RSS

Category Archives: Suy tư

Sài Gòn đã đứng dậy: Thư cám ơn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn

 ĐTGM Giuse Nguyễn Năng 

Ngày 21/10/2021

Sài Gòn đã đứng dậy: Thư cám ơn của Tổng Giáo Phận Sài Gòn

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Tp. Hồ Chí Minh ngày 21/10/2021

SÀI GÒN ĐÃ ĐỨNG DẬY
THƯ CÁM ƠN CỦA TỔNG GIÁO PHẬN SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH

Kính thưa quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam,

Từ hơn 5 tháng qua, đại dịch đã bùng phát và gây ra biết bao thiệt hại cho cuộc sống người dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Chưa bao giờ người dân Sài Gòn lại trải qua những ngày tháng thử thách lớn lao như thế. Tính đến ngày 20/10/2021, đã có 420.946 ca nhiễm, 16.198 người chết. Cả triệu người lâm cảnh thiếu thốn, đành bỏ lại thành phố sau lưng để về quê bất chấp nguy hiểm khó khăn; cả chục ngàn gia đình mất người thân, hàng ngàn trẻ mồ côi bơ vơ vì cha mẹ đã mất vì Covid-19. Công ty xí nghiệp đóng cửa; siêu thị cửa hàng dừng hoạt động. Suốt ba tháng người dân không được ra đường. Người Sài Gòn vốn năng động đã phải ngồi yên. Nhiều người đã nằm xuống vĩnh viễn.

Sài Gòn chưa khỏe, nhưng hôm nay Sài Gòn đã đứng dậy. Đại dịch tạm lắng xuống, mặc dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Người Sài Gòn lại ra đường, thành phố lại nhộn nhịp. Các công ty, cửa hàng, siêu thị, rồi cũng sẽ hoạt động lại như trước. Sài Gòn không thể như hôm nay nếu không được cả nước chung tay hỗ trợ. Các vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, các bác sĩ và nhân viên y tế, các thiện nguyện viên…, đã tận tụy phục vụ và dành cho Sài Gòn mọi ưu tiên với những phương tiện tốt nhất. Sài Gòn sẽ khỏe và sẽ lại vang lên “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”.

Trong phạm vi Giáo Hội Công Giáo, khởi từ lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong thư “Thương quá, Sài Gòn ơi” đề ngày 9/7/2021, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, Ban Caritas, Giới Doanh nhân Công giáo, các tổ chức và cá nhân, trong nước cũng như hải ngoại, đã hết lòng giúp đỡ người dân Sài Gòn, từ đồng tiền nhỏ bé của bà góa đến những khoản tiền tỷ; từ những bó rau, cây gừng cây sả, quả dừa, quả trứng, đến thịt cá hay những bao gạo hoặc thùng mì tôm; từ những chuyến xe miền Bắc, miền Trung, hay những con đò miền Tây… Tất cả đều chất chứa đầy ắp tình thương hội tụ về Sài Gòn, nhờ đó chúng con vừa được hưởng dùng vừa có thể chia sẻ cho những người dân chung quanh để cùng nhau vượt qua chặng đường khó khăn. Hôm nay chúng con đã đứng dậy.

Thay lời cho mọi thành phần Dân Chúa, con hết lòng cám ơn Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục, quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha, quí cha, quí tu sĩ và toàn thể anh chị em, đã cầu nguyện, khích lệ và quảng đại giúp đỡ chúng con trong thời gian đại dịch vừa qua. Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên quí Đức Cha và toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Maria và thánh Giuse, nguyện xin Thiên Chúa chữa lành và ban bình an cho quê hương Việt Nam và toàn thế giới.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

https://tgpsaigon.net/bai-viet/sai-gon-da-dung-day-thu-cam-on-cua-tong-giao-phan-sai-gon-64391

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Suy tư

 

Thời Covid: thứ Sáu của yêu thương

 Ngọc Dung 

Ngày 23/10/2021

Thời Covid: thứ Sáu của yêu thương

TGPSG – Để đến được với những người nghèo này, các thiện nguyện viên đã phải thực hiện một hành trình khá khó khăn…

Trong ngày thứ Sáu 22.10.2021 – là Ngày Toàn quốc giữ chay theo lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại gia đình Họ Thị Nghè đã có hai hoạt động đầy yêu thương: bác ái và cầu nguyện.

Về bác ái, cộng đoàn dân Chúa Giáo khu Đức Mẹ La Vang đã cùng nhau đóng góp tiền để kết hợp với Ban Caritas hỗ trợ các gia đình khó khăn với các phần quà gồm trứng gà, cá hộp, bánh sandwich, gạo và nhu yếu phẩm. Các thiện nguyện viên đã đem các phần quà này tới các gia đình thuộc giáo khu 4, xóm 66 Xô viết Nghệ tĩnh, xóm Cầu Cá và xóm Cầu Ghe, không phân biệt tôn giáo.

Để đến được với những người nghèo này, các thiện nguyện viên đã phải thực hiện một hành trình khá khó khăn. Từ ngoài đường lớn, phải đi sâu vào các con hẻm cứ hẹp dần mãi, tới mức chỉ đủ cho một chiếc xe gắn máy chạy một chiều. Lúc đó mới tới được các xóm cầu, nơi có những căn nhà không số, hoặc có số với hai, ba cái ‘xuyệc’. Trời đang nắng gắt mà có những hẻm tối như vùng quê về đêm không đèn.

Những căn nhà trọ ở nơi này liền vách với nhau, thường là nhà sàn được chắp vá, hoặc cơi nới bằng đủ loại tôn, gỗ, bạt nilông… khi gia đình có thêm người, thêm con, thêm cháu… Chính vì ở san sát với nhau như vậy nên dịch bệnh rất dễ lây lan.

Phần đông cư dân ở đây là F0 được trở về nhà sau hai tuần điều trị, nhưng cũng có những người không bao giờ về nữa. Có gia đình 38 người, mà ra đi tới 4 người. Một người bị mất vợ, chìm trong nỗi đau, thường rút mình trên gác, cửa nhà không khóa, mở cửa ra là thấy ngay hình người vợ đã mất đặt trên bàn bên vách phải. Một ông cụ neo đơn, nơi ở của ông chỉ là một chiếc chõng đặt ngay sát cửa nhà của một gia đình khác. Khi nhận quà, cụ cười hiền hậu nói ‘cảm ơn nhà thờ’. Gởi quà rồi đi mà lòng ai cũng nao nao!

Sau một ngày giữ chay, cầu nguyện và chia sẻ, cộng đoàn Dân Chúa đã tới nhà thờ tham dự giờ Chầu Thánh Thể và lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót vào lúc 19g30 để xin ơn bình an, xin Chúa xoa dịu những nỗi đau mất mát của các gia đình có người thân đã qua đời.

Xin Chúa cho đại dịch qua mau và xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời.

Tóc Ngắn (TGPSG)
(Ánh sáng gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thoi-covid-thu-sau-cua-yeu-thuong-64397

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Suy tư

 

Chia tay tuyến đầu nhưng kỷ niệm còn mãi

 Nt Maria Dạ Thảo 

Ngày 23/10/2021

Chia tay tuyến đầu nhưng kỷ niệm còn mãi

TGPSG — Chúng tôi chia tay Quận 7 vào một ngày thật đặc biệt, cũng giống như ngày chúng tôi đến. Có lẽ là vì Chúa Quan Phòng muốn chúng tôi sống triệt để hơn ơn gọi thánh hiến của chúng tôi – những tu sĩ ra đi phục vụ và trao ban tình yêu của Chúa cho tha nhân.

Ngày hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam ăn chay để cầu nguyện cho đại dịch mau chấm dứt cũng là ngày chúng tôi kết thúc sứ vụ tại Bệnh viện Dã chiến quận 7 số 1 này. Trên gương mặt mỗi người chúng tôi vẫn hiện lên niềm vui sau những ngày tháng phục vụ tại bệnh viện.

Khi gặp lại chúng tôi, Cha Đào Nguyên Vũ đã nói với chúng tôi: sau thời gian phục vụ vất vả mà sao ai cũng tươi thế. Đúng vậy, phục vụ là cho đi, là chia sẻ chính niềm vui nhận được từ Đấng mà chúng tôi theo. Khi mình có niềm vui, mình lan tỏa niềm vui ra và niềm vui khi đó được nhân lên. Đặc biệt là niềm vui trong Chúa Kitô.

Trong bài phát biểu, Cha Vũ có nhắc chúng tôi rằng nơi chúng tôi phục vụ là trung tâm giáo dục thường xuyên, và chính mỗi người cũng hãy tự giáo dục thường xuyên chính mình để trở nên khí cụ của Chúa cho tha nhân.

Thời gian phục vụ không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để tôi trải nghiệm một kinh nghiệm có một không hai trong thời gian đại dịch này.  Tôi rất vui và hạnh phúc khi được phục vụ các bệnh nhân, công việc của tôi chỉ là thay người nhà chăm sóc bệnh nhân về ăn uống vật chất cũng như tinh thần. Động viên họ hãy cố gắng lên để có thể về với gia đình thân yêu của mình. Khi tinh thần người ta lạc quan thì họ cố gắng vượt qua. Họ sẽ cố gắng chống chọi giành giật lại sự sống.

Thời gian đầu khi tôi mới vào phục vụ, tôi chứng kiến cảnh người bệnh ra đi, tôi cầu xin Chúa thương nhớ đến họ nơi quê hương vĩnh cửu của Người. Tôi chỉ có thể cầu nguyện cho họ. Tôi đứng sững sờ nhìn họ ra đi trong bất lực không làm được gì để giúp họ dành lại sự sống ở đời này thì tôi cầu xin Chúa cho họ sự sống đời sau. Mỗi khi đến nơi làm việc nhóm chúng tôi thường dành ít phút đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố trong container chờ được đưa đi hoả táng. Lời cầu nguyện chứa chan niềm hy vọng Phục Sinh. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn mới qua đời được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen.

Có một chị tên Hạnh. Khi chị mới nhập viện tôi thấy chị cũng rất cố gắng vượt qua, tôi đến giúp chị, nhưng khi bệnh tình càng ngày càng xấu đi, tinh thần chị bắt đầu đi xuống. Và lúc đó chồng chị sau khi chăm sóc cho con bị covid vừa khỏi thì vào viện tiếp tục chăm sóc cho chị. Lúc này khi có người thân, tinh thần chị phấn chấn lên. Sức khỏe càng ngày càng hồi phục nhờ sự chăm sóc tận tình của chồng chị. Khi tôi đến tôi thường nói gia đình hạnh phúc là đây, chị nở nụ cười thật tươi mặc dù sức khỏe của chị vẫn chưa ổn lắm.

Cảm ơn tất cả những người mà Chúa đã gửi đến cho con trong thời gian này, những bệnh nhân mà con đã chăm sóc, trò chuyện. Những y bác sĩ, những người quan tâm đến chúng con cách này cách khác về vật chất cũng như tinh thần, những lời cầu nguyện từ các chị em trong Hội Dòng cũng như những người thân quen. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý vị.

Cao Thái 22-10-2021
Sơ Maria Đinh Thị Dạ Thảo
Dòng Chúa Quan Phòng La Pommeraye

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/chia-tay-tuyen-dau-nhung-ky-niem-con-mai-64398

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Suy tư

 

Phía sau đám mây đại dịch là bầu trời tươi sáng

 Bích Huyền – MTG Đà Lạt 

Ngày 23/10/2021

Phía sau đám mây đại dịch là bầu trời tươi sáng

Ôi màu xám giăng dày phủ bóng
Vạn nỗi buồn trông ngóng trời quang
Sau bao u uất trái ngang
Bình yên trở lại lối đàng xinh tươi.

Những ngày này là thời khắc mà khó có thể ai đó trong đoàn thiện nguyện quên được- trong đó có tôi, đặc biệt là những y bác sĩ và những anh chị điều dưỡng, các bệnh nhân. Bởi lẽ, đỉnh điểm của đại dịch đang dần vơi đi, đang dần hé lên những tia sáng hy vọng đầu tiên sau bao ngày chìm ngập trong đám mây đen tối. Quên sao được? Bởi cả nước nói chung, cách riêng là Sài gòn, đang chiều hướng chuyển từ trạng thái lo lắng, bất an, đang dần trở về với cuộc sống bình thường màu trời tươi mới.

Và cũng trong những ngày cuối cùng làm việc, bầu không khí có vẻ khác hơn so với những ngày trước. Có thể là do một số bệnh nhân đã được xuất viện chăng? Hay là do các y bác sĩ, tình nguyện viên chuẩn bị về lại với cuộc sống thường nhật ? Quả thật, sau bao ngày miệt mài với công việc, nay mọi người có vẻ thư thả hơn vì số lượng bệnh nhân giảm đi thấy rõ, trong khoa ngày nào cũng có những bệnh nhân ra viện. Chia tay với các bệnh nhân cũng làm cho tôi cảm thấy bịn rịn, một nỗi buồn khó tả, vì mỗi khi vào phòng bệnh thấy chiếc những chiếc giường trống, cảm thấy thiếu đi nhiều người. Những hình ảnh bệnh nhân lại dần hiện lên trong tâm trí tôi : “Cô ơi, thay tã cho tôi. Cô ơi, mở gói canh ra giúp tôi hoặc cô ơi, lấy giúp tôi chai nước….”. Có bệnh nhân nhét vội vào tay tôi tờ tiền năm mươi ngàn như thể sợ những bệnh nhân bên cạnh nhìn thấy với lời nói đủ để tôi nghe thấy : cho cô nè, tý về uống nước.

Những lời nói thật thân thương làm tôi cũng quên đi những mệt nhọc vì thiếu khí trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Biết bao nhiêu tình cảm mà những bệnh nhân dành cho tôi cũng như dành cho những tình nguyện viên khác, nhưng tôi cũng vui mừng vì họ đã được trở về cuộc sống bình thường, đây là điều mà bệnh nhân nào cũng mong muốn sau thời gian điều trị bệnh.

Không chỉ những bệnh nhân khỏe sắp ra viện, các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng cũng sắp chia tay mọi người trong khoa để trở về với gia đình- nơi ấy, cha mẹ vợ hoặc chồng con đang đợi họ. Đội ngũ bác sĩ và các anh chị điều dưỡng cũng tranh thủ chụp những tấm hình lưu niệm, với những kiểu dáng thật ngộ nghĩnh dễ thương trong bộ đồ bảo hộ màu trắng. Sau lưng mỗi người đều ghi tên và trang trí thật đẹp với hàng chữ đượm tình người như: Hải phòng yêu Sài Gòn. Thanh Hóa yêu Sài Gòn. Hà Nội yêu Sài Gòn”. Hoặc như câu thơ tự chế mà các anh chị điều dưỡng ghi nắn nót sau lưng áo:

“Nóng làm ướt áo ướt quần
Làm sao ướt nổi tinh thần chúng ta”.

Hay như câu:

“Đứng trên đỉnh núi ta thề
Chưa hết Covid chưa về Sầm Sơn”

Còn với các bác sĩ ở các bệnh viện trong Sài Gòn thì ghi:

“Sài Gòn ơi, cố lên. Sài Gòn ơi, mau khỏe nhé”.

Tất cả những điều ấy đủ nói lên tấm lòng hi sinh, quảng đại của tất cả y bác sĩ dành cho các bệnh nhân. Có những bác sĩ tâm sự đã lâu lắm rồi không về nhà, từ đầu mùa dịch tới giờ. Hoặc như chị điều dưỡng thủ thỉ chị ước ao một lần được vào Thành Phố Hồ Chí Minh, vì nghe nói Thành Phố này rất tráng lệ, cưu mang bao con người từ mọi miền đất nước  nhưng chị không nghĩ mình được vào trong hoàn cảnh này”.

Tôi cũng thế, cũng sắp đến ngày trở về cộng đoàn với những công việc bổn phận .Ý thức rằng thời gian ở bên các bệnh nhân và mọi người trong khoa là thời gian đếm ngược nên tôi luôn trân trọng giây phút hiện tại. Tôi cũng cảm thấy bùi ngùi với những tin nhắn của một chị tình nguyện viên chào tạm biệt mọi người:

“Ngày mai là ngày cuối tạm xa nhau rồi. Em rất vui và vinh hạnh khi được làm việc cùng quý cha, các sơ, các thầy, và các anh chị em. Em quý trọng mọi người vì sự nhiệt tình, tận tụy hết lòng, sự yêu thương, không toan tính vì những người xa lạ. Vẫn còn niềm tin vào tình người ở thế giới này. Ở chung với mọi người, em không thấy sự phân biệt giữa các tôn giáo với nhau, chúng ta đều đến với nhau tại đây bằng sự cảm động, cái tâm. Em nhớ mãi sự chia sẻ đồng đều gửi cho nhau từng miếng bánh, hộp sữa, đồ ăn giữa các tôn giáo … Em muốn nói rằng, mọi người rất tuyệt vời. Rất cảm ơn Chúa đã cho em được chứng kiến tình yêu thương thật là như thế nào. Trân trọng hết lòng. Xin cảm ơn những khoảnh khắc khó phai trong cuộc đời này. Chúa ở cùng tất cả anh chị em và ban phước lành trên sứ vụ, công việc, gia đình của từng mỗi người”.

Sau gần sáu tháng Sài Gòn sống trong lo sợ vì dịch bệnh, biết bao nhiêu tấm lòng quảng đại của mọi người trong và ngoài nước, người bỏ công- người bỏ của để chung tay với những vị lãnh đạo trong Giáo Hội và Xã hội lo cho từng người dân nhiễm bệnh cũng như những người không nhiễm bệnh . Quả thật, như ông bà ta vẫn nói : “Sau cơn mưa- trời lại sáng”. Giờ đây dường như bầu trời trong xanh đã dần trở lại, xua tan những đám mây mờ. Mọi hoạt động đã dần trở lại sau thời gian dài giãn cách. Như trong thư cám ơn của Đức tổng Giám Mục của tổng Giáo Phận Sài Gòn gởi quí Đức Hồng Y, quí Đức Cha và cộng đồng dân Chúa Việt Nam ngày 21/10/2021: Sài Gòn chưa khỏe, nhưng hôm nay Sài Gòn đã đứng dậy. Đại dịch tạm lắng xuống…”. Ngoài đường từng dòng người như vội vã trên dòng đời ngược xuôi. Thế nhưng hết giãn cách không có nghĩa là hết dịch bệnh. Ước mong rằng mỗi người luôn tuân thủ những qui định của Chính phủ để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại. Để không còn những em bé phải mồ côi cha mẹ, những người vợ mất chồng và những người chồng mất vợ…

Trong thư của thánh Phaolô viết: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu (1Tx 5,16- 18). Vâng, cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con một thời gian rất dài để suy nghĩ lại cuộc đời này thật mau qua chóng hết. Với những người đã trải qua căn bệnh Covid, đã bước qua cái chết thì càng cảm nghiệm nhiều hơn nữa vì họ có sự sống mới- để từ đây họ không sống với con người cũ nhưng sống với một sức sống mới, một tinh thần mới. Xin cho mỗi người trong chúng con cũng nghiệm được tình Chúa yêu chúng con trong từng giây phút của cuộc đời. Rồi đây, chúng con cũng sẽ phải đối diện và trải qua những khó khăn mới, nhưng con tin chắc rằng Chúa luôn cùng sống và đồng hành với chúng con trong cuộc đời này như Chúa đã cùng chúng con trải qua những ngày tháng qua, vì Chúa chính là Bầu Trời tỏa xuống chúng con những tia nắng tình yêu và lòng Thương xót.

Bệnh viện Hồi sức Covid 19
Bích Huyền – MTG Đà Lạt

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/phia-sau-dam-may-dai-dich-la-bau-troi-tuoi-sang-64399

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 24, 2021 in Suy tư

 

TẢN MẠN VỀ ĐỜI SỐNG ĐẠO CỦA CÁC KITÔ HỮU HÔM NAY

Con người ngày nay đang lãng quên những câu hỏi về chính mình ở chiều sâu về giá trị và ý nghĩa; mất đi tâm thức nhạy cảm về tôn giáo.

Mỗi người chúng ta không phải cứ được sinh ra hay cứ lãnh nhận phép Rửa thì đã là Kitô hữu, nhưng là chúng ta phải trở nên Kitô hữu trong từng ngày. Chính vì thế, một đức tin luôn luôn được tôi luyện, một đức tin luôn luôn được thể hiện là điều không bao giờ thừa, nhất là việc trở nên một dấu chứng của niềm tin giữa một xã hội như ngày nay là điều cần thiết.

Một xã hội đầy dẫy những cám dỗ, một xã hội mà chủ nghĩa hưởng thụ đang lên ngôi, một xã hội mà sự tục hóa đang lan tràn, một xã hội mà nó ảnh hưởng lên mọi hạng người không phân biệt một ai: giàu-nghèo, đời tu-đời thường,…

Đứng trước một thực trạng như thế, người Công giáo Việt Nam cũng đã có những cách thức, những chọn lựa để thể hiện, chứng tỏ niềm tin của mình trong bối cảnh mới. Những chọn lựa đôi khi đòi hỏi những từ bỏ lớn lao, những chọn lựa đôi khi không mang tính sống-chết như thời bắt đạo, nhưng cũng là những chọn lựa rướm máu, đau thương không kém.

Nhưng bên cạnh đó, những trào lưu cũng đã gây ra không ít “căn bệnh” trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Ở đây, người viết xin đưa ra một số điểm tiêu cực trong đời sống đức tin của người tín hữu.

Một lối sống hình thức

Ngày nay, cả giáo dân và giáo sĩ cũng như tu sĩ dường như đang rơi vào một đời sống chuộng hình thức, ưa chuộng vẻ bề ngoài. Nhiều tín hữu rất chăm chỉ đối với các sinh hoạt trong giáo xứ hay đoàn thể, tham gia đều đặn hoặc rất tích cực trong các sinh hoạt đạo, nhưng lại không chút bận tâm về thái độ cá nhân của mình đối với Chúa, quên đưa ra quyết định riêng cho mình về đức tin. Kitô hữu chúng ta đang rơi vào tình trạng lối sống “đoàn lũ”, thể hiện đức tin cách tập thể mà đánh mất đi niềm tin mang tính chất cá vị. Cũng thế, các tín hữu chỉ đến với Chúa vì luật, vì sinh hoạt hoặc để xin vài ơn cụ thể nào đó chứ không vì lòng yêu mến.

Các giáo sĩ và tu sĩ thì tìm cách khẳng định mình trong các sinh hoạt, làm sao để mình trở nên hoàn hảo trong mắt mọi người. Điều đó dễ đưa họ vào tình trạng “chủ nghĩa duy hành động”. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ quá bận tâm chuẩn bị những “kỹ năng” cho các sinh hoạt hơn là bận tâm sống giá trị Tin Mừng, quên đi chiều kích nội tâm. Cũng thế, nhiều tu sĩ sẵn sàng bỏ các giờ kinh nguyện, thánh lễ chung của Cộng đoàn để tham gia các hoạt động, để phục vụ các nhu cầu bên ngoài.

Trước thực trạng như thế, mỗi người cần ý thức sâu xa giá trị bên trong của các cử hành, các công tác dưới cái nhìn đức tin để có thể sống đức tin một cách sâu sắc hơn, để chúng ta không bị Chúa Giêsu trách: “Dân này tôn kính ta bằng môi bằng miệng” (Mc 7, 6).

Một lối sống tương đối

Tiếp đó, nhiều tín hữu đang chủ trương một lối sống theo “thuyết tương đối”. Đó là cũng là điều mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo, vì theo thuyết này không có gì là tuyệt đối cả. Chủ trương này khiến cho người tín hữu không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mục luân lý hay giá trị đạo đức khách quan nào nữa. Tất cả chỉ là tương đối và mỗi người có thể thay đổi các chân lý mà sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân. Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất hiện nay về sự thiếu tín nhiệm vào chân lý dẫn đến một tình trạng mất cảm thức về tội.

Và như hai tác giả, Francis J. Beckwith và Gregory Koukl, trong cuốn Relativism: Feet Firmly Planted in Mid-Air (1998), đã chỉ ra bảy sai lầm lớn mà chủ nghĩa tương đối mang lại: “người chủ trương tương đối không thể kết tội người khác làm sai; người chủ trương tương đối không thể than phiền về vấn đề sự dữ; người chủ trương tương đối không thể nói đến bất công hay bất toàn; người chủ trương tương đối không thể phát triển về mặt đạo đức; người chủ trương tương đối không thể bàn chuyện luân lý cách nghiêm túc; người chủ trương tương đối cũng không thể nói đến chuyện khoan dung”. Nếu theo như vậy, đời sống đức tin của người Công giáo dễ đi đến chỗ băng hoại.

Như thế, cả những người tín hữu cũng như giới tu sĩ, giáo sĩ đang bị đe dọa bởi chủ thuyết tương đối. Vì như ta thấy, không chỉ có giáo dân, nhưng cũng có những tu sĩ, giáo sĩ sống đời thánh hiến của mình một cách “tà tà”. Để chống lại lối sống này, người Công giáo được mời gọi trở về với các Chân Lý Đức Tin, trung thành với các giá trị Tin Mừng và kiên nhẫn thực hành Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống của mình.

Mất ý thức về sự hiện diện của Chúa

Con người ngày nay đang lãng quên những câu hỏi về chính mình ở chiều sâu về giá trị và ý nghĩa; mất đi tâm thức nhạy cảm về tôn giáo. Những cái nhìn về nhân sinh về ý nghĩa cuộc đời của mỗi người hay cả về đời sống đức tin bị lu mờ đi, con người tân tiến ngày nay chẳng còn ai tin vào chuyện “tận thế” trong ngày Chúa lại đến xét xử, nên người Công giáo Việt nam cũng dễ bị cuốn theo lối sống vô thần thực tiễn đang lan tràn trong xã hội.

Người tín hữu ngày nay ít nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống, họ đóng khung Thiên Chúa trong một ý niệm nào đó chứ không phải là một Thiên Chúa sống động. Vì không nhận ra sự hiện diện của Chúa nên tội lỗi người ta phạm ngày càng nhiều và có tầm mức ngày càng lớn. Ngay cả đối với các giáo sĩ, tu sĩ, họ là những người được xem là gần với hơn, khi đến với Bí tích Thánh Thể hay khi cử hành Thánh lễ là nơi Chúa Giêsu hiện diện cách sống động, thì họ cũng chỉ đến một cách máy móc và cử hành một cách duy hình thức.

Chính vì thế, chúng ta cần có một đức tin nhạy bén, cần có kinh nghiệm về Thiên Chúa thì ta mới có thể sống cùng với Thiên Chúa được. Muốn được như thế, chúng ta phải dám để cho Chúa đi sâu vào trong tâm thức của mình, đi vào các mối tương quan của ta.

Một lối sống mong muốn loại trừ Thập giá

Chúng ta có cám dỗ nghĩ rằng chỉ việc sống tốt đời sống Kitô hữu là mình có thể khiến các đau khổ rời xa. Và chúng ta hình dung lời hứa chúc lành của Thiên Chúa đồng nghĩa rằng Ngài sẽ loại bỏ mọi đau khổ khỏi chúng ta. Nhưng thực ra không phải thế. Thứ Sáu Tuần thánh chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên cây thập giá. Ngài là một vì Thiên Chúa nhưng khi xuống làm người Ngài vẫn phải trải qua quá trình sinh-lão-bệnh-tử như bao người khác. Ngài cũng biết sợ khi nhìn về cách chết, Ngài cũng biết đau khi chịu đòn vọt, đóng đinh. Ấy thế mà, con người ngày nay, họ muốn đi ngược lại với quy luật của đời người, họ không muốn chết, không muốn chịu khổ, chịu đớn đau.

Chính vì thế, khi nghe ở đâu có “phép lạ” chữa lành bệnh này tật nọ thì lập tức kéo nhau đến; nghe ở đâu có “thần y” nào có thể chữa lành thì không thể ngồi yên. Họ chỉ thích một Chúa Giêsu không có thập giá, mão gai; họ chỉ thích một Chúa Giêsu làm phép lạ để phục vụ nhu cầu của họ, nên họ khó chấp nhận ý Chúa trong những cơn gian nan thử thách, họ kêu trách Chúa.

Chúng ta cần biết đón nhận những đau khổ như là một phần của đời sống, và phép lạ không gì khác là khi chúng ta nhận ra tình Chúa vẫn đang thương ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Lối sống hưởng thụ

Xe loại nào? điện thoại hạng gì? đời nào?…là những câu hỏi cửa miệng của nhiều người khi trò chuyện với nhau, và đó cũng là chủ đề mà nhiều tu sĩ, linh mục bàn đến mỗi khi có dịp gặp nhau. Các chủ đề về công nghệ, xe cộ được thay thế cho những vấn đề tu đức, các vấn nạn mà người Kitô hữu phải đối mặt.

Như thế, ta có thể thấy được một đời sống đang bị ảnh hưởng bởi trào lưu hưởng thụ lớn đến cỡ nào. Xã hội này đã sinh ra những đứa con “quái thai” trong cách sống: bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ! Người tín hữu cũng chạy đua với thế gian về những công nghệ, về những món hàng tối tân nhất. Nhiều tu sĩ, giáo sĩ ngày nay cũng không chịu thua kém ai về điều này, trong tay họ luôn là chiếc điện thoại mới ra lò, ôtô là chiếc xe hạng sang,…

“Hưởng thụ”, đó là đó là cách nói của mọi người, nhưng đó là một cuộc đời làm “nô lệ” thì đúng hơn, vì khi tiếp cận với các phương tiện kĩ thuật mới, mọi người phải đi học cái “ngôn ngữ” của nó thì ta mới có thể dùng được, vì người nô lệ luôn cần biết tiếng của ông chủ. Đó là một tình trạng đáng buồn cho Giáo hội Việt Nam hôm nay. Người Công giáo cần thức tỉnh trước những lối sống này. Trước thách đố này, chúng ta cần nhớ lại Lời Chúa dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24). Và chúng ta cần sống quảng đại, biết tôn trọng và yêu thương người khác như chính mình (Mt 22, 38-39).

Đó là những mặt nổi về thực trạng đời sống đức tin của người Công giáo Việt Nam hiện nay. Nhưng không phải vì thế mà ta chán nản, thất vọng, những cần biết nhìn nhận và đưa ra định hướng cho hành trình đức tin của mình. Để tìm lại được chính mình và ý nghĩa của đức tin, chắc chắn mỗi người chúng ta phải đặt vấn đề về nguồn cội của sự sống, về các giá trị hiện sinh và về ý nghĩa cuối cùng của chính mình và của cả nhân loại. Và chỉ khi chấp nhận Đức tin để đi sâu vào trong mối tương quan với Đấng Tạo Hóa giàu lòng yêu thương – một mối tương quan vừa mang tính cá vị vừa mang tính cộng đồng trong Giáo Hội với một niềm tín thác hoàn toàn thì chúng ta cũng như mọi người khác mới tìm thấy được lời giải đáp cho tất cả, mới tìm ra lối đi chung cho người Kitô hữu giữa một rừng rậm của thời đại công nghệ.

Trần Vũ    

(dongten.net)

Nguồn: http://gplongxuyen.org/tin-tuc/tan-man-ve-doi-song-dao-cua-cac-kito-huu-hien-nay.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 21, 2021 in Suy tư

 

Đại dịch cuối tháng Chín

 Hữu Sang 

Ngày 18/10/2021

Đại dịch cuối tháng Chín

TGPSG — Chiều ngày cuối cùng của tháng Chín, tôi nghe tiếng reo hò của các em. Lạ quá, tôi vội bước ra ban-công để nhìn.

Không còn những hàng dài rồng rắn của người dân đội mưa đi chích ngừa. Không còn sự căng thẳng và im lặng chờ đợi.

Giờ chỉ có nhóm các em, những tình nguyện viên cho đợt chống dịch Covid, đang reo hò và tạo dáng, chụp hình các kiểu…

Các em vui vì công việc sắp kết thúc, các em vui vì dịch bệnh kinh khủng đang lắng xuống dần, và các em vui vì tuổi trẻ phải là như thế…!

Những ngày trước đây, nhìn các em lấy mẫu xét nghiệm Covid cho người dân, nhiều lúc tôi bực bội vì có em vô ý quên sát khuẩn. Có một lần ngồi ngửa cổ hướng mặt ra đường để được lấy mẫu, tôi cũng bực bội vì bị que chọc vào mũi đau quá, đau cả mấy ngày…

Nhưng tuổi đời các em còn nhỏ hơn con mình nhiều.

Còn trẻ như các em mà phải mang lấy bộ đồ kín như bưng suốt ngày ở nơi trưng dụng làm chỗ chích ngừa, thật là quá sức! 

Còn trẻ như các em mà làm việc hằng ngày, liên tục suốt 7 đến 8 tiếng, liên tục mấy tháng trời, với cường độ căng thẳng và đầy rủi ro lây nhiễm, cũng thật là quá sức!

Cha mẹ các em có thể tự hào vì công việc của con cái mình đã làm. Các em có thể tự hào về kỳ thực tập có một không hai trong đời mình, với quá nhiều cung bậc cảm xúc.

Những trải nghiệm về cái được và cái mất, về sự sống và sự chết, về trao và nhận trong gian nan khốn khó… Đó là những bài học lớn mà không phải người lớn nào cũng đón nhận được, trước và ngay cả sau đại dịch.

Thời gian bùng phát dữ dội của đại dịch ở Sài Gòn đã qua. Và các em đã dám đảm đương trách nhiệm của mình trong thời điểm lịch sử rất cheo leo ấy. Chúc mừng và cám ơn các em!

Cầu chúc các em luôn an lành, hồn nhiên và mạnh khỏe!

Hữu Sang (TGPSG) – cuối tháng 9/2021
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/dai-dich-cuoi-thang-chin-64376

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Suy tư

 

Nhớ lời Mẹ trăn trối

 Jos. Lương Tùng, CSsR. 

Ngày 15/10/2021

Nhớ lời Mẹ trăn trối

Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục, đó là đại úy Laly. Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins và đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến và khuyên nhủ ông để lôi kéo ông ra khỏi tội ác, nhưng tất cả mọi cố gắng của các vị đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục. Thế rồi một hôm, khi mọi người tưởng như không còn chút hy vọng gì cho kẻ tội đồ, thì Laly đã lần mò đến với một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó, ông đã thú nhận: “Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết” (Trích từ sách Lẽ Sống).

Chỉ với một kinh Kính Mừng mỗi ngày, chúng ta đã thấy: Thiên Chúa có cách để cứu vớt và hoán cải “một cuộc đời” tưởng chừng vô phương cứu chữa. Quả thật, lời cầu nguyện đẹp ý Thiên Chúa nhất không phải là những lời bay bổng, cao siêu, dài dòng, những thứ hoa ngôn hoạt ngữ hay những lời làm cho ai đó dâng tràn cảm xúc, nhưng lời cầu nguyện đẹp là những lời cầu nguyện phát xuất từ con tim chân thành, với sự khiêm tốn nhẫn nại sâu thẳm. Và kinh Kính Mừng chính là một phương thế tuyệt hảo mà Giáo Hội luôn khuyến khích con cái mình thực hành thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.

ĐTC Phanxicô khuyên các tín hữu rằng: “Với Kinh Mân Côi, chúng ta hãy tự mình cảm nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của lời cầu nguyện này, là lời cầu nguyện đơn giản và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người. Trên hết, chúng ta cần được bàn tay của Đức Trinh Nữ Maria dẫn dắt để chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô: một khuôn mặt vui tươi, sáng láng, sầu muộn và vinh quang. Người nào, giống như Mẹ Maria và cùng với Mẹ Maria, cố gắng gìn giữ và suy gẫm về các mầu nhiệm của Chúa Giêsu, thì sẽ ngày càng đồng hóa các cảm xúc của mình và trở nên hoà hợp với Người”.

Như thế, theo lời khuyến khích của Đức Thánh Cha, cầu nguyện và suy gẫm mỗi ngày bằng kinh Mân Côi là cách để chúng ta yêu mến và nên giống Mẹ Maria của chúng ta hơn. Nhờ đó, chúng ta càng được đến gần và gắn bó hơn với Chúa Giêsu, Con của Mẹ.

Bệnh viện dã chiến số 12, ngày 15 tháng 10 năm 2021
Tu sĩ Jos. Lương Tùng, C.Ss.R.

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nho-loi-me-tran-troi-64350

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 16, 2021 in Suy tư, Truyện

 

Đừng lìa bỏ niềm hy vọng

 Huệ Đồng 

Ngày 13/10/2021

Đừng lìa bỏ niềm hy vọng

TGPSG– Trên chuyến xe chở tình nguyện viên chúng tôi đi làm về từ bệnh viện tới khách sạn, tôi tình cờ nghe được bài hát “im lặng thở dài” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những ca từ “im lặng thở dài, tôi đã lắng nghe, im lặng mặt người, nghe bao nỗi đau…” khiến tôi lặng nghĩ về nơi tôi đang phục vụ – ICU 2A của Bệnh Viện Hồi Sức Covid 19.

ICU là tên viết tắt của cụm từ Intensive Care Unit, có nghĩa là Chăm Sóc Hồi Sức Tích Cực. Với đầy đủ tính chất và các phương pháp trị liệu trong y khoa, Khoa ICU tại bệnh viện Hồi Sức Covid 19 được đánh giá là cứu cánh trong liệu trình cứu chữa những bệnh nhân nguy kịch vì mắc Covid. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực, chăm sóc và theo dõi trong sự căng thẳng và tỉnh táo 24g hằng ngày đối với từng bệnh nhân. Tại Khoa ICU 2A chúng tôi có 30 phòng, số bệnh nhân dao động từ 50-60 người. Nói là dao động bởi lẽ trận chiến giành giật sự sống ở nơi đây được cho là khốc liệt nhất. Người tới vội vàng, người lui lẳng lặng.

Im lặng của ngày, im lặng của đêm…

Ngày cũng như đêm, bệnh nhân nằm im lìm với dây nhựa chằng chịt khắp người. Chị điều dưỡng bảo với tôi nếu tỉnh dậy họ sẽ đau đớn và bứt khỏi mình các dây máy đang gắn trên người. Vào đây, vào chính cái nơi người ta đang mong manh giữa cửa sinh tử, cái nơi mà các y bác sĩ đang nỗ lực hết mình để vớt vát sự sống còn, người ta có thể thấy được nỗ lực níu kéo sự sống của con người chỉ có giới hạn nhưng những trái tim và cố gắng của đội ngũ tuyến đầu phải đáng khâm phục và tri ân đặc biệt.

Tôi đang lắng nghe

Trong không gian im ắng, tôi lắng nghe những tiếng máy vang khắp các phòng. Tôi nghe những nhịp tim, tiếng mạch, tiếng thở của những bệnh nhân. Có tiếng đều đều, có tiếng yếu dần. Và có tiếng hoà vào thinh không. Có những lúc cả khoa trở nên căng thẳng vì tiếng tri hô bác sĩ khi bệnh nhân ngưng tim. Có cả tiếng thở mừng vui vì tim bệnh nhân đập lại. Cũng có cả tiếng thở thẫn thờ vì bệnh nhân đã ra đi. Những lần lau nhà, lau giường hay đi gom rác từng phòng, tôi nhìn vào các bệnh nhân và thầm thì lời kinh Kính Mừng. Những giây phút ấy, tôi muốn Mẹ lắng nghe cùng.

Tôi đang lắng nghe

Ngoài kia có vẻ như đã lạc quan hơn, xã hội mở cửa sau thời gian giãn cách đầy cơ cực. Số ca F0 giảm, số người được tiêm vắc xin ngày thêm đông. Xã hội đang sống chung với dịch và mong muốn đạt được trạng thái bình thường mới dẫu vẫn nơm nớp lo sợ những biến thể mới và những đợt bùng dịch mới. Những điều ấy lại để tôi lặng lòng mình hơn để phần nào đặt mình vào những bệnh nhân nguy kịch đang nằm trong khoa ICU. Tôi lắng nghe nỗi đau đớn mà bệnh nhân đang phải chịu. Lắng nghe những thiệt thòi của họ khi chưa có vắc-xin để tiêm. Lắng nghe những tâm tư mà họ còn vương nặng trong lòng. Lắng nghe nỗi sợ hãi, sự cô đơn của họ trong giây phút khủng khiếp mà họ đang trải qua. Tôi lắng nghe tất cả như chỉ là chút an ủi tôi muốn dành cho họ cố gắng để chống chọi với cơn bạo bệnh này. Và lắng nghe như chỉ là mong chờ họ khỏe lên và được xuất viện.

Im lặng thở dài

Tiếng thở dài tôi nghe từ tình hình bệnh nhân không có tiến triển hay trở nặng thêm. Tiếng thở dài khi số lượng bệnh nhân nguy kịch vẫn còn nhiều. Tiếng thở dài khi con số tử vong vẫn cao. Mỗi khi có bệnh nhân mất, khi bác sĩ làm xong hồ sơ, chúng tôi lau tắm cho bệnh nhân lần cuối và lượm thi hài vào ”túi”. Chẳng có thuốc thơm để xức, cũng chẳng có khăn sạch để bọc, cũng chẳng táng vào huyệt mộ. Cùng lời kinh, lời cầu đọc chung kêu lên Chúa, chúng tôi gửi vào họ sự hiện diện của người thân, của những nghi thức cuối cùng và của chút nghĩa tử là nghĩa tận. Sau khi người mất được mang đi, chúng tôi phun khử khuẩn, lau giường và phòng bệnh, bầu không khí lại im lặng trong những tiếng thở dài nhưng chúng tôi tin rằng niềm hy vọng âm thầm nơi cánh cửa bên kia sẽ giúp cho người quá cố được Thiên Chúa đón nhận hưởng phúc thiên đàng.

Nơi Ngài con đặt hy vọng

“Dâng vui buồn sẽ đến, dâng sướng khổ qua rồi, dâng lên Ngài trót một kiếp con người. Dâng lên Chúa trái tim ai mồ côi, dâng lên Ngài kiếp sống ai lẻ loi. Mong con thuyền ghé bến, vui đến mở ân tình, dâng lên Ngài ước nguyện sẽ vô ngần.”

Mượn lời bài hát Dâng lên Ngài của nhạc sĩ Phanxicô, xin dâng lên Chúa như một niềm hy vọng vào sự nâng đỡ và cứu chữa của Người Cha nhân lành. Cả người đang khỏe mạnh, người đang chạy chữa bệnh, người đang mưu sinh, người đang còn sống, người đã ra đi… xin gói trọn trong lời cầu nguyện xin ơn bình an và chữa lành. Niềm hy vọng vẫn nóng cháy dù bao đau khổ và bi thương. Và tự hỏi rằng sau cơn đại dịch, người ta sẽ nhận ra điều gì? Chỉ nơi Lòng Thương Xót của Chúa, con người mới có thể náu nương và hướng đến. Chỉ nơi Ngài, nhân loại mới tìm được bình an đích thực và sự sống vĩnh cửu.

Kết thúc chút cảm nhận, xin lấy lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-xê như tự nhắn nhủ bản thân để biết kiên tâm và nỗ lực trong đời sống hằng ngày:

“Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng.” (Cl 1,23a)

Huệ Đồng

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/dung-lia-bo-niem-hy-vong-64343

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 13, 2021 in Suy tư

 

10 LỜI KHUYÊN CHO VIỆC ĐỌC KINH MÂN CÔI

Mỗi thành viên trong gia đình hãy đọc một chục kinh Mân Côi. Càng có nhiều thành viên tham dự giờ Kinh Mân Côi, lời cầu nguyện càng có hiệu quả và càng sinh nhiều hoa trái.

1/ Sắp xếp thời gian

Mỗi ngày, bạn dành một khoảng thời gian cho việc đọc kinh Mân Côi. Bạn cố gắng hình thành thói quen cầu nguyện với Kinh Mân Côi. Thói quen được hình thành bởi việc lặp đi lặp lại một hành động. Thói quen tốt là một nhân đức. Tất cả chúng ta cần xây dựng nhân đức, tức là thói quen đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày.

2/ Giáo Hội tại gia

Gia đình chính là Giáo Hội tại gia – một nơi thánh thiêng dành cho cầu nguyện. Các bậc cha mẹ phải là thầy dạy và là những người chuyển trao Đức Tin Công Giáo. Do vậy, bổn phận vô cùng quan trọng của các bậc làm cha làm mẹ chính là hướng dẫn con cái cầu nguyện. Bạn hãy nhận ra một nơi đặc biệt dành cho cầu nguyện: nhà nguyện tại gia.

3/ Hạn chế ồn ào

Ồn ào sẽ cản trở đời sống thiêng liêng, đời sống cầu nguyện. Thời gian cầu nguyện phải là thời gian tĩnh lặng. Thiên Chúa nói với ngôn sứ Ê-li-a trong tiếng gió hiu hiu. Tĩnh lặng giúp bạn lắng nghe tiếng Chúa.

4/ Sử dụng ảnh tượng thánh

Là con người, chúng ta được dựng nên có xác có hồn. Vì vậy, sử dụng ảnh tượng thánh là điều rất đỗi ích lợi giúp ta hướng về thế giới linh liêng. Chúng ta không tôn thờ những ảnh tượng này, nhưng tôn thờ tình yêu Thiên Chúa được diễn tả nơi ảnh tượng thánh.

5/ Ảnh tượng Đức Maria

Rõ ràng, cầu nguyện trước ảnh tượng Đức Maria là một điều rất có giá trị trong việc giúp ta nâng tâm hồn và thần trí lên cùng Thiên Chúa.

6/ Nến và hương

Để tăng thêm bầu không khí thiêng liêng, bạn nên thắp một cây nến và đốt một chút hương thơm. Làn khói bay cao tựa như biểu tượng của những lời kinh dâng lên trước ngai tòa Chúa.

7/ Thời gian gia đình và cầu nguyện

Tất cả chúng ta đều biết câu nói nổi tiếng của vị linh mục Kinh Mân Côi, cha Patrick Peyton: “Gia đình nào cùng nhau cầu nguyện, gia đình ấy cùng nhau chung sống.” Quá đúng! Bạn hãy quy tụ mọi thành viên trong gia đình và cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau đọc kinh Mân Côi. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa và đẹp lòng Đức Maria, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi.

8/ Huy động tất cả mọi người

Mỗi thành viên trong gia đình hãy đọc một chục kinh Mân Côi. Càng có nhiều thành viên tham dự giờ Kinh Mân Côi, lời cầu nguyện càng có hiệu quả và càng sinh nhiều hoa trái. Các em nhỏ trong gia đình có thể là người chủ sự một chục kinh Mân Côi. Chính Đức Giê-su đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”

9/ Những hoa trái của Màu nhiệm

Mỗi màu nhiệm của cuộc đời Đức Giê-su và Mẹ Maria được thuật lại trong Kinh Mân Côi đều biểu lộ một nhân đức tuyệt vời mà chúng ta cần say mến, bắt chước và thực hành. Do vậy, trước khi suy ngắm một màu nhiệm, điều hữu ích cho chúng ta là hãy nài xin những ân sủng hoặc nhân đức trong màu nhiệm ấy. Chẳng hạn, với màu nhiệm Thăm viếng, chúng ta khen ngợi tình yêu lớn lao mà Đức Maria dành cho Thiên Chúa và cho bà chị họ Ê-li-sa-bét.

10/ Noi gương Đức Maria

Chính nhờ chiêm ngắm các nhân đức và sự thánh thiện của Đức Maria mà đời sống chúng ta được thúc đẩy để trở nên yêu mến hơn, tốt lành hơn và thương xót hơn. Chúng ta sẵn sàng phục vụ anh chị em đồng loại, nhất là những ai đang gặp khốn khó.

Quang Khanh, S.J.(dongten.net)

(Lược dịch từ Catholic Exchange 13-10-2017)

Nguồn: http://gplongxuyen.org/tin-tuc/10-loi-khuyen-cho-viec-doc-kinh-man-coi.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 11, 2021 in Giới thiệu, Suy tư

 

Hành trình hậu thiện nguyện

 Sr. Maria Hội, RNDM 

Ngày 09/10/2021

Hành trình hậu thiện nguyện

TGPSG– Những ngày tháng thiện nguyện đã trôi qua, tôi được trở về nghỉ ngơi cách ly tại cộng đoàn Foyer de Charité (Cộng Đoàn Bác Ái Cao Thái). Tôi dành giờ chiêm niệm cầu nguyện, lấy lại sự kết nối với Chúa và với chính mình.

Trong những ngày ở đây nhìn ra bầu trời thật buồn thảm mỗi khi về chiều và những cơn mưa dầm cứ ào ạt kéo tới, tâm trạng của tôi như chùng xuống, trầm ngâm hơn và tôi suy tư nhiều hơn. Tôi đã tự hỏi: đâu rồi những buổi chiều hoàng hôn trong xanh tươi đẹp ngày ấy tại bệnh viện, mỗi lần tan ca chiều, tôi thường hay nhìn ngắm sao nay lại trở nên ảm đạm đến thế.

Bầu khí ngoại cảnh lại làm tôi nhớ đến những hình ảnh thân quen mà tôi đã gắn bó với trong suốt một tháng qua. Dẫu có vẫy vùng, chiến đấu với con virus quái ác ấy, nhưng tôi vẫn thấy được những nét mặt vui tươi, bình an, hạnh phúc của các y bác sĩ, các thiện nguyện viên khi còn có cơ hội tiếp tục ở lại chăm sóc và phục vụ các bệnh nhân. Chính tôi đã nói với họ trước lúc chia tay “Mừng cho các bạn còn cơ hội phục vụ, còn cơ hội là còn niềm vui, còn hạnh phúc để trao ban”. Nghĩ tới họ tôi thầm cám ơn Chúa vì tiếp tục còn có những người anh dũng hy sinh để phục vụ cách nhưng không, để đồng hành với những con người đang nửa sống nửa chết. Trong lời cầu nguyện, tôi tin rằng Chúa sẽ bù đắp cho họ tất cả những gì cần thiết để làm chứng tá cho Ngài.

Trong sự tĩnh lặng và cô tịch, những ký ức đau khổ, những bệnh nhân ra đi cô đơn không người thân bên cạnh, những tiếng động của máy thở, máy đo nhịp tim, máy đo nồng độ oxy SPO2… trong bệnh viện lại ùa về, làm tôi trằn trọc suốt đêm, không sao ngủ được. Tôi cảm thấy bất an và tự hỏi: “Sao con người lại ra đến nông nỗi như thế?” và tôi thưa với Chúa: “Họ đau lắm Chúa ơi, họ cô đơn và lạnh lẽo lắm Chúa ạ”… nỗi đau như xoáy vào tim tôi sâu … thật sâu … khiến tôi lại càng trở nên chua xót, trằn trọc và quặn đau hơn. Bên cạnh những khắc khoải ưu tư ấy có những niềm vui khác ùa về trong tôi, đó là những niềm vui của những người thân và bệnh nhân khi nhận được cuộc điện thoại mà các thiện nguyện viên là người trung gian kết nối. Niềm vui thể hiện trên khuôn mặt bệnh nhân khi được chăm sóc tận tình chu đáo, niềm vui khi sắp được xuất viện và niềm vui của các y bác sĩ, các thiện nguyện viên khi được cho đi trong yêu thương.

Tâm trạng tôi cứ lên xuống như thế cho đến khi tôi có được một cuộc gặp gỡ trực tuyến trên Google Meet với các linh mục (Lm), các nữ tu chuyên gia tâm lý. Các ngài đã chuẩn bị cho nhóm chúng tôi những đề tài “Chờ đợi – đọc lại đời sống – nối kết”, “Chữa lành ký ức mất mát trong cơn đại dịch” dưới sự hướng dẫn của Nữ tu Thanh Tú, FMM và Lm Hoàng Quân. Đề tài “Lắng nghe ngôn ngữ cơ thể sau mùa thiện nguyện”, “Sức khỏe tâm hồn”, qua sự chia sẻ của linh mục Sĩ Nghị, SJ. Nhờ các buổi gặp gỡ này, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, sự quan phòng của Chúa nơi anh chị em cùng chí hướng ở hậu phương luôn đồng hành cùng chúng tôi. Bước vào tuyến đầu trong cơn đại dịch, chúng tôi không bước đi một mình, nhưng đã bước đi cùng các anh chị khác để mang yêu thương đến với con người.

Mở đầu cuộc gặp gỡ online, chúng tôi được chia sẻ những cảm nghiệm của mình. Có những câu chuyện thật buồn, thật đau và thật xót xa, nhưng cũng có những kỷ niệm thật vui và hạnh phúc khi được chứng kiến các bệnh nhân chiến thắng được tử thần và trở về đoàn tụ cùng gia đình. Vui và hạnh phúc hơn nữa là mỗi chị em chúng tôi đã tận dụng hết cơ hội để mang tình yêu của Chúa đến với mọi bệnh nhân trong yêu thương phục vụ. Việc chữa lành ký ức mất mát và lắng nghe ngôn ngữ cơ thể là những điều trước đây tôi rất ít quan tâm, hay có thể nói là tôi chưa để ý tới vì tôi chưa gặp nỗi đau nào quá lớn như vậy, nhưng bây giờ thì khác…Khi có cơ hội ngồi lại, đọc lại những khoảnh khắc đã qua có lúc người tôi run lên, ớn lạnh, cảm thấy hoàn toàn bất lực khi phải chứng kiến một lúc quá nhiều người ra đi, thêm vào đó là sự đau đớn cũng như những ánh mắt sợ hãi lo lắng của quá nhiều bệnh nhân. Có những bệnh nhân đã không dám nhắm mắt ngủ và chỉ an tâm khi có người đến bên cầm tay, chắc do sự sợ hãi ám ảnh, khi chứng kiến những người bị nhiễm, nhập viện, cuối cùng lần lượt ra đi. Hình ảnh tang thương đó đã in sâu vào tâm hồn họ, những nỗi đau ấy chẳng ai có thể bù đắp được ngoài tình yêu của Thiên Chúa.

Trong một ngày Chúa Nhật nọ tôi đã được đến với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể cách trực tiếp sau thời gian khá dài bị ngăn trở bởi đại dịch. Tôi cảm nghiệm rằng: Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. “Tạ ơn Chúa hôm nay Chúa đã ban cho con được hưởng điều con thầm mơ ước”. “Cám ơn cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn đã âm thầm hy sinh đồng hành với chúng con.”

Hành trình hậu thiện nguyện là một món quà rất quý và cần thiết đối với tôi, vì đã giúp tôi lấy lại sự cân bằng trong mối tương quan với Thiên Chúa, chính mình và tha nhân. Có thể trong những ngày tháng qua ở tại tiền tuyến, tôi đã không chú ý tới hay bị lãng quên vì nỗi đau của dịch bệnh đã làm tôi mất hy vọng, mất đi sự tín thác và bị thách đố nhiều về đức tin. Đây là thời gian tuyệt vời để tôi kết nối lại với Chúa, với chính mình và với người khác. Lời Chúa mời gọi tôi “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Tạ ơn Chúa đã cho tôi cảm nghiệm Chúa vẫn ở đó, Ngài vẫn ở bên tôi bảo vệ che chở tôi, để ngày hôm nay tôi được trở về nghỉ ngơi bồi dưỡng trong bình an của Chúa, xin trao mọi gánh nặng vào lòng thương xót Chúa, xin dâng những người còn đang vất vả chiến đấu nơi tuyến đầu vào sự quan phòng của Ngài.

Sr. Maria Hội, RNDM
Dòng Đức Bà Truyền Giáo

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/hanh-trinh-hau-thien-nguyen-64331

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 10, 2021 in Suy tư