RSS

Daily Archives: Tháng Mười 1, 2021

Nơi tuyến đầu: Chai dầu và những chuỗi Mân Côi biết nói

 ​​​​​​​Lm. Phêrô Trần Anh Tuấn 

Ngày 01/10/2021

Nơi tuyến đầu: Chai dầu và những chuỗi Mân Côi biết nói

TGPSG — “Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo” (Mt 25, 4)

Theo chu kỳ phụng vụ, ít nhất một lần trong năm, chúng ta đều được nghe dụ ngôn “mười trinh nữ”, nói về những cô khôn ngoan và những cô dại khờ đi đón chàng rể. Điểm khác biệt duy nhất giữa các cô khôn ngoan và các cô dại khờ là ở bình dầu dự trữ mang theo. Bình dầu đó đã cứu các cô khôn ngoan trong lúc ngặt nghèo nhất, cấp bách nhất, giúp các cô kịp thời đi đón chàng rể và vào dự tiệc cưới hạnh phúc muôn đời. Vậy thì chai dầu dự trữ của các cô khôn ngoan, và chuỗi Mân Côi mà chúng ta vẫn lần hằng ngày có gì liên quan đến nhau? Mời mọi người cùng tìm hiểu.

Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Công Giáo, nên từ nhỏ, tôi đã quá quen thuộc với lòng yêu mến Đức Maria, để “nhờ Mẹ đến với Chúa”. Lời kinh Kính Mừng, tràng chuỗi Mân Côi đã theo tôi từ nhỏ, như những món bảo bối mà bà và mẹ tôi đã trao cho tôi. Tuy nhiên, khi lớn lên, nhất là trong những năm gần đây, tuy không chống lại, nhưng tôi không tha thiết với việc đeo chuỗi Mân Côi mọi nơi, mọi lúc của những người đạo đức. Cho đến một ngày…

…Khi tôi đang làm những công việc quen thuộc của một tình nguyện viên trong bệnh viện COVID-19, có tin nhắn của một nữ tu ở khoa cấp cứu gửi đến cho tôi “Có một bà cần Cha đến thăm ở khoa cấp cứu ạ!” – “Có gấp lắm không Sơ?” – “Thưa Cha, có thể đợi được ạ”.

Thế là tôi tiếp tục hoàn thành những công việc còn dang dở tại khoa làm việc của mình. Sau khi hoàn tất các công việc, tôi đến khoa cấp cứu để gặp người muốn tôi đến thăm. Đó là một phụ nữ ngoài 60 tuổi, bà đang cố gắng hít từng hơi khó nhọc, để mong dưỡng khí từ chiếc máy oxy tầm cao có thể giúp bà giành giật sự sống với đại dịch COVID-19 này.

Gặp tôi, bà mừng ra mặt, mặc dù phần lớn khuôn mặt đã bị che bởi nhiều loại dây và mặt nạ dưỡng khí. Bà chẳng thể nói được gì ngoại trừ nói được Tên Thánh một cách khó nhọc. Sau khi sốt sắng lãnh nhận các Bí tích cần thiết, tôi cùng cầu nguyện với bà, động viên bà ít lời rồi để bà nằm nghỉ. Sau đó, tôi hỏi nữ tu đã nhắn tin cho tôi: “Làm sao Sơ biết bà theo đạo Công Giáo mà nhắn con xuống thăm bà?” – “Thưa Cha, vì con thấy bà có đeo chuỗi ở tay.”

Nhìn lại người phụ nữ tôi vừa thăm: có lẽ để thuận tiện cứu chữa, mà bà chẳng còn gì trên người, chỉ có tấm drap đắp cho ấm và che những chỗ cần che. Tuy nhiên, do vô tình hay hữu ý, mà chuỗi Mân Côi trên tay bà vẫn còn đó, không bị lấy đi cùng với quần áo, tư trang, là những thứ xem ra không cần thiết và có thể làm vướng víu cho công tác cứu chữa bà.

Chuỗi Mân Côi đeo tay bình dân, không giá trị gì so với những tư trang thường ngày của chúng ta. Tuy nhiên, trong lúc ngặt nghèo nhất, khó khăn nhất, những thứ tư trang kia dần dần bị lột bỏ, thì chuỗi Mân Côi vẫn còn đó. Hơn thế nữa, khi người phụ nữ kia không thể nói (thở với bà còn khó khăn nữa là), không biết nhờ ai, không biết tìm linh mục ở đâu, để bà có thể lãnh nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa trong lúc ngặt nghèo (vì ai cũng mặc đồ bảo hộ trắng giống như ai). Ai có thể nhận ra bà là người Công Giáo giữa hàng trăm bệnh nhân khi bà không thể lên tiếng. Gặp được một linh mục, xin lãnh nhận các Bí tích cần thiết có lẽ là điều không thể đối với bà. Chính khi đó, thì chuỗi Mân Côi mà bà đeo ở tay đã lên tiếng. Chuỗi Mân Côi đã thu hút sự chú ý của nữ tu tình nguyện viên, cho nữ tu này biết một Kitô hữu đang cần sự trợ giúp Bí tích. Chuỗi Mân Côi bé nhỏ, dường như không giá trị gì, lại dẫn đường cho bà lãnh nhận được ân sủng vô giá của Thiên Chúa.

Như thế, chuỗi Mân Côi chính là bình dầu dự trữ mà người phụ nữ khôn ngoan này đã luôn mang bên mình. Để khi bà phải say ngủ vì dịch bệnh, không thể làm được gì, thì chuỗi Mân Côi lại giữ cho bà được tỉnh thức, lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa để được khỏe mạnh, hoặc chuẩn bị tâm hồn cho bà được vào dự tiệc cưới muôn đời với Thiên Chúa. Đó cũng là dấu chỉ cho sự che chở đầy tình mẫu tử của Mẹ Maria với con cái của Mẹ. Khi mọi thứ đều rời bỏ con của Mẹ: không người thân, không bạn bè, không tiền bạc của cải, thì Mẹ vẫn ở bên, an ủi và dẫn đưa con của Mẹ đến lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa. Bình dầu và chuỗi Mân Côi có một điểm chung là đều rất dễ mang theo. Ước chi mỗi người con của Mẹ luôn mang chuỗi Mân Côi bên mình, để ý thức được sự che chở và dẫn dắt của Mẹ đến với ân sủng của Thiên Chúa.

Nếu việc mang chuỗi Mân Côi bên mình, có thể dẫn dắt ơn Chúa xuống trên những người con của Mẹ trong lúc khó khăn, ngặt nghèo nhất, thì việc lần chuỗi Mân Côi trong đời sống hằng ngày chắc chắn còn mang lại nhiều ơn ích hơn nữa, mà chúng ta không thể lường trước được.

Trong tháng Mân Côi này, mỗi người chúng ta hãy sốt sáng chạy đến với Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho đại dịch Covid-19 mau chấm dứt, để những người con của Mẹ luôn được sống an vui.

Lạy Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, xin cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Phêrô Trần Anh Tuấn (TGPSG)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/noi-tuyen-dau-chai-dau-va-nhung-chuoi-man-coi-biet-noi-64270

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 1, 2021 in Suy tư

 

Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật Lễ Đức Mẹ Mân Côi

1/ MẸ LÀ MẸ CỦA CON

Năm 1929, chỉ 17 ngày trước sinh nhật thứ 9 của mình, cậu bé Karol Wojtyla – vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II tương lai – từ trường học về nhà vào buổi tối. Cậu đã quen với việc nhìn thấy cha mình – một người lính mạnh mẽ trong quân đội Ba Lan – quỳ gối cầu nguyện trên sàn gỗ cứng trong phòng khách nhà họ. Tuy nhiên ngày hôm đó, khi Karol nhìn thấy cha mình cầu nguyện, cậu thấy đầu gối cha mình ướt đẫm trong một vũng nước mắt. “Có chuyện gì vậy, Papa?” Giáo hoàng tương lai hỏi cha mình. “Karol à, mẹ của con vừa mới mất rồi!” là câu trả lời của cha cậu. Quá bất ngờ, và không biết phải làm gì, cậu bé tám tuổi chạy ra khỏi nhà, vội đến nhà thờ giáo xứ ở Wadowice, cách căn hộ Wojtyla chưa đầy nửa dãy nhà. Cậu bước vào nhà thờ và gần như theo bản năng, chạy lên lối giữa đến quỳ gối trước tượng Đức Mẹ, và với chính giọt nước mắt của mình, cầu nguyện với Ngài: “Lạy Mẹ Chúa Giêsu, con không biết tại sao Chúa bắt mẹ con về nhà Cha vào thời điểm này. Nhưng con biết một điều: Bây giờ Mẹ là mẹ của con!” Đức Thánh Cha, ngài đã phó dâng cho Đức Mẹ trước sinh nhật thứ chín, tiếp tục dâng mình cho Đức Mẹ luôn mãi. Khẩu hiệu của ngài, “Totus Tuus,” xuất phát từ lời cầu nguyện dâng mình cho Đức Mẹ của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, người đã cầu nguyện mỗi ngày: “Hỡi Maria! Con là tất cả của Mẹ, và tất cả những gì con có đều là của Mẹ. Con hoàn toàn đón Mẹ vào nhà của con. Hỡi Maria! xin ban cho con trái tim của Mẹ,” để con có thể yêu mến Chúa hơn. (Theo cha Roger J. Landry)

2/ KHÁC BIỆT THẬT SỰ

Một cậu bé đánh giày miệt mài làm công việc của mình ở Nhà ga Trung tâm Thành phố New York. Khi cậu chà mạnh đôi giày sáng bóng của một người đàn ông sang trọng, tượng ảnh Đức Mẹ bằng bạc đeo trên cổ cậu lắc qua lắc lại. Người đàn ông tò mò hỏi: “Con trai, cái vòng bạc quanh cổ con là gì vậy?”- Đó là ảnh của mẹ Chúa Giêsu,” cậu bé trả lời. Người đàn ông hỏi tiếp: “Tại sao lại là ảnh của bà ấy?” Cậu bé nói: “Bà ấy cũng không khác gì mẹ của ông ạ.” “Có thể vậy đấy, nhưng thật sự có một sự khác biệt lớn giữa Con của bà và cháu.”

* Lòng sùng kính của cậu bé đối với Mẹ Maria có thể là lời nhắc nhở tôi: Mẹ Maria đóng vai trò gì trong đời sống của tôi? Mẹ đã giúp tôi lớn lên trong đời sống thiêng liêng thế nào? (Theo cha Mark Link, trong Vision 2000).

3/ AI LẠI KHÔNG CÓ MẸ

Đức ông Tonne kể câu chuyện về một linh mục ở một thành phố nhỏ tiểu bang Alabama, nơi hầu hết là những người theo đạo Tin lành Baptít. Mùa Giáng Sinh năm ấy, vị linh mục quyết định thiết kế  một máng cỏ Chúa Hài Đồng ở quảng trường thành phố. Vị linh mục cùng với một số giáo dân đại diện giáo xứ đi đến một số doanh nghiệp và gia đình giàu có để quyên góp kinh phí. Khi họ đến gặp một biên tập viên giàu có của tờ báo địa phương, vị linh mục giải thích về công việc đầy ý nghĩa của mình: “Nhiều người, nhất là các trẻ em sẽ được truyền cảm hứng để nhìn thấy Chúa Giêsu, Đức Mẹ, thánh Giuse và các con vật dễ thương ngay tại trung tâm thị trấn.” Biên tập viên đồng ý giúp đỡ, nhưng với điều kiện không được đặt tượng Maria trong máng cỏ. Bởi vì “nó sẽ tôn vinh cộng đoàn Công giáo của các bạn”. Vị linh mục nói: “Hãy nói cho tôi biết làm thế nào một người con sinh ra mà không lại không có mẹ, thì tôi sẽ đồng ý để tượng Maria ra ngoài”. Người biên tập tờ báo không trả lời được, và Mẹ Maria với Chúa Con nổi bật ở quảng trường thành phố mùa Giáng Sinh ấy.

4/ BIỂU TƯỢNG CỦA NIỀM TIN

Knute K. Rockne không chỉ là cầu thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử thể thao của Đại học Notre Dame; anh còn là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Mỹ. Tuy nhiên sự nghiệp của Rockne đã kết thúc quá sớm và bi thảm. Chiếc máy bay mà anh đi vào ngày 31 tháng 3 năm 1931, đã bị rơi ở vùng nông thôn gần Bazaar, Kansas. Thật mau chóng, các nhà chức trách vội vã đến hiện trường nơi chiếc máy bay bị cháy rụi nằm đó. Họ truy tìm danh tính của các nạn nhân, nhưng đã gặp nhiều khó khăn trong việc xác định thi thể của những người bị cháy sém. Nhưng họ không gặp vấn đề gì khi nhận ra huấn luyện viên nổi tiếng Rockne. Anh ta là người có một chuỗi Mân Côi vẫn còn cuốn quanh bàn tay.

* Cha Robert F. McNamara đọc câu chuyện này nói: “Tôi tin chắc rằng cả cái chết và sự sống…không thể tách anh ấy ra khỏi lòng yêu mến Đức Mẹ.”

5/ MỘT SỐ NGƯỜI TIÊU BIỂU

Người ta thấy Mẹ Têrêsa luôn đọc kinh Mân Côi ngay cả những lúc bận việc nhất. Ông Daniel O’Connell, một chính trị gia được mệnh danh là “Người cha của dân tộc Ireland” đã đọc kinh Mân Côi trong phòng riêng của mình trước mỗi phiên họp của quốc hội, và không có gì lạ khi Ireland được gọi là “Xứ sở của Kinh Mân Côi”. Người nổi tiếng phát động đọc Kinh Mân Côi, Fr. Peyton, thách thức chúng ta: “Dành ra mười phút để lần chuỗi Mân Côi ở nhà, bạn sẽ biến ngôi nhà của bạn thành thiên đàng bình an.” Nhà khoa học vĩ đại, William Ampere – khám phá ra điện năng-, khi về già đã truyền cảm hứng và cải đạo cho Frederick Osanam (người sáng lập Hội thánh Vincent de Phaolô), bằng cách đọc Kinh Mân Côi hàng ngày tại một hang động. Những lời cuối cùng của nhà bác học Louis Pasteur với y tá của mình trước khi ông qua đời cách xa nhà mình là: “Hãy nói với vợ tôi rằng tôi chết đang lúc đọc kinh Mân Côi.”

6/ LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ

Tạp chí Life ước tính rằng lời cầu nguyện “Kính mừng Maria” được đọc khoảng hai tỷ lần mỗi ngày; và mỗi năm có từ năm đến mười triệu người hành hương đến Đền Đức Mẹ Guadalupe ở Thành phố Mexico. Nhiều tín hữu cũng thường đi hành hương đến các địa điểm của Đức Mẹ ở nhiều nơi khác trên thế giới. Đức Maria được cầu nguyện như là đấng bênh vực, che chở, và trợ giúp. Ngay cả trong lĩnh vực thể thao cũng đề cập đến sự can thiệp của Đức Mẹ: đường chuyền cứu nguy cuối cùng của một đội bóng đang thua cuộc từng được gọi là “đường chuyền kinh Kính mừng”. Đức Maria cũng được những tín đồ Hồi giáo tôn kính. Được biết, khi nhà tiên tri Muhammad dọn sạch các tượng thần ra khỏi Kaaba ở Mecca, ông chỉ cho phép duy nhất một bức bích họa của Đức Mẹ đồng trinh Maria ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng được ở lại. Trong Kinh Qur’an, Mẹ Maria được mô tả là người được gửi đến với danh hiệu “lòng thương xót cho thế giới.”

7/ BIỂU TƯỢNG SỐNG ĐỘNG

Có một câu chuyện rất ý nghĩa kể về một chuyến tàu lửa, trong chuyến hành trình dài và tẻ nhạt. Một số người lớn tuổi của một viện dưỡng lão muốn đi đến một điểm nghỉ dưỡng, vào thời gian nghỉ hè. Tại một nhà ga, một người mẹ trẻ với một cô gái nhỏ bước vào tàu. Đứa trẻ mỉm cười với tất cả những khuôn mặt nhăn nhó, ưu tư, cau có xung quanh mình và bắt đầu chạy lăng xăng từ lòng người này sang lòng khác nói chuyện, hét lên vui vẻ và vỗ nhẹ vào tay mọi người. Ngay lập tức, bầu không khí ảm đạm và im lặng ngột ngạt trong đoàn tàu được thay đổi thành một niềm vui và hạnh phúc.

* Chúng ta hãy luôn sống trong niềm vui mừng và tạ ơn nhớ đến sự hiện diện của Đức Maria và Con của Mẹ là Chúa Giêsu đã biến đổi cái thế giới vô vọng, không có niềm vui và tội lỗi này thành một nơi vui tươi và hạnh phúc.

8/ CHUYỆN VUI

Cô Thanh Lan là giáo lí viên dạy lớp giáo lí lớp sữa đức tin ngày Chúa nhật. Cô vừa giải thích xong về lễ Đức Mẹ Mân Côi cho các em trong lớp học của mình. “Bây giờ,” cô ấy nói, “những ai muốn lên Thiên đàng để nhìn thấy Đức Mẹ thì giơ tay.” Tất cả bọn trẻ đều giơ tay ngoại trừ cô bé Hân ngồi ở hàng ghế đầu. Cô Thanh Lan hỏi: “Em không muốn lên Thiên đàng sao, Hân?” Hân rưng rưng nước mắt nói: “Em không thể. Mẹ em bảo em phải về thẳng nhà ngay sau giờ học giáo lí!”.

Một ngày nọ, Chúa Giêsu đi dạo quanh Thiên đàng và bất chợt nhận thấy có một số người đang lẩn trốn tại các con đường quanh công viên, những người này đã được xét là không được vào Thiên đàng. Ngài vội tìm thánh Phêrô ở cổng và nói với ông: “Phêrô, anh đã được giao nhiệm vụ của mình mà không chu toàn; anh đưa sai người vào Thiên đàng.” Phêrô than van với Chúa: “Xin đừng trách con, Chúa ơi”. “Con từ chối họ giống như Chúa đã truyền lệnh. Nhưng họ lại đi vòng ra phía sau, và Mẹ của Chúa đã mở cửa cho họ vào! Và con thực sự là ‘bó tay chấm com luôn!’”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm

Nguồn: http://gplongxuyen.org/tin-tuc/gia-vi-cho-bai-giang-le-chua-nhat-le-man-coi.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 1, 2021 in Giới thiệu

 

Thực phẩm thiết yếu trong mùa Covid

 Lê Văn Thể 

Ngày 01/10/2021

Thực phẩm thiết yếu trong mùa Covid

TGPSG – Mải lo sắp xếp công việc, tôi không kịp mua thực phẩm dự trữ, đành tạm ăn uống kham khổ, nghĩ là dịch sẽ qua mau…

Dịch Covid ở Sài Gòn bùng phát, chỉ thị 16 được ban hành, qui tắc 5K được áp dụng, người dân không được tập trung đông người, kể cả ngồi ăn gần nhau. Các nhà hàng, quán nhậu, tiệm ăn phải đóng cửa vì chỉ được bán mang về, khiến lượng khách mua chẳng còn bao nhiêu. Ngược lại, cửa hàng bán fastfood của tôi, vì trước giờ chỉ bán mang về nên càng đắt hàng, làm không kịp bán.

Nhưng rồi dịch càng nặng hơn, chỉ thị tăng lên 16+, phong toả giãn cách nghiêm ngặt, người dân hạn chế ra đường. Cửa hàng fastfood của tôi bán đồ ăn bình dân, chỉ bán lẻ, kham không nổi tiền shipper. Hơn nữa, lỡ một nhân viên dính Covid, là cả cơ sở phải đóng cửa. Để bảo đảm an toàn cho việc kinh doanh, hết dịch là làm lại được ngay, tôi quyết định đóng cửa, trợ cấp cho công nhân ở lại tại chỗ, cách ly chặt chẽ đề phòng lây nhiễm.

Mải lo sắp xếp công việc, tôi không kịp mua thực phẩm dự trữ, đành tạm ăn uống kham khổ, nghĩ là dịch sẽ qua mau.

Nhưng rồi giãn cách tăng thêm, giới nghiêm ban đêm, ban ngày đi chợ phải có giấy đi chợ, nhưng chợ nghỉ bán, siêu thị đóng cửa vì vướng F0, tình thế thật là nan giải.

Dân gian có thơ: “Chồng gần không lấy, đi lấy chồng xa. Mai sau cha yếu mẹ già; bát cơm, đôi đũa, ly trà, ai dâng?”. Tôi gả con gái lấy chồng mãi tận Lâm Đồng, thăm nom xa xôi bất tiện, nhưng nay bỗng dựng trở nên thuận lợi, vì nơi con gái tôi ở vẫn còn họp chợ. Nó đóng hàng thực phẩm và gởi về Sài Gòn cho tôi.

Hàng gởi được vài lần thì có chỉ thị giới nghiêm 24/24, qui định shipper không đi quận khác nên không chở hàng về cho tôi được. Vậy là ‘ánh sáng’ vừa lóe lên, xem chừng đã muốn tắt ngủm rồi!

Tưởng là hết cách, nhưng khi tôi vừa kể chuyện này với người em là bác sĩ, thì cậu ấy nói: Mỗi ngày đi làm về, cậu sẽ đến điểm nhận hàng và chở hàng về cho tôi. Vậy là nhà tôi có thực phẩm dồi dào đều đặn.

Thêm một việc bất ngờ nữa, là sau đó, ngôi chợ nơi con gái tôi ở bị đóng cửa vì dịch, không mua được thực phẩm. Nhưng nông dân ở đó lại nhờ con gái tôi giải cứu hàng hóa vì không bán được nông sản. Thế là rau-củ-quả rẻ hơn và con gái tôi gửi về cho tôi nhiều hơn. Tôi bèn chia sẻ cho nhiều người khác…

Vâng, điều quan trọng nhất, dù gặp khó khăn, tôi vẫn tín thác cầu xin Thiên Chúa trước mỗi bữa ăn: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…”, sau khi đã “vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời… Amen”.

Lê Văn Thể (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thuc-pham-thiet-yeu-trong-mua-covid-64265

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 1, 2021 in Sức khỏe

 

Mùa Covid: Cha tôi và chuyện ăn cơm thừa

 Jos Trung Toàn 

Ngày 01/10/2021

Mùa Covid: Cha tôi và chuyện ăn cơm thừa

TGPSG — Tình cảm người Cha trong gia đình tôi giống như Thánh Cả Giuse, âm thầm ít nói nhưng rất mực  yêu thương con cái…

Mùa dịch Covid là khoảng thời gian tôi cảm nhận được thêm rất nhiều điều về cuộc sống gia đình. Có ở nhà trong những ngày mùa dịch, tôi mới cảm nhận được tình yêu của người trong gia đình dành cho nhau, quan tâm đến nhau nhiều như thế nào.

Mỗi bữa cơm trong mùa dịch này, nhà tôi luôn sum họp quây quần, và Cha tôi luôn là người mời gọi tất cả cùng làm dấu đọc kinh tạ ơn trước mỗi bữa ăn.

Điều đặc biệt là Cha tôi luôn là người dành ăn những đồ ăn cũ còn dư lại từ bữa trước. Không thể hiểu được điều này vì vốn nghĩ rằng những đồ ăn cũ đó không tốt cho sức khỏe, chúng tôi nhiều lần đã can ngăn Cha tôi nhưng không được.

 “Cha không bỏ bứa bất kì thức ăn nào Chúa ban”- Cha tôi nói như thế. Giống như những người theo đạo Công Giáo rất hạn chế việc đổ đi những thức ăn thừa, gia đình tôi hạn chế tối đa việc đổ bỏ những thức ăn Chúa đã ban.

Việc đồ ăn vứt bỏ ở những xứ sở giàu có, và cảnh đói nghèo ở các khu ổ chuột là những câu chuyện tôi được xem và thấy hằng ngày trên mạng, trên tivi. Còn Cha tôi thì luôn dạy tôi biết quý trọng những giá trị Chúa ban, đặc biệt trong mùa dịch cúm Covid – khi mà thiếu hụt thực phẩm đã trở thành vấn đề của mọi quốc gia, mọi khu xóm và mọi gia đình.

Trong mùa dịch Covid, ánh sáng của mỗi gia đình chính yếu phát ra từ những tấm gương của Cha Mẹ. Tôi tạ ơn Chúa vì Chúa đã gìn giữ gia đình tôi, ban cho tôi và mọi người trong gia đình được sống gắn kết với nhau hơn. Dù đại dịch có hoành hành nghiêm trọng, nhưng gia đình vẫn là tấm khiên chắn hữu hiệu, là ánh sáng Chúa ban cho nhân loại mau chóng vượt qua cơn đại dịch Covid.

Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/mua-covid-cha-toi-va-chuyen-an-com-thua-64264

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 1, 2021 in Suy tư