RSS

Daily Archives: Tháng Mười 7, 2021

Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa (Lc 11,28)

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 7, 2021 in Giới thiệu, Thánh ca

 

Thiên thần ‘Út Tẹt’ thời Covid

 Thùy Trinh 

Ngày 07/10/2021

Thiên thần 'Út Tẹt' thời Covid

TGPSG — Cám ơn Út đã làm em của chị…

“Con muốn làm một bông hoa nhỏ
Dưới chân bàn thờ ngày lễ thường
Con muốn làm một bông hoa trắng
Từng chiều vắng đơn sơ nguyện cầu..”

Nhà tôi ở cuối một con hẻm nhỏ trong một giáo họ không lớn là mấy của giáo xứ Xuân Bình – Giáo phận Xuân Lộc. Ở căn nhà đó, bình thường cứ tầm ba, bốn giờ chiều, hàng xóm đều nghe tiếng Má tôi lanh lảnh gọi “Út ơi, về dọn cơm!”

Út là tên gọi thường ngày của đứa em gái bị hội chứng down của tôi, nên dù đã 29 tuổi đầu, nhưng Út vẫn như một đứa trẻ cấp hai vậy. Khác với những bạn cùng bệnh, Út nói được dù không tròn vành rõ nghĩa nhưng ai cũng hiểu được ý của Út.

Tuy nhà đông anh em nhưng đều lên thành phố sinh sống và làm việc, còn mỗi Út ở nhà sớm tối ra vô lủi thủi với hai bóng già. Việc của Út hàng ngày vẫn là quét nhà lau nhà và rửa chén, thời gian còn lại Út hay tự tìm trò để chơi, khi thì thả diều, đá banh hoặc chán quá Út lại lấy xe đạp của Ba chạy loanh quanh ra ngoài đường lớn ngóng xem có anh chị nào về không. Út tự tập xe đạp, chẳng ai chỉ cho Út cả, cứ ngày này sang tháng nọ Út hết dắt bộ rồi cà nhấp từng chút từng chút, rồi Út biết chạy xe đạp tự lúc nào tôi cũng chẳng hay.

Tôi với Út khá là khắc khẩu nhau, mỗi bận về nhà thể nào Út cũng bị tôi mắng vì mải xem tivi không dọn dẹp nhà, Út hờn bỏ đi chơi tiếp hoặc không thèm ăn cơm, nhưng lát sau lại lén lén đến gần hỏi “Chinh uống nước mía hông, Út bao!”. Tối ngủ, tôi hay nắm tay thủ thỉ hỏi Út “Hồi trưa chị đánh đau hông, hay chị về nhà ở với Út luôn nha, khỏi lên Sài Gòn ha”, Út hất tay tôi ra kèm cái trề mồi dài thượt bảo “Ai cho, nhà này của Út nha”, rồi Út quay mặt đi ngủ chẳng thèm nói chuyện với tôi nữa.

Út siêng đi nhà thờ lắm, chẳng sót ngày chủ nhật cũng như ngày lễ trọng nào. Tuy dáng người thấp lại tròn vo, nhưng mỗi lần đi lễ, Út nhất quyết mặc áo sơmi trắng quần tây ‘cắm thùng’ đàng hoàng hẳn hòi, không quên xách theo cái túi đeo mà bên trong nào là hộp quẹt, đồ chơi, và tiền anh chị cho – Út đều cất để dành bỏ quả nhà thờ hay ăn vặt. Vì siêng đi lễ nên Út được các anh chị giáo lý viên phát cho một chiếc khăn quàng, Út mê tít và tự cho mình là Thiếu nhi Thánh Thể. Từ đó hành trang đến nhà thờ mỗi sáng chủ nhật của Út có thêm chiếc khăn quàng xanh lá phấp phới.

Từ đầu năm nay, bệnh của Má trở nặng, bao nhiêu việc nhà đều vào tay Út. Gọi điện về nhà chỉ nghe Út bảo: vừa nấu cơm xong hoặc đang dọn cơm cho Má… Chẳng còn thấy Út đang xem hoạt hình hay xem phim gì nữa. Biến chứng tiểu đường khiến Má phải vào viện và phẫu thuật tháo khớp chân. Ngày Má nhập viện, Út khóc như mưa, đòi đi theo, dỗ gì cũng không chịu nín, phải nói dịch bệnh người ta không cho nhiều người vào Út mới nguôi. Ba tuần Má ở bệnh viện, ngày nào Út cũng gọi bảo nhớ Má, không quên dặn “Chinh nhớ cầu nguyện Mẹ Maria cho Má hết bệnh nha, nhớ lên mạng đi lễ nha”. Rồi Út tắt máy vì nhà thờ điểm chuông đọc kinh tối. Út thuộc hầu như tất cả các kinh cùng các bài hát thánh ca ở nhà thờ; đôi lúc chỉ cần nghe nhạc dạo, Út đã hát được ngay là bài gì.

Má được về nhà nhưng chẳng thể đi đứng như trước nữa, chỉ nằm một chỗ. Út lại việc thêm việc. Gọi điện thoại về hỏi thăm, có khi nghe Út bảo mới kho thịt, khi lại bảo mới chiên cá, lúc lại bảo đang luộc rau cho Má ăn cơm. Nghĩ tới những ngón tay múp míp, ngăn ngắn đầy đầy bông sữa của Út bây giờ khô và chai đi hẳn, tôi chẳng thể kềm được nước mắt, bảo Út: hay chị về ở luôn, chị nấu cơm cho Út ăn nha… Một lần nữa, Út gạt phăng, nói “Về hông ai nuôi đâu nha, Út nấu cơm dễ ợt thôi, lo gì”. Tôi lại bảo, “Hay Út lên đây ở với chị nha, chị mua cho Út nhiều đồ đẹp, dắt Út đi chơi tha hồ luôn…”, Út mắng “Khùng hả, đi rồi ai coi Má, tội Má lắm, tối ngủ hông được lăn qua lăn lại thôi à!”. Tôi hỏi, “Út hông ghét Má hở, Má hay la Út đánh đòn Út đó!” Út cười bảo “Tất nhiên rồi, Má nuôi Út lớn mà”.

Trước lúc cúp máy, tôi hỏi “Út thích gì không, để vài bữa hết dịch, chị về mua cho”. Út hí hửng bảo “Mua cho Út tivi mới có mạng nha, để Út đi lễ, khỏi đi lễ ké nhà cô Hoa nữa.” Tự dưng tôi thấy mình quá nhỏ bé và vô dụng so với Út.

Cám ơn Út đã làm em của chị, tuy chẳng lành lặn như bao người, nhưng với chị, Út luôn là đứa em tốt nhất, thiện lương nhất mà Chúa đã ban cho chị cũng như gia đình mình. Thương Út! 

Thùy Trinh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thien-thanut-tetthoi-covid-64324

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 7, 2021 in Suy tư

 

“Thôi kệ” giữa mùa Covid

 Hữu Sang 

Ngày 07/10/2021

“Thôi kệ” giữa mùa Covid

TGPSG — Giữa sự căng thẳng tột cùng của dịch bệnh, tiếng “thôi kệ” của anh buông ra nhẹ nhàng…

Gia đình anh bên lương. Cái khó khăn của cuộc sống khiến anh không thể đầy đủ lễ nghi, phép tắc như người khác. Ngày rằm cùng lắm là ăn chay được buổi sáng, chiều thì ngã mặn mất rồi…

Vợ anh tranh thủ bán café cóc trước cổng trường để trang trải qua ngày. Dịch bệnh Covid kéo đến làm mấy cái bàn ghế nhựa vỉa hè biến mất! Cả nhà anh điêu đứng… Rồi chả biết ông tổ trưởng dân phố bị kẹt dưới miền Tây do dịch bệnh thế nào, anh trở thành một ông tổ trưởng thứ hai bất đắc dĩ.

Lập Zalo để liên kết với bà con trong khu phố, nhắn ba câu thì hết hai câu sai lỗi chính tả. Mấy bác lớn tuổi bắt lỗi, réo hỏi. “Thôi kệ, phường có cái gì, thì cứ gửi để bà con biết tin, thế thôi mà…”, anh tự nói nho nhỏ.

Xét nghiệm và chích ngừa Covid vùng đỏ, nhắn gọi bà con rồi đứng ra hỗ trợ. Mấy chú khó chịu, lầu bầu “ê mầy, bộ rảnh lắm sao mà cứ kêu tao đi chọt mũi hoài vậy!” – “Thôi kệ, trời mưa cứ bận áo mưa, ra phụ giúp Y tế chút chút vậy mà…”

Phường có chút rau củ, bịch gạo gửi bà con để gọi là lấy hương lấy hoa. Mấy cô khó chịu bảo, “Cho thế này mà là cho à? Bấy nhiêu thế chả bõ bèn gì!” – “Thôi kệ”, anh cứ phân chia rồi đem đến từng nhà luôn…

Và để ý, khi anh ra ngoài đường làm chuyện công ích, là cô vợ đi theo sát bên, tay cầm chai cồn xịt khuẩn. Chị theo chồng phụ giúp, y như một cô thư ký tận tụy giúp cho ông giám đốc công ty. Cũng đọc danh sách, cũng điểm danh, cũng khuân vác dọn dẹp các kiểu, luôn cả xịt cồn sát khuẩn cho những ai đến gần chồng mình…

Mấy bác lớn tuổi cười cười: “Mầy có trả lương cho vợ không mà sao nó siêng dữ vậy Tùng?”  Anh chặc lưỡi: “Thôi kệ, vợ con vậy đó mấy bác, bả nói bả thương bà con đang bị dịch bệnh, phụ được gì thì phụ…”

Giữa sự căng thẳng tột cùng của dịch bệnh, tiếng “thôi kệ” của anh buông ra nhẹ nhàng, nhưng đong đầy trách nhiệm của đôi vợ chồng trẻ nhiều thiếu thốn…

Hữu Sang (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/thoi-ke-giua-mua-covid-64323

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 7, 2021 in Suy tư

 

Phóng sự ảnh: Sự kiện Giáo hội toàn cầu và Giáo hội Việt Nam trong tháng 9-2021

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 7, 2021 in Tin Công giáo

 

“Thật là hay!” (Mc 9, 5)

 Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC. 

Ngày 06/10/2021

“Thật là hay!” (Mc 9, 5)

TGPSG– Trước cuộc khổ nạn, Đức Giê-su đem theo ba môn đệ thân tín là: Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an đi riêng với Người lên ngọn núi rất cao. Ở đấy, Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Sự bàng hoàng đến kinh ngạc của Phê-rô khiến ông thốt lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay” (Mc 9,5). Tin Mừng tường thuật lại: “Ông không biết mình đang nói gì” (Mc 9, 6).

Khoảng lặng dài trong cầu nguyện cùng với không gian thinh lặng, thanh bình mà tôi đang được tận hưởng tại Foyer Cao Thái, đã quyện lấy biết bao tâm tình trong tôi hòa cùng với những cung bậc cảm xúc của Phê-rô, để giờ đây tôi cũng chẳng biết nói gì trước biển ân tình của Chúa và cũng muốn thưa lên “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay”.

Thật là hay! Chính trong lặng thầm lâu giờ bên Thánh Thể đem tôi về những kí ức sau hai tháng phục vụ tại Bệnh Viện Dã Chiến.

Tôi còn nhớ!

Trong khoảng thời gian cao điểm mà Sài Gòn mỗi ngày các ca nhiễm tăng nhanh, báo đài không ngừng đưa tin sự tàn phá kinh khủng của Coronavirus. Một nỗi sợ hoang mang bao trùm toàn thể người dân Sài Gòn, tôi cũng không nằm ngoài điều ấy. Nhưng “thật là hay”, chính “Tình Yêu Đức Ki-tô đã thúc bách tôi” (2Cr5, 14) can đảm viết lên hàng tên của mình đăng ký đi thiện nguyện. Đâu ngờ rằng, giây phút này trong Thiên Ý của Chúa, tôi được cùng những “môn đệ thân tín” lẽo đẽo theo Thầy “đi riêng “trên những nẻo đường bệnh viện.

Bao năm các tông đồ theo Thầy, hầu như những bài giảng của Thầy chỉ toàn là dụ ngôn khai mở về một Thiên Chúa, một thực tại Nước Trời…. Nhưng hôm nay, Thầy cho các ông được nhìn thấy, diện đối diện dung nhan của Thầy. Thật là hay! Sau những năm tìm gặp Chúa qua cầu nguyện, học hành nơi môi trường đào tạo, hôm nay, Chúa cũng cho tôi một cơ hội để được đụng chạm dung nhan Ngài. Dung nhan ấy đang cụ thể hóa nơi những bác sĩ Sa-ma-ri-ta-nô nhân nhậu, những bệnh nhân đau khổ của “bà góa nghèo thành Na-in”, hay “đứa con hoang đàng” sau những ngày xa cách.

Nghĩ đến đây tôi nhớ về chị T, sau một ngày nhập viện, tôi đến bên thăm hỏi chị. Như những bệnh nhân khác, trước khi rời phòng tôi vẽ lên trán chị dấu thánh giá và nói: “Xin Chúa chúc lành cho chị”. Đột nhiên, tay chị nắm lấy tay tôi, chợt nhận ra khóe mắt chị hai dòng nước mắt tuôn tràn. Vừa khóc, vừa thều thào: “Chúa thương con quá”. Tôi hỏi chị: “Chị là người Công Giáo à? chị tên thánh gì? “Dạ, Maria”. Nghẹn ngào chị kể cho tôi nghe cuộc đời đầy yếu đuối của chị. Trong nước mắt chị vẫn tiếp tục nói: “Chúa thương con quá, phút cuối đời Chúa vẫn gởi các cha, các sơ đến giúp con”.

Ta vẫn thường nghe “Mỗi cây mỗi lá, mỗi nhà mỗi cảnh”. Thật vậy, mỗi người là một câu chuyện, mỗi cảnh đời là một dụ ngôn, mỗi người sinh ra là một huyền nhiệm và huyền nhiệm. Càng đụng chạm, càng trao đổi, càng mang lại cho ta nhiều bài học tâm linh.

Thật là hay! Những trải nghiệm đã qua chính Chúa làm mới trong tôi những cảm nghiệm về Lời Chúa, tôi hiểu hơn sự “liều lĩnh” của Áp-ra-ham ra đi mà không biết sẽ đi về đâu, tương lai thế nào. Tôi cảm được niềm vui của Mẹ Ma-ri-a, người thôn nữ vượt đường rừng 150km để đến thăm viếng và phục vụ người chị họ. Trên hết, tôi bắt đầu suy tư, đụng chạm và bức màn của “Lời hóa thành nhục thể” đang được khai sáng trong tôi. Chắc chắn những ngày thứ năm Tuần Thánh, tôi sẽ hiểu và cảm nghiệm sâu hơn những nỗi cô đơn, sợ hãi, giọt mồ hôi của “Vườn Dầu” người đang phải đối diện với sự chết. Hay mỗi độ Giáng Sinh về nhắc nhở tôi nhận ra cách thức Thiên Chúa chọn để đi vào trần gian tỏ cho loài người biết về Ngài qua hình hài một bé thơ.

Tôi cứ ngỡ như vừa bước qua một cánh rừng tối âm u, đầy nguy hiểm. Nhưng thật là hay! Niềm vui giữa cánh rừng khi các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau gặp nhau trong yêu thương và phục vụ. Như thư Thánh Phao-lô đã viết: “Lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Chính sợi dây “tình mến” xua tan mọi khoảng cách của văn hóa, niềm tin, chính kiến… và siết chặt trái tim bao con người. Dạo quanh những con đường nơi khu tĩnh dưỡng, ánh sáng mặt trời chen chúc nhau xuyên qua từng kẽ lá, tôi chợt nhận ra đoàn tu sĩ chúng tôi đã vượt qua rừng sâu, tìm thấy ánh sáng và sự bình an nơi cuối rừng.

Ở nơi đây, mỗi ngày chúng tôi cùng nhau cử hành Thánh lễ, chầu Thánh Thể, chia sẻ những kinh nghiệm đã qua. Thật là hay! Như một cuộc hồi tâm nhìn lại biết bao tình thương “Chúa đã dằn, đã lắc mà đổ đầy vào vạt áo của mỗi người (Lc 6, 38)”.

Thật là hay! Nương theo cái nhìn của Phê-rô để tôi biết thay đổi hướng nhìn của mình. “Nhìn về quá khứ với lòng biết ơn”. Nhìn về hiện tại để biết rằng phận người mỏng manh, sống mỗi phút thật ý nghĩa đong đầy tình Chúa, tình người. Nhìn về tương lai trong hy vọng với niềm xác tín: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8, 28).

Thật là hay!  Khi được hòa trong nỗi đau của nhân loại, chung cảnh huống của biết bao cảnh đời “để hoàn tất những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su” ngang qua khối óc, con tim, đôi tay, đôi chân của những tâm hồn thiện chí.

Một không gian thoáng mát tại Foyer với những hàng cây cổ thụ mấy mươi năm, những loài hoa thi nhau khoe sắc, và cả hàng ngàn chồi non vươn mình trong nắng. Tôi hiểu rằng chính trong sự bí ẩn của đất mà hạt nảy mầm, chính trong những lời cầu nguyện thầm kín mà hạt giống đức tin sẽ kết trái, đơm hoa yêu thương sẽ nở rộ; sức sống và dung nhan của Chúa được tỏ lộ cho các tâm hồn chúng tôi gặp gỡ. Vì “Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, còn Thiên Chúa sẽ cho mọc lên” (1Cr 3, 6).

Tôi nghĩ về thế giới, nghĩ về đất nước, cách riêng Sài Gòn đã và đang quằn quại trong nỗi đau của dịch bệnh. Nhưng tôi vẫn tin rằng: chính trong sự mục nát khổ đau của nhân loại tình yêu Chúa vẫn tuôn tràn chứa chan.

Tận hưởng biết bao điều tốt lành từ tinh thần đến vật chất nơi đây. Thật là hay! Tôi khám phá ra nền tảng xây dựng cho những gì đẹp đẽ, thành công, hạnh phúc trong cuộc đời chính là sự lặng lẽ âm thầm. Xin cám ơn những “lặng lẽ âm thầm” của Đức Tổng Giuse, quý cha, quý ba mẹ, quý bề trên các Hội Dòng, cùng quý vị ân nhân xa gần qua những lời kinh, nguyện tắt, hi sinh cùng bao lời động viên thăm hỏi đã giúp chúng con hoàn thành sứ vụ trong bình an, cũng như tô thắm cho tuổi xuân đời thánh hiến chúng con thật đẹp, thật ý nghĩa.

“Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay!”

Foyer Cao Thái, ngày 03 tháng 10 năm 2021
Nt. Marie Đoàn Tuyết, SPC.

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/that-la-hay-mc-95-64316

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 7, 2021 in Suy tư