RSS

Monthly Archives: Tháng Năm 2016

KHÔNG TIỀN KHÔNG ĐI.

tien
Đặng Âm làm sứ bộ thị lang, nắm quyền tuyển chọn các quan chép sử, ăn hối lộ rất nhiều, tiếng tăm rất xấu.
Nếu người nào đi thi trong ngày ấy thì phải bó trên đôi ủng của mình một trăm quan tiền, tiếng đồng tiền kêu tinh tang, Đặng Âm nghe tiền va chạm kêu tinh tang thì tai liền thông và tiến lên phía trước hỏi:
– “Tại sao anh phải bó tiền trên đôi ủng ?”
Người đi thi tuyển trả lời:
– “Hôm nay thi tuyển chọn, không tiền không đi.”
Thần kinh của Đặng Âm xúc động, lòng nhạy cảm không nói nên lời.
(Triều Dã Thiểm Tải)

Suy tư 52:
Tiền nó có một sức mạnh đặc biệt: nó làm đảo lộn trật tự thế giới, nó thay đổi lòng người, nó làm cho con người thành tựu hoặc tiêu tan danh vọng.v.v… nó là sản phẩm do con người tạo ra, nhưng lại thống trị con người.
Đức Chúa Giê-su rất có lý khi nói kho tàng của anh ở đâu thì lòng trí anh cũng ở đó .
Nhưng có người không có kho tàng gì cả, mà lòng trí thì vẫn luôn luôn để vào kho tàng của người khác, chẳng hạn như anh ta để lòng trí vào gia tài của cha mẹ, dự định khi cha mẹ chết đi thì làm sao mà chiếm đoạt, làm sao để dành phần hơn những anh chị em khác trong nhà; có người để lòng trí vào cái chức vụ béo bở trong cơ quan, cho nên lòng dạ không màng đến nhà thờ, không màng đến việc kính Chúa yêu người; lại có người kho tàng thì kếch sù, nhưng lòng trí cũng vẫn cứ để nơi kho tàng của người khác chẳng hạn như làm sao để hạ bệ cái thằng cha thủ trưởng, làm sao đẩy nó đi khỏi cơ quan để “ghế” của nó cho mình.v.v…
Vì lòng dạ luôn để nơi những kho tàng ấy, nên thế gian không lúc nào là có hoà bình, tâm hồn không lúc nào được bằng an, bởi vì tiền bạc đã che mất sự sáng suốt của tâm hồn, tiền bạc đã làm cho tâm hồn trong sáng trở thành hắc ám, vì thế nên người ta có câu vè thời hiện đại như sau: “Tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân.v.v…”
Đồng tiền luôn có hai mặt và nó như con dao hai lưỡi, mà “lưỡi” nào cũng đáng sợ khiến cho người sử dụng nó phải cẩn thận: nó là khí cụ để chúng ta nên thánh, đồng thời nó cũng là con dao khiến chúng ta phải chết đời đời.
Ai hiểu thì hiểu !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

———-
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 

LẤY VIỆC XẤU LÀM TRÒ ĐÙA.

images

Bắc tế Cao Dương Vương vào triều, hoàng đế hỏi ông ta cái gì là sung sướng nhất.
Cao Dương Vương nói:
– “Nhìn thấy người bị ong vò vẽ đốt chết thì quả là hứng thú !”
Thế là hoàng đế cho thâu tập tất cả các loại ong rừng lại, chỉ một ngày mà được năm đấu, rồi đem tất cả bầy ong ấy bỏ vào trong cái bồn tắm lớn rồi bắt một người cởi áo ra nhảy vào bồn mà tắm.
Người ấy không biết gì nên mở nắp bồn tắm ra, lập tức tất cả ong rừng đều bay đến vây quanh anh ta, không bao lâu liền bị ong càng đốt kêu oa oa, nhức nhối chịu không nổi, một lúc sau thì chết, hoàng đế và Cao Dương Vương ngồi một bên liên tục nói:
– “Khoái quá, khoái quá !”
(Triều Dã Thiểm Tải)

Suy tư 49:
Vua Hê-rô-de vừa uống rượu chúc thọ vừa ra lệnh chém đầu thánh Gioan Tẩy Giả, nên muôn đời bị nguyền rủa; vua Nê-ron vừa uống rượu vừa thưởng thức những màn giác đấu không công bằng giữa những người Ki-tô hữu bị trói tay chân trên cột với các loại ác thú trên hí trường, nên ông đã trỏ thành vị hoàng đế độc ác trong lịch sử Giáo Hội.
Vui cười trên những đau khổ của người khác là một việc không nên làm, bắt người khác đày đọa khổ sở để tăng thêm phần hứng thú cho mình uống rượu, thoả mãn thú tính của mình là một tội ác tày trời, thánh Phao-lô đã dạy chúng ta “vui với người vui, khóc với người khóc.”
Thời nay không còn cảnh vừa uống rượu vừa ra lệnh chém đầu, nhưng vẫn còn cảnh nhậu nhẹt rồi đi đến tội ác thì vẫn đầy dẫy khắp nơi; thời nay không còn cảnh vừa ngâm thơ uống rượu vừa coi thú dữ cắn xé người vô tội, nhưng vẫn còn cảnh cười vui hí hửng trên những đau khổ của người anh em chị em.
Có người rất vui vẻ hả hê khi người anh em chị em bị sa cơ thất thế; có người đến nhà thờ xin lễ tạ ơn vì nhà người hàng xóm vừa bị cháy; có người trong bụng vui như mở cờ nhưng ngoài mặt thì làm bộ sầu bi khi người đồng nghiệp vừa bị cho về vườn.v.v…
Người Ki-tô hữu là người biết rất rõ giá trị to lớn của sự đau khổ, sự đau khổ này được học từ nơi thập giá của Đức Chúa Giê-su, Đấng đã bị đau khổ nơi thân xác lẫn trong tâm hồn vì tội lỗi của nhân loại, cho nên họ chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những đau khổ của người anh em chị em, họ biết chia vui với người vui và chia buồn với người đau khổ, và như thế họ đã thông phần vào sự đau khổ của Đức Chúa Giê-su rồi vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

—————-
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 

NHẤT ĐỊNH LÀ CON CHÓ ẤY.

tintuc144266efe0fbffdd8d7fd2bda2f2e55c
Lục Dư Khánh bắt đầu thì làm thượng thư, nhưng về sau vì năng lực không đủ nên chuyển qua làm trưởng sứ Lạc châu.
Con trai của ông ta cười phụ thân không có năng lực, len lén viết mấy chữ bỏ nơi bàn viết của bố:
– “Ngòi bút của Lục Dư Khánh không có lực, mồm miệng thì nói cứng, một ngày nhận kiện cáo, mười ngày xử không xong.”
Lục Dư Khánh vừa nhìn thấy liền biết ngay là ai viết, lớn tiếng chửi:
– “Nhất định là con chó ấy làm.”
Thế là đánh cho thằng con một trận.
(Triều Dã Thiểm Tải)

Suy tư 48:
Trong gia đình, con cái thường cảm phục cha hơn mẹ, vì đối với các em, cha là người “việc chi cũng biết, làm cái gì cũng xong”, nhưng khi con cái lớn lên thì cái cảm phục này cũng đi xuống từ từ, vì xã hội tiến quá nhanh, nhanh đến mức cha mẹ trở thành lạc hậu đối với con cái.
Nhưng dù cho xã hội tiến nhanh đến đâu, con cái học hành đến cở nào, chúng nó cũng sẽ không bao giờ mất đi sự kính trọng và cảm phục nơi cha mẹ nếu cha mẹ sống đạo đức, yêu mến Lời Chúa và hướng dẫn con cái sống theo tin thần của Chúa dạy.
Cha đạo gốc nhưng rất ít đi lễ nhà thờ, mẹ đạo dòng nhưng thường hay gây gổ với hàng xóm, thì thử hỏi con cái sẽ nghĩ như thế nào về cha mẹ của chúng nó ? Chúng nó sẽ không viết giấy tố cáo cha mẹ không có năng lực giáo lý rồi len lén để trên bàn bố, nhưng chúng nó sẽ công khai bắt chước cha mẹ nó không đi lễ nhà thờ, không thèm đi học giáo lý, và cuối cùng là ly khai gia đình đi bụi với bạn bè, bởi vì chỉ có hai con đường mà chúng nó sẽ phải chọn một trong hoàn cảnh đó: một là học hỏi cha mẹ không đi lễ nhà thờ, hai là bắt chước bạn bè xấu đi bụi đời ?
Gia đình là trường học thứ nhất và cha mẹ là người thầy đấu tiên dạy con cái nên người tốt, nên người tốt chứ không phải nên người thông minh xuất chúng, cho nên cái cần thiết nơi cha mẹ là làm gương tốt cho con cái noi theo, mà gương lành tốt đẹp nhất chính là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

————-
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 

KHÔNG MẤT CHÌA KHÓA.

key-722668

 

Ngày xưa có một anh chàng ngốc đi về kinh thành để dự thi, lúc đi đường thì cái túi da đựng nhiều đồ vật của anh ta bị ăn trộm.
Anh ta nói:
– “Dù ăn trộm đã lấy cái túi da của tôi, nhưng suốt đời nó sẽ không sử dụng được những đồ vật bên trong của tôi, bởi vì chìa khóa vẫn còn nằm ở trong túi áo của tôi đây !”
(Triều Dã Thiêm Tải)

Suy tư 47:
Chúng ta thường có quan niệm, trong các bí tích, nói đúng hơn là bảy bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập ra thì bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu: tình yêu của người hiến dâng mạng sống của mình vì bạn hữu, tình yêu của Đấng đã trở nên của ăn của uống nuôi sống linh hồn chúng ta, đó là xét theo mặt thần học của bí tích Thánh Thể. Tuy nhiên lấy theo “lẽ công bằng” mà nói, thì tất cả bảy bí tích mà Đức Chúa Giê-su đã lập đều nói lên tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, trong mỗi một bí tích đều hiển hiện rất rõ ràng tình yêu của Đấng tạo hoá đối với loài thụ tạo, tình yêu của bố mẹ đối với con cái.
Cũng như anh chàng ngốc cười tên ăn trộm không thể sử dụng đồ vật trong túi da của mình, vì nó không có chìa khoá ! Cũng vậy ma quỷ sẽ cười ngược lại chúng ta là có đầy đủ tất cả phương tiện (bí tích) mà không biết sử dụng sao cho phải để khỏi mất linh hồn !
Bởi vì có những tín hữu coi bảy bí tích như món đồ cổ đợi đến ngày lễ giáng sinh và phục sinh thì đem ra đánh bóng rồi ngó ngó nhìn nhìn sau đó lại quăng vào góc xó tâm hồn và quên mất tiêu; cũng có những tín hữu coi các bí tích như những đồ trang sức thời thượng, thường xuyên tham dự các bí tích nhưng trong tâm hồn và cuộc sống không thấy thay đổi chút nào, họ thoải mái đi rước lễ khi đang mắc tội trọng, họ đi xưng tội như đem thùng rác đi đổ mà không chịu kì cọ rửa ráy cho sạch cái thùng, nghĩa là họ không chịu sửa đổi lỗi lầm.v.v…
Đừng ỷ lại vào các bí tích như tấm bùa hộ mạng, nhưng hãy trông cậy vào lòng nhân từ và tình yêu của Chúa nơi các bí tích, như thế chúng ta mới có thể giữ được linh hồn của mình mà không sợ ma quỷ đến lấy trộm.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

————-
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 

TUYỂN SINH LỚP ĐÀO TẠO CA TRƯỞNG CẤP I – KHÓA 31

ns_pdh

Nhạc sư Giuse Phạm Đức Huyến

1.      Điều kiện: Phải biết Nhạc lý – Xướng âm.
2.      Thi tuyển: 17 giờ 00 Thứ Ba ngày 02 tháng 8 năm 2016 tại Phòng 1 – Lầu: 3 – Khu Hiệp Nhất A cạnh Nhà Sách Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, sau Nhà Thờ.
3.      Khai giảng: 17 giờ Thứ Ba ngày 09 tháng 8 năm 2016.
4.      Giờ học: Thứ Ba hằng tuần từ 17 giờ đến 20 giờ 30.
5.      Không nhận thí sinh không thể theo hết các môn học trong chương trình 02 năm.
6.      Nhận và nộp đơn: Phòng Bảo vệ Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng – Phường 9 – Quận 3 từ 10.5.2016 đến 02.8.2016).
7.      Mỗi thí sinh nộp: 2 ảnh 3 x 4.
8.      Xin liên hệ:

Nữ tu: Mến – ĐTDĐ: 0934766270 – 0909761193      

 

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 11, 2016 in Thông báo, Uncategorized

 

XÍCH CÙM CHÓ, XỎ MŨI BÊ.

1-24

Vương Nghĩa Cung rất thích đồ vật cổ, hể gặp quan viên triều đình ở đâu cũng đều xin xỏ.
Quan thị lang họ Hà đã có tặng đồ vật cho ông ta, nhưng Vương Nghĩa Cung vẫn cứ yêu cầu ông ta mãi không thôi, họ Hà cảm thấy chán nản.
Một ngày nọ họ Hà xuất hành, nhìn thấy trên đường có vòng đeo cổ của chó và tấm tạp dề bị rách của ai vất bỏ bèn ra lệnh cho thủ hạ nhặt đem về, đựng vào trong rương cẩn thận và đem qua tặng cho Vương Nghĩa Cung, trong thư viết:
– “Thừa tướng, ngài hết lần này sang lần khác muốn đồ cổ, bây giờ tôi xin phụng hiến ngài cái cùm chó của Lý Tư, sợi dây xỏ mũi con bê của Tương Như.”
(Hài Cự lục)
cach-chon-va-nuoi-cho-con-chuan-muc.jpg
Suy tư 46:
Tham nhũng, hối lộ là căn bệnh của mọi thế kỷ và của mọi triều đại, người ta nói cương quyết chống tham nhũng, nhưng tham nhũng vẫn cứ trơ trơ như đá tảng khó mà triệt nổi; người ta hô hào chống tham nhũng, bài trừ hối lộ, nhưng tham nhũng và hối lộ cứ như hai chị em vẫn cứ dung dăng dung dẻ dắt tay dạo chơi từ thành phố đến thôn quê, từ cơ quan cao cấp nhất đến cơ cấu thấp nhất của xã hội, và thậm chí, có những nơi người ta khen tham nhũng hối lộ là người biết điều…
Thiên Chúa không hề xin xỏ một ai, vậy mà có những lúc Ngài như năn nỉ chúng ta cho Ngài cái này, cho Ngài cái nọ: Ngài năn nỉ chúng ta cho Ngài quả tim yêu thương của chúng ta, Ngài năn nỉ chúng ta cho Ngài công việc làm của chúng ta dù thất bại hay thành công.
Ngài xin để rồi ban lại gấp trăm ngàn lần cái Ngài xin nơi chúng ta, chúng ta có vui vẻ dâng cho Ngài cái mà Ngài cần nơi chúng ta không, đó là tình yêu của chúng ta đối với Ngài.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

—————-
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 

SỐNG NHỜ CÂY MÁI.

dsc_0335_121142812
Vào thời Đường Hiến Tông, Bùi Độ làm tể tướng, có người tặng cho ông ta một khúc gỗ gụ sống tầm gởi trên cây hòe, ông ta rất thích thú, sau khi gọt đẽo thêm bớt thì muốn làm cái gối.
Quan lang trung Canh Uy Thế gọi đó là bác vật, Bùi Độ liền mời ông ta đến xem xét và phân biệt.
Canh Uy Thế ôm khối u trêu đùa một hồi lâu mới nói với Bùi tể tướng:
– “Khối u này sống là nhờ cây mái, e rằng không tiện sử dụng.”
Bùi tể tướng hỏi:
– “Quan lang trung sinh năm giáp nào ?”
Canh Uy Thế cảm thấy câu hỏi kỳ cục bèn trả lời:
– “Không phải tôi với ngài cùng năm giáp thìn sao !”
Bùi tể tướng cười nói:
– “Vậy thì quan trung lang là giáp thìn mái ?!”
(Hài Cự lục)

Suy tư 44:
Cây tầm gởi là cây sống nhờ vào thân cây khác, thời đại ngày nay người ta có thể dùng khoa sinh vật học tạo ra rất nhiều loại cây tầm gởi đẹp và có giá trị về kinh tế. Cây cối thì như thế, nhưng cuộc sống tầm gởi của con người tại thế gian thì không như thế, nó có giá trị rất nhiều về đời sống tâm linh.
Cuộc sống tại thế của con người thì cũng giống như cây tầm gởi, thế gian chỉ là nơi tạm thời mà người Ki-tô hữu, qua giáo huấn của Giáo Hội dựa vào lời của Đức Chúa Giê-su cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha: “Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian” đã xác tín như thế. Họ sống ở đời này nhưng không thuộc về đời này, vì họ được ghi danh là con cái của Cha trên trời, trong bí tích Rửa tội họ thuộc về Đức Ki-tô, Đấng cũng đã mang thân phận tầm gởi trong thế gian tạm này với ba mươi ba năm ngắn ngủi, để trở nên một con người như chúng ta, gần gũi chúng ta, và như cây tầm gởi tốt đẹp đến thời kỳ nở hoa và được đem về đặt nơi chỗ đẹp nhất, cao nhất để cho mọi người chiêm ngưỡng, Ngài cũng đã vượt qua sự chết, vượt qua cõi đời tạm để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại, cho chúng ta.
Mỗi một cây tầm gởi đều có một sắc thái dáng vẻ riêng, một mùi hương riêng biệt.
Cũng vậy, mỗi một Ki-tô hữu cũng có những nét đẹp riêng biệt tùy theo Thiên Chúa ban cho để làm đẹp vũ trụ này, cho nên tuy là thân tầm gởi ở thế gian, nhưng chúng ta được bảo chứng của Đức Ki-tô Phục Sinh: “Thầy đi Thầy sẽ dọn chỗ cho anh em…”
Chúa chỉ dọn chỗ cho chúng ta mà thôi, còn đến ở hay không, hoặc nói cách văn hoa hơn, chúng ta có bằng lòng dứt khoát từ bỏ thân phận tầm gởi hay không, để dọn đến chỗ đời đời mà Đức Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho chúng ta ? Đó chính là điều đáng nói và đáng để cho chúng ta suy nghĩ !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

—————
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 

Cảnh giác ung thư da do bức xạ tia cực tím khi trời nắng nóng

Miền Nam đang vào đỉnh nắng nóng, các chuyên gia cảnh báo ánh mặt trời gay gắt và chỉ số tia cực tím cao có thể khiến da bị cháy, thậm chí ung thư nếu ở ngoài trời quá lâu mà không che chắn.
uv-2196-1462596512

Bác sĩ khuyên mọi người nên tránh ra đường vào khoảng thời gian từ 10 đến 16h để hạn chế tác hại từ tia cực tím. Ảnh: Trần Ngoan.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn vùng Nam bộ cho biết các tỉnh phía Nam đang trong đợt nắng nóng cực đỉnh của mùa hè. Nhiệt độ đo được ở Đồng Xoài, Bình Phước cao nhất lên đến 40 độ C, trong khi đó nền nhiệt ở TP HCM thấp hơn một chút so với các tỉnh lân cận, dao động từ 36 đến 38,2 độ C. Do ảnh hưởng của tình trạng nóng lên toàn cầu, nền nhiệt trung bình ở khu vực Nam bộ cũng cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 0,7 đến 1,5 độ. Lượng mưa đo được đến hết tháng 4 cũng thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước.

Ông Dũng nhìn nhận một vấn đề mới nổi đang được các nhà khoa học đào sâu nghiên cứu là các loại tia bước sóng ngắn từ ánh sáng mặt trời có hại cho sức khỏe con người, chẳng hạn như bức xạ cực tím (UV). Vỏ trái đất có tầng ozone đã cản bớt hầu hết lượng tia UV chiếu xuống trái đất, song càng về giữa trưa, khoảng cách giữa mặt trời và trái đất càng gần cùng với tình trạng bầu khí quyển ngày càng mỏng nên lượng tia cực tím xuyên qua tầng ozon vào trái đất nhiều hơn. Do đó ông Dũng khuyên mọi người cần chú ý hạn chế để da tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, nếu có việc cần thiết phải ra đường vào thời điểm này thì nên che chắn cẩn thận để hạn chế tác hại.

Ở góc độ khác, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo khí tượng thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn vùng Nam bộ lưu ý bức xạ mặt trời gia tăng cực điểm vào mùa hè là hiện tượng thời tiết bình thường, đặc biệt ở các vùng nhiệt đới. Không chỉ riêng Việt Nam mà ở các nước nằm gần đường xích đạo như Thái Lan, Ấn Độ, chỉ số tia UV cũng ở mức cao liên tục từ 11 đến 12.

Ông Quyết giải thích, tiêu chuẩn của một số nước tiên tiến như Mỹ xếp loại chỉ số tia UV từ 1 đến 12. Trong đó từ 3 trở xuống là bình thường chỉ ảnh hưởng phần nào nếu không che chắn sẽ gây đỏ da, đen, nám. Chỉ số UV càng cao thì càng có hại, đặc biệt vào giữa trưa có thể lên đến 11-12, nhìn thẳng vào ánh nắng mặt trời sẽ làm mắt mờ đi, tia cực tím có thể làm giảm thị lực. Một số trường hợp ra nắng nhiều ngày, kể cả khi tắm biển mà không che chắn có thể dẫn đến ung thư da.

Dù vậy ông Quyết khuyên mọi người không nên quá hoang mang bởi ánh nắng mặt trời nếu ở một mức độ an toàn không những không gây hại mà còn có lợi cho cơ thể, điển hình nhất là lượng vitamin D dồi dào rất tốt cho sức khỏe, ngay cả tia cực tím ở mức độ nhất định cũng có tác dụng diệt khuẩn. Đó là lý do người nước ngoài thích đến Việt Nam phơi nắng, mỗi lần từ 30 đến 40 phút.

che-chan-ky-khi-ra-duong-vao-mua-he-de-tranh-tia-cuc-tim-gay-ung-thu-da

Chỉ số tia UV đo được tại TP HCM từ ngày 7 đến 10/5 dao động từ 9 đến 12, được cảnh báo ở mức nguy hiểm. Ảnh: weatheronline.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng khám Da Liễu, Bệnh Viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết tia UV có 3 loại: A, B, C. Tia UVA có bước sóng từ 315 đến 380 nm, có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da. UVB có bước sóng từ 280 đến 315 nm, gây say nắng, tổn thương, đen da. UVC bước sóng từ 100 nm đến 280 nm, có thể gây ung thư da.

UV còn gọi là tia tử ngoại hay cực tím tồn tại ở mọi thời điểm trong ngày từ sáng, chiều, tối, kể cả khi trời nắng hay có mây, mưa. Cường độ mạnh nhất là từ 10h đến 14-15h. Do vậy bác sĩ khuyên mọi người nên hạn chế để da trần ra đường vào khoảng thời gian này. Nếu có việc phải ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h nên cân nhắc lựa chọn những biện pháp bảo vệ sau:

– Đội nón rộng vành, chiều rộng vành hơn 2,5 cm, che phủ 2/3 khuôn mặt.

– Sử dụng ô (dù), đeo mắt kính màu sậm hoặc đen, bịt kín khẩu trang. Khẩu trang phải phủ kín mặt, chỉ chừa 2 mắt kính, nên sử dụng loại vải dày, dệt chéo, màu đen, sậm sẽ có tác dụng chống nắng 90%, khẩu trang màu sáng chỉ có tác dụng chống nắng 60%. Không nên chỉ dùng khẩu trang y tế bởi loại này rất mỏng chỉ có tác dụng cản bụi, không giúp chống nắng.

– Nếu có thể, hãy tranh thủ tránh nắng trong bóng râm, cây trên đường có bóng mát.

– Sử dụng kem có SPF chống tia UVB và có dấu “*” hoặc “+” chống tia UVA. Cần lựa chọn kem chống nắng có cả 2 đặc tính trên để có thể chống cả tia UVA và B. Lưu ý: Chỉ số SPF càng cao, hiệu quả bảo vệ càng lâu nhưng nếu quá cao sẽ gây kích ứng da. Do vậy, chỉ số này khoảng 15 là được. Lưu ý một số tác dụng phụ của kem chống nắng có thể gây kích ứng da, thoa quá kỹ và dày có thể khiến da không hấp thụ được vitamin D.

Nên thoa kem chống nắng từ 15 đến 20 phút trước khi đi ra ngoài. Kem chỉ có tác dụng trong vòng 2 đến 3 giờ, sau đó cần rửa mặt và thoa lại kem mới để có tác dụng bảo vệ tốt, nếu không càng dễ bắt nắng. Đối với những người làm việc tại môi trường biển, ẩm ướt hay ra nhiều mồ hôi cứ sau 60 đến 90 phút nên thoa lại kem một lần, tốt nhất nên sử dụng kem chống nắng chống thấm nước. Phụ nữ mang thai và trẻ em cần hết sức cẩn trọng khi dùng kem chống nắng, nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại nào phù hợp.

– Nếu có điều kiện nên uống viên chống nắng có tác dụng bảo vệ từ bên trong với thời gian lâu hơn. Uống trước khi đi nắng khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ, lặp lại sau mỗi 6 tiếng. Thường dùng vào buổi sáng hoặc trưa.

Trần Ngoan

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 7, 2016 in Tin tức

 

THÂN NHO CHỊU CÙM.

nhont2
Triều đại nhà Tùy ở quận Hợp Gian có Lưu Trác và cháu là Lưu Huyễn, đều có Nho học.
Một hôm, chú cháu cùng phạm pháp và bị giam cầm, quan huyện sứ không biết hai người là nho sinh yếu ớt, nên bắt hai người mang cái cùm rất là nặng.
Lưu Trác nói:
– “Cả ngày ngồi trong cùm, tức là không thấy nhà.”
Lưu Huyễn cũng nói:
– “Cả ngày mang cùm mà ngồi, tức là không nhìn thấy đàn bà.”
(Hài Cự lục)

Suy tư 43:
Người ta thường nói thư sinh thì “trói gà không chặt”, bởi vì họ cho rằng người thư sinh thì cả ngày chỉ biết đọc sách, ngâm thơ, da dẻ trắng bạch, thân thể ốm nhom, nên dứt khoát họ là những người yếu đuối, trói gà không chặt.
Thời nay cũng có người cho rằng: làm linh mục, tu sĩ thì không nên học võ thuật, bởi vì họ sợ các ngài trở thành…du côn, không giống với bản chất linh mục, tu sĩ là nho nhã, văn vẻ, thư sinh, trí thức…
Tôi còn nhớ lúc ở đại chủng viện Đài Bắc (Taipei) Đài Loan, linh mục giám đốc đại chủng viện thình lình hỏi tôi: “Nghe nói thầy giỏi võ ?” Tôi trả lời là học võ để giữ gìn sức khỏe, ngài nói: “Mình là linh mục tu sĩ không nên học võ, bởi vì học võ thì cần phải có sức mạnh, thể lực, ăn uống bồi dưỡng theo chế độ mới đủ sức tập võ, hơn nữa nó không phù hợp với người tu trì.”
Ngài không biết rằng, tôi nhờ luyện tập võ thuật mà có thể làm việc tù tì trọn ngày mà không thèm ăn (chỉ uống nước), ngài cũng không biết rằng nhờ luyện tập võ thuật mà tôi một ngày ngủ chỉ khoảng bốn tiếng đồng hồ, ngài không biết rằng tôi luyện tập võ thuật mà không cần kén chọn thức ăn theo chế độ của người học võ, ngài cũng không biết rằng nhờ luyện tập võ nghệ mà tôi rất biết tự kềm chế bản thân mình và nhờ học võ thuật mà thân thể tôi được khỏe mạnh làm việc không biết mệt, mà nếu có mệt quá sức thì chỉ cần để tôi nghỉ ngơi khoảng hai ba phút thì lập tức khôi phục lại tình trạng khỏe ban đầu.v.v…
Ban đầu Thiên Chúa tạo dựng con người rất tốt đẹp, khỏe mạnh, do đó mà Ngài cũng sẽ rất buồn khi thấy con người một phần vì do hậu quả của tội lỗi mà xấu đi, hai là vì…làm biếng tập thể dục mà trở nên bệnh hoạn, trói gà không chặt…
Ngài cũng rất buồn khi thấy một linh mục trẻ trung mà đã hưởng thụ quá nhiều đến nổi sinh ra bệnh làm biếng, làm biếng có hai loại:
Một là làm biếng về phần thiêng liêng như: làm biếng đọc sách thiêng liêng, làm biếng đọc sách báo để cho trí óc linh động, để kịp đà tiến của xã hội, làm biếng đọc kinh thánh để tăng thêm sức mạnh tinh thần, bởi vì –theo tôi- kinh thánh là quyển sách “nội công tâm pháp” của các linh mục và các tu sĩ nam nữ, học võ mà không có căn bản nội công, thì giống như cây cao to mà rễ thì ngắn củn, rất dễ bị ngã khi có gió lớn.
Hai là làm biếng về phần xác như: không chịu tập thể dục rèn luyện thân thể, không chịu vận động tay chân cho giãn gân cốt, tập thể dục thì sợ mắc cở, tập võ thì sợ không đủ calori để tập (!) cho nên thân thể thường hay sinh ra đủ thứ bệnh tật, không những hại mình mà còn thiệt thòi cho giáo dân vì không có ai ban các bí tích, dâng thánh lễ cho họ, bởi vì cha sở nay bệnh mai bệnh vì thân thể “trói gà không chặt”, có một thực tại là giáo dân sẽ không mấy vui khi cha sở của mình nay cảm mai sốt mốt đi bệnh viện…
Sức khỏe rất cần thiết cho mọi người, tôi là một linh mục, tôi là một tu sĩ nam nữ, tối rất hiểu điều đó, vậy thì tại sao tôi lại muốn trở thành người “trói gà không chặt”, “thân nho chịu cùm ” chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

————-
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 7, 2016 in Suy tư, Uncategorized

 

Sinh viên Công Giáo phản biện luận điểm của giáo viên trình bày sai về Công giáo

Nguồn: http://baoconggiao.com/vi/news/Giao-Hoi-Viet-Nam/Sinh-vien-Cong-Giao-phan-bien-luan-diem-cua-giao-vien-trinh-bay-sai-ve-Cong-giao-7530/

 

Trên mạng xã hội FB những ngày qua một số bạn trẻ Công giáo nói về bài giảng của PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức vào ngày 24/11/2015 tại trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội.
sinh-vien-cong-giao-phan-bien-luan-diem-cua-giao-vien-trinh-bay-sai-ve-cong-giao

Trên mạng xã hội FB những ngày qua một số bạn trẻ Công giáo nói về bài giảng của PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức vào ngày 24/11/2015 tại trường Đại Học Văn Hóa Hà Nội.

Khi đứng lớp môn Phật giáo và VHVN, PGS -TS Trịnh Thị Minh Đức đã nói một số điều liên quan đến Công giáo . Sinh viên Nguyễn Văn Thiển tham dự giờ học đã viết thư phản hồi gửi đến PGS-TS Trịnh Thị Minh Đức để trao đổi với bà về những điều bà đã trình bày trên lớp liên quan đến Công giáo – Tôn giáo sinh viên này tin theo.

Sinh viên Nguyễn Văn Thiển trình bày khá sâu sắc ở mức độ là một sinh viên các vấn đề PGS -TS Trịnh Thị Minh Đức đãnói . Giới thiệu đến các bạn trẻ, nhất là các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học về một phản ứng khôn ngoan, chừng mực của một sinh viên Công giáo khi thấy người cô của mình trình bày không chính xác về tôn giáo của mình.

Bài này từ facebook Ngọc Bảo và Paulus Lê Sơn

———————–

Paulus Thien (1) Phản Biện 6 Luận Điểm Của PGS-TS NGƯT Trịnh Thị Minh Đức Giảng Về Công Giáo.
Trích bức thư gửi tận tay cô giáo bộ môn trưa ngày 26-11-2015.

Hà Nội, ngày 25-11-2015.

Cô giáo kính mến!

Em vô cùng biết ơn cô đã dành rất nhiều tâm huyết trong thời gian vừa qua để trao truyền kiến thức cho chúng em, tập thể lớp CH k21.

Cô chia sẻ sức khỏe cô không được tốt, nhưng cô vẫn cố gắng lên lớp để giảng dạy, điều ấy khiến em vô cùng cảm động. Chính vì vậy, em rất chăm chú nghe lời giảng của cô. Những kiến thức cô dạy ở tầm cao, và em đồng ý với hầu hết những luận điểm cô giảng.

Cô biết không! Trong tập thể lớp có tới 72 bạn học viên, nhưng chỉ có em theo đạo Công giáo. Bởi vậy, những vấn đề về Công giáo, ở lớp, không phải ai cũng hiểu, nhất là những bạn chỉ mới nghe qua về Kinh Thánh hoặc chỉ đọc lướt qua một vài lần.

Tuy nhiên, có 6 luận điểm này của cô, em không đồng ý. Và em viết thư này để trao đổi với cô.

1. Trong hầu hết các Thánh tử đạo Việt Nam, đa số là người nước ngoài, như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
2. Tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ.
3. Alexandre De Rhodes biến Công giáo trở thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã.
4. Các giáo sĩ gắn với sự xâm lược của người Pháp.
5. Chúa Jesus còn thở khi được một ông nhà giàu tháo xác xuống từ cây Thánh giá.
6. Joseph và Maria yêu nhau, có bầu, xong gia đình hai bên không cho cưới.

Mặc dù là môn Phật giáo và VHVN, nhưng cô vẫn khá ưu ái giảng thêm về Công giáo. Điều ấy khiến em rất hạnh phúc. Tuy nhiên, cách nhìn của cô khiến em rất băn khoăn và quyết định viết một mạch lá thư này để tỏ bày những cảm nhận của mình. Bởi những gì cô giảng không chỉ dừng lại ở vấn đề kiến thức, mà còn vươn xa hơn, ảnh hưởng tới vấn đề nhận thức.

*Ở luận điểm 1, cô có nhắc lại lịch sử phong Thánh năm 1988 (do Đức Giáo hoàng Jeans Paulus chủ sự), và chính quyền Việt Nam phản ứng vô cùng gay gắt, em đồng ý với điều này. Tuy nhiên, các Thánh tử đạo Việt Nam đa số là người nước ngoài, em không đồng ý. Theo số liệu thống kê của hầu hết các nguồn, các Thánh tử đạo Việt Nam bao gồm:

-11 vị gốc Tây Ban Nha (5 Linh mục, 6 Giám mục).
-10 vị gốc Pháp (8 Linh mục, 2 Giám mục).
-96 vị người Việt Nam (gồm 37 Linh mục, 59 Giáo dân).

Trong ấy, thời Trịnh Doanh (1740-1767): 2 vị, Trịnh Sâm (1767-1782) : 2 vị, Cảnh Thịnh (1782-1802): 2 vị, Minh Mạng (1820-1841): 58 vị, Thiệu Trị (1841-1847): 3 vị, Tự Đức (1847-1883): 50 vị.
Đây là khoảng thời gian một số vua- chúa phong kiến Việt Nam cai trị, họ đã giết khoảng 130.000- 300.000 người Công giáo.

Thưa cô, ấy là những số liệu đáng tin cậy, dù chỉ mang tính tương đối, nhưng được các học giả tham khảo nhiều khi tìm hiểu về lịch sử bách hại trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam. Để được chấp nhận 1 hồ sơ phong Thánh, là một quá trình vô cùng khắt khe, thậm chí lên tới hàng trăm năm.

*Ở luận điểm 2, tôn giáo được một bộ phận người tin theo, Hồi giáo có 902 triệu tín đồ. Em xin góp ý rằng, tôn giáo được phần rất lớn dân số thế giới tin theo. Nếu như dùng từ “một bộ phận”, e rằng chưa lột tả hết được tầm quan trọng của tôn giáo. Theo đó, những số liệu thống kê gần đây, có khoảng 87% dân số thế giới theo một tôn giáo nào đó. 87% là phần lớn, chứ không dùng “một bộ phận” được, nếu dùng từ này, nên sửa là “một bộ phận lớn”. Số liệu gần đây có thể chứng minh điều này (Kito giáo: khoảng 2,1-2,2 tỷ tín đồ trong ấy Công giáo là chiếm phần cao nhất; Hồi giáo: khoảng 1,5-1,6 tỷ tín đồ; Ấn Độ giáo: Khoảng 900 triệu- 1 tỷ tín đồ; Phật Giáo: khoảng 365 triệu tín đồ chính thức). Và còn các tín đồ rải khắp các tôn giáo nhỏ hơn khác. Số người không theo tôn giáo nào chiếm khoảng 13% dân số thế giới. Các thống kê này chỉ mang tính tham khảo, vì dân số thế giới luôn luôn biến động. Nhưng điều chắc chắn, những người theo các tôn giáo chiếm tỷ lệ cao hơn số người vô thần rất nhiều. Em không nói điều này là tốt hay xấu. Vì số liệu cô cung cấp là đúng, nhưng là đúng ở thời điểm các đây hàng thập kỷ trong các giáo trình cũ. Ở thời điểm tháng 11- 2015 này, số tín đồ tính chung trong các tôn giáo đã tăng lên nhiều.

* Ở luận điểm thứ 3, cô cho rằng Alexandre De Rhodes biến Công giáo thành Quốc giáo của Đế quốc La Mã. Luận điểm này em mong rằng cô đã nhớ nhầm vì tuổi cô đã cao, gần 70 tuổi. Nhưng em không mong cô lại giảng điều này cho bất cứ lớp Đại học hay lớp Sau Đại học nào nữa. Vì đây là thông tin không chuẩn xác. Alexandre De Rhoses là một Tu sĩ Dòng Tên, một Dòng tu nổi tiếng của Giáo hội Công giáo. Ngài có công rất lớn trong hệ thống chữ Quốc ngữ Việt Nam. Bởi vậy, Đế quốc La Mã khi xưa là một thời đại khác chứ không cùng thời với Tu sĩ này. Người đã công bố hợp pháp cho Kito giáo là vua Constantinus 1 (ông theo đạo năm 312) theo chiếu chỉ Milano. Năm 380 thời vua Theodosius 1, Kito giáo được công nhận là Quốc giáo với chiếu chỉ Thessalonica.

Còn nếu như cô biết một Alexandre De Rhoses nào đã biến Quốc giáo cho La Mã là Kito giáo, xin cô hãy gửi tài liệu ấy cho em. Như em đã viết, em mong rằng cô đã nhớ nhầm. Những điều này, thực sự em không thể không viết ra.

* Luận điểm thứ 4, cô có nhắc lại chuyện các giáo sĩ có gắn với chuyện người Pháp xâm lược Việt Nam. Luận điểm này cô chỉ nhắc qua, chứ không bình luận gì thêm.

Thưa cô, Công giáo được truyền vào Việt Nam từ thế kỷ XVI, trong khi người Pháp xâm lược nước ta vào thế kỷ XIX. Tại sao chúng ta nói các giáo sĩ kéo Pháp vào xâm lược? ( Lẽ nào khi xưa 1 phần Phật giáo được tỏa ra từ Trung Quốc xuống Việt Nam, khi Trung Quốc đánh Việt Nam, chúng ta cũng cho rằng tu sĩ Phật Giáo kéo Trung Quốc đánh chúng ta?- Bổ sung).

Có rất nhiều lí do để 1 nước xâm lược 1 nước. Nhưng lí do trên luôn được dạy như 1 trong ít lí do hàng đầu. Trong khi em thì cho rằng, chính sự bách hại, giết hàng trăm ngàn người Công giáo là cái cớ để người Pháp xâm lược là lý do không nhỏ. Tất nhiên em phản đối tất cả sự đô hộ của nước Pháp. Nước ta giờ đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội. Chắc chắn cô đã thấy những gì đã xảy ra ở đất nước Triều Tiên, Trung Quốc, hay chính nước mình.

*2 luận điểm cuối cùng, là những gì em rất xót xa về những gì cô đã giảng về Kinh Thánh. Những gì em nghe được và ghi âm (chứ không dừng lại ghi chép) lại được là những vết thương lòng không nhỏ.

Không có chi tiết nào, dù là nhỏ nhất trong toàn bộ cuốn Kinh Thánh, chính xác là Kinh Thánh Tân Ước, nói rằng Chúa Jesus còn thở (tức là chưa chết), khi được người giàu tháo xác Chúa từ trên cây Thánh giá xuống. Jesus, Ngài đã chết một cách ô nhục trên cánh Thánh giá ( Thập giá) sau khi bị đánh đập, bị cười nhạo, bị sỉ nhục, bị đâm vào cạnh sườn bởi những người Do Thái hồi đó. Nếu cô tìm được một chi tiết nào nói Chúa còn thở, sau khi được tháo xác ra từ cây Thập giá, cô hãy chỉ cho em. Nếu không có, cô hãy đính chính lại trước cả lớp.

Bằng tất cả lòng nhiệt huyết với mấy chục năm trên giảng đường Đại học của cô, ấy là điều em vô cùng kính trọng cô. Tuy nhiên, những luận điểm mà em cho là chưa đúng, em cũng xin được góp ý với cô như vậy.

Trong tinh thần cầu thị và tôn trọng lẫn nhau, với mong ước bé nhỏ là cùng góp phần cho nền giáo dục nước nhà được tốt hơn, em mong ước nhận được hồi âm từ cô.

Kính chúc cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và tiếp tục cống hiến tốt hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.

Học trò của cô.

………
Chú thích: (1).Bút danh của tôi, chứ không phải tên Thánh.

giaoxuthaiha

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Năm 5, 2016 in Suy tư, Uncategorized