RSS

Monthly Archives: Tháng Sáu 2021

ĐÔI MẮT TÂM HỒN Ở GIÊ-RI-KHÔ (Mc 10:46-52)

ĐÔI MẮT TÂM HỒN Ở GIÊ-RI-KHÔ (Mc 10:46-52)

Tôi là Ba-ti-mê, một người mù từ thưở lọt lòng mẹ, sinh ra và lớn lên ở miền đất Do Thái cằn cỗi nắng cháy, nhưng lại trù phú về những luật lệ khắt khe, dồi dào những thành kiến về con người.  Chẳng biết cha mẹ tôi, ông bà Ti-mê, có phạm tội lỗi gì không mà Thiên Chúa lại trừng phạt tôi thế này.  Tôi không tin vào điều đó vì biết cha mẹ mình là người hiền lương, ngay thẳng.  Tôi cũng không tin đó là hình phạt bởi một Thiên Chúa Nhân Lành.  Nhưng đó là một tín điều mà cả xã hội Do Thái, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia tin tưởng như vậy.  Bởi thế tôi đã bị liệt vào hạng tội lỗi ngay khi cất tiếng khóc chào đời mà không chịu mở mắt nhìn đời.  Cuộc đời vốn đã bị nhiều thiệt thòi vì không được thấy ánh sáng mặt trời, tôi lại bị loại trừ ra khỏi xã hội loài người vì những thành kiến hủ tục của một xã hội quá “đạo đức.”

Ngày ngày tôi vác bị lê la ra ngồi ăn xin ở cổng thành Giê-ri-khô.  Bữa no, bữa đói tùy vào lòng thương xót của ông đi qua bà đi lại, nói chung cũng đủ để lây lất qua ngày, dù tôi chẳng biết sống qua ngày để làm gì.  Cuộc đời này có gì vui đâu để mà sống?  Vào buổi sáng của một ngày như mọi ngày, khi đang ngồi thơ thẩn chờ đợi ở ngoài cổng thành, tai tôi bỗng nghe được những âm thanh náo nhiệt ở phía trong thành vọng ra.  Tiếng ồn ào lào xào của một đám đông, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng chó sủa, tiếng những bước chân chen lấn xô đẩy… đang từ phía trong thành đi ra.  Lạ nhỉ, chắc là một đám đông lớn lắm đây, những âm thanh này khác hẳn với những đám đông khác.  Chuyện gì đang xảy ra thế nhỉ?  Đám đông này là ai?  Họ đi đâu?  Tôi nghểnh tai nghe ngóng!  Vì mất đi thị giác nên thính giác của tôi rất nhạy bén.  Tôi nghe thấp thoáng xen trong tiếng gió lao xao là những tiếng thì thầm: Ông Giêsu, Giêsu thành Nazarét…  Tim tôi bỗng như ngừng đập.  Có thật không?  Là vị Ngôn sứ Giêsu người đã gây nhiều xôn xao trong những ngày gần đây bởi những phép lạ, những lời giảng dạy về một giáo lý mới mẻ…  Tôi đã nghe thiên hạ bàn tán nhiều về con người lạ lùng này, về lòng thương xót của Người đối với những kẻ bần cùng bị bỏ rơi sống bên lề xã hội.  Tôi biết ông ta mà, không những thế, tôi còn biết cả cha mẹ, nghề nghiệp, và dòng dõi xuất thân của ông ấy nữa.  Ông thuộc dòng dõi Vua Đa-vít, một vị Vua Thánh nổi tiếng nhân từ trong lịch sử dân tộc tôi.  Tôi chờ đợi cơ hội này lâu lắm rồi.  Ông Giêsu đi ngang qua đây thật ư?  Lòng tôi bừng lên một tia hy vọng mong manh.

Tôi đứng phắt dậy, chộp cây gậy và quơ quơ trong không trung, rồi quay bên phải, quay bên trái, lúng túng không biết nên đi về hướng nào.  Sợ mất cơ hội ngàn vàng này, tôi lại bỏ gậy xuống đưa tay lên miệng làm loa hướng về đám đông la thật to:

– Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi.

Tôi hét thật lớn, lập đi lập lại nhiều lần đến khàn cả giọng với hy vọng ông Giêsu đang ở đâu đó trong đám đông có thể nghe được tiếng kêu lạc loài của tôi giữa những tiếng bát nháo hỗn độn.  Khoảng cách xa quá, tiếng kêu gào chưa tới được tai vị ngôn sứ thì đã làm cho những người đứng gần bên bực bội khó chịu.  Họ quát tháo nạt nộ bảo tôi im miệng.  Tôi cụt hứng, đang còn e dè chần chừ, bỗng một cái tát nảy lửa giáng vào mặt tôi, kèm theo một lời cục cằn thô lỗ:

– Mày có câm miệng lại không?

Cái tát làm tôi xiểng liểng mất thăng bằng ngã lăn quay ra đất.  Tôi lồm cồm bò dậy, tay run rẩy mò mẫm tìm gậy, người tôi chao đảo làm tư tưởng tôi cũng bị lung lay theo.  Có nên nghe lời mấy người hung dữ này không?  Nếu không nghe họ, tôi có thể tiếp tục ăn thêm mấy cái tát, hay cú đá nữa không chừng.  Rồi sau này họ không bố thí cho tôi nữa thì sao?  Tôi đang sống nhờ lòng thương xót của họ mà!  Sau một lúc dao động, tôi chợt bừng tỉnh!  Không!  Không được, nếu nghe họ, tôi sẽ đánh mất cơ hội ngàn năm một thưở này.  Biết bao giờ ông Giêsu mới đi qua đây lần thứ hai?  Nếu có, tôi đâu dám chắc mình sẽ ngồi ở đây lúc Ngài đi qua?  Hoặc nếu có, ai dám đảm bảo lúc đó lại không có những kỳ đà cản mũi khác?  Tôi không còn gì để mất!  Cuộc đời tôi đã đến tận cùng của bất hạnh rồi, không hoàn cảnh nào có thể tệ hơn.  Bất quá thì đói thôi!  Bất quá thì bị thiên hạ ghét bỏ, hoặc ăn thêm vài cái tát tai nữa là cùng.  Thà đói còn hơn sống kiếp mù loà.  Thà bị ghét mà được sáng mắt, còn hơn được thiên hạ ưu ái mà bị mù.  Lấy hết sức bình sinh tôi lại hướng về phía đám đông tiếp tục gào lên:

– Lạy Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi.

Tôi gào đến lạc cả giọng, chỉ sợ ông Giêsu đi ngõ khác mà biến mất.  Lần này tiếng tôi kêu gào đã thấu đến tai vị Ngôn Sứ thì phải.  Tôi nghe tiếng dừng lại của đám đông, hồi hộp chờ đợi tôi nghểnh cổ nghe ngóng.  Loáng thoáng trong những tiếng ồn ào hỗn loạn, tôi nghe văng vẳng như có tiếng Người gọi tôi:

– Gọi anh ta lại đây!

Hồi hộp chờ đợi là thế, nhưng khi nghe mình được kêu tên, ngạc nhiên chen lẫn lo sợ làm tôi lại thộn người đứng ì ra đó, không biết phải làm gì, không chắc là mình nghe có đúng không, không dám nhúc nhích, lòng vẫn còn lăn tăn sợ hãi, sợ lại bị ăn thêm mấy cái tát nảy lửa nữa thì khốn.  Như cảm thông với tâm tình rối loạn của tôi, một người đứng bên vỗ nhẹ lên vai tôi như trấn tĩnh, và bảo tôi đừng sợ, rồi một giọng nói thân thiện cất lên:

– Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!

Đúng thế ư?  Ngài gọi tôi thật sao?  Là vị tiên tri Giêsu mà tôi hằng ao ước được gặp mặt?  Tôi đứng phắt dậy, vất ngay cái áo choàng là vật gia bảo trong kiếp ăn xin của tôi lại, quờ quờ quạng quạng tiến về phía phát ra tiếng nói.  Thấy tội nghiệp, một người đưa tay ra dắt tôi đi, được vài bước rồi ra dấu bảo tôi dừng lại.  Biết là đã đến trước mặt Người, Đấng mà lòng tôi hằng ao ước được diện kiến, tôi quỳ thụp xuống bái lạy Người để tỏ lòng tôn kính.

Một thoáng im lặng ngột ngạt, tôi có cảm tưởng như Giêsu và cả đám đông đang chăm chú quan sát nhìn tôi.  Rồi tôi nghe một giọng mạnh mẽ trầm ấm vang lên, phá tan sự im lặng:

– Anh muốn tôi làm gì cho anh?

Xúc động trào dâng khiến tôi nghẹn ngào.  Vị ngôn sứ của dân tộc đang hạ mình xuống hỏi tôi, một kẻ ăn xin thấp hèn, cùng đinh của xã hội.  Tự dưng tôi ấp úng lúng búng gãi đầu gãi tai:

– Thưa Thầy, thưa… thưa… thưa… xin cho tôi nhìn thấy được.

Cung giọng trầm ấm lại vang lên một cách mạnh mẽ quả quyết:

– Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.

Ngay lập tức cái màng đen dầy đặc che kín cặp mắt tôi từ bao năm qua được vén sang một bên.  Tôi dụi mắt bồi hồi, cặp mắt đã quen với bóng đêm dày đặc chớp liên hồi.  Tôi mở mắt he hé.  Ánh sáng mặt trời rực rỡ ôm choàng lấy tôi bất kể thân phận tôi là ai.  Lòng tôi nghẹn ngào, rạo rực.  Tôi nhắm mắt lại, rồi mở ra, được một lúc lại nhắm lại, rồi mở ra.  Ánh sáng mặt trời là đây ư?  Chói chang quá!  Những tia sáng rực rỡ muôn màu sắc lung linh nhảy múa, lượn qua lượn lại rồi ôm choàng lấy tôi.  Thế giới này nhiều sắc màu quá, mỗi màu mỗi vẻ, màu nào cũng tươi đẹp đang nở nụ cười chào đón tôi.

Đám đông ồ lên xôn xao khi tận mắt chứng kiến phép lạ cả thể đang xảy ra trước mắt.  Người ta dìu tôi đứng dậy, tay tôi vẫn quơ quơ trong không khí theo phản xạ tự nhiên của những ngày mù lòa.  Tôi nhíu mày bắt đầu đưa cặp mắt yếu ớt nhìn dáo dác một vòng những người xung quanh.  Cái nhìn đầu tiên của tôi chạm ngay một cặp mắt nhân hậu đang mở to nhìn tôi với ánh nhìn trìu mến yêu thương.  Trên khuôn mặt rám nắng nở một nụ cười mãn nguyện của một người cha đang thích thú quan sát đứa con nhỏ loay hoay với món quà mới.  Tôi đoán đây chính là Giêsu, con cháu vua Đa-vít, Người chỉ phán một lời mà đôi mắt tôi thoát ra khỏi màn đêm tăm tối.  Ngài nhẹ nhàng cầm lấy tay tôi, dìu từng bước chân tôi tiến về phía trước, như người cha chào đón đứa con thơ, và tập cho con từng bước đi vào thế giới mới.  Cánh tay rắn rỏi của Ngài thay cho cây gậy là một điểm tựa vững chắc cho tôi trước một thế giới sáng mắt phức tạp mà tôi sắp bước vào.

Rồi Ngài đứng lại, buông tay tôi ra.  Tôi đứng im từ từ quan sát những khuôn mặt chập chờn xung quanh.  Có những khuôn mặt rạng rỡ hân hoan cùng chia sẻ niềm hạnh phúc với tôi, họ vẫy tay tươi cười chào đón tôi, đặc biệt là đám con nít.  Chúng la hét reo hò, vỗ tay hoan hô Vị Ngôn Sứ như vị anh hùng dân tộc.  Họ vui vẻ cười nói, chúc phúc cho tôi, và hân hoan cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa đã làm nên những điều kỳ diệu.  Cũng có những khuôn mặt thờ ơ lạnh lùng bàng quan, họ nhún vai nhếch mép cười khẩy, chẳng buồn cũng chẳng vui!  Phép lạ này chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống họ.  Có những khuôn mặt dữ tợn thô lỗ, họ né tránh cái nhìn của tôi bằng ánh mắt tiu ngỉu, ngại ngùng.  Tôi đoán đây là những người đã la lối hiếp đáp, ngăn cản không cho tôi kêu xin Giêsu.  Bên cạnh đó lại có những cặp mắt đỏ ngầu, cau có tức giận trong những khuôn mặt ra vẻ đạo đức đăm chiêu.  Những đôi môi tím tái mím chặt, như đang muốn thốt ra những lời nguyền rủa thay cho lời tạ ơn.

Tôi rùng mình nổi da gà khi cặp mắt non nớt của tôi dừng lại trên những khuôn mặt ngút ngàn chất chứa hờn căm, đầy ánh ghen tị đó.  Đa số họ là Pharisêu, kinh sư, và các vị trưởng lão chức sắc trong dân.  Cuộc đời dưới ánh sáng mặt trời đẹp quá mà, sao lại nhìn nhau bằng ánh mắt như thế?  Sao lại ghen tị?  Họ không quý ánh sáng nơi cặp mắt họ, họ không trân trọng những gì họ đang có, đang nhìn thấy được.  Tự nhiên tôi thấy sợ khi phải đối diện với nhóm người này.  Tâm hồn ghen tương đố kỵ của họ trái ngược với vẻ ngoài đạo mạo.  Thà họ dữ tợn cục cằn như đám người lỗ mãng kia thì tôi lại không sợ.

Tôi bối rối nhắm mắt lại định thần, hít thở thật sâu cho lòng lắng xuống, cho những cảm giác ngỡ ngàng ban đầu qua đi, cho những cảm xúc hồi hộp, hoang mang không còn nữa.  Tuy là kẻ cùng đinh trong xã hội nhưng tôi biết mình có quyền chọn cho mình cái hướng để nhìn, một con đường để đi.  Tôi muốn nhìn ai, muốn thấy gì trong thế giới mới này?  Tôi muốn đi đâu, sống cuộc đời như thế nào sau khi đã được sáng mắt?  Đức Giêsu không chỉ cho tôi sáng mắt để thấy ánh sáng mặt trời, thấy thế giới vật chất này, mà Ngài còn mở mắt linh hồn tôi, cho tôi thấy được những điều thầm kín bên trong trái tim mỗi người qua cửa ngõ tâm hồn.  Vâng, tôi là một kẻ ăn xin dơ bẩn hôi hám về thể xác, nhưng tôi không muốn cửa sổ tâm hồn của mình bị vẩn đục bởi những cái không đáng để nhìn.  Tôi mở mắt ra, quay tìm về hướng Giêsu.

Ngài vẫn còn đó, hiền lành và kiên nhẫn dù các môn đệ đang giục Ngài lên đường!  Ánh mắt nồng ấm tiếp tục chờ đợi, chờ cho tôi cứng cáp, chờ cho tôi hoàn hồn trước một thế giới xa lạ, chờ xem sự chọn lựa và quyết định của tôi.  Một nụ cười cảm thông kín đáo như trấn an tôi đừng sợ trước những cái nhìn nham hiểm đầy mưu mô kia, như khích lệ tôi hãy mạnh dạn can đảm đối đầu với cuộc sống mới.  Ôi ánh mắt nhân hậu, cả một bầu trời mở ra, cả một đại dương yêu thương mà tôi muốn chìm mình trong đó.  Đây là cặp mắt mà tôi muốn ngắm nhìn mãi.  Qua cặp mắt Ngài, tôi thấy đuợc những khát vọng hoài bão thiêng liêng đang ấp ủ trong trái tim nồng cháy, tôi cảm nhận được một con tim sùng sục lửa yêu thương, một tình yêu to lớn ôm ấp không chỉ mình tôi mà cả thế giới.  Nơi Ngài toả lan một sức mạnh vô hình cuốn hút lấy tôi, làm tôi không cưỡng lại được.  Tôi chợt nhận ra rằng ngoài Ngài, không còn một con đường nào khác cho tôi.  Ngoài ánh mắt Ngài ra, tôi không thể tìm thấy được cái nhìn yêu thương ấm áp của một người cha như thế.  Không thể tìm đâu được một tâm hồn tuyệt hảo hơn!  Ôi, Giêsu!  Giêsu chữa lành cho tôi không phải vì lời kêu xin của tôi, nhưng vì lòng thương xót vô biên của Ngài, vì Ngài là tình yêu, chứ Ngài không hề nợ nần gì tôi, hoặc có trách nhiệm bổn phận phải chữa lành cho tôi.  Tự dưng nước mắt tôi trào ra khi cảm nhận được tình yêu vô điều kiện đó, những giọt nước mắt đầu tiên từ khi được nhìn thấy cuộc đời.

Tôi cúi đầu mấp máy vài lời xin cho tôi được đi theo Giêsu và các môn đệ.  Tôi nghẹn ngào không nói được gì nhiều ngoài hai hàng nước mắt tuôn rơi.  Nhưng trong tim tôi thổn thức muốn nói với Ngài bao điều:  “Giêsu ơi, con là người vô dụng, không có tài cán gì ngoài tài ăn xin.  Con là kẻ bị bỏ rơi sống bên lề xã hội, xin hãy đón nhận con người hôi hám dơ bẩn cả về thể xác lẫn linh hồn của con.  Con quên chưa nói lời cám ơn Ngài, vị ân nhân của đời con, nhưng con biết Ngài thấu suốt tâm tư con.  Cuộc đời còn lại của con đây, xin được đặt dưới chân Ngài.  Xin cho con được đi theo Ngài trên mọi nẻo đường Ngài đi.  Cặp mắt con đây, xin dâng lên cho Ngài, xin cho cửa sổ tâm hồn con chỉ nhìn thấy Ngài, thấy những điều tốt đẹp của thế giới, của tình người, những gì mà Ngài muốn con nhìn thấy.  Xin cho con được ở lại trong ánh mắt yêu thương, trong trái tim nhân hậu của Ngài hôm nay, ngày mai và mãi mãi không bao giờ rời xa.”

Lang Thang Chiều Tím

Nguồn: https://suyniemhangngay.net/2018/10/25/doi-mat-tam-hon-o-gie-ri-kho-mc-1046-52/

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 30, 2021 in Suy tư, Uncategorized

 

DANH NGÔN VỀ VIẾT – VOLTAIRE

DANH NGÔN VỀ VIẾT – VOLTAIRE

Viết lách chính là hội hoạ của phát ngôn.

L’écriture est la peinture de la voix.

Voltaire(1694–1778) Nhà văn học, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia người Pháp.

Đọc thêm tại: https://www.tudiendanhngon.vn/danhngon/dn/itemid/6883 © TuDienDanhNgon.vn

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 30, 2021 in Lời hay ý đẹp

 

Sách là trái tim của những thời đại đã qua.

Sách là trái tim của những thời đại đã qua.

“Sách không chỉ là sách, chúng là cuộc sống, là trái tim và hạt nhân của những thời đại đã qua, là lý do mà con người lao động và chết, là cốt lõi và tinh hoa của bao cuộc đời.”

“For books are more than books, they are the life, the very heart and core of ages past, the reason why men worked and died, the essence and quintessence of their lives.”

Marcus Tullius Cicero

“Một người mê đọc sách sống hàng nghìn cuộc đời trước khi anh ta chết đi. Một người không bao giờ đọc sách chỉ sống duy nhất một cuộc đời”

“A reader lives a thousand lives before he dies. The man who never reads lives only one”

George R. R. Martin

Nguồn: https://vnthuquan.net

 
 

ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO HÔN NHÂN CỦA NHIỀU NGƯỜI KHÔNG HẠNH PHÚC?

ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO HÔN NHÂN CỦA NHIỀU NGƯỜI KHÔNG HẠNH PHÚC?

Aug. Trần Cao Khải

Vừa qua, trên trang Phụ Nữ Online (PNO) có đưa tin báo Phụ Nữ TPHCM mở diễn đàn có chủ đề Hạnh phúc gia đình xây bằng gì? nhằm giúp bạn đọc muôn phương cùng bàn luận, chia sẻ. Câu hỏi đặt ra là: “Với bạn, hạnh phúc gia đình được đong đếm, dựng xây, gìn giữ như thế nào?”. Có khá nhiều người tham gia diễn đàn với những bài viết khá hấp dẫn, đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế quý báu trong đời sống vợ chồng. Điều này chứng tỏ nhiều bạn trẻ ngày nay rất quan tâm tới vấn đề làm sao để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Khi đề cập đến vấn đề hạnh phúc trong hôn nhân, một câu hỏi khá phổ biến mà chúng ta thường nghe, đó là “Đối với đôi bạn, trong hôn nhân hạnh phúc có thật hay chỉ là ảo tưởng?”. Ai cũng biết rằng, ngày thành hôn cô dâu chú rể được đón nhận biết bao lời chúc phúc, chúc lành, chúc mừng trong đó nổi bật nhất là câu “Trăm năm hạnh phúc!”. Tuy nhiên, thực tế là, chẳng bao lâu sau ngày cưới, có nhiều bạn đã phải chia tay đường ai nấy đi. Hiện tượng ly hôn sớm đó hiện nay khá phổ biến và người ta đã dùng thuật ngữ “Ly hôn xanh” để ám chỉ tuổi thọ của hôn nhân chỉ kéo dài vài ba năm là tối đa.

Quả thực, có nhiều người cho rằng hạnh phúc trong hôn nhân là điều không thực, nó như cái bóng của mình, càng tìm kiếm nó càng chạy xa mình. Nói cách khác, hạnh phúc trong hôn nhân chỉ là một ảo tưởng. Chính vì vậy mà có người đã nói rằng chỉ khi nào đi được một nửa đoạn đường rồi thì người ta mới nhận ra hôn nhân (marriage) chỉ là một ảo ảnh (mirage). Hay cũng có người đã ví von cách chua xót rằng tình yêu chẳng khác nào như một giọt sương mai, trông xa thì lấp lánh như hạt kim cương, nhưng lại gần thì chỉ là một giọt lệ! Hôn nhân không còn là quà tặng hay ân huệ nữa, mà đã trở thành một bi kịch, một thảm họa cho người trong cuộc…

Thực tế đã cho thấy có khá nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và đổ vỡ. Không ít các cặp vợ chồng chỉ có thể sống với nhau một thời gian ngắn ngủi rồi tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi. Theo các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình thì con số ly hôn hiện nay ngày càng gia tăng, ngay cả đối với những cặp vợ chồng trẻ, mới lấy nhau. Nguyên nhân cũng là vì đôi bạn không còn cảm thấy hạnh phúc ngọt ngào bên nhau như thuở ban đầu nữa. Họ bắt đầu chán nhau, lạnh nhạt với nhau và coi cuộc hôn nhân như một nghĩa vụ nặng nề phải gánh vác suốt đời…

Sau đây, chúng ta tạm đưa ra một số lý do chính khiến nhiều người sống không hạnh phúc trong đời sống lứa đôi của mình.

I.- NHỮNG LÝ DO KHIẾN NHIỀU NGƯỜI SỐNG KHÔNG HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

1.1. Mơ hồ về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân

Trước đây, trên trang báo điện tử Dân Trí có bài viết tựa “Vì sao nhiều người không hạnh phúc trong hôn nhân?”, theo đó tác giả cho rằng nguyên nhân chính khiến nhiều cặp vợ chồng sống thiếu hạnh phúc đó là vì họ rất mơ hồ về vai trò và bổn phận của mình.[1]

Cũng qua bài báo trên, tác giả kể lại câu chuyện một nhóm bạn trẻ trên mạng xã hội đã phản ứng khá tiêu cực đối với câu hỏi của một thành viên nhóm đưa ra là “Theo bạn, hôn nhân là gì?”. Đã có khoảng trên 80% lượng bình luận trong hàng ngàn ý kiến, cho rằng hôn nhân là điều gì đó hết sức đau khổ, đắng cay. Những bình luận kiểu như: Hôn nhân là mộ phần tình yêu, hôn nhân là ngục tù, là lâu đài mà người ở trong muốn ra nhưng người ở ngoài muốn vào vv… Bài báo trên cũng cho biết thêm là dựa theo kinh nghiệm của một chuyên gia tâm lý làm tư vấn lâu năm cho các cặp vợ chồng thì hiện nay số người đạt được hạnh phúc trong hôn nhân không nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cặp vợ chồng không hạnh phúc, trong đó, nguyên nhân căn bản, gốc rễ là bởi vì hầu hết các bạn nam nữ khi bước vào đời sống vợ chồng đều thiếu hụt kiến thức về hôn nhân.

Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm khoảng 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng… 30 tháng. Ba mươi tháng đã ly hôn, nghĩa là chưa đầy ba năm cưới nhau người ta đã quyết định chia tay. Họ chia tay hẳn là có nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là do họ chưa được trang bị đủ hành trang để vào đời, để “đi gánh vác”, để làm vợ làm chồng, để xây dựng mái ấm gia đình. Ngạn ngữ Nga có câu, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.

Khi kết hôn với nhau, đôi bạn không chỉ yêu nhau là đủ. Họ còn phải hiểu rõ ý nghĩa và mục đích của hôn nhân là gì. Mục đích được coi là ánh sáng chỉ dẫn và là kim chỉ nam giúp cho cuộc hôn nhân đi đúng hướng và tồn tại lâu dài. Văn hào Pháp Antoine de St Exupéry đã nói: “Yêu nhau không phải là ngồi đó nhìn nhau nhưng là cùng nhau nhìn về một hướng”.

1.2. Cái “Tôi” lấn lướt cái “Chúng ta”

Chúng ta đều biết rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ để tạo nên một đời sống chung vợ chồng. Khi tự nguyện đến với nhau, đôi bạn chấp nhận nên-một với người bạn đời của mình, lúc đó hôn nhân sẽ phải là 1+1=1. Một tình yêu, một gia đình, một mái ấm, một cuộc đời, một sứ mệnh, một tương lai.

Khi sống chung với nhau, đôi bạn sẽ nhận ra rằng, để sống hòa hợp và hạnh phúc lâu dài, mỗi người phải hy sinh một nửa cái “Tôi” để thích nghi với cái “Chúng ta”. Do đó mà ngày nay, người ta đề nghị một công thức mới cho các đôi vợ chồng, thay vì nói 1+1=1 thì nay là 0,5+0,5=1.

Người ta đã kinh nghiệm rằng, khi vợ chồng không chấp nhận hy sinh một nửa (0,5) cái “Tôi” – thường là ích kỷ – của mình thì cuộc sống chung sẽ rơi vào tình trạng khó khăn và bế tắc. Bởi vì trong đời sống vợ chồng, không phải ta được tự tung tự tác muốn làm gì thì làm, trái lại, phải hợp tác, hợp lực, hợp ý trong nhiều chuyện. Một danh nhân đã nói: “Trong hôn nhân, gặp nhau là bước đầu, sống chung với nhau là bước kế tiếp, làm việc chung với nhau mới làm nên một gia đình êm ấm ” (James Thurber). Ông bà ta nói không sai, “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.

Không thể có chuyện ông nói gà, bà nói vịt, hay trống đánh xuôi kèn thổi ngược được. Đôi bạn đừng để cho cái “Tôi” lấn lướt cái “Chúng ta” khiến cho vợ chồng không thể hoàn thành được những việc làm chung, những trách nhiệm chung, những công trình chung mà chính đôi bạn phải hợp tác thực hiện.

1.3. Thiếu kỹ năng thỏa hiệp và giải quyết mâu thuẫn

Ai cũng biết rằng, trong đời sống vợ chồng việc sống hòa hợp với nhau không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vì bá nhân bá tính, năm người mười ý. Không có đôi bạn nào mà lại không phải đối phó với những mâu thuẫn, trái ý xảy ra thường ngày trong đời sống vợ chồng. Nếu không biết cách thỏa hiệp với nhau một cách chân thành để giải quyết các mối bất đồng thì cuộc sống hôn nhân không thể hạnh phúc được.

Chẳng hạn, như ông bà ta thường nói “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”. Và như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nichlson). Hay như có người đã nhận xét: “Phân nửa những ‘vấn đề’ trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”.

Ngày nay người ta nhấn mạnh đến nghệ thuật nhượng bộ trong đời sống vợ chồng, xem đó như là một bí quyết để giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhượng bộ không phải thất thế, yếu kém, nhu nhược nhưng đó là thể hiện sự bao dung, quảng đại, biết điều trong ứng xử, làm sao để vợ chồng luôn giữ được thái độ tôn kính nhau, giúp gia đình luôn có hòa khí thực sự. Thực vậy, “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ tan vỡ bấy nhiêu”(G. Lombroero).

1.4. Quá ảo tưởng về một mô hình hôn nhân toàn hảo

Ở đây chúng ta sẽ nói về một vài ảo tưởng mà các đôi bạn trẻ thường có khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Đó là:

– Ảo tưởng về một tình yêu lãng mạn: Một tác giả trên tờ Thanh Niên điện tử đã viết như sau: “Nếu có ai đó nói với bạn rằng tình yêu sau hôn nhân vẫn lãng mạn như thuở mới yêu, họ đang nói dối. Nhưng nếu có ai nói rằng sau hôn nhân chẳng còn tình yêu, chỉ còn tình nghĩa, bạn cũng đừng tin. Tình yêu sau hôn nhân luôn luôn tồn tại, nếu bạn thực sự kết hôn với người mình yêu, nhưng tình yêu ấy sẽ luôn rất khác biệt với thứ tình đầy mơ mộng, lãng mạn khi cả hai còn chưa ràng buộc. Nếu nói tình yêu là một ly rượu vang thơm nồng, chuếnh choáng, thì tình yêu sau hôn nhân lại là ly nước lọc trong trẻo, giản dị. Ở bên cạnh nhau, người ta không thể uống rượu vang hàng ngày, nhưng nước lọc thì cần. Không màu mè, không mùi vị, sự trong trẻo giản đơn của nó cũng giống như tình yêu sau hôn nhân, một thứ tình cảm thực thà không thể giả tạo.” [2]

Trải qua năm tháng với nhiều khó khăn thử thách, tình yêu hai vợ chồng không còn lãng mạn như thủa ban đầu nữa. Họ nhận ra rằng thực tế hoàn toàn khác hẳn với những suy nghĩ của họ lúc ban đầu và nếu họ còn u mê chưa nhận ra sự thật thì chính ảo tưởng ấy sẽ giết chết tình yêu của hai người.

– Ảo tưởng về một bạn đời hoàn hảo và về một cuộc “hôn nhân không đau đớn”: Một trong những ảo tưởng lớn nhất của chúng ta là luôn “mơ” có một người bạn đời hoàn hảo và một cuộc hôn nhân không đau đớn. Thực tế là khi kết hôn, chúng ta phải chấp nhận sống chung với một người rất khác biệt với chúng ta mọi đàng và người ấy cũng có biết bao nhiêu sai lầm, khiếm khuyết vì “Nhân vô thập toàn”. Do đó, ta phải sẵn sàng sống chung với một người không hoàn hảo trong một cuộc hôn nhân đầy thương tích và đau khổ. Những người khôn ngoan vẫn nói rằng, hôn nhân không phải là “luống hồng” mà là một “chiến trường”, ở đó hai bạn phải là những chiến binh anh dũng và can đảm. Nếu không nhận ra điều này thì mãi mãi chúng ta phải sống trong đau khổ và thất vọng.

1.5. Khó thích nghi với đời sống chung vợ chồng

Một trong những lý do gây đau khổ và bất hạnh cho nhiều người, đó là họ không sẵn sàng để sống thích nghi với người bạn đời của mình và với đời sống chung vợ chồng. Sống thích nghi không phải là người này ép người kia phải suy nghĩ như mình, hành động như mình, ứng xử như mình, sống như cách sống của mình…trái lại, đó nghệ thuật “tự điều chỉnh” bằng việc thấu hiểu, cảm thông bạn đời nhờ đó hai người có thể hòa hợp với nhau, bổ túc cho nhau mà mỗi người vẫn giữ được bản sắc riêng của mình.

Bàn về sự thích nghi trong hôn nhân, trên trang báo vnexpress.net, một tác giả đã cho rằng: Hương vị tốt đẹp của hôn nhân đó là biết tự điều chỉnh bản thân. Bài báo kể rằng: Một người bạn của diễn viên Hải Thanh (Trung Quốc) từng than phiền về cuộc hôn nhân của mình và cho rằng họ đang trên bờ vực tan vỡ. Người bạn xin lời khuyên của diễn viên này về bí quyết duy trì hôn nhân hạnh phúc. Nữ diễn viên đã nói với bạn: “Tôi nghĩ hôn nhân cũng như việc nêm nếm gia vị vào một món ăn. Mỗi người sẽ có khẩu vị riêng, nhưng để cả hai cùng ăn được thì phải điều chỉnh gia vị để hợp cả đôi bên. Việc này cần luyện tập”. Nữ diễn viên cũng cho rằng, hôn nhân dù ban đầu tốt đẹp đến mấy rồi cũng sẽ trở về với cơm áo gạo tiền, ngọt bùi đắng cay đều nếm trải qua. Khi đam mê phai nhạt và cuộc sống rơi vào cảnh “tầm thường”, làm sao giữ cho hôn nhân luôn tươi mới là một phép thử tuyệt vời cho khả năng giữ lửa của đôi bên.

Nữ diễn viên cho rằng “Gia vị” không chỉ xem xét khẩu vị của mình mà còn phải xem xét khẩu vị của bạn đời nữa, điều này không thể tách rời với “gia vị” của sự thích nghi, khoan dung và tôn trọng. Việc hai người có thể gặp nhau, thành vợ thành chồng đã là một kỳ tích và họ chấp nhận đó như là duyên phận. Duy trì hôn nhân không phải dễ, mong rằng mỗi cặp đôi hãy hành động và trân trọng, chung sống hòa thuận, nắm tay nhau và đón nhận hạnh phúc trong sự thích nghi.[3]

1.6. Thường xuyên gặp bế tắc trong giao tiếp

Các nhà chuyên môn cho rằng việc giao tiếp giữa hai vợ chồng trong gia đình là điều rất quan trọng trong việc duy trì sự hòa hợp, hạnh phúc giữa đôi bạn. Nếu trong một ngày mà hai vợ chồng không dành cho nhau 30 phút để chuyện trò, tâm sự thì chứng tỏ cuộc sống của họ đang gặp bế tắc, khủng hoảng. Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc đôi bạn lạnh nhạt với nhau, không thèm nói chuyện với nhau, đó là họ không còn chút tình cảm gì với nhau nữa.

Quả vậy, khi không còn thương nhau nữa, việc phải trao đổi và gượng ép một mối quan hệ bắt buộc là rất khó khăn. Điều đó khiến cho cả hai mệt mỏi. Người ta bảo yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng. Khi vợ chồng đã hết yêu thương nhau là khi vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau nhiều. Sống trong một mái nhà mà không có sự trao đổi tiếng nói với nhau thì rất mệt mỏi! [4]

Vậy, điều cốt yếu là đôi bạn phải tìm cơ hội để giao tiếp với nhau, không để giữa hai người có khoảng lặng quá lớn chẳng hạn như hai người làm việc riêng, mạnh ai người đó quan tâm đến công việc của mình thôi và không hề nói chuyện với nhau. Trong khi đó, giao tiếp hằng ngày với nhau là yếu tố tạo nên hạnh phúc gia đình. Cuộc sống hôn nhân sẽ trở thành cơn ác mộng nếu suốt ngày cả hai vợ chồng không nói chuyện với nhau hoặc cảm thấy không có gì để nói. Đó thực chất là dấu hiệu cho thấy hôn nhân của đôi bạn đang có vấn đề nghiêm trọng và cần có giải pháp chấn chỉnh ngay… [5]

1.7. Lạnh nhạt trong đời sống tình dục

Chúng ta biết rằng, quan hệ tình dục là sợi dây gắn kết hôn nhân, là sự chia sẻ tình yêu, tình cảm của đôi bạn. Một khi quan hệ ấy gặp trục trặc cách nào đó thì đôi bạn sẽ rơi vào thái độ lạnh nhạt, chán nản, thất vọng…Tình trạng đó nếu kéo dài sẽ khiến cuộc hôn nhân nhiều phiền toái và không hạnh phúc.

Một nghiên cứu đã cho thấy khoảng 30% số cặp vợ chồng thực sự không có quan hệ tình dục với nhau trong những khoảng thời gian nhất định, khoảng 15% chung sống mà hoàn toàn không có “chuyện ấy”. Nguyên nhân của những trục trặc trong quan hệ vợ chồng thì có rất nhiều: Cuộc sống nhiều áp lực; vợ hoặc chồng quá quan tâm đến vấn đề khác (công việc, sự nghiệp/ học hành, con cái…); mâu thuẫn vợ chồng; sức khoẻ; điều kiện sống làm mất đi hứng thú… Thậm chí sự nhàm chán, sự kém hấp dẫn cũng làm cho quan hệ chăn gối không còn như trước nữa. Nhiều khi, việc kiêng cữ khi vợ mang thai, sinh con cũng làm cho người chồng mất dần cảm hứng… Những trục trặc này ban đầu có thể chưa gây vấn đề gì nhưng nếu kéo dài có thể khiến người trong cuộc có cảm giác tổn thương, nghi ngờ nhau, buồn tủi, mất dần cảm giác… [6]

Một tác giả đã nêu rõ thế này: “Không hòa hợp trong chuyện chăn gối là nguyên nhân dẫn đến ly hôn phổ biến. Tuy nhiên, nguyên nhân này ít được nhắc đến bởi khá tế nhị. Các cặp vợ chồng cũng ít khi hoặc không muốn chia sẻ với nhau về vấn đề này. Do không hiểu được suy nghĩ, mong muốn của đối phương mà chuyện chăn gối không được thỏa mãn. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc đòi hỏi phải có sự hòa hợp về mặt tinh thần và thể xác. Khi một trong hai hoặc cả hai người không đáp ứng được nhu cầu tự nhiên thì hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.” [7]

Nếu như trong quan hệ vợ chồng, chuyện chăn gối mà không làm thỏa mãn cho bạn đời hoặc tình trạng lãnh cảm diễn ra trong thời gian dài sẽ gây cho cho họ những bức xúc, căng thẳng trong quan hệ gia đình cũng như tình cảm vợ chồng. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, hơn 80% các cặp vợ chồng trên thế giới ly hôn do đời sống tình dục không hòa hợp. Họ không tìm được tiếng nói chung trong quan hệ chăn gối nên dẫn đến tình trạng đường ai nấy đi chứ không phải vì lý do kinh tế khó khăn hay các vấn đề khác chỉ chiếm số ít trong những trường hợp ly hôn này. [8]

II.- BÍ QUYẾT HẠNH PHÚC TRONG ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN KI-TÔ HỮU

Theo bản tin của Vatican News ngày 2-6-2021 vừa qua, trong ý cầu nguyện của tháng 6 cầu cho hôn nhân, Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã mời gọi các tín hữu cầu nguyện cách đặc biệt cho những người trẻ đang chuẩn bị cuộc hành trình hôn nhân dài suốt cuộc đời. Ngài cũng đồng thời khuyến khích người trẻ bước vào hành trình đầy đòi hỏi này bởi vì, theo ngài, kết hôn và chia sẻ đời sống của mình là một điều gì đó thật tốt đẹp, và đó là thực hiện ước mơ yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Bên cạnh đó, Đức Thánh cha cũng đề cập đến việc một số người cho rằng các bạn trẻ ngày nay không còn muốn kết hôn nữa, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này. Ngài đã nói đến tỷ lệ kết hôn giảm: Thống kê cho thấy, tại châu Mỹ, vào năm 2019, tỷ lệ kết hôn xuống thấp đến mức kỷ lục và tại châu Âu xuống gần 1/2 so với năm 1964, trong khi đó tỷ lệ ly dị tăng gần gấp đôi. Những thời gian cách ly của đại dịch tạo nên sự căng thẳng và các xung đột trong gia đình và khiến việc sống chung trở nên khó khăn hơn bình thường. Tuy nhiên, ĐTC đã đưa ra lời khuyến khích sau: “Hôn nhân là một hành trình đòi hỏi, đôi khi khó khăn, và đôi khi phức tạp, nhưng đáng để nỗ lực.” [9]

Như vậy, mặc dù biết rằng hôn nhân luôn là một thách đố lớn cho mọi người nói chung và cho các Ki-tô hữu nói riêng, chúng ta vẫn một lòng tin tưởng rằng nhờ ơn Chúa và đức tin soi sáng, hướng dẫn, cuộc sống hôn nhân của chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt thắng mọi khó khăn thử thách.

Dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh, chúng ta có thể đưa ra một số bí quyết nhờ đó Ki-tô hữu sống mầu nhiệm và bí tích hôn nhân một cách trọn hảo.

2.1. Ki-tô hữu hiểu rõ mục đích của hôn nhân là gì?

Giáo lý Hội thánh Công Giáo số 1660 dạy rằng: “Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, (đến) việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích”. Vậy, đối với đôi bạn Ki-tô hữu, hôn nhân có hai mục đích rõ ràng. Đó là trọn đời yêu thương nhau, và trách nhiệm sinh sản và giáo dục con cái.

– Về mục đích trọn đời yêu thương nhau: Đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy và sống với nhau là để giúp nhau phát triển tình yêu ấy. Nhờ khế ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, và được mời gọi mỗi ngày một trở nên gắn bó với nhau hơn qua việc nỗ lực sống cam kết trao hiến trọn vẹn cho nhau. Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời.

– Về mục đích sinh sản và giáo dục con cái: Đôi bạn chung sống để trọn đời yêu thương nhau, lại còn sinh sản, giáo dục con cái. Việc giáo dục là tất yếu tiếp theo việc sinh sản. Nền tảng việc sinh sản là yêu nhau đến độ nên một, và nên một cả trong việc sinh hoạt vợ chồng là để sinh sản. Việc sinh sản con cái như thế, là do lệnh truyền của Thiên Chúa, và do mục đích nội tại của phái tính.

Vậy có thể khẳng định, một cuộc hôn nhân thoát được khủng hoảng đổ vỡ và bất hạnh chính là nhờ đôi bạn đã kiên tâm theo đuổi mục đích như đã nêu trên.

2.2. Ki-tô hữu đón nhận hôn nhân như là quà tặng của Thiên Chúa

Ki-tô hữu xác tín rằng, Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ để họ kết hợp thành đôi hôn phối sống với nhau và nương tựa nhau: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18); “Bởi thế người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Như vậy sự kết hôn của họ nằm trong chương trình kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa: “Những đôi bạn cử hành hôn nhân Công giáo là những người đã đi vào trong chính kế hoạch của lịch sử cứu độ, mà cao điểm tìm thấy trong Giao Ước Tình Yêu của Đức Ki-tô với Hội thánh. Họ được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Tình Yêu Thiên Chúa…” [10]

Trước hết, hôn nhân được xem là quà tặng ơn gọi, nghĩa là Thiên Chúa đã kêu gọi con người đi vào kế hoạch cứu rỗi như là một ơn thiên triệu và hôn ước giữa hai người nam nữ được thiết định như một bí tích vừa đem lại ân sủng vừa thúc đẩy dấn thân chu toàn sứ mệnh. Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh: “Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu, Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người.” [11]

Ngoài ra, hôn nhân cũng là quà tặng sứ mệnh, nghĩa là Thiên Chúa đã ban cho con người một trái tim để yêu và được yêu, một giới tính để hấp dẫn và thu hút nhau, một định mệnh để liên kết sống-với-nhau. Khi lãnh nhận những ân huệ ấy, con người đáp trả Đấng Tạo Thành bằng việc thi hành sứ mệnh của hôn ước.Họ chấp nhận nên một để trọn đời yêu thương và nâng đỡ bổ sung cho nhau, “Không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (x. Mt 19,6; St 2,24). Thực vậy, “Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ sự thu hút tự nhiên về giới tính, cũng như từ sự bổ túc lẫn nhau giữa nam và nữ, được nuôi dưỡng nhờ những nỗ lực của đôi bạn muốn chia sẻ cho nhau trọn cả bản thân trong suốt cuộc đời”. [12]

Với ơn huệ quà tặng sứ mệnh, đôi bạn Ki-tô hữu chấp nhận liên kết nhau để hướng đến một mục đích cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản và giáo dục con cái. Họ ý thức rằng, “Con cái là ân huệ cao quý của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền lại cho con cái qua việc giáo dục. Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống và hạnh phúc” [13]

2.3. Ki-tô hữu sống mầu nhiệm bí tích hôn nhân: Yêu như Chúa yêu

Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, trong Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu đã viết: “Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người, giống như họa ảnh của Người. Khi vì yêu thương mà kêu gọi con người bước vào cuộc sống, Người cũng đồng thời mời gọi họ sống cho tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu và nơi chính mình Người, Người đang sống mầu nhiệm hiệp thông yêu thương giữa các ngôi vị. Khi tạo dựng nhân tính của người nam và người nữ theo hình ảnh Người và liên lỉ bảo toàn cho nhân tính ấy được hiện hữu. Thiên Chúa ghi khắc vào đó ơn gọi cũng như khả năng và trách nhiệm tương ứng, mời gọi con người sống yêu thương và hiệp thông. Tình yêu là ơn gọi căn bản và bẩm sinh của mọi người ”. [14]

Như vậy, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu không còn dừng lại trên bình diện nhân bản, tự nhiên mà được nâng lên bậc siêu nhiên. Tình yêu của đôi bạn dành cho nhau lúc đó sẽ dõi theo tình yêu Thiên Chúa dành cho con người và tình yêu của Chúa Ki-tô đối với nhân loại nói chung và với Hội thánh của Ngài nói riêng.

Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu như sau: “Vì lòng kính sợ Đức Ki-tô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh” (Ep 5, 21-25).

Hôn nhân Ki-tô giáo đã được Thiên Chúa thiết lập và thánh hóa. Chúa Giê-su đã có mặt tại tiệc cưới Cana để chia vui với đôi tân hôn và chúc phúc cho họ (x. Ga 2, 1-12). Ngài cũng như bao nhiêu người khác đều mong muốn đôi bạn sống hạnh phúc, yêu thương và trung tín. Sự hiện diện của Ngài ở đám cưới Cana với phép lạ biến nước lã thành rượu ngon chính là một dự báo về viễn ảnh Đức Ki-tô sẽ có mặt trong đời sống của tín hữu chúng ta, để ban cho chúng ta đủ ơn thánh và sức mạnh thiêng liêng hầu chu toàn bổn phận hôn nhân gia đình mình.

Đức Ki-tô đã tuyên bố: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Chúa đã dạy chúng ta hiểu thế nào là tình yêu Agape và phải thực hành tình yêu ấy ra sao trong đời sống hôn nhân gia đình. Tình yêu ấy là hi sinh tính mạng, là yêu đến cùng (x. Ga 13,1). Chính Ngài đã làm gương cho chúng ta trước. Vì yêu và vì hạnh phúc của chúng ta, Đức Ki-tô đã hi sinh đến chết (x. Ga 10, 17 ; Pl 2, 8). Đó là mẫu mực của tình yêu đích thực, tình yêu có sức mạnh cứu chuộc, thăng hoa và biến đổi. Vậy khi cam kết giao ước hôn nhân, đôi bạn sẽ dõi theo tình yêu của Chúa Ki-tô mà sẵn sàng chấp nhận một tình thương của người hi sinh mạng sống mình cho bạn.

Một cách cụ thể, thánh Phao-lô cũng đã khuyên nhủ chúng ta sống bí tích và mầu nhiệm hôn nhân dựa trên mẫu mực tình yêu và mối tương quan gắn bó giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh. Đức Ki-tô đã yêu thương Hội thánh, đã hiến mình vì Hội thánh, đã chăm sóc, nuôi dưỡng Hội thánh, đã hy sinh cứu chuộc Hội thánh thế nào thì vợ chồng cũng phải sống và đối xử với nhau như vậy.

Một cách cụ thể, thiết thực hơn, tình yêu trong hôn nhân Ki-tô hữu cũng phải phỏng theo lòng mến Ki-tô giáo, là điều mà thánh Phao-lô đã nhắc nhở trong thư 1Cor: “Lòng mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Lòng mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (x. 1Cor 13, 4-7).

Thiết nghĩ, sống trọn vẹn lòng mến như thế, tức là phải hi sinh, phải từ bỏ chính mình, phải quảng đại bao dung, phải chấp nhận cái chết-vì-yêu như Đức Ki-tô. Xây dựng trên nền tảng tình yêu ấy, cuộc hôn nhân của Ki-tô hữu chúng ta sẽ bền vững và hạnh phúc lâu dài ./.

Aug. Trần Cao Khải

Nguồn: WHĐ GMVN

[1]https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/vi-sao-nhieu-nguoi-khong-hanh-phuc-trong-hon-nhan-20190325144048125.htm

[2]https://thanhnien.vn/doi-song/sau-dam-cuoi-lieu-tinh-yeu-co-con-giua-cac-cap-doi-778400.html

[3]https://vnexpress.net/hon-nhan-khong-phai-1-1-2-4196597.html

[4]https://www.phunuvagiadinh.vn/chuyen-vo-chong-35/ngo-ngang-voi-nguyen-nhan-khien-vo-chong-khong-muon-noi-chuyen-voi-nhau-296539

[5]Những quy tắc ứng xử vợ chồng – Alpha Books biên soạn – NXB LĐ-XH Hà Nội 2018 trang 52-53

[6]https://vnexpress.net/vo-moi-doi-muoi-chong-da-lanh-nhat-chuyen-chan-goi-3283677.html

[7]https://www.mindalife.vn/nguyen-nhan-ly-hon/

[8]https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/Tinh-duc-trong-quan-he-vo-chong–Yeu-to-giu-gin-hanh-phuc-gia-dinh-26122.html

[9]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-06/dtc-phanxico-y-cau-nguyen-thang-6-cau-nguyen-cho-hon-nhan.html

[10]Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu – Phần 2 Giáo huấn về HNGĐ.

[11]Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu, số 11

[12]UB Giáo Lý Đức Tin – Giáo Lý Hôn Nhân Gia Đình – NXB TG Hànội 2004

[13]UB Giáo Lý Đức Tin – Giáo Lý Hôn Nhân Gia Đình – NXB TG Hànội 2004

[14]Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Tông huấn về những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu số 11

Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dieu-gi-khien-cho-hon-nhan-cua-nhieu-nguoi-khong-hanh-phuc–42144

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Hôn Nhân Gia Đình

 

99 KHOẢNH KHẮC ĐỜI NGƯỜI – ZHANG ZI WEN

99 KHOẢNH KHẮC ĐỜI NGƯỜI – ZHANG ZI WEN
 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Suy tư, Uncategorized

 

Bữa cơm niềm vui GX.ĐMHCG.SG 7-5-2021

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Uncategorized

 

Một ngày tĩnh tâm hướng về Chúa.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Uncategorized

 

5 Người này đến nhờ bạn giúp đỡ, hãy từ chối đừng miễn cưỡng | Người cuối cùng phải hết sức chú ý!!

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Uncategorized

 

Bài 01 Ađam và Evà có thật không? (Học Kinh Thánh với Sr Cảnh Tuyết OP)

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Uncategorized

 

Chụp hình với Tab Samsung Galaxy, mất hết

Chụp hình với Tab Samsung Galaxy, mất hết

Kính thưa GS HC Đẳng,

Tôi chụp hình với Tab Samsung Galaxy S, hình ảnh rất đẹp. Tôi làm 1 album trong Galleri và chuyển những hình vừa ý vào trong đó cất giữ.Tôi không muốn có nhiều thứ trong My files nên một hôm đẹp trời xóa hết files trong đó. Khi mở Galleri ra thì tất cả những hình ảnh đều biến mất, hình nằm trong những chỗ chứa khác cũng biến mất, không còn 1 tấm hình nào trong Tab. Tôi không hiểu tại sao?. Có cách nào cất giữ hình trong Tab mà không bị ảnh hương khi xoá hình trong My files?. Mong anh chỉ giáo giùm.

Chúc sức khỏe.

VTTinh

HCD: Thưa chị chuyện nầy nhiều người sơ ý cũng sẽ bị mất hình hay data (tài liệu) như chị.

Đó là Galaxy chỉ trử hình có một nơi thôi: My files và Galery là một. Galery là software để dùng cho tiện nhưng nó vẫn lấy hình trong cùng chỗ chứa là My files.  Khi chúng ta delete hình trong My files thì Galery đâu thấy hình để display nữa

Có cách nào cất giữ hình trong Tab mà không bị ảnh hương khi xoá hình trong My files?.

Có rất nhiều cách, khi chúng ta cần giữ hình ảnh thì nhớ đưa hình từ Galaxy (android nói chung) vào computer, xong từ computer copy vào external hard disk. Vậy là chúng ta giữ ba nơi cùng một tấm ảnh. Khi computer hư, ảnh vẫn còn trong external hard disk. Khi Galery hay iPad mất, ảnh vẫn còn trong computer và external hard disk. Hay tối thiểu copy hình vào micro SD gắn vào Galaxy, xong rút cái micriCard nầy ra cất.

Một cái micro SD hiện bán giá khoảng $0,5 một GB, một cái 32GB bán khỏng $14với giá nầy dùng chứa hình có khi quá mắc. Bỏ hình vào computer rẻ hơn nhiều.

Đây là điều mà tôi nhắc nhở hoài hoài. Tối thiểu phải có hai copy, tôi giữ ba bốn bản chớ không phải hai.

Khi chúng ta mất ảnh kỷ niêm, mới thấy rằng nó vô giá và không có gì thay được. Một chuyện nhắc thêm các bạn là cái memory card trong digital camara. Các bạn chớ có delete hình trong đó, cho tới phút chót khi cần mới delete, còn chụp về bỏ vào computer xong, cũng nhớ giữ hình trong memory card. Như vậy được hai nơi chứa ảnh. Lở hard disk hư thì còn ảnh trong memory card

Nhân đây nhắc thêm: có thể giữ ảnh trong “đám mây” (trử online).

Đây mà một phần nhỏ danh sách các đám mây cho free khoảng từ 2GB tới 5 GB, nhiều hơn phải trả tiền tháng.

Cách lưu trử online nầy ví như có cái external hard disk mang theo người, đến bất cứ đâu nối được Internet thì chúng ta đọc data hay hình đã trử trong đó. Nếu bỏ hình vào đây thì không mất khi ta delete hình trong Galaxy (iPad).

Cách lưu trử thứ hai, sơ ý là mất: đó là lưu trử từ đám mây của Galaxy (Samsung) cho, hay từ đám mây của iPad (Apple) cho tự động.  Cách trử nầy đồng bộ hóa với cái máy galaxy hay iPad. Thay đổi từ máy cầm tay nầy thì “đám mây” cũng sẽ thay theo. Delete hình trong Galaxy thì hình trong đám mây cũng bị delete theo. Đó là lý do chị mất ảnh.

Trở lại, lưu trử online (khoảng vài chục hãng cho không từ 2GB tơi 5GB, trên số đó thì trả tiền) có cái bất tiện là không vào Internet được thì không lấy data cần thiết trử trong đó được. Khi hãng trục trặc, có khi data mất luôn, có thể hacker nhào vô đọc trộm…. Theo người xưa dặn thì tiền bạc chớ đưa ai giữ, đeo theo người chắc ăn. Nhưng người xưa Tây có dặn, đừng bỏ tất cả quả trứng trong cùng một cái giỏ.

Tôi theo tiêu chuẩn quả trứng nên suốt cuộc đời thăng trầm, cháy nhà một lần lúc Mậu Thân, nhưng vẫn gượng dậy mạnh giỏi, đó là nhờ không bò hết quả trứng vào một nơi. Nếu là tài liệu quan trọng lắm lắm thì nhớ bỏ tại nhà một bản, bỏ ở nơi khác xa nhà một bản.

Nguồn: http://ndclnh-mytho-usa.org/Chuong_nhot_vit.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Sáu 28, 2021 in Thủ thuật Blog