RSS

Category Archives: Truyện

Bạn tôi mùa Covid

 Hồng Nhan 

Ngày 21/10/2021

Bạn tôi mùa Covid

TGPSG — Nhờ chiếc điện thoại, 4 người trong gia đình vẫn liên lạc được với nhau và động viện nhau lần chuỗi…

Có lẽ chưa bao giờ chiếc điện thoại di động lại trở nên thân thiết với tôi như trong mùa covid. Giãn cách không bước ra khỏi nhà thì làm sao thăm viếng nhau, làm sao mua thực phẩm, làm sao xúc tiến công việc đang dang dở? Chiếc điện thoại di động giúp tôi làm được tất cả mọi việc đó! Nó trở thành người bạn trung gian kết nối tôi với thế giới bên ngoài, nhất là với người thân và bạn bè thân thiết.

Thật vậy, trong khoảng thời gian cao điểm của dịch bệnh đợt 4, tôi nhận được  nhiều cuộc gọi rất ấn tượng, nhưng có 2 cuộc gọi mang đến 2 cảm xúc khác nhau mà tôi không sao quên được.

CUỘC GỌI THỨ NHẤT

– Em ơi, con Út nó ra sao rồi?

– Dạ, một giờ nữa, Y tế Phường sẽ có xe để đưa đi cách ly ở bệnh viện dã chiến thu dung.

– Ủa, sao nó nói nhất định cách ly ở nhà vì nó không thấy có triệu chứng gì hết? Với lại, nó đang ăn kiêng, sợ vô đó đồ ăn không hạp sẽ chết sớm!

Tội cho chị Hai ở cách xa nữa vòng trái đất, cứ liên tục gọi để biết tin tức của các em tại quê nhà. Nhà kế bên, cô Út có 3 người dương tính, nay đến phiên cô Út dương tính. Chị Ba ở khác quận, thuyết phục khô cả miệng, hết cả pin điện thoại, cuối cùng cô Út mới gật đầu chịu đi cách ly tập trung.

Bảy ngày sau, cô Út gọi lại từ nơi cách ly :

– Họ mới test lại, em âm tính rồi, chỉ còn ho chút chút thôi! Đợi làm thủ tục về nhà cách ly tiếp 14 ngày nữa!

Tin vui, mừng quá!

CUỘC GỌI THỨ HAI

– Chị ơi, chị mời cha nào xức dầu cho ông xã em đang ở Bệnh viện 115 được không? Em ở Bệnh viện Hồi sức 16 Thủ Đức, có cha trong nhóm tình nguyện viên biết em có đạo, nên đã giải tội, xức dầu và cho em rước lễ rồi, lúc em mới nhập viện đó!

Trời! Chồng cách ly một nơi, vợ cách ly một nơi, 2 đứa con cách ly ở một nơi khác. Nhờ chiếc điện thoại, 4 người trong gia đình vẫn liên lạc được với nhau và động viện nhau lần chuỗi, phó thác cho Lòng Chúa Thương xót.

Đúng một tháng sau, con gái báo tin:

– Cô ơi, mẹ con ‘ra đi’ vào rạng sáng nay rồi! Ba cha con tụi con từ nay không còn nghe tiếng mẹ nhắc lần chuỗi mỗi tối nữa rồi!

Tin sét đánh! Rụng rời! Mọi lời nói trở nên vô nghĩa!

Vài ngày sau, chiếc điện thoại cũng cho tôi thấy bạn mình trở về nhà, trong một ‘cái hộp’ xinh xắn! Buồn, nhưng đột nhiên tai nghe văng vẳng lời an ủi từ đáp ca trong thánh lễ online sáng nay:

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương  (Tv.118,1) 

Hồng  Nhan (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

https://tgpsaigon.net/bai-viet/ban-toi-mua-covid-64395

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Truyện

 

Kinh Mân Côi tỏa sáng giữa u ám đại dịch

 Giuse Maria Trần Anh 

Ngày 18/10/2021

Kinh Mân Côi tỏa sáng giữa u ám đại dịch

TGPSG — Tháng Mười, cả Sài Gòn đang rực sáng muôn tràng Mân Côi giữa những làn khói u ám lẩn khuất của tử thần trong đại dịch…

Trước đây, tôi chỉ thích cầu nguyện và thầm thì với Chúa. Thi thoảng tôi mới cầu nguyện với Mẹ Maria cách vắt tắt, ngắn gọn vì tâm trí tôi luôn hướng đến Chúa – Tình Yêu lớn nhất của đời tôi.

Thú thật, tôi thấy lần chuỗi Mân Côi mất thời gian: phải nhớ nguyện ngắm các mầu nhiệm Vui – Thương – Mừng – Sáng, rồi lặp đi lặp lại các kinh suốt một giờ đồng hồ, quá đơn điệu và dễ gây buồn ngủ. Vì bổn phận nên mới phải nguyện kinh Mân Côi cùng gia đình, chứ bản thân tôi không cảm thấy hào hứng, dẫu biết rằng Giáo Hội luôn đề cao tầm quan trọng của Kinh Mân Côi.

Nói như thế, không có nghĩa là tôi không có lòng sùng kính Đức Mẹ bởi tôi biết rằng chính Mẹ dịu hiền sẽ dẫn lối cho tôi đến với Chúa. Hằng ngày, tôi vẫn lần chuỗi Mân Côi cùng Mẹ và gia đình. Thế nhưng, tôi thường xuyên bị chia trí trong lúc đọc kinh, nghĩ cả đến những điều xằng bậy và ô uế, rồi cảm thấy xấu hổ và giả hình trước Mẹ. Nhiều lúc, tôi thấy thà chẳng đọc kinh còn hơn vì sẽ bớt đi những sự chia trí đáng sợ này. Tôi dằn vặt, suy nghĩ và cầu nguyện xin Chúa cho tôi lối thoát.

Rồi cơn đại dịch Covid-19 ập đến, khống chế cả thành phố này. Chứng kiến nhiều biến cố xảy ra với gia đình, người thân và mọi người xung quanh, nhưng tôi chẳng giúp được gì, chỉ quanh quẩn trong nhà và cảm thấy thật vô dụng. Chính lúc này đây, tôi mới nhận thấy bản thân thật yếu đuối, phận hèn mọn, chỉ biết nương tựa vào lời kinh nguyện.

Một cách nào đó, như được khai trí, tôi dần dần tập trung hơn khi lần chuỗi Mân Côi cùng gia đình. Miệng đọc, tâm trí thì nguyện: “Ôi lạy Mẹ rất Thánh, Mẹ cứu giúp kẻ khốn khổ, xin cho con được đắm đuối trong những lời kinh dâng Mẹ…”. Cứ như thế, những lần sau, lời nguyện của tôi ngày càng tha thiết, đôi khi nước mắt ứa khóe mi…

Vào một đêm, sau khi kết thúc buổi kinh nguyện cùng gia đình, tôi khép mắt, tay vẫn giữ chuỗi hạt và hướng lòng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi u buồn, úa tàn của tâm hồn mình để Mẹ thương đón nhận. “Xin Mẹ tha thứ cho vì dù đã rất cố gắng, chuỗi Mân Côi của con cũng chỉ được thế này thôi”, tôi thì thầm. Rồi như rơi vào cơn mộng mị, tôi thấy Mẹ dịu dàng khẽ chạm vào tràng hạt trên tay tôi, cả tràng chuỗi bỗng nở bừng những đóa hoa hồng rực rỡ tuyệt mỹ trong ánh sáng tinh tuyền, khiết trinh của Mẹ. Sau đó, cũng trong mộng mị, tôi thấy Mẹ đeo vào cổ tôi tràng chuỗi hoa hồng thánh thiên này, tâm hồn tôi bổng ngất ngây niềm hạnh phúc, mọi đau khổ thất vọng tan biến.

Sau đêm đó, tôi cảm nhận Mẹ luôn ở bên tôi và gia đình, nhất là trong giờ lần chuỗi Mân Côi. Tôi tin rằng, Mẹ đã cho tôi ân huệ được cảm nhận sự mầu nhiệm của lời kinh Mân Côi qua giấc mơ đó. Cả linh hồn và thân xác tôi được ngập tràn trong tình yêu và hạnh phúc. Và như thế, song song với nhu cầu đến với Bí tích Thánh Thể, tôi nhận ra bản thân mình không thể sống mà thiếu kinh Mân Côi.

Tháng Mười – tháng của những chiếc lá thu đổi màu, trời đất nhuộm màu mộng mơ, lơ đãng. Đây cũng là khoảng thời gian lý tưởng cho những đôi tình nhân lập kế hoạch cho một đám cưới đẹp nhất, hạnh phúc nhất vào mùa Xuân năm sau. Ấy vậy mà Sài Gòn vẫn đang trong cảnh đau thương khủng khiếp của cơn sóng dữ Covid. Những mất mát, khổ đau cùng cực đã in hằn vết thương tổn trên mọi con phố len lỏi vào từng gia đình, trên những phận người nghèo khổ, trên những đứa trẻ thơ dại.

Đặt mình vào trong những hoàn cảnh đó để cảm nhận rồi cùng đau đớn, xót xa và khóc cùng họ, con dâng lên Đức Mẹ những lời kinh Mân Côi và cầu xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa – Đấng luôn chạnh lòng thương xót, cho chúng con sức mạnh, bình an và ơn khôn ngoan để vượt qua mọi khó khăn.

Tháng Mười, cả Sài Gòn đang rực sáng muôn tràng Mân Côi giữa những làn khói u ám lẩn khuất của tử thần trong đại dịch. Bình an nhé Sài Gòn ơi, vì chúng ta có Đức Mẹ chở che qua những lời Kinh Mân Côi tha thiết. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Sài Gòn 10/2021
Giuse Maria Trần Anh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/kinh-man-coi-toa-sang-giua-u-am-dai-dich-64369

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Truyện

 

Ánh sáng Lời Chúa trong đêm đen đại dịch

 Xuân Nguyên 

Ngày 18/10/2021

Ánh sáng Lời Chúa trong đêm đen đại dịch

TGPSG — “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (TV 36) — Đó là ánh sáng Lời Chúa, soi đường giúp bà Đông kiên cường vượt qua đêm đen của đại dịch Covid khắc nghiệt này.

Quan ngại chung

Khi theo dõi tin tức hằng ngày, bà hoang mang căng thẳng vì những sự kiện: Cảnh các bệnh viện quá tải, số người chết ngày càng tăng, các xe tang chờ dài dài đến lượt hỏa táng. Thỉnh thoảng còi xe cứu thương vang lên bất kể ngày và đêm. Những tiếng gọi cửa nhắc mọi người đi test mới đáng sợ hơn. Và sau đó là cảnh các gia đình từ ông bà nội, ngoại, già, đến các trẻ em được đem đi cách ly trông rất đau thương. Làm sao không lo ngại khi một người 75 tuổi như bà, sắm vai người con, nuôi mẹ già yếu, 98 tuổi, nằm một chỗ. Bà vẫn lo sợ: “Nếu mẹ bà đã già, đau yếu như vậy bị nhiễm, thì mẹ bà sẽ được đem đi và sẽ chết chắc chắn không về. Nếu bản thân bà bị bệnh, bị cách ly thì ai sẽ chăm sóc cho người mẹ già yếu này.”

Ánh sáng Lời Chúa

Bà chỉ biết cầu xin Chúa thương xót gia đình bà. Những giờ kinh nguyện và thánh lễ rất có ý nghĩa với bà. Những gương mẫu trong Kinh Thánh: ông Abraham, Ông Giuse bị bán, ông Môsê, qua những dẫn giải của vị mục tử và quý cha là sự an bình, động viên bà rất nhiều trong những ngày giãn cách. Nếu Chúa không che chở phù trợ chắc bà đã ngã gục. Chúa đã dẫn dắt bà từng bước  trong 4 tháng dài có quá nhiều tin buồn hơn tin vui. 

Thân phận mỏng manh của con người

Bà giữ nguyên tắc 5 K rất nghiêm nhặt. Nhưng điều bất ngờ ngỡ ngàng đau xót đã xảy đến. Bà không khỏi ngạc nhiên và thất vọng khi cả nhà bị dương tính. Phút chốc bà cảm nhận được thân phận mỏng manh và bất lực của con người trước đại dịch. Hai người trong nhà đã tiêm một mũi vắc-xin Astra Zeneca. Bản thân bà, đã tiêm hai mũi vắc-xin Pfizer. Có thể mũi thứ hai được tiêm cách 4 ngày chưa đủ tác dụng. Có điều lạ lùng là mẹ bà chưa tiêm mũi vắc-xin nào thì lại âm tính. Việc phải đối mặt bây giờ là “Chăm sóc cho mẹ, phải thận trọng, giữ khoảng cách an toàn”. Và bà chỉ biết tín thác, vác thập giá Chúa trao.

Ơn Chúa

Trong đêm tối cuộc đời, bà đã thật sự cảm nghiệm được tình thương và sức mạnh Lòng Chúa thương xót. Chúa đã không để bà lạc lối trong đêm tối. Vào thời điểm này, điều thuận lợi mà bà vẫn mong đã diễn ra: Bộ Y tế đã cho phép các F0 được cách ly tại nhà. Và, nhiều điều tốt lành khác đã đến.

Khi hay tin không may này, các bạn blouse trắng tạo ngay một nhóm săn sóc F0 online, để cố vấn khuyến khích các F0 giữ vững tinh thần đối mặt với Covid. Các thuốc tốt và an toàn nhất được gửi đến, kèm theo một máy tạo oxy – máy này người bạn bác sĩ mới mua chưa sử dụng, dự trù dành cho người chị chồng F0, nhưng chị đã chiến thắng dịch bệnh nên không cần đến nữa. Để tăng cường sức đề kháng, các bạn của bà còn gửi những thùng thức ăn đầy đủ chất đạm như thịt heo, bò, gà, rau củ quả với lời nhắn “Cố gắng bồi dưỡng để có sức đề kháng”. Đồng thời, nhờ những lời động viên và chăm sóc tích cực của các bạn blouse trắng, bà đã lấy lại tinh thần.

Cả ba F0 trong gia đình bà chỉ biết tạ ơn Chúa. Trong tâm tình cầu nguyện và tín thác vào Chúa, các F0 bình tĩnh đếm từng ngày và theo dõi những triệu chứng: ho, sổ mũi, sốt cao, mất vị giác, khứu giác… và không quên theo dõi SpO2, tập thở và cố “ nuốt” những thức ăn bổ dưỡng. Gọi là cố nuốt vì cơ thể yếu bệnh và tâm lý không ổn đã làm mất đi cảm giác muốn ăn. Hơn thế, bà còn vướng thêm chứng tiêu chảy. Bà phải uống Oresol để bù mất nước và chất điện giải, húp cháo và nuốt cơm với cá kho, thịt kho không chút dầu mỡ.

Một ngày qua đi là niềm hy vọng tăng dần. Cứ thế 15 ngày trôi qua an toàn với các F0. Sợi dây phong tỏa lạnh lùng ngăn cách nhà của bà và người chung quanh được tháo gỡ. Tâm lý của bà theo đó cũng cải thiện, bớt lo sợ vì bà vẫn nghĩ nếu trong thời gian bị ‘chăng dây’ này, chẳng may mẹ bà mất đi, thì đám tang sẽ như thế nào, chắc chắn cái xác trong nhà F0 sẽ bị mang đi.

Cái chết trong ơn thánh

Niềm vui nhỏ mới nhóm lên thì buồn thay, mẹ bà có hiện tượng khó thở. Cũng may, Chúa đã an bài sẵn, máy trợ thở đã có ngay bên. Bây giờ những chăm sóc quan tâm quay về người mẹ già yếu đang thở khó nhọc với “dây râu” thường trực cắm vào mũi. Mẹ bà rên từng hồi nhỏ và đôi lúc rất to. Các bạn ngoài công giáo nói: mẹ bà đang vật lộn với ma vương. Giờ đây, bà chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện. Mỗi lúc mẹ bà la to, bà đánh thức mẹ dậy và hai mẹ con cùng lần chuỗi. Lúc bấy giờ mẹ bà tỉnh táo hơn, sốt sắng đáp kinh “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”

Khi mọi điều kiện y tế tạm ổn, bà ghĩ đến việc lo phần tâm linh cho mẹ. Cách ly hơn bốn tháng, tuy bà cùng mẹ luôn tham dự các thánh lễ online, nhưng điều bà ước mơ cho mẹ mình là được lãnh các bí tích cuối đời vẫn tốt đẹp hơn. Bà đếm từng ngày để chờ ngày 30/09 mau đến trong căng thẳng và lo âu.

Hết phong tỏa, ngày 2/10 là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ bà. Cha đã đến Xức Dầu và cho mẹ bà Rước lễ, trong tình trạng còn tỉnh táo và tâm trạng vui mừng. Còn niềm vui và hạnh phúc nào hơn, bà chỉ biết tạ ơn Chúa. Những ngày kế tiếp là những ngày sẵn sàng chờ đợi Chúa đến vì bà cảm nhận, mẹ bà yếu dần. Và thứ Tư ngày kính thánh Giuse trong Năm kính Thánh Giuse, mẹ bà đã nhẹ nhàng ra đi theo tiếng Chúa gọi.

Y tế phường lại đến test những người trong nhà. Tất cả đều âm tính nên mọi người thở phào nhẹ nhõm khi cầm giấy báo tử của mẹ bà trong tay. Theo như ước nguyện của bà, đám tang dược diễn ra thật ấm cúng giữa những người thân thương, với nghi thức Tẩn Liệm và Thánh lễ tại gia trong điều kiện cho phép không tụ tập quá 20 người. Và Thánh lễ cuối cùng của mẹ bà đã được cử hành tại thánh đường thân thương, nơi mẹ bà năng lui tới trong các sinh hoạt đạo và đời trong suốt 77 năm. Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, cái chết của mẹ bà là một ân phúc – không phải là sự chia ly đau thương mà là cuộc đi về với Chúa yêu thương.

Tâm tình tạ ơn

Từ những sự kiện đã trải qua, bà kết luận:

Trong mọi sự: Hãy cầu nguyện và tín thác vào Chúa. “Đường lối Chúa, tất cả là yêu thương và thành tín đối với ai tuân giữ giao ước của Ngài.” Cả nhà F0 mà bà không buồn và thất vọng vì qua những sự việc cụ thể trong đời, bà đã xác tín Lòng Chúa Thương Xót và đường lối Chúa quan phòng: Chúa không để bà phải đơn độc một mình. Chúa luôn kề bên, qua những cánh tay nối dài của Chúa là những người bạn thân yêu, các blouse trắng… Và hơn thế nữa, các F0 đã được cách ly tại nhà. Vì tất cả là F0, nên được miễn nhiễm tự nhiên. Các sinh hoạt gia đình thoải mái hơn khi một F0 kề cận chăm sóc một F0. Qua đó, bà có thể cận kề bên mẹ, cùng cầu nguyện với mẹ trong khi bình tĩnh làm hạ nhiệt cơn sốt cho mẹ, an ủi mẹ khi mẹ đang rất cần những lời động viên và bàn tay chăm sóc ân cần yêu thương.

Và niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là Chúa đã chờ đợi hết giãn cách mới gọi mẹ bà về với Chúa. Trong điều kiện xã hội thuận lợi dễ dàng hơn, đám tang diễn ra tốt đẹp không thiếu những nghi thức thánh.

Chính Chúa đã phán “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)

Vâng, bà và gia đình đã chạy đến với Chúa và ách Covid khó nhọc mà bà gánh đã được Chúa làm cho nhẹ nhàng qua những ơn phúc Ngài không ngừng tuôn đỗ trên bà. Bà chỉ biết thốt lên lời “Tạ ơn Chúa mãi không ngơi, vì đời con tất cả là hồng ân”.

Xuân Nguyên (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/anh-sang-loi-chua-trong-dem-den-dai-dich-64368

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Truyện

 

Nhớ lời Mẹ trăn trối

 Jos. Lương Tùng, CSsR. 

Ngày 15/10/2021

Nhớ lời Mẹ trăn trối

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục, đó là đại úy Laly. Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins và đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến và khuyên nhủ ông để lôi kéo ông ra khỏi tội ác, nhưng tất cả mọi cố gắng của các vị đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục. Thế rồi một hôm, khi mọi người tưởng như không còn chút hy vọng gì cho kẻ tội đồ, thì Laly đã lần mò đến với một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó, ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết” (Trích từ sách Lẽ Sống).

Chỉ với một kinh Kính Mừng mỗi ngày, chúng ta đã thấy: Thiên Chúa có cách để cứu vớt và hoán cải “một cuộc đời” tưởng chừng vô phương cứu chữa. Quả thật, lời cầu nguyện đẹp ý Thiên Chúa nhất không phải là những lời bay bổng, cao siêu, dài dòng, những thứ hoa ngôn hoạt ngữ hay những lời làm cho ai đó dâng tràn cảm xúc, nhưng lời cầu nguyện đẹp là những lời cầu nguyện phát xuất từ con tim chân thành, với sự khiêm tốn nhẫn nại sâu thẳm. Và kinh Kính Mừng chính là một phương thế tuyệt hảo mà Giáo Hội luôn khuyến khích con cái mình thực hành thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.

ĐTC Phanxicô khuyên các tín hữu rằng: “Với Kinh Mân Côi, chúng ta hãy tự mình cảm nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện này, là lời cầu nguyện đơn giản và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người. Trên hết, chúng ta cần được bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria dẫn dắt để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô: một khuôn mặt vui tươi, sáng láng, sầu muộn và vinh quang. Người nào, giống như Mẹ Maria và cùng với Mẹ Maria, cố gắng gìn giữ và suy gẫm về các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thì sẽ ngày càng đồng hóa các cảm xúc của mình và trở nên hoà hợp với Người”.

Như thế, theo lời khuyến khích của Đức Thánh Cha, cầu nguyện và suy gẫm mỗi ngày bằng kinh Mân Côi là cách để chúng ta yêu mến và nên giống Mẹ Maria của chúng ta hơn. Nhờ đó, chúng ta càng được đến gần và gắn bó hơn với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 15 tháng 10 năm 2021
Tu sĩ Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nho-loi-me-tran-troi-64350

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 16, 2021 in Suy tư, Truyện

 

Tin nhắn bất ngờ thời Covid

 Đoàn Văn Sơn 

Ngày 14/10/2021

Tin nhắn bất ngờ thời Covid

TGPSG — Cả gia đình chuẩn bị cho giấc ngủ, vì đêm đã khuya. Bất chợt điện thoại di động rung lên. Một tin nhắn bất ngờ đến từ Facebook: “Cháu Lan con Dũng Lài đây, cậu ơi!”

Tôi nhắn tin trả lời: “Vâng, cậu đây! Sao cháu liên lạc vào giờ này?”

Đợi tin nhắn hồi âm tiếp nhưng không thấy, tôi bèn gọi điện. Chuông đổ liên hồi, không thấy trả lời. Tôi tiếp tục gọi và kiên trì chờ đợi. Sau thời gian khá lâu, có tiếng trả lời với giọng nói run run có chút lo sợ: “Dạ dạ dạ…. cháu bị Côvít F0 rồi, cậu ơi!” Và cháu im lặng.

Tôi đợi xem cháu nói gì nữa không. Đợi hơi lâu không thấy nói gì, tôi biết cháu sợ nên khuyên: “Cháu bình tĩnh! Đừng sợ, trả lời cậu nhé! Cháu đang ở đâu? Ở với ai?”

Nghe giọng nói run run: “Dạ dạ dạ… Cháu ở Làng Đại Học Thủ Đức! Lúc đầu cháu ở chung phòng 8 người; một mình cháu bị Côvít F0; 7 người còn lại đều âm tính. Nay cháu ở phòng cách ly 9 người bị Côvít F0: có người già, người trẻ hơn cháu, và cả trẻ em nữa. Người thì ho sốt; có người cả ho cả sốt; cháu cũng vừa mới sốt xong!”

Nghe cháu nói, tim tôi nhói đau như có vật gì đâm vào làm tôi lặng đi hồi lâu mới hỏi được cháu: “Hiện giờ phòng cháu có gì để ăn? Có thuốc để uống, để phòng dịch chưa?” Cô bé trả lời: “Dạ dạ dạ… Trong phòng không thấy gì ngoài chai dầu gió đã cạn kiệt; 8 người trong phòng và cả cháu, ai cũng mở miệng chai dầu gió đó ra và ‘hôn vào nó’. Cháu mới vào nên rất lo, không biết bệnh của cháu rồi sẽ ra sao?”

Biết cháu sợ, tôi động viên: “Cháu đừng sợ, yên tâm mà điều trị, ngoài này có người hỗ trợ cháu!” Tôi hỏi tiếp: “Vậy thức ăn, thức uống ở khu cách ly thế nào?” Cháu trả lời: “Dạ ở khu cách ly này, đến buổi có phát cơm, nhưng đến 12g hay 13g30 mới nhận được cơm trưa. Nhiều khi đói run cả người nhưng không có cái gì để ăn?” Sao tội nghiệp thế!

“Cháu không còn tiền để mua đồ ăn sao?” – tôi hỏi. Cháu trả lời: “Cháu còn ít tiền nhưng không quen ai síp được đồ ăn vào. Ở khu cách ly không phải ai cũng vào được; tiền síp đắt gấp hai, gấp ba, có khi gấp bốn, gấp năm tiền mua thức ăn, và đưa đến rất khó. Các chốt ra vào không cho người di chuyển. Đêm đã khuya, cháu không biết liên lạc với ai nên nhắn cho cậu!”

Tôi trả lời: “Vâng! Cháu nhắn tin cho cậu là đúng rồi! Nhưng cháu phải báo cho bác sĩ để họ giúp cháu!” Cô bé ngập ngừng hồi lâu rồi nói: “Cháu sợ lắm, cháu sợ làm phiền nhiều người…”

Tôi ngắt lời cháu: “Sao cháu nghĩ thế? Cháu nghĩ không đúng. Cháu không báo cho gia đình, người thân biết cháu bị F0, thì cháu phải cho bác sĩ biết. Như thế bác sĩ mới giúp được cháu!” Cô bé tâm sự: “Cháu biết, nhưng cháu sợ mọi người lo. Sợ làm phiền nhiều người, sợ lây bệnh qua người khác, nên cháu tự ý quyết định gắng chịu một mình. Cháu nghĩ tự chăm sóc cho chính mình được. Không ngờ vào khu cách ly lại gặp khó khăn như thế!”

Giờ thì cháu Lan đã cho phép tôi nối máy nói với nhiều người về chuyện cháu Lan bị nhiễm Côvít. Tôi và cháu Lan đã kết nối với nhiều người khác bằng cách gọi điện thoại nhóm trên Facebook. Thế là ‘nhóm Facebook gia đình của tôi’ được ra đời. Mỗi người trong gia đình Facebook đều biết cháu Lan đang bị F0, ở nơi cách ly, biết điều Lan lo lắng và biết tình hình sức khỏe của Lan, nhờ đó, mọi thành viên trong gia đình đều quan tâm, quây quần bên Lan, làm cho Lan vui hơn.

Tôi bảo Lan kết bạn Facebook với một linh mục có ‘ních nêm: Âm Thầm Nẩy Mầm’. Vị linh mục này chuyên hỗ trợ cho người bị F0. Còn cháu Thủy gửi cho cháu Lan ‘ních nêm’ Facebook của chị Hồng Nghĩa để chị hỗ trợ thuốc cho cháu Lan.

Và thế là mọi thành viên trong gia đình, từ cậu bé hai tuổi đến cụ già tám mươi tuổi, đến vị linh mục, đến cô Hồng Nghĩa… tất cả đều dâng lời cầu xin cho cháu Lan sớm phục hồi sức khỏe.

Lời nguyện bắt đầu từ cậu bé hai tuổi, cậu tự quỳ gối lên và nguyện rằng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chị Lan của con sớm được khỏi F0, bây giờ…”; và mọi người tiếp nối dâng lời cầu xin cho cháu Lan sớm thoát khỏi F0.

Lời cầu xin của gia đình Facebook đã chạm đến Lòng Từ Ái của Chúa. Sau 13 ngày cách ly, cháu Lan không còn ho và lên cơn sốt nữa. Cháu được test kiểm tra lại: thật ngạc nhiên, cháu Lan từ F0 nay trở về âm tính hoàn toàn và được chính thức trở về phòng trọ với mọi người.

Xin chân thành cám ơn những tấm lònng nhiệt thành trong lời nói và hành động, đã góp phần xây dựng cuộc sống thực tại đầy Tình Trời, Tình Đời và Tình Người.

Dẫu rằng cuộc sống đầy khó khăn, dịch bệnh hoành hành, lòng người chao đảo, nhưng lời nói, việc làm, lòng nhiệt thành, những hy sinh quảng đại của quý vị đã làm cho Tin Mừng được sáng tỏ nơi nơi!

Tôi viết dòng chữ này trong thời khắc người dân Việt Nam đang “hồi hương” trên đất nước mình. Dòng người về quê ào ào như thác đổ. Nỗi đau trải dài trên vô số kiếp người. Hầm Hải Vân đã mở cửa cho dòng xe máy, xe thô sơ, và cả người đi bộ tiến vào. Niềm vui mừng sung sướng xiết bao, vì tránh được cảnh người dân vượt đèo cheo leo trong đêm giông bão. Quyết định ấy có tính nhân văn và mang nhiều tính nhân đạo. Dù biết rủi ro có thể xảy ra nhưng vẫn mở cửa hầm để cứu giúp cụ già, bà bầu và trẻ thơ măng sữa. Nhìn dòng người hồi hương với hai hàng lệ ứa mà nỗi đau thấm nhập tâm can. Rất may có những đồng bào địa phương cảm thương tiếp đón, giúp đỡ…

Cầu mong sao cho đất nước sớm trở lại bình an, cho dân tình mau thoát cơn hoạn nạn và Tin Mừng được tỏa rạng khắp quê hương Việt Nam này!

Sài Gòn, tháng 10 năm 2021
Đoàn Văn Sơn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/tin-nhan-bat-ngo-thoi-covid-64345

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 15, 2021 in Truyện

 

BÀI HỌC CUỘC SỐNG (Chia Sẻ Yêu Thương)

Một ông già ăn mày quần áo rách nát, đầu bù xù, mùi hôi khó chịu, dừng chân trước một bánh ngọt. Những khách hàng mua đứng bên cạnh cùng khó chịu, vô cảm với ông già.+ Nhân viên bán hàng quát: “Đi ngay chỗ khác! Đi ngay đi!”.+ Người ăn mày lấy ra mấy đồng tiền lẻ dơ bẩn: “Tôi đến mua bánh ngọt! Bán cho tôi loại bánh rẻ nhất?”.Từ bên trong, ông chủ đi ra, niềm nở lấy một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh từ trong tủ kính, đưa cho ông lão. Sau đó, ông chủ cúi thấp người và chào ông lão: “Cảm ơn quý khách đã chiếu cố tiệm bánh! Hoan nghênh khách hàng lần lại tới tiệm của chúng tôi!”.Ông lão lấy bánh từ tay ông chủ, hiện rõ vẻ kinh ngạc, quay người đi khỏi tiệm bánh. Trong đời ông, chưa từng được ai tôn trọng ông như vậy!Cháu trai ông chủ tiệm bánh chứng kiến toàn bộ sự việc, vô cùng thắc mắc, bèn hỏi: “Ông nội! Sao ông lại tôn trọng và niềm nở với ông lão ăn mày bẩn thỉu vậy?”.Ông chủ tiệm bánh cười hiền từ: “Một người ăn mày cũng vẫn là khách hàng mua bánh ngọt của cửa hàng chúng ta, ông ấy không có tiền tiêu, phải trải qua bao nhiêu vất vả mới kiếm được. Nếu ông ấy nhận phục vụ của chúng ta thì chúng ta đã lấy đi cái quyền khách hàng là thượng đế của ông lão chỉ vì ông lão quần áo rách nát, đầu bù xù, mùi hôi khó chịu. Như thế, là chúng ta sai lỗi hoàn toàn.Cháu trai ông chủ lại hỏi: “Vậy thì sao ông nội vẫn lấy tiền của ông cụ ăn mày ạ?”.Ông chủ cười trả lời: “Việc này, ông cụ đến đây với tư cách là khách hàng, chứ không phải để ăn xin cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông với tư cách là khách hàng! Nếu chúng ta không nhận lấy tiền của ông cụ thì chúng ta đã coi ông là lão ăn mày được bố thí chớ không phải là khách hàng. Nhất định con phải nhớ kỹ điều này, hãy tôn trọng từng khách hàng, bất kể họ là ai, ngay cả đó là người ăn mày. Gia đình chúng ta có được cơ ngơi và tiệm bánh lớn như ngày hôm nay đều là do khách hàng mang lại” …Chủ bánh cuốn chính là ông nội của tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi. Về sau, Tsutsumi kể lại rất nhiều lần câu chuyện cho nhân viên.Sưu tầmThông thường chúng ta nghĩ là người nhận phải xem người cho mình là một đại ân nhân của mình, nhưng đôi khi theo định luật thông thường đó thì người nhận lại có thể lại mắc nợ ân tình của người cho. Ông chủ tiệm bánh chẳng những không cho ông lão như kiểu bố thí cho người ăn mày mà ông đã tôn trọng phẩm giá của ông cụ, ông cụ nhận được sự giúp đỡ của ông chủ mà không phải mất đi phẩm giá ông cụ vốn có và không phải mang ơn ông chủ tiệm bánh. Trong chúng ta, ai không có đôi lúc gặp những hoàn cảnh như thế, chúng ta cũng mong gặp được người chia sẻ cho chúng ta mà vẫn tôn trọng phẩm giá của chúng ta. Câu chuyện trên của ông nội nhà tỷ phú không chỉ là bài học cho cháu ông là tỷ phú Yoshiaki Tsutsumi mà là bài học cho mọi người chúng ta khi sống đúng với Lời Chúa dạy: “Chia Sẻ Yêu Thương”Bút Chì Nhỏ.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Chín 18, 2021 in Giáo Dục, Truyện

 

Một lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục

 Vi Hữu chuyển ngữ từ Aleteia 

Ngày 12/09/2021

Một lính cứu hỏa 11/9 trở thành linh mục

TGPSG / Aleteia — Câu chuyện về Tom Colucci.

Ngày 11-9-2001 đã làm thay đổi cuộc đời của Tom Colucci mãi mãi. Anh ấy từng là đội trưởng của Sở Cứu hỏa New York.

Ngày hôm đó, anh chứng kiến những ​​người của mình chết: hàng chục thi thể không còn sự sống là kết quả của cơn điên cuồng giết người, và cái chết của linh mục tuyên úy của họ, Cha Mychal Judge, người đã ban Bí tích Xức Dầu cho một lính cứu hỏa.

Chúa ở đâu vào ngày hôm đó?

“Tôi đã nhìn thấy điều tồi tệ nhất của nhân loại vào ngày ấy, nhưng tôi cũng nhìn thấy điều tốt nhất của nhân loại vào ngày này,” anh nói.

Tom nhớ đến hàng trăm người – đàn ông, đàn bà và thậm chí cả trẻ em – đã xuất hiện để nỗ lực giúp đỡ các nạn nhân: “Họ là thân thể của Chúa Kitô! Chúa chắc chắn đã ở bên chúng tôi vào ngày hôm ấy.”

Tom sau đó đã quyết định trở thành linh mục để tiếp tục phục vụ và cứu thoát con người, cả thể xác lẫn linh hồn.

Vi Hữu (TGPSG) chuyển ngữ từ Aleteia

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/mot-linh-cuu-hoa-11-9-tro-thanh-linh-muc-64182

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Chín 13, 2021 in Suy tư, Tin Công giáo, Truyện

 

CON LẬT ĐẬT

Không gì có thể đánh gục tôi được. Bởi tôi đã quyết tâm làm một con lật đật…

Ngày tôi mới chập chững bước đi, chuyện vấp té là một điều không thể tránh khỏi. Mỗi lần vấp té, tôi vẫn thường nằm lì trên sàn nhà, chờ mẹ tới dỗ dành hoặc cho quà mới chịu ngồi dậy.

Có một lần tôi bị té khá đau, mẹ dỗ mãi vẫn không nín khóc được. Lần này không phải tôi cố tình làm nũng mà thực sự là tôi rất đau. Mẹ bỗng đứng lên, mở cái tủ nhỏ xíu vẫn hay đựng những thứ linh tinh của mẹ. Rồi mẹ đem đến trước mặt tôi một con lật đật.

Mẹ đặt con lật đật xuống đất, đẩy cho nó ngã lăn ra rồi nói với tôi:

– Con hãy nhìn kìa, lật đật tuy nhỏ hơn con nhưng mỗi lần bị xô ngã, nó vẫn tự đứng dậy được. Nhìn xem con gái yêu của mẹ!

Tôi nhìn con lật đật. Ðúng là khi bị xô ngã, lật đật bật dậy ngay. Tôi thích thú trước trò chơi mới và quên cả cái đau. Mẹ nhìn tôi cười dịu dàng và nói:

– Con thấy không, dù thế nào đi nữa, lật đật cũng tự đứng dậy được. Lật đật rất ngoan và mẹ tin con gái của mẹ cũng ngoan như thế.

Tôi đã nín khóc và cứ tròn xoe mắt nhìn con lật đật cứ lắc lư nhưng không bao giờ bị té. Ngày ấy tôi đã cố gắng giống như lật đật. Mỗi lần vấp té, tôi đều cố gắng bật dậy ngay. Mẹ vẫn hay gọi tôi là “Cô bé lật đật đáng yêu của mẹ”.

Bây giờ bên cạnh tôi không có mẹ. Tôi đã trưởng thành và phải tự mình lo liệu hết mọi thứ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn. Ðôi lúc mệt mỏi, chán chuờng, tôi muốn buông xuôi tất cả. Nhưng hình ảnh con lật đật và những lời động viên của mẹ cứ hiện về trong tôi. Và tôi lại tiếp tục bật dậy. Không gì có thể đánh gục tôi được. Bởi tôi đã quyết tâm làm một con lật đật…

Sưu tầm

Nguồn: http://gplongxuyen.com/tin-tuc/cau-chuyen-chieu-thu-bay-con-lat-dat.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Chín 12, 2021 in Suy tư, Truyện

 

Miền Đất Không Ai Chết

Miền Đất Không Ai Chết

Ảnh có tính minh họa.

Ngày xa xưa lắm có một anh nhà giàu tên là Plutôs. Anh có tất cả sự giàu sang phú quí trên dương thế, chỉ có điều là anh ngày càng yếu đi vì quá lo lắng là anh sẽ chết sớm trước khi hưởng dùng hết tài sản của mình. Anh đã tìm đến nhiều lương ý giỏi để tìm sự giúp đỡ, nhưng không ai có thể giúp anh giảm bớt đi sự lo lắng về cái chết của mình. Tất cả mọi lương y Plutôs gặp phải đều cho một lời khuyên như nhau: “Này Plutôs, không sớm thì muộn anh cũng chết, nhưng hãy đừng để cái chết đến sớm hơn bình thường vì sự lo lắng của anh.” Nghe như thế, Plutôs càng lo lắng thêm hơn. Anh không chấp nhận cuộc sống của mình bị giới hạn. Vì lẽ đó, anh nghĩ rằng nếu tìm được thần dược trường sinh thì anh sẽ vượt qua giới hạn của cái chết. Với tài sản có sẵn trong tay, anh quyết đi tìm thuốc trường sinh. Sau một thời gian lặn lội tìm kiếm, anh cũng nghe nói có vùng Đất Không Ai Chết, nếu ai sống ở đó sẽ vượt ra khỏi giới hạn của cái chết.

Plutôs thu xếp hết của cải và quyết đi tìm Miền Đất Không Ai Chết. Sau một thời gian kiếm tìm vất vả, anh đã tìm được Miền Đất Không Ai Chết. Người gác cổng là một ông lão trông như vị minh sư. Sau khi chào hỏi và được biết nguyện vọng của Plutôs. Ông lão cho biết, sau cánh cổng này sẽ là Miền Đất Không Ai Chết, trong đó người ta sẽ không bao giờ chết, nhưng những ai sống trong vùng đất này không có nghĩa là họ được tất cả những gì họ muốn, họ cũng sẽ gặp những giới hạn. Vì quá ham muốn cuộc sống trường sinh, Plutôs không cần để ý đến lời khuyên của ông lão; Plutôs chấp nhận bước qua cổng để vào Miền Đất Không Ai Chết.

Khi vào Miền Đất Không Ai Chết, Plutôs đã bắt tay vào việc xây dựng căn nhà của mình cho khang trang, tráng lệ. Thời gian thấm thoát trôi qua, Plutôs đã sống rất lâu, và như thế nối ám ảnh sợ chết cũng không còn. Dầu vậy, cuộc sống không chết của anh không mang lại hạnh phúc cho anh, nhưng lại tạo nên sự tẻ nhạt và đơn điệu. Plutôs từ từ cảm nghiệm rằng, nếu cuộc sống không thay đổi, không thăng trầm thì thật là tẻ nhật, đơn điệu, và buồn chán. Rồi một ngày kia, Plutôs chợt tự hỏi: “Một điều gì đó đáng lẽ phải xảy ra mà nó không bao giờ xảy ra, thì liệu rằng cuộc sống này có giá trị không? Và nếu nó thực sự không bao giờ xảy ra thì những giá trị mình đang sống có ý nghĩa gì?” Plutôs suy nghĩ tiếp, “Nếu hạnh phúc không bao giờ cạn, thì làm sao biết giá trị của hạnh phúc? Nếu tự do không có giới hạn, thì làm sao biết giá trị của tự do? Nếu đời sống tôi không bao giờ chết, thì đâu là giá trị của sự sống?” Những câu hỏi này như chìa khoá giúp anh tìm câu trả lời cho sự tẻ nhạt đơn điệu trong Miền Đất Không Ai Chết.

Plutôs đến tìm ông lão gác cổng và trút bầu tâm sự với sự buồn thảm âu lo. Ông lão hỏi lý do tại sao thì Plutôs cho biết, “Con cứ nghĩ là khi con không chết nữa, thì con sẽ mãi mãi hạnh phúc. Con sẽ không gặp bất cứ một giới hạn nào. Thế nhưng, sống trong Miền Đất Không Ai Chết này, con vẫn vị giới hạn, bằng chứng là con đã không cảm nghiệm được giá trị thật của hạnh phúc và tự do; con thấy cuộc đời đơn điệu không đẹp và thi vị như xưa.” Nghe xong, ông lão nhìn Plutôs và đưa cho Plutôs một mãnh giấy với câu hỏi: “Tôi thực sự khao khát điều gì?” “Con hãy suy nghĩ và quay trở lại đây gặp ta sau ba ngày” ông lão căn dặn.

Plutôs trở về đăm chiêu tìm câu trả lời cho chính mình trong suốt ba ngày. Cuối cùng, anh cũng tìm được câu trả lời ưng ý và thoã mãn cho anh  trước khi đi gặp ông lão, “Con muốn được tự do thật sự” Plutôs trả lời. Nghe như thế, ông lão nhìn Plutôs với vẻ trìu mến thân thương đáp, “Cuộc sống luôn có giới hạn, nhưng nhờ qui luật giới hạn này mà làm cho đời con thêm thi vị, hạnh phúc, và tự do.” Ông lão tiếp, “Để có được tự do thực sự, con không cần phải đến đây, nhưng hãy trở lại quê cũ và học chấp nhận giới hạn của con; con sẽ được tự do thực sự.”

* * *

Bạn thân mến, khi ta không chấp nhận giới hạn của chính mình, ta như bị những mũi tên bắn xé vào lòng ta và như cứ thúc giục ta tìm kiếm những điều gì đó rất mơ hồ, mông lung vượt quá tầm tay của mình. Sự tự do thật không phải như là một sự tích luỹ gom góp để rồi có, nhưng đó là sự thả lỏng và mở lòng để học chấp nhận.

Bởi đâu mà Plutôs lo lắng? Thưa bởi vì anh sợ chết sớm. Plutôs vì không chấp nhận giới hạn cái chết của phận người nên anh nghĩ là thuốc trường sinh sẽ giải quyết được vấn đề, tuy nhiên câu trả lời dành cho Plutôs không phải là thuốc trường sinh, nhưng là chấp nhận giới hạn của phận người. Bởi đâu ta lo lắng? Có phải vì ta không chấp nhận giới hạn của ta không? Vì bao lâu ta không chấp nhận giới hạn của ta, ta sẽ bị mất tự do vì bị thôi thúc kiếm tìm những điều vượt qua khỏi giới hạn của mình. Và khi đã vượt ra khỏi vòng giới hạn của mình, trong lòng ta lại tạo ra những luồng thúc đẩy mới để muốn làm chủ những cuộc phiêu lưu khắc khoải bất tật khác. Hãy dừng lại và chấp nhận giới hạn của mình, bạn ơi! Bạn sẽ được tự do.

Chúng ta cầu chúc cho nhau học chấp nhận giới hạn của chính mình và giới hạn của nhau, để nhờ đó mỗi ngày ta thêm khám phá rõ hơn quà tặng tự do mà chúng ta đang sở hữu. Nó không phải là sự gom góp thêm, nhưng là buông lỏng, thả rơi, để nó lộ ra.

Fr. HuynhquảngTác giả: Fr. Huynhquảng

Nguồn: http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=19&ia=12547

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 24, 2021 in Suy tư, Truyện

 

[Chuyện Tôi Kể] Còn trẻ-còn khỏe- còn dấn thân

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Tám 18, 2021 in Truyện