RSS

Category Archives: Tin Công giáo

Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh

 Ngày 30/10/2021

Bổ nhiệm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh

Lúc 17 giờ hôm nay, ngày 30 tháng 10 năm 2021, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam thông báo:

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm linh mục Giuse Đỗ Quang Khang,
thuộc linh mục đoàn Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh,
làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh.

Linh mục Giuse Đỗ Quang Khang đang đảm trách chức vụ Phó Giám đốc kiêm Giám học của Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

–––––––

Tiểu sử linh mục Giuse Đỗ Quang Khang

– Sinh ngày 07 tháng 11 năm 1965 tại Thủ Đức, Sài Gòn, là con thứ 8 trong gia đình có 10 người con gồm 3 trai 7 gái tại giáo xứ Từ Đức, Thủ Đức, Tổng giáo phận Sài Gòn

– Ông cố: Giuse Đỗ Văn Cao (đã qua đời); Bà cố: Maria Nguyễn Thị Tuyết

Nguyên quán ông bà cố ở giáo họ Hoàng Mai, giáo xứ Đạo Ngạn, giáo hạt Bắc Giang, giáo phận Bắc Ninh.

– Rửa tội: ngày 12 tháng 11 năm 1965 tại nhà thờ Từ Đức, Thủ Đức

– Thêm sức: ngày 1 tháng 5 năm 1973 tại nhà thờ Từ Đức, Thủ Đức

– 1981-1983: Học phổ thông Trung học Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức

– 1984-1987: Học Cao đẳng Sư phạm Tp.HCM

– 1988: Giáo viên Trường Hưng Bình, Thủ Đức

– 1989-1991: Thanh niên Xung phong Nông trường Nhị Xuân, Hóc Môn

– 10/1993-6/1999: Học Đại Chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn

– 30/06/1999: Thụ phong linh mục do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn

– 8/1999-3/2001: Linh mục Phụ tá giáo xứ Chợ Đũi, Hạt Sài Gòn

– 3/2001-6/2006: Học tại Học viện Công giáo Toulouse, Pháp, Tốt nghiệp Thạc sĩ Thần học Kinh thánh

– 6/2006-8/2010: Học tại Học viện Kinh thánh Giáo hoàng, Rôma, Tốt nghiệp Cử nhân Kinh Thánh

– 8/2010-10/2021: Linh mục nội trú Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Tham gia giảng dạy các môn Tin Mừng Nhất lãm, Công vụ Tông đồ và Hy Lạp Kinh Thánh tại Đại Chủng viện Sài Gòn, Đại Chủng viện Hà Nội, Học viện Công giáo Việt Nam, và một số học viện dòng tu…

– 10/2011-10/2021: Giám học Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– 8/2020-10/2021: Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

– Ngày 30/10/2021: Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm Giám mục phó giáo phận Bắc Ninh.

WHĐ (30.10.2021)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/bo-nhiem-giam-muc-pho-giao-phan-bac-ninh-64429

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 31, 2021 in Tin Công giáo

 

9 Tu sĩ lên đường phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (đợt 10)

 Sơn Nữ SPC 

Ngày 21/10/2021

9 Tu sĩ lên đường phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (đợt 10)

TGPSG — Cuộc đời chỉ ý nghĩa khi làm cho tình yêu Chúa được lan tỏa…

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ đã nhận định như thế trong buổi lễ ‘ra quân’ đợt 10 do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức cho 9 Tu sĩ lên dường phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu)

Buổi lễ đã diễn ra vào lúc 9g ngày 21-10-2021 tại sảnh Khách sạn Minh Tâm (số 145/8 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận.)

Đợt ‘ra quân’ cuối cùng này gồm có 9 tu sĩ thuộc các Hội dòng / Tu hội: Đức Mẹ Sept-Fons Pháp (1), Đức Bà Bác Ái Chúa Chiên Lành (1), Đaminh Bắc Ninh (1), Foyer Bình Triệu (1), Đaminh Bùi Chu (2), Nữ tu Đức Bà (2), Mến Thánh Giá Quy Nhơn (1).

Mở đầu buổi lễ, Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19 (BVHS) – đã thông tin:

Số lượng nhiễm trên địa bàn thành phố chúng ta đã giảm rất nhiều, tuy nhiên số lượng bệnh nhân nặng, cần chăm sóc đặc biệt thì vẫn còn, vì để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, ngoài chuyên môn, còn cần phục vụ vệ sinh, dinh dưỡng, tâm lý… BVHS được lãnh đạo giao nhiệm vụ là đơn vị sẽ đóng cửa cuối cùng: khi nào không còn bệnh nhân covid nặng trên địa bàn thành phố mới được quyền đóng cửa và bàn giao lại mặt bằng cho BV Ung Bướu cơ sở 2. Như thế từ bây giờ đến khi đóng cửa, hoạt động của tình nguyện viên (TNV) vẫn rất cần thiết cho hoạt động của bệnh viện.

Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn, Phó – Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19

Tiếp theo, Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM – sau những lời động viên các TNV, đã mong rằng đợt 10 này sẽ là đợt cuối. Bà phát biểu:

Chúng ta sẽ có kinh nghiệm phòng chống dịch; và đó sẽ là hành trang để sau này biết cách hướng dẫn những người bị nhiễm trong cộng đồng, góp sức phục hồi và phát triển thành phố. Cầu chúc các tu sĩ khi đi khỏe thì về cũng khỏe như vậy.

Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM

Sau đó, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ – đại diện Toà Tổng Giám mục SG – có đôi lời với các tu sĩ:

Khi cuộc sống đã bình thường rồi, mà các tu sĩ vẫn can đảm tiếp tục dấn thân ra tuyến đầu, thì đây là điều rất quý. Theo nhận định của bác sĩ Tuấn và bà Thanh Hương, thành phố đã  kiểm soát được dịch, nhưng nhu cầu người bệnh nhiễm covid vẫn còn, họ rất cần chúng ta. Giống như mầu nhiệm Thập giá – càng về cuối ân sủng càng chứa chan, bệnh viện lúc này rất cần các TNV, vì các bác sĩ bắt đầu rút hết trở lại bệnh viện để khám chữa bệnh bình thường. Mỗi sáng ngủ dậy hãy thấy sự hiện diện của mình là quan trọng vì giúp ích rất nhiều cho các bệnh nhân và người nhà của họ vào lúc này. Thật là ý nghĩa khi đem hết sức khỏe và tình yêu để phục vụ. Quả thực, cuộc đời chỉ ý nghĩa khi làm cho tình yêu Chúa được lan tỏa…

Lm Giuse Đào Nguyên Vũ – đại diện Toà Tổng Giám mục SG

Kết thúc lễ ‘ra quân’, tu sĩ Phêrô La Chí Phú – Dòng Đức Mẹ Sept-Fons Pháp – đã phát biểu:

Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta đã nói: “chúng ta không làm điều gì vĩ đại hết, chỉ làm những việc nhỏ nhặt thôi, nhưng với một tình yêu rộng lớn”. Chúng ta phục vụ bệnh nhân nhiễm covid với những công việc rất nhỏ nhặt, nhưng làm với hết tình yêu của mình, và tập luyện cho tình yêu ấy lớn lên, để có khả năng phục vụ nhiều hơn trong tương lai. Các bệnh nhân chính là hình ảnh của Chúa Giêsu đau đớn trên cây Thập giá. Vì thế phục vụ bệnh nhân là phục vụ chính Chúa.

Tu sĩ Phê rô cũng chia sẻ cảm xúc của mình: “Rất vui và hồi hộp khi mong mau được đến phục vụ tại bệnh viện”.

Tu sĩ Phê rô La Chí Phú – Đức Mẹ Sept-Fons Pháp

Được biết, tổng số TNV tu sĩ và linh mục tham gia 10 đợt ra quân, từ ngày 22-7 đến 21-10, là 535 người (507 tu sĩ, 21 linh mục, 7 phó tế), lên đường phục vụ tại 8 Bệnh viện: BV Dã Chiến (BVDC) số 10, BVDC số 12, BVDC số 16, BVHS, BV Quận 7, BV Nhân dân Gia Định, BV Tân Bình và BV Trưng Vương.

Sơn Nữ SPC (TGPSG)

https://tgpsaigon.net/bai-viet/9-tu-si-len-duong-phuc-vu-tai-benh-vien-hoi-suc-chuyen-sau-covid-19-dot-10-64393

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Tin Công giáo

 

Đón và ‘tri ân’ 1 linh mục và 3 sư huynh trở về từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định

 Sơn Nữ SPC 

Ngày 21/10/2021

Đón và ‘tri ân’ 1 linh mục và 3 sư huynh trở về từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định

TGPSG — Hãy kể lại cho người khác nghe câu chuyện tình người với trái tim yêu thương mà mình đã trải nghiệm…

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã đề nghị các tình nguyện viên (TNV) như thế trong lễ “Đón và ‘Tri ân’ các TNV Công giáo” (đợt 6) do Ban Thường trực UBMTTQVN TPHCM phối hợp tổ chức vào lúc 10g30 ngày 21-10-2021 tại Khách sạn Liberty Central (59 Paster, phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM).

Các TNV này – gồm linh mục Martino Trịnh Quang Khải và 3 tu sĩ thuộc Dòng Lasan – đã hỗ trợ Bệnh viện Nhân dân Gia định trong 1 tháng.

Trước buổi lễ

Trước khi buổi lễ diễn ra, chúng tôi có cuộc phỏng vấn BS Trần Quốc Hưng – Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Pv: Thưa bác sĩ, tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, từ khi lập khoa Hồi sức Tích cực để cứu chữa những bệnh nhân Covid 19 tới nay, các TNV đã hoạt động như thế nào?

Bs: Từ cuối tháng 7, bệnh viện được giao nhiệm vụ lập khoa Hồi sức tích cực để cứu chữa bệnh nhân covid-19. Ban đầu bệnh viện được nhận các nữ tu Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Sau thời gian hoàn thành tâm nguyện, các nữ tu đã trở về nhà dòng, bệnh viện lại được may mắn nhận 1 linh mục và 3 thầy của dòng Lasan hỗ trợ.

Các thầy làm công việc ở 2 khoa bệnh nặng nhất, là khoa Hồi sức 2A và Hồi sức tích cực. Chúng tôi làm rất nhiều về chuyên môn, nhưng trong việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, chúng tôi cần rất nhiều người cùng chung tay giúp sức. Chúng tôi đã được linh mục Martino Trịnh Quang Khải và các sơ, các thầy đến hỗ trợ hết mình bằng tình bác ái yêu thương. Thật sự chúng tôi mừng lắm và trân quý linh mục, các nữ tu và các thầy.

Pv: Thưa bác sĩ, tình hình dịch bệnh đã giảm, vậy hoạt động điều trị và hướng sắp tới ở bệnh viên Nhân Dân Gia Định có cần TNV hỗ trợ nữa không?

Bs: Hiện tại bệnh viện chỉ có khoa Hồi sức, còn hoạt động Điều trị Covid đang trong quá trình thoái lui. Dự kiến hết tháng 10 sẽ dừng điều trị. Nếu có bệnh nhân thì sẽ chuyển đến các cơ sở được tái lập lại. Trước đây, có rất nhiều Bệnh viện Dã chiến. Bây giờ tình hình dịch bệnh đã giảm, mình thu dồn lại, chỉ còn tập trung điều trị Covid ở một vài cơ sở thôi.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định được Sở Y Tế giao nhiệm vụ tiếp quản Trung tâm Hồi sức Tích cực do bệnh viện Bạch Mai để lại, cộng với Bệnh viện Dã chiến 16 ở quận 7. Công việc nơi đây vẫn còn nhiều nên cũng rất mong được các Hội dòng, các Sơ và các Thầy tiếp tục hỗ trợ.

Pv: Thưa bác sĩ, khi chữa trị bệnh nhân, ngoài việc điều trị thể lý thì tinh thần của họ cũng rất cần được quan tâm. Vậy theo bác sĩ, bệnh nhân hậu Covid cần được quan tâm chăm sóc như thế nào về thể lý và tinh thần?

Bs: Thực sự, người bệnh hậu Covid, ngoài vấn đề về thể chất với một số biến chứng về sức khỏe, còn có rất nhiều vấn đề tâm lý. Trong quá trình điều trị, ngoài việc chăm sóc chuyên môn, việc chăm sóc an ủi về tinh thần cũng thật là cần thiết. Và các tu sĩ đã là những người rất có tâm, rất đáng trân quý trong lãnh vực này.

Pv: Bác sĩ có thể cho vài lời khuyên với cộng đồng về việc phòng dịch như thế nào vì bây giờ mình đã mở cửa sống chung với dịch?

Bs: Hiện tại mình chuyển sang trạng thái bình thường mới. Các hoạt động trở lại gần như bình thường. Tuy nhiên bệnh dịch vẫn tồn tại chứ chưa hết thật, nên vấn đề tuân thủ nguyên tắc 5K vẫn là vấn đề quan trọng. Mọi người vẫn phải cảnh giác, phòng ngừa chứ không thể chủ quan.

Buổi lễ ‘Đón và Tri ân’

Vào lúc 10g30, buổi lễ ‘Đón và Tri ân’ đã diễn ra trong bầu khí ấm cúng và thân thương. Mặc dầu chỉ có 4 TNV, nhưng vẫn có những lời cảm ơn, chia sẻ rất chân tình của các vị lãnh đạo và ban tổ chức.

Hiện diện trong buổi lễ có Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM, Ông Nguyễn Văn Lượng – Phó trưởng Ban Tôn Giáo thành phố, BS Trần Quốc Hưng – Chủ tịch Công Đoàn Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ – đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn và 4 TNV.

Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM phát biểu:

Trước đây, mình đã đến để cùng Thành phố quyết tâm phòng chống dịch, kiểm soát dịch, chăm sóc bệnh nhân, mong bệnh nhân mau hồi phục về với gia đình. Hôm nay chúng ta ra về thì Thành phố đã đi vào giai đoạn “Bình thường mới”. Sứ mạng của chúng ta đã hoàn thành, tuy nhiên tình hình dịch bệnh cũng còn, nên chúng ta không thể chủ quan. Ước mong quý vị tiếp tục đem những trải nghiệm trong sứ vụ ra để thể hiện khi trở về nơi ở của mình.

Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM

Sau đó,  linh mục Giuse Đào nguyên Vũ đã thay mặt Tòa TGM Sài Gòn cảm ơn Ban Giám đốc và các nhân viên khách sạn Liberty Central Saigon đã mở cửa phục vụ các TNV trong thời gian lưu trú tại đây, đồng thời cảm ơn các ban ngành đã giúp đỡ và đồng hành với các TVN.

 Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ – Đại diện Tòa Giám mục TGP TGPSG

Tiếp theo, Lm Giuse đã bày tỏ tâm tình với các TNV:

Hy vọng khi trở về với giáo xứ và cộng đoàn, cha và các thầy sẽ là những người kể lại câu chuyện kinh nghiệm ở đây. Chúng ta trông thấy những người cận kề sự chết, nhìn những người sống giữa làn ranh sinh – tử, chứng kiến các bác sĩ đã đổ mồ hôi nước mắt phục vụ bệnh nhân như thế nào. Chúng ta là người hạnh phúc đi vào lịch sử của thành phố này trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh.

Trong chúng ta ai cũng có bản năng yêu thương, vì thế khi gặp chuyện, chúng ta thấy mình có khả năng yêu thương rất lớn.

Thành phố này được nhiều người thương, nên chúng ta không bị thương quá nặng. Vết thương sẽ được chữa lành, như lời chia sẻ của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng: ‘Sài Gòn đang đứng dậy’. Đứng dậy với tình thương của mọi nơi: trong nước, ngoài nước, trong thành phố, ngoài thành phố.

Mong rằng cha và các thầy trong sứ vụ mới sẽ kể lại cho người khác nghe câu chuyện tình người với trái tim yêu thương mà mình đã trải nghiệm tại đây.

Sau khi tham dự buổi lễ, các tu sĩ được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về giáo xứ và nhà dòng của mình.

Trước khi lên đường đến nơi nghỉ ngơi và các ly, linh mục Martino Trịnh Quang Khải có kể cho chúng tôi nghe các công việc đã làm trong bệnh viện: phụ giúp công tác vật lý trị liệu cho bệnh nhân, giúp việc cho các hộ lý thay tấm trải giường, thay tã, đút cơm cho bệnh nhân, trò chuyện với bệnh nhân… Riêng với các bệnh nhân Công Giáo thì ban các bí tích, đồng thời chúc mừng khi bệnh nhân được phục hồi, trở về với gia đình. Khi có bệnh nhân qua đời thì giúp tẩn liệm, cầu nguyện cho họ.

Linh mục Martino đặc biệt chia sẻ về ấn tượng còn lưu lại, đó là sự cô độc của bệnh nhân khiến họ phải chống chọi với căn bệnh trong khủng hoảng và sợ hãi. Khi TNV đến an ủi, trò chuyện, họ sẽ được thêm động lực, thêm sức sống và niềm tin. Theo kinh nghiệm của TNV trong 1 tháng phục vụ, bệnh nhân nào được giúp đỡ về mặt tâm lý thì sẽ mau hồi phục.

Linh mục Giuse Trịnh Quang Khải – Giáo xứ Chợ Quán

Tiếp lời Lm. Martino, sư huynh Giuse Nguyễn Xuân Bình cũng cho biết:

Sứ mạng của tu sĩ Lasan là giáo dục, nhưng khi vào phục vụ bệnh nhân thì sẵn sàng làm bất cứ việc gì mà bệnh viện cần. Công việc cho dù rất nhỏ cũng chất chứa đầy tình người. Nhờ tiếp xúc với người bệnh mà mình hiểu hơn tầm quan trọng của tình yêu thương giữa con người với con người. Được chứng kiến những giây phút cuối đời của con người, mình biết quý trọng sự sống Chúa ban nhiều hơn. Những trải nghiệm trong thời gian vừa qua quả là một hồng ân.

Sư huynh Giuse Nguyễn Xuân Bình – Dòng La San

Sơn Nữ SPC (TGPSG)

https://tgpsaigon.net/bai-viet/don-va-‘tri-an-1-linh-muc-va-3-su-huynh-tro-ve-tu-benh-vien-nhan-dan-gia-dinh-64394

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Tin Công giáo

 

Đón 42 tình nguyện viên Công giáo về từ 3 Bệnh viện điều trị Covid-19

 Sơn Nữ SPC 

Ngày 22/10/2021

Đón 42 tình nguyện viên Công giáo về từ 3 Bệnh viện điều trị Covid-19

TGPSG — Vào ngày 22-10-2021, Thường trực Ủy ban MTTQVN TPHCM, Ban Tôn giáo TP và Ban Dân vận Thành ủy đã tổ chức lễ “Đón và tri ân” 42 tình nguyện viên (TNV) Công giáo cùng một số TNV tôn giáo khác đã chung tay cùng ngành Y chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.

Sự kiện “đón và tri ân” này đã diễn ra tại 3 địa điểm khác nhau:

  • tại Nhà Thiếu Nhi Thủ Đức,
  • tại Hội trường Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình,
  • tại Hội trường Trung Tâm Hành Chính Quận 7.

1. Tại Nhà Thiếu Nhi Thủ Đức

Lúc 8g, tại Nhà Thiếu Nhi TP Thủ Đức (số 2/2B đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú) đã diễn ra buổi lễ “đón và tri ân” 34 TNV tôn giáo từng phục vụ 3 tháng ở Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19. 

34 TNV tôn giáo này gồm:

  • 22 tu sĩ và tín đồ Phật giáo;
  • 7 bạn trẻ Tin Lành;
  • 5 nữ tu thuộc Dòng Đa minh Gò Vấp (3) và Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp (2)

2. Tại Hội trường Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình

Lúc 10g30, tại Hội trường Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình đã diễn ra buổi lễ “đón và tri ân” 17 TNV Công giáo đã phục vụ 1 tháng tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng Tân Bình trực thuộc UBND Quận Tân Bình (đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP.HCM).

17 TNV Công giáo này gồm 1 linh mục (Lm) của TGP Sài Gòn, 1 Lm Dòng Tên, 1 Lm Dòng Don Bosco, 1 chủng sinh khóa 22 của ĐCV Sài Gòn, và 14 nữ tu của các Hội dòng / Tu hội: Nô Tỳ Thiên Chúa (1), Đa Minh Tam Hiệp (1), Thừa sai Đức Bà Các Thiên Thần (2), Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn (9).

3. Tại Hội trường Trung Tâm Hành Chính Quận 7, số 7 Tân Phú, Phường Tân Phú, Q.7, TP.HCM.

Lúc 15g30, tại Hội trường Trung Tâm Hành Chính Quận 7, số 7 Tân Phú, Phường Tân Phú, Q.7, TP.HCM đã diễn ra buổi lễ “đón và tri ân” 20 TNV [linh mục (Lm) và tu sĩ] đã phục vụ tại BV Dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1:

  • 16 TNV đã phục vụ 6 tuần ở đây thuộc các Tu hội / Hội dòng: Ngôi Lời (1 Lm), Carmel Thánh Giuse (1), Đa Minh Bùi Chu (4), Mến Thánh Giá Huế (4), Chúa Quan Phòng La Pommeraye (1), Chúa Giêsu Hài Đồng (2), Đa Minh Bắc Ninh (1), Thừa Sai Thánh Tâm (2);
  • 4 TNV đã phục vụ 2 tháng ở đây thuộc các Tu hội / Hội dòng: Phanxicô (1 Lm và 1 Ts), Nữ tử Đức Bà (1), Mến Thánh Giá Tân Lập (1).

Sơn Nữ SPC (TGPSG)

https://tgpsaigon.net/bai-viet/don-42-tinh-nguyen-vien-cong-giao-ve-tu-3-benh-vien-dieu-tri-covid-19-64396

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Tin Công giáo

 

Thống kê Giáo hội Công giáo năm 2021

 Văn Yên, SJ – Vatican News 

Ngày 24/10/2021

Thống kê Giáo hội Công giáo năm 2021

Như mọi năm, nhân Ngày Thế giới Truyền giáo, hãng tin Fides đã công bố một số thống kê được chọn để đưa ra một bức tranh toàn cảnh về Giáo hội trên toàn thế giới.

Các số liệu này được trích từ ấn bản mới nhất của “Sách về các Thống kê của Giáo hội”, được cập nhật đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, bao gồm các số liệu liên quan đến thành viên của Giáo hội, cơ cấu Giáo hội, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và giáo dục. Bức tranh này về Giáo hội phụ thuộc vào các báo cáo của Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc.

Đến ngày 31/12/2019, dân số thế giới là 7 tỉ 577 triệu 777 ngàn người, tăng hơn 81 triệu người so với năm trước. Sự gia tăng dân số đã được ghi nhận ở mọi lục địa, bao gồm cả Châu Âu. Châu Á có mức tăng cao nhất với hơn 40 triệu người.

Cũng đến ngày 31/12/ 2019, số tín hữu Công giáo trên thế giới là 1 tỉ 344 triệu 403 ngàn người, tăng tổng thể là 15 triệu 410 ngàn người so với năm trước. Sự gia tăng diễn ra ở tất cả các châu lục, ngoại trừ châu Âu (giảm 292.000).

Tổng số Giám mục trên thế giới giảm 13 vị, còn lại 5.364 vị. Trong đó các Giám mục Giáo phận tăng (+12) và các Giám mục Dòng giảm (-25). Tổng số linh mục trên thế giới tăng trong năm nay, với 414.336 linh mục, tăng 271 vị so với năm ngoái. Tại các châu lục, số linh mục giảm tại Châu Âu (-2,608), Châu Mỹ (-690) và Châu Đại Dương (-69); trong khi tăng tại Châu Phi (+1,649) và Châu Á (+1,989).

Số nữ tu cũng giảm trong năm qua (11.562) và hiện còn tổng số 630.099 nữ tu. Tại các châu lục, số nữ tu giảm tại Châu Âu (-7.400), Châu Mỹ (-5.315) và Châu Đại Dương (–281); trong khi tăng tại Châu Phi (+835) và Châu Á (+599)

Số nhà truyền giáo giáo dân trên thế giới là 410.440 người, tăng 34.252 người. Trong khi số giáo lý viên trên thế giới giảm 2.590 người, còn tổng số 3.074.034 người.

Trong lĩnh vực giáo dục, Giáo hội Công giáo có 72.667 trường mẫu giáo với 7.532.992 học sinh; 98.925 trường tiểu học với 35.188.771 học sinh; 49.552 trường THCS với 19.370.763 học sinh. Giáo hội cũng chăm sóc 2.395.540 học sinh trung học và 3.833.012 sinh viên đại học.

Các trung tâm từ thiện và chăm sóc sức khỏe do Giáo hội điều hành trên thế giới bao gồm: 5.245 bệnh viện, hầu hết ở Châu Phi (1.418) và ở Châu Mỹ (1.362); 14.963 trạm y tế, chủ yếu ở Châu Phi (5.307), Châu Mỹ (4.043); 532 Nhà chăm sóc cho người bị bệnh phong, chủ yếu ở Châu Á (269) và Châu Phi (201); 15.429 nhà cho người già, người bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật, chủ yếu ở Châu Âu (8.031) và Châu Mỹ (3.642); 9.374 trại trẻ mồ côi, chủ yếu ở Châu Á (3.233) và Châu Âu (2.247); 10.723 nhà trẻ, chủ yếu ở Châu Á (2.973) và Châu Mỹ (2.957); 12.308 trung tâm tư vấn hôn nhân, chủ yếu ở Châu Âu (5.504) và Châu Mỹ (4.289); 3.198 trung tâm phục hồi xã hội và 33.840 viện các loại. (Fides 21/10/2021)

Nguồn: Vatican News

https://tgpsaigon.net/bai-viet/thong-ke-giao-hoi-cong-giao-nam-2021-64401

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Tin Công giáo

 

Tình nguyện viên tu sĩ chia tay Y Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai

 Sơn Nữ SPC  TNV 

Ngày 15/10/2021

Tình nguyện viên tu sĩ chia tay Y Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai

TGPSG — Sài Gòn đang khỏe lại, nên cũng là lúc chia tay với bao tấm lòng vàng đã tận tụy chữa trị cho mình.

Trong ngày 15-10-2021, toàn bộ y bác sĩ và nhân viện Bệnh viện Bạch Mai (BVBM) sẽ trở về Hà Nội, kết thúc thời gian phục vụ các bệnh nhân Covid tại Sài Gòn khi dịch bệnh bùng phát tại đây.  

Nhân dịp này, vào lúc 9g sáng cùng ngày, tại Hội trường Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện Dã chiến 16 (phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM), 33 tình nguyện viên tu sĩ (TNV) đã nói lời chia tay với các Y Bác sĩ BVBM sắp lên đường về Hà Nội. Các TNV này cũng sẽ rời ‘tuyến đầu dã chiến’ này vào ngày mai (16-10) để trở về đơn vị dòng tu của mình.

Đặc biệt hiện diện trong buổi chia tay rất cảm động này có Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc, Tiến sĩ bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám Đốc, và một số Y Bác sĩ của 2 khu điều trị: Khu hồi sức tích cực của BVBM và khu thu dung của BV Hùng Vương.

Nữ tu Têrêsa Trịnh Thuỳ Linh – Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres – thay mặt cho các tu sĩ nói lên lời cảm ơn:

Thấm thoắt mà đã 2 tháng trôi qua. Từ những ngày đầu tiên đến đây – cũng là những ngày bắt đầu đi vào hoạt động của BVBM – đến hôm nay, khi đại dịch đã bớt nhiều, chúng tôi cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn khi được cùng đồng hành với BVBM vào những thời điểm khó khăn và khốc liệt nhất của TP.

Tự thẳm sâu lòng mình, chúng tôi cảm ơn BVBM đã tiếp nhận đoàn tu sĩ tình nguyện chúng tôi, để hai tháng qua, chúng tôi có cơ hội trở thành ‘đồng nghiệp’ của quý vị.

Xin cảm ơn sự chăm sóc tận tình và chu đáo của Ban lãnh đạo BVBM đến từng người, từ những nhu cầu thiết thực cho đến những món ăn tinh thần, từ những điều quan trọng đến những chi tiết rất nhỏ.

Đặc biệt, khi trong đoàn có tu sĩ chẳng may bị nhiễm bệnh, quý vị đã điều trị, chăm sóc, thăm hỏi và ân cần động viên. Tất cả sự quan tâm ấy làm cho chúng tôi cảm thấy an tâm và ấm áp vô cùng.

Giây phút này đây, chúng tôi cũng thật lòng xin lỗi và xin cảm thông, nếu trong hai tháng qua, đã có lúc chúng tôi vụng về hay thiếu sót ở một khía cạnh nào đó trong quá trình cộng tác.

Nói lời chia tay luôn là một điều khó, vì có những điều không thể diễn tả bằng lời. Đại dịch thật khủng khiếp, nhưng dù sao cũng đã gắn kết chúng ta thành người một nhà, chung một thao thức, cùng một nỗi âu lo, thực hiện cùng một sứ mạng.

Sài Gòn đang khỏe lại, nên cũng là lúc chia tay với bao tấm lòng vàng đã tận tụy chữa trị cho mình. Sài Gòn có thể đếm được số nhân viên y tế đến chi viện, nhưng không thể đếm được số giọt mồ hôi bên trong lớp áo bảo hộ. Chúng ta có thể ước lượng được bao nhiêu tấn hàng đã chuyển đến Sài Gòn, nhưng không thể cân đo, đong đếm được bao nhiêu yêu thương và tận tụy đã chuyển đến thành phố thân thương này. Giữa hiểm nguy và khó khăn, Bạch Mai đã chọn yêu thương và nghĩa tình, hy sinh và lăn xả. Giữa đại dương ‘hương vị tình người’ ấy, chúng tôi cảm thấy những đóng góp của mình thật nhỏ bé.

Thay lời cho từng người trong đoàn tu sĩ tình nguyện, tôi xin kính chúc quý vị một chuyến trở về an bình và dồi dào sức khỏe; sau những ngày vất vả nơi tuyến đầu chống dịch, được tận hưởng bầu khí đoàn viên ấm áp bên những người thân yêu trong gia đình.

Đón Xuân, Hà Nội thường gởi vào miền Nam những cành đào rực rỡ. Nay vào Thu, Hà Nội lại chuyển đến Sài Gòn – nơi tâm dịch – những ‘đóa mai trắng’ thắm đượm nghĩa tình. Những ‘đóa mai trắng’ ấy đã làm cho mùa dịch Sài Gòn bớt đau thương, san sẻ với Sài Gòn khi khốc liệt, sát cánh kề vai với Sài Gòn lúc chông chênh nhất. Sài Gòn đang khép lại những ngày bùng phát dịch bệnh. ‘Mai trắng’ lại trở về Hà Nội, nhưng vẫn còn để lại hương hoa thơm ngát. Chúng tôi – những người Sài Gòn – trân quý những ‘đóa mai’ ấy, và nhớ mãi tên gọi nghĩa tình: Bạch Mai.

Bài: Sơn Nữ SPC, Ảnh: TNV (TGPSG)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/tinh-nguyen-vien-tu-si-chia-tay-y-bac-si-benh-vien-bach-mai-64354

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 16, 2021 in Tin Công giáo

 

Đón và ‘tri ân’ 76 tu sĩ Công giáo phục vụ tuyến đầu (đợt 4)

 Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC 

Ngày 14/10/2021

Đón và ‘tri ân’ 76 tu sĩ Công giáo phục vụ tuyến đầu (đợt 4)

TGPSG — Khi phục vụ bệnh nhân, ta xác định: không phải là mình đang cho họ cái gì, nhưng chính là mình đang nhận lãnh…

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ đã phát biểu như thế trong lễ “Đón và Tri ân các tình nguyện viên Công giáo” vào lúc 9g ngày 13-10-2021 tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động quận Tân Bình (2F Nguyễn Hiến Lê, Phường 13, Tân Bình).

Buổi lễ do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP HCM tổ chức để đón 76 tình nguyện viên (TNV) Công giáo kết thúc một tháng phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 và tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định:

  • Phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 (cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu) có 73 TNV thuộc các Tu hội / Hội dòng: Anh Em Hèn Mọn (1 linh mục (Lm) và 35 tu sĩ (Ts)), Ngôi Lời (1 Lm), Dòng Tên (1 Lm và 1 Ts), Đức Mẹ người nghèo (4 Ts), Thương Khó Chúa Giêsu (1 Ts), Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời (3 Ts), Thánh Phaolô Nhật Bản (1 Ts), Đaminh Rosa Lima (3 Ts), Con Đức Mẹ Phù Hộ (13 Ts), Con Đức Mẹ Đi Viếng (6 Ts), Foyer Bình Triệu (1 Ts), Mến Thánh Giá Khiết Tâm (1 Ts).
  • Phục vụ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có 3 nữ tu (Nt) của Tu Hội Bác Ái Vinh Sơn.

Trước buổi lễ ‘Tri ân’

Trước khi buổi lễ ‘Tri ân’ diễn ra, một số TNV đã chia sẻ về “những dấu ấn” khi phục vụ bệnh nhân covid-19 trong một tháng qua.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang (Dòng Tên) tâm sự:

Dấu ấn sâu đậm nơi tôi: đó là ‘khuôn mặt các bệnh nhân’ khi tôi trao ban các bí tích, đặc biệt là bí tích Xức Dầu – khoảnh khắc của ân sủng mà Chúa mời gọi tôi đồng hành với họ trong những lúc rất khó khăn của cơn bệnh. Tôi nhận thấy ánh mắt họ gửi gắm rất nhiều điều. Họ đặt tin tưởng nơi lời cầu nguyện của tôi. Tôi sẽ nhớ họ, nhớ những người thân của họ, những người đã xin tôi cầu nguyện…


Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang (Dòng Tên)

Sau khi đọc Kinh Sáng cuối cùng trước lúc rời khỏi khách sạn Minh Tâm, Nt Maria Đào Thị Phượng – Dòng Đaminh Rosa Lima – nhớ lại một tháng thiện nguyện đã trôi qua:

Tôi ngồi thinh lặng mà lòng trào dâng tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Mân Côi, vì tình thương của Chúa thật lạ lùng ở nơi này, đặc biệt vì trong các bệnh nhân, có một cụ bà năm nay 97 tuổi và là bệnh nhân lớn tuổi nhất tại bệnh viện hồi sức Covid 19. Sau khi biết được tình hình sức khỏe của cụ khá hơn rất nhiều và sắp được xuất viện, người nhà của bà cụ vô cùng vui sướng và ngạc nhiên vì biết được các TNV đã chăm sóc cụ rất chu đáo. Con trai cụ là cán bộ hưu trí, rơm rớm nước mắt nói với tôi: “Các sơ đúng là thiên thần của các cụ già và các bệnh nhân. Chú không ngờ bà lại được chăm sóc ân cần đến thế. Chú và gia đình không biết nói gì để tỏ lòng biết ơn.” Lúc bà được xuất viện, chú nhắn tin cho tôi và nói: “Đúng phép lạ do các cháu – những người của Chúa cử đến giúp Bà, cháu nhỉ? Cảm ơn cháu nhiều, rất nhiều!”

Khi nghe những lời đó, tôi thầm nghĩ ngay đến Chúa và Mẹ Mân Côi chính là nguồn cội tình thương đã ban cho bà được như tình trạng hôm nay. Quả thật, trong suốt thời gian làm việc và chăm sóc bà, tôi thường thì thầm kêu xin Chúa và đọc lời kinh Mân Côi xin Mẹ chữa bà cụ. Tôi tin Chúa đã qua Đức Mẹ làm phép lạ chữa lành, vì ở độ tuổi 97 của bà mà chiến thắng được căn bệnh Covid, bình phục trở về là điều ngoài sức tưởng tượng và mong đợi của tất cả các y bác sĩ và mọi người.


Nt Maria Đào Thị Phượng – Dòng Đaminh Rosa Lima

Đệ tử Phêrô Nguyễn Đức Cảnh – Dòng Phanxicô – bày tỏ tâm tình:

Đối với con, chuyến đi này thật đặc biệt. Một tu sĩ thường sẽ đi mục vụ khắp nơi như giúp xứ, giúp cộng đoàn, giúp mái ấm… nhưng không nghĩ lại có ngày lại được phục vụ bệnh nhân nhiễm Covid. Đây không chỉ là một trải nghiệm, mà là một cơ hội để lan tỏa yêu thương của chính mình cho mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Dung – Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng Huế – cảm nhận:

Khi nhìn bệnh nhân đau khổ như hình ảnh Chúa Giêsu chịu trên Thập Giá, mình phải làm gì đó để chia sẻ sự đau khổ của anh chị em mình đang chịu…

Nt Maria Nguyễn Thị Thùy Linh – Dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm:

Tôi học được nơi bệnh nhân sự kiên trì chống chọi với căn bệnh, kiên trì để tập thở khí trời, kiên trì để tập luyện, kiên trì để được sống.

Nt Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn – Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời – đã chia sẻ nỗi xúc động khi lần đầu tiên chứng kiến một bệnh nhân nhiễm Covid qua đời:

Con đã quỳ gục xuống vì cảm nhận nỗi bất lực trước dịch bệnh. Khi các điều dưỡng đưa ông bệnh nhân ra thang máy xuống nhà xác, con bần thần không biết làm gì. Một bác sĩ đến vỗ vai con và nói: ‘Cụ ông đã điều trị tại đây gần 3 tháng rồi sơ ơi, sơ bình tĩnh lại đi. Điều cần làm bây giờ là cầu nguyện cho ông’. Khi nghe vị bác sĩ nói như thế, con có phần an tâm hơn đôi chút. Tuy nhiên con vẫn không thể tiếp tục làm bất cứ một việc gì vào lúc đó được. Và ca trực hôm đó, con đã phải ra về sớm hơn…


Nt Têrêsa Nguyễn Thị Hoàn – Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời

Lm Phêrô Trần Ngọc Niên – Dòng Anh Em Hèn Mọn – cho biết:

Tỉnh dòng đã gửi đi 37 tu sĩ, trong đó có các em mới tìm hiểu, một số là thỉnh sinh. Cảm thương các bệnh nhân không được chăm sóc, anh em đã đăng ký và xin phép gia đình tạm dừng việc học để bước vào ‘thực tế’. Qua một tháng, các em trưởng thành lên rất nhiều. Các em mang tinh thần của Thánh Phanxico Assisi, phục vụ bệnh nhân rất tận tình…


Lm Phêrô Trần Ngọc Niên – Dòng Anh Em Hèn Mọn

Tu sĩ Phêrô Hoàng Khanh Nguyễn Văn Hải – Dòng Đức Mẹ Người Nghèo – nhận định:

Khi chứng kiến nhiều bệnh nhân ra đi vĩnh viễn, ta sẽ muốn nhắn nhủ với nhau rằng: Cuộc sống con người rất mong manh, nên hãy tận dụng thời gian mà sống với nhau cho tốt để đem lại hạnh phúc cho nhau…

Lễ ‘Tri ân’

Khởi sự buổi lễ ‘Tri ân’ vào lúc 9g, nhóm các TNV đã cùng múa cử điệu bài “Đưa con đi” của Phan Mạnh Quỳnh, khiến cho bầu khí buổi lễ thật sôi động.

Tiếp theo, Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn – Phó Giám đốc bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid 19 – trình bày:

Ba tháng vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận 3.800 bệnh nhân nhiễm Covid rất nguy kịch. So với các Trung tâm hồi sức khác, thì cơ sở này lớn nhất. Qua 3 tháng, có 2.500 bệnh nhân được xuất viện, 2/3 xuất viện thẳng (từ bệnh viện về thẳng nhà), 1/3 bệnh nhẹ hơn chỉ cần thở oxy, nên chuyển về bệnh viện tầng dưới. Tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân không may, vì chúng ta là bệnh viện tuyến cuối.


Thạc sĩ bác sĩ chuyên khoa Lê Anh Tuấn

Cuối tháng Tám, số bệnh nhân tử vong đã giảm rất nhiều. Trước đó, có ngày ký tới 50 ca qua đời. Bây giờ còn khoảng 8 đến 10 ca, hay còn thấp hơn nữa. Đây là nỗ lực rất lớn của toàn thể lực lượng nhân viên bệnh viện.

Số tử vong toàn thành phố đã giảm. Thời gian cao điểm cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, có những ngày toàn thành phố có từ 5 đến 6 ngàn ca một ngày, trung bình tử vong hơn 2 ngàn ca 1 tuần, có đỉnh điểm lên 300 ca tử vong trong 1 ngày. Hiện tại, như ngày hôm qua, chỉ có khoảng hơn 1 ngàn người mới mắc Covid. Số tử vong trong tuần qua là 600 ca (30%).

Hiện nay tại Bệnh viện Hồi Sức chuyên sâu Covid-19, bệnh nhân chỉ còn phân nửa so với trước đây. 2.800 lượt cán bộ, nhân viên đã đến công tác tại bệnh viện Bệnh viện trung ương, thành phố, các trường đại học, các tổ chức thiện nguyện.

Riêng về TNV, có 387 lượt TNV đến từ Công Giáo, chiếm một tỉ lệ rất lớn. Thành công của bệnh viện là ở mô hình chăm sóc toàn diện. Bệnh nhân nặng phải chăm sóc 24/24. Tất cả đều làm việc theo nhịp độ 3 ca 4 kíp (hôm nay ca sáng, ngày mai ca chiều, ngày tới buổi tối, ngày tiếp nghỉ). Về mặt sinh học, giờ giấc làm việc như thế rất khó khăn cho chúng ta.

Ngoài chăm sóc điều dưỡng, còn phải chăm sóc về tâm lý, vật lý trị liệu, vệ sinh cá nhân. Vì thế, nếu không có lực lượng TNV tôn giáo thì bệnh viên không thể trụ nổi cho đến ngày hôm nay.

Kết thúc phần trình bày của mình, bác sĩ Lê Anh Tuấn đã cảm ơn các TNV và các lãnh đạo các cấp.

Tiếp lời bác sĩ Tuấn, Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM – phát biểu:

Lời bài hát và những cử điệu mà các TNV vừa trình bày đã mang đến sứ điệp lan tỏa tình yêu của Chúa, nhờ sự hiến dâng tuổi trẻ với bao khát vọng, trong từng bước chân yêu thương. Kết quả của hành trang yêu thương ấy là sự vững tin cho đến ngày hôm nay. Hôm nay chúng ta ra về với kết quả là bệnh nhân xuất viên nhiều hơn, số tử vong giảm đi. TNV là mắt xích quan trọng, nói lên trách nhiệm của người công dân. TNV không ngại dấn thân. Đặc biệt, các TNV đã cầu nguyện cho các bệnh nhân không may qua đời, làm ấm lòng người nhà của các bệnh nhân.


Bà Phan Kiều Thanh Hương – Phó chủ tịch MTTQVN TPHCM

Nt Matta Hoàng Thị Thúy – Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ – thay mặt các TNV đã nói lên lời cảm ơn:

Cám ơn Đức Tổng Giám mục Giuse, với tấm lòng mục tử của Chúa Kitô, đã có quyết định táo bạo là mở rộng cánh cửa Giáo Hội đến biên cương phục vụ mới, qua việc mời gọi anh chị em tu sĩ chúng con làm thiện nguyện để giúp đỡ các bệnh nhân Covid. Chúng con cảm nhận thật sâu sắc rằng: từng người chúng con đang được sống dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu cách sống động, khi được là người thân, là người nhà các bệnh nhân, trong khi hiện diện kề bên để chăm sóc, ủi an nâng đỡ họ.


Nt Matta Hoàng Thị Thúy – Dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ

Chúng con cũng xin cảm ơn cha Giuse Đào Nguyên Vũ, cha Giuse Trần Hòa Hưng, sơ Minh Nguyệt và các vị đại diện Đức Tổng đã luôn quan tâm đến thăm hỏi và động viên chúng con trong suốt hành trình phục vụ.

Còn về phần các anh chị em trong nhóm TNV chúng con, chắc hẳn mỗi người đều trở về với tâm tình biết ơn sâu sắc dành cho nhau. Trong thời gian qua, chúng con đã cùng nhau nỗ lực sống lời kinh Lạy Cha cách thâm sâu nhất khi phục vụ mọi người như phục vụ chính anh em ruột thịt, con của cùng một Cha trên trời. Chúng con đã trải qua đủ mọi thứ cung bậc xúc cảm trên vùng đất thánh của Bệnh viện Dã chiến. Có người chị em trong nhóm thiện nguyện đã chia sẻ: tất cả mọi bệnh nhân đều như là người thân của chúng con. Là người thân, chúng con chẳng muốn từ chối bất cứ nhu cầu nào. Là người thân, chúng con không có thời gian để suy nghĩ, tính toán sạch dơ, nhưng chỉ muốn làm mọi sự “để họ được sống và sống dồi dào”.

Lời cảm ơn cuối cùng và đặc biệt, chúng con xin gửi đến các bệnh nhân Covid mà chúng con được trực tiếp phục vụ. Trong khi cùng họ đối diện trước cửa tử, thấy được những quằn quại đau đớn, những ánh mắt lo lắng sợ hãi, những chiến đấu ngoan cường vì sự sống, được chia sẻ những trăn trở, hối tiếc, và cả biết bao dự định còn dở dang…, chúng con chạm đến sự linh thánh của mầu nhiệm sự sống, hiểu được ý nghĩa đời người. Chúng con mang trong mình những câu chuyện buồn và cảm giác bất lực khi phải liên tục chứng kiến các bệnh nhân lần lượt ra đi… Tuy nhiên, chúng con cũng được ban niềm hạnh phúc khi được chứng kiến các bệnh nhân chiến thắng tử thần, trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Bởi sự sống là một quà tặng, nên đời sống là một lời tạ ơn, đời Kitô hữu là một lời tri ân. Chúng con thấy mình được nhận biết bao ơn lành và đời sống của chúng con cần phải tiếp tục được lớn lên trong kinh nghiệm đức tin, lòng tín thác và hy vọng. Chúng con tiếp tục cầu xin ơn chữa lành cho các bệnh nhân, và xin phó thác họ cho lòng thương xót Chúa.

Cuối cùng, Lm Giuse Đào Nguyên Vũ – đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn – có đôi lời với TNV:

Hôm nay chúng ta được đón về rất ấn tượng so với các lần trước đi đón các TNV. Chúng ta thấy trên bảng chào đón các anh chị em trở về có chữ “Tri ân”. “Tri ân” là từ Hán Việt: Tri là biết là nhớ. Tôi chắc rằng, chúng ta sẽ mang về nhà rất nhiều kỷ niệm hữu ích cho cuộc đời tu trì và dâng hiến của mình.


Lm Giuse Đào Nguyên Vũ – đại diện Tòa Giám mục TGP Sài Gòn

Trong bài báo cáo của CDC Hoa Kỳ, bà Rochelle Walensky – tiến sĩ, giám đốc CDC Hoa Kỳ – có nói: “Với dữ liệu hiện nay, thì chưa biết khi nào đại dịch mới chấm dứt. Điều quan trọng nhất để thích ứng với dịch là phải thay đổi hành vi sống của chúng ta. Không thể sống như trước được nữa, không thể mặc kệ như trước được nữa.”

Như sơ Hoàng Thị Thúy vừa chia sẻ, “Ra tuyến đầu, ta sẽ xác định rõ ai là anh chị em của mình, ai là người thân của mình.” Khi phục vụ họ, chăm sóc họ, ta xác định: không phải là mình đang cho họ cái gì, nhưng chính là mình đang nhận, mình đang cảm nghiệm được đức tin cao quý chính là yêu thương. Mình muốn cho họ được yêu thương. Cho dù họ giàu hay nghèo, họ có địa vị hay không, họ ở đâu đi nữa, thì khi họ đau bệnh, chúng ta cũng phải yêu thương họ, để họ cảm nhận được yêu thương.

Những dịp gần đây không hiểu vì lý do gì mà Mặt Trận thường chọn thời điểm đón quân và tiễn quân vào những ngày rất là ấn tượng.  Hôm nay 13-10, bên Giáo Hội Công Giáo nhớ về Đức Mẹ Maria hiện ra ở Fatima khi hoàn cảnh thế giới đang đau khổ, đang chiến tranh loạn lạc. Đức Mẹ an ủi người dân, và gửi đi một thông điệp rất quan trọng cho anh chị em tu sĩ: đó là sám hối. Sám hối không phải là biểu lộ sắc mặt sầu muộn hay túng thiếu, nghèo khó, mà sám hối chính là trở về với bản năng rất đẹp, sống như một trẻ thơ không có tì ố hay tì vết gì. Ngày hôm nay thật ấn tượng: Sám hối là trở về với cuộc sống được xem là “bình thường mới”. Nó bình thường, nhưng chúng ta sống với một tâm thế mới thì gọi là “bình thường mới”, trong sự ý thức những gì đã nhận lãnh được. Bao lâu nay chúng ta hít thở, đi đây đi đó cách tự do mà chúng ta không thấy quý. Kể cả đi lễ cũng không thấy quý. Khi giãn cách thì tất cả trở nên trân quý…

Kết thúc phần chia sẻ của mình, Lm Giuse cho các TNV biết:

Đức Tổng rất là hãnh diện ‘khoe’ về anh chị em, về công việc anh chị em đã làm. Sứ mệnh của anh chị em là đưa tất cả mọi thành phần xã hội đến gần nhau hơn. Khi cần, chúng ta luôn sẵn sàng xả thân gánh vác, chung tay gánh vác với xã hội.

Chúng ta nghe nói Thành phố ta sẵn sàng phục vụ cho cả nước, vì cả nước, nên khi Thành phố này rơi vào tình trạng như hôm nay, cả nước đã hướng về Thành phố ta, ví dụ trong dự án ‘Thương quá Sài Gòn ơi’, cả 27 giáo phận đã hướng về Thành phố ta khi chúng ta gặp nhiều khó khăn nhất.

Giáo phận của chúng ta từ ngày 22-7 đã bắt đầu có tu sĩ đi ra tuyến đầu phục vụ. Sau đó, Giáo phận Xuân Lộc, Giáo phận Phú Cường, Giáo phận Bà Rịa… cũng đã có lực lượng anh chị em ra phục vụ nơi tuyến đầu. Chúng ta hãy nhớ những kinh nghiệm rất quý báu này. Hãy ôm ấp những kỷ niệm không mấy ai có. Xin chúc mọi người sống bình an mạnh khoẻ, và hy vọng không còn phải gặp nhau ở Dã Chiến nữa…

Sau khi tham dự buổi lễ, các TNV được đưa về nơi nghỉ ngơi và cách ly tập trung tại Tu hội Bác Ái Cao Thái. Sau một tuần, họ sẽ được xét nghiệm lại một lần nữa; nếu có kết quả âm tính, họ mới trở về nhà dòng của mình.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC (TGPSG)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/don-va-‘tri-an-76-tu-si-cong-giao-phuc-vu-tuyen-dau-dot-4-64344

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 15, 2021 in Tin Công giáo

 

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Hội nghị trực tuyến

 Lm Giuse Đào Nguyên Vũ 

Ngày 12/10/2021

Hội đồng Giám mục Việt Nam: Hội nghị trực tuyến

WHĐ (12.10.2021) – Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II năm nay vào sáng ngày 12 tháng 10 năm 2021. Ủy ban Truyền thông trực thuộc HĐGM đã chuẩn bị các chi tiết kỹ thuật để Hội nghị tổ chức trực tuyến lần đầu tiên diễn ra tốt đẹp. 

Theo chương trình đã được ấn định, giáo phận Thái Bình đã chuẩn bị tiếp đón và tổ chức Hội nghị lần này nhưng tình trạng dịch bệnh COVID-19 hiện nay đã ngăn trở các dự định trước đây. Trong hoàn cảnh đó, qua phương tiện và kỹ thuật trực tuyến, các mục tử của Hội Thánh đã hiện diện đầy đủ và cùng chia sẻ các sinh hoạt phong phú của cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận của mình. 

Chưa đầy một tháng sau khi Hội nghị thường niên kỳ I năm 2021 kết thúc ngày 16 tháng 4 tại Nha Trang, đại dịch COVID-19 tái phát khiến các sinh hoạt mục vụ và cử hành tại hầu hết các giáo phận bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh ghi nhận trong bài phát biểu trực tuyến từ Singapore: … “kể cả trong thời điểm khó khăn, [Giáo Hội] vẫn gia tăng nhiều hoạt động sáng tạo và bác ái, như dấu chỉ liên đới với người nghèo…” Tất cả các chia sẻ về sinh hoạt của 27 giáo phận đều nói lên những khó khăn và thách đố mục vụ trong thời gian vừa qua vì những giới hạn sinh hoạt cộng đoàn, nhưng, trong chính giai đoạn này, Thiên Chúa đã ban tặng cho Dân Chúa tại Việt Nam những cơ hội lịch sử để cùng dấn thân cho anh chị em mình trong mọi hoàn cảnh: cứu trợ lương thực và thực phẩm, chung tay với HĐGM thực hiện chương trình Thương quá Sài Gòn ơi, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại khu cách ly tập trung, bệnh viện điều trị COVID-19, bếp ăn hằng cho tuyến đầu và người nghèo, phát thuốc và nhu yếu phẩm tại nhà và trên các nẻo đường. 

Hội nghị ghi nhận chứng từ đức ái sống động của Dân Chúa trong thời gian qua, đồng thời cũng chia sẻ những thách đố trong đời sống đức tin suốt thời gian giãn cách xã hội vừa qua và hành trình khó khăn phía trước. HĐGM gửi đến cộng đồng Dân Chúa những tâm tình mục tử và hướng dẫn đức tin trong Thư Mục vụ sẽ được phổ biến. 

Cụ thể, HĐGM đã chọn:

– Chúa nhật, ngày 17 tháng 10 năm nay để Giáo Hội Việt Nam cùng nhau cử hành Ngày cầu nguyện xin ơn chữa lành trong thời gian đại dịch, các chương trình cử hành ở giáo phận sẽ được quý Đức cha giáo phận hướng dẫn cụ thể.

– Tiếp đến, ngày Thứ sáu 22 tháng 10 cũng được chọn làm ngày giữ chay theo tinh thần của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, qua đó mời gọi các Kitô hữu thực thi một việc bác ái giúp nạn nhân đại dịch. Đây là dịp để toàn thể Hội Thánh tại Việt Nam hiệp thông và hợp nhất trong cầu nguyện, khẩn khoản nài xin cho đại dịch chóng qua và mọi người được tiếp tục vui hưởng cuộc sống an lành. 

Hội nghị cũng trao đổi về tiến trình và những ưu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục đang mời gọi các Giáo Hội địa phương cùng hướng đến một Hội Thánh mang tính “hiệp hành”.

Hội nghị trực tuyến lần đầu tiên của HĐGM Việt Nam đã mang lại cuộc gặp gỡ và chia sẻ vượt trên những giới hạn của đại dịch và giãn cách. Và cho dù chương trình nghị sự trực tuyến giới hạn những tiếp cận thông thường vốn có tại các Hội nghị thường niên, quý Đức cha đã gặp gỡ Dân Chúa qua những chứng từ sống động từ các mục tử của 27 giáo phận.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

Nguồn: WHĐ

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoi-dong-giam-muc-viet-nam-hoi-nghi-truc-tuyen-64341

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 12, 2021 in Tin Công giáo

 

Phóng sự ảnh: Sự kiện Giáo hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam trong tháng 9-2021

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 7, 2021 in Tin Công giáo

 

Thư mục vụ gửi gia đình Tổng Giáo phận ngày 4-10-2021

 Ngày 04/10/2021

Thư mục vụ gửi gia đình Tổng Giáo phận ngày 4-10-2021

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 4 tháng 10 năm 2021

THƯ MỤC VỤ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội và tạm ngưng các cử hành phụng vụ cộng đồng, chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới; các sinh hoạt tôn giáo cũng dần dần được phục hồi. Tiếp theo “Thông báo tái khởi động một phần sinh hoạt cộng đoàn”, nay tôi nêu lên một ít hướng dẫn mục vụ trong bối cảnh hậu giãn cách.

  1. Đời sống đức tin

Đối với người Công giáo, thánh lễ là một sinh hoạt thiết yếu, vì đức tin Công giáo vừa là niềm tin trong nội tâm, mang chiều kích cá nhân, vừa là sự gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích trong cộng đoàn Hội Thánh được qui tụ chung quanh mục tử. Thánh lễ trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp, mà chỉ giúp nuôi dưỡng đức tin, dành cho người không thể đến nhà thờ, cách riêng là bệnh nhân, người già yếu và trẻ em trong thời điểm hiện tại.

Sau thời gian đói khát Thánh Thể, nay anh chị em đã có thể tham dự thánh lễ. Hiện tại chúng ta phải chấp nhận giới hạn số lượng tập trung trong nhà thờ, vì mặc dù đa số đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Sau này, khi các sinh hoạt trở lại bình thường, anh chị em hãy đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể là sự sống thần linh; đừng để vì giãn cách lâu quá mà tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh. Ngắm nhìn một bữa tiệc ngon, làm sao bằng chính mình được ăn tiệc!

Bước vào tháng 10, đáp lại lời Đức Mẹ Fatima mời gọi, chúng ta hãy ăn năn sám hối, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ để hoán cải và sống theo Tin Mừng. Nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta xin Chúa ban bình an và ơn cứu độ cho mọi người, nhất là xin ơn chữa lành trong thời gian đại dịch đau thương này.

  1. Ngày toàn quốc cầu nguyện

Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục đã quyết định cử hành Ngày Toàn quốc Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Mùa đại dịch. Cụ thể như sau:

  • Thánh lễ ngày Chúa nhật, 17/10/2021: tất cả các linh mục cử hành Thánh lễ theo ý chỉ chung: cầu cho bệnh nhân, cho người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh.

Ngoài thánh lễ, các cộng đoàn cũng cử hành giờ Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi hoặc lần hạt Lòng Chúa Thương Xót.

Những ai không thể tham dự trực tiếp, xin hiệp thông trực tuyến qua mạng internet.

  • Giữ Chay trong ngày Thứ Sáu, 22/10/2021: cùng với lời cầu nguyện, mỗi người sẽ giữ chay và làm những việc hy sinh để đền bù tội lỗi của mình cũng như của nhân loại, và làm một việc bác ái giúp đỡ người nghèo khổ.
  1. Mục vụ chăm sóc

Đại dịch như cơn lũ càn quét thành phố suốt 5 tháng. Mặc dù lũ chưa qua hẳn, nhưng những mất mát thiệt hại đang lộ ra trước mắt: biết bao người nhiễm bệnh, người chết vì bệnh, người chết vì tự tử, người nghèo đói, người rời thành phố về quê… Bên cạnh đó, nhiều người đang chịu hậu quả trầm trọng về tâm lý và tinh thần: nhiều bệnh nhân dù thân xác đã khỏi bệnh nhưng tâm lý sẽ còn bị tổn thương lâu dài; nhiều người mất hết thân nhân nay còn lại một mình cô đơn.

Đây là lúc “các mục tử chăm sóc và thân hành kiểm điểm lại đoàn chiên” (x. Ed 34, 11-12). Người mục tử tốt biết chiên của mình (x. Ga 10, 14). Tôi đề nghị quí cha, các hội đồng mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, hãy kiểm điểm lại đoàn chiên, bằng cách thăm viếng (luôn giữ 5K) hay gọi điện thoại, để biết rõ hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình: ai bệnh, ai chết, người nào nghèo đói, người nào cô đơn, em nào mồ côi, người nào đã rời bỏ giáo xứ.

Anh chị em hãy an ủi, động viên và giúp đỡ những anh chị em đang đau khổ. Một lời chia sẻ cảm thông, những lần thăm viếng thường xuyên, sẽ đem lại sức mạnh và nghị lực tinh thần để họ đứng dậy tiếp tục bước đi. Nếu gặp một người bị tổn thương tâm lý trầm trọng, anh chị em hãy giúp họ gặp các chuyên viên tâm lý để chữa trị.

Trong thời gian qua, các giáo xứ và dòng tu đã rất quảng đại phân phát lương thực và hỗ trợ tài chánh cho người nghèo trong các khu xóm, đồng thời phối hợp với Văn phòng Hội đồng Giám mục, với Ban Caritas và Giới Doanh nhân Công giáo để thực hiện chương trình “Thương quá, Sài Gòn ơi”. Xin cám ơn anh chị em. Hãy tiếp tục nâng đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.

Một vấn đề cần quan tâm lúc này, là các em mồ côi. Theo vnexpress ngày 14/9/2021, hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi vì cha mẹ và anh chị đã mất vì Covid. Con số thực tế cao hơn rất nhiều.

Ngoài sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, tôi mời gọi quí cha, các dòng tu, các hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi”. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này.

Về vật chất, Giới Doanh nhân Công giáo đang thực hiện chương trình “Lan tỏa Yêu thương” đợt IV, để hỗ trợ tài chánh cho những gia đình neo đơn, cách riêng là các học sinh mồ côi, trước mắt là trong 10 tháng và sẽ tiếp tục lâu dài.

Còn về tinh thần, đề nghị các giáo xứ lập danh sách các em mồ côi trong địa bàn, không phân biệt tôn giáo; sau đó các em vẫn ở lại với họ hàng, nhưng mỗi em sẽ được trao cho một gia đình hay một hội viên của một đoàn thể Công giáo, để thường xuyên thăm viếng, chia sẻ và cảm thông, khích lệ và hướng dẫn. Như vậy, nhờ hơi ấm tình thương của người thân, với sự cộng tác của giáo xứ, tâm lý các em được phát triển quân bình để trở thành người tốt cho xã hội.

Gia đình nào có thể bảo lãnh nuôi dưỡng một em mồ côi lâu dài, đó là điều rất quí.

Anh chị em thân mến,

Mỗi ngày chúng ta đều bước đi với những vấn đề mới. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Nhưng chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Cha Trên Trời và đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô Phục sinh.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Giuse, xin Chúa chúc lành và ban bình an cho gia đình Tổng giáo phận và cho toàn thể nhân loại.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 4, 2021 in Tin Công giáo