gia đình hiểu tâm nguyện của anh nên chưa bao giờ trách móc.

Chị luôn cố gắng thu vén việc nhà, chăm lo con cái để anh có thể yên tâm làm thiện nguyện. Chị Tuyền tâm sự: “Anh ra đi không để lại tài sản gì vì có bao nhiêu anh đã dồn hết vào việc thiện nguyện. Có chăng, anh chỉ để lại nhân đức và tấm lòng vì cộng đồng”.

“Bây giờ, tôi chỉ mong các con được ăn học thành tài, duy trì được quán cơm xã hội để có thể chia sẻ khó khăn với sinh viên, người nghèo như anh từng ước nguyện lúc còn sống”, chị Tuyền nói.

Bài: Nguyễn Sơn(vietnamnet.vn)

Ảnh: Facebook nhân vật

Nguồn: http://gplongxuyen.org/tin-tuc/chu-bep-an-tu-thien-cuong-beo-qua-doi.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 25, 2021 in Tin tức

 

TRỰC TIẾP đường phố TP.HCM ngày 23/8: Giãn cách triệt để chống Covid-19, “ai ở đâu thì ở đó”

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 23, 2021 in Tin tức

 

Taliban tổ chức cuộc họp báo đầu tiên sau khi giành chính quyền

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 19, 2021 in Tin tức

 

Đoạn video cho thấy Taliban vào dinh Tổng thống ở Kabul | VOA

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 19, 2021 in Tin tức

 

Tóm tắt nhanh cuộc chiến Mỹ – Taliban tại Afghanistan 20 năm

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 19, 2021 in Tin tức

 

Thương Quá:1 Nữ Tu Chuyên Làm Từ Thiện “vừa bị L.ừa 20 Triệu Đồng”, Sơ Hồng Quế

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 18, 2021 in Tin tức

 

Afghanistan: Dòng người tránh Taliban chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 18, 2021 in Tin tức

 

Afghanistan: Taliban enters Kabul, awaits ‘peaceful transfer’ of power | Latest English News | World

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 16, 2021 in Tin tức