RSS

Daily Archives: Tháng Mười 4, 2021

Thư mục vụ gửi gia đình Tổng Giáo phận ngày 4-10-2021

 Ngày 04/10/2021

Thư mục vụ gửi gia đình Tổng Giáo phận ngày 4-10-2021

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 4 tháng 10 năm 2021

THƯ MỤC VỤ GỬI GIA ĐÌNH TỔNG GIÁO PHẬN

Kính thưa quí cha và anh chị em,

Sau hơn 4 tháng giãn cách xã hội và tạm ngưng các cử hành phụng vụ cộng đồng, chúng ta đang bước vào giai đoạn bình thường mới; các sinh hoạt tôn giáo cũng dần dần được phục hồi. Tiếp theo “Thông báo tái khởi động một phần sinh hoạt cộng đoàn”, nay tôi nêu lên một ít hướng dẫn mục vụ trong bối cảnh hậu giãn cách.

  1. Đời sống đức tin

Đối với người Công giáo, thánh lễ là một sinh hoạt thiết yếu, vì đức tin Công giáo vừa là niềm tin trong nội tâm, mang chiều kích cá nhân, vừa là sự gặp gỡ Thiên Chúa qua các bí tích trong cộng đoàn Hội Thánh được qui tụ chung quanh mục tử. Thánh lễ trực tuyến không thể thay thế việc tham dự trực tiếp, mà chỉ giúp nuôi dưỡng đức tin, dành cho người không thể đến nhà thờ, cách riêng là bệnh nhân, người già yếu và trẻ em trong thời điểm hiện tại.

Sau thời gian đói khát Thánh Thể, nay anh chị em đã có thể tham dự thánh lễ. Hiện tại chúng ta phải chấp nhận giới hạn số lượng tập trung trong nhà thờ, vì mặc dù đa số đã tiêm vaccine ngừa Covid-19, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao. Sau này, khi các sinh hoạt trở lại bình thường, anh chị em hãy đến nhà thờ để tham dự thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thể là sự sống thần linh; đừng để vì giãn cách lâu quá mà tâm hồn chúng ta ra nguội lạnh. Ngắm nhìn một bữa tiệc ngon, làm sao bằng chính mình được ăn tiệc!

Bước vào tháng 10, đáp lại lời Đức Mẹ Fatima mời gọi, chúng ta hãy ăn năn sám hối, lần hạt Mân Côi và tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ. Qua Kinh Mân Côi, chúng ta chiêm ngắm các mầu nhiệm cứu độ để hoán cải và sống theo Tin Mừng. Nhờ Kinh Mân Côi, chúng ta xin Chúa ban bình an và ơn cứu độ cho mọi người, nhất là xin ơn chữa lành trong thời gian đại dịch đau thương này.

  1. Ngày toàn quốc cầu nguyện

Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục đã quyết định cử hành Ngày Toàn quốc Cầu nguyện xin Ơn chữa lành Mùa đại dịch. Cụ thể như sau:

  • Thánh lễ ngày Chúa nhật, 17/10/2021: tất cả các linh mục cử hành Thánh lễ theo ý chỉ chung: cầu cho bệnh nhân, cho người đã qua đời, cho các y bác sĩ và nhân viên y tế, cho người đang gánh chịu hậu quả do dịch bệnh.

Ngoài thánh lễ, các cộng đoàn cũng cử hành giờ Chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi hoặc lần hạt Lòng Chúa Thương Xót.

Những ai không thể tham dự trực tiếp, xin hiệp thông trực tuyến qua mạng internet.

  • Giữ Chay trong ngày Thứ Sáu, 22/10/2021: cùng với lời cầu nguyện, mỗi người sẽ giữ chay và làm những việc hy sinh để đền bù tội lỗi của mình cũng như của nhân loại, và làm một việc bác ái giúp đỡ người nghèo khổ.
  1. Mục vụ chăm sóc

Đại dịch như cơn lũ càn quét thành phố suốt 5 tháng. Mặc dù lũ chưa qua hẳn, nhưng những mất mát thiệt hại đang lộ ra trước mắt: biết bao người nhiễm bệnh, người chết vì bệnh, người chết vì tự tử, người nghèo đói, người rời thành phố về quê… Bên cạnh đó, nhiều người đang chịu hậu quả trầm trọng về tâm lý và tinh thần: nhiều bệnh nhân dù thân xác đã khỏi bệnh nhưng tâm lý sẽ còn bị tổn thương lâu dài; nhiều người mất hết thân nhân nay còn lại một mình cô đơn.

Đây là lúc “các mục tử chăm sóc và thân hành kiểm điểm lại đoàn chiên” (x. Ed 34, 11-12). Người mục tử tốt biết chiên của mình (x. Ga 10, 14). Tôi đề nghị quí cha, các hội đồng mục vụ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, hãy kiểm điểm lại đoàn chiên, bằng cách thăm viếng (luôn giữ 5K) hay gọi điện thoại, để biết rõ hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình: ai bệnh, ai chết, người nào nghèo đói, người nào cô đơn, em nào mồ côi, người nào đã rời bỏ giáo xứ.

Anh chị em hãy an ủi, động viên và giúp đỡ những anh chị em đang đau khổ. Một lời chia sẻ cảm thông, những lần thăm viếng thường xuyên, sẽ đem lại sức mạnh và nghị lực tinh thần để họ đứng dậy tiếp tục bước đi. Nếu gặp một người bị tổn thương tâm lý trầm trọng, anh chị em hãy giúp họ gặp các chuyên viên tâm lý để chữa trị.

Trong thời gian qua, các giáo xứ và dòng tu đã rất quảng đại phân phát lương thực và hỗ trợ tài chánh cho người nghèo trong các khu xóm, đồng thời phối hợp với Văn phòng Hội đồng Giám mục, với Ban Caritas và Giới Doanh nhân Công giáo để thực hiện chương trình “Thương quá, Sài Gòn ơi”. Xin cám ơn anh chị em. Hãy tiếp tục nâng đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.

Một vấn đề cần quan tâm lúc này, là các em mồ côi. Theo vnexpress ngày 14/9/2021, hơn 1.500 học sinh TP.HCM mồ côi vì cha mẹ và anh chị đã mất vì Covid. Con số thực tế cao hơn rất nhiều.

Ngoài sự trợ giúp của các tổ chức xã hội, tôi mời gọi quí cha, các dòng tu, các hội đồng mục vụ giáo xứ, các đoàn thể tông đồ giáo dân, tích cực tham gia “mục vụ chăm sóc các em mồ côi”. Đây là điều quan trọng cho tương lai của các em cũng như cho sự ổn định của xã hội sau này.

Về vật chất, Giới Doanh nhân Công giáo đang thực hiện chương trình “Lan tỏa Yêu thương” đợt IV, để hỗ trợ tài chánh cho những gia đình neo đơn, cách riêng là các học sinh mồ côi, trước mắt là trong 10 tháng và sẽ tiếp tục lâu dài.

Còn về tinh thần, đề nghị các giáo xứ lập danh sách các em mồ côi trong địa bàn, không phân biệt tôn giáo; sau đó các em vẫn ở lại với họ hàng, nhưng mỗi em sẽ được trao cho một gia đình hay một hội viên của một đoàn thể Công giáo, để thường xuyên thăm viếng, chia sẻ và cảm thông, khích lệ và hướng dẫn. Như vậy, nhờ hơi ấm tình thương của người thân, với sự cộng tác của giáo xứ, tâm lý các em được phát triển quân bình để trở thành người tốt cho xã hội.

Gia đình nào có thể bảo lãnh nuôi dưỡng một em mồ côi lâu dài, đó là điều rất quí.

Anh chị em thân mến,

Mỗi ngày chúng ta đều bước đi với những vấn đề mới. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6, 34). Nhưng chúng ta luôn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng đầy yêu thương của Cha Trên Trời và đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô Phục sinh.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và thánh Giuse, xin Chúa chúc lành và ban bình an cho gia đình Tổng giáo phận và cho toàn thể nhân loại.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 4, 2021 in Tin Công giáo

 

ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN CẦN ĐƯỢC CHĂM SÓC NHƯ MỘT KHU VƯỜN XINH ĐẸP

“Tình yêu cần thời gian và không gian; mọi cái khác chỉ là phụ thuộc. Cần thời gian để trò chuyện, để ôm hôn nhau cách bình yên,

Ba mươi chín năm đã trôi qua để từ khi tôi cùng chồng là Lino thưa “Con đồng ý” vào buổi sáng ngày 12/6/1982 trong một nhà thờ Công giáo ở Manila. Một người chú của tôi làm linh mục chánh xứ ở đây một thời gian. Thú thật, tôi chẳng còn nghĩ tưởng gì về ý nghĩa thật sự của những lời “… dù tốt hay xấu, dù thịnh vượng hay nghèo khó, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe…” sau nghi thức hôn phối và tuần trăng mật. Tất cả đều như mộng ảo với tôi – một cảm giác choáng ngợp bởi tình yêu và rồi chúng tôi được ở bên nhau cả những lúc tỉnh giấc tàn canh.Tôi và chồng được hạnh phúc với một đứa con – một cô con gái luôn làm chúng tôi vui sướng khi ở bên cạnh. Dĩ nhiên, hôn nhân chẳng bao giờ hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Đã có những va vấp trong đời sống vợ chồng – chúng là những cơn giông tố mà chúng tôi cần vượt qua.  Thật may mắn và kỳ diệu khi không ai trong chúng tôi phải xa nhau hàng tuần hay hàng tháng để kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình, như tình huống mà rất nhiều gia đình ở Philippin gặp phải. Hai tuần là khoảng thời gian dài nhất chồng tôi phải đi công tác – anh được cử đến London và Mỹ bởi một tổ chức phi lợi nhuận mà anh làm việc trong tư cách là giám đốc truyền thông.  Những bí quyết để vượt qua Tôi từng nghĩ rằng làm sao có thể vượt qua những khó khăn này trong một thời gian dài? Chấp nhận chính bản thân mình vốn đã đủ khó! Tôi phải biết ơn Lino rất nhiều về điều đó: anh luôn kiên vững trong đức tin; và hướng dẫn cho tôi tiến bước theo một lối sống xứng hợp, nơi mà Thiên Chúa muốn chúng ta luôn ở gần Người. Anh là đá tảng, và quan trọng hơn nữa, là thiên thần của đời tôi.  Chúng ta mong ước mọi cuộc hôn nhân đều có thể kéo dài trăm năm, nhưng vợ chồng chúng tôi không muốn thảo luận về chuyện ai là người cầm đầu người khác. Chúng tôi muốn những người đang dự định tiến tới hôn nhân và những cặp đôi mới cưới xây dựng mối tương quan giữa họ bằng cách nhập tâm một số “áp dụng” thực tiễn liên quan đến sự cảm thông, tình yêu, và bổn phận nói chung.Cách đây vài năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ra những suy tư của ngài về cách mà các cặp vợ chồng có thể xây dựng mối tương quan bền chặt: Dành thời gian cho nhau dù bận rộn đến mấy. Đức Thánh Cha nói rằng: “Tình yêu cần thời gian và không gian; mọi cái khác chỉ là phụ thuộc. Cần thời gian để trò chuyện, để ôm hôn nhau cách bình yên, để chia sẻ các kế hoạch, để lắng nghe nhau… và để trân trọng nhau”.  Chấp nhận những khuyết điểm của đối phương. Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng không phải là vấn đề nếu người bạn đời của bạn không đáp ứng mọi thứ mà bạn trông đợi. “Tình yêu luôn luôn bao hàm một ý thức thương cảm sâu xa dẫn tới việc chấp nhận người khác như một phần của thế giới này, ngay cả khi người ấy hành động khác với kỳ vọng của tôi”.  Đừng ôm hận. Đức Thánh Cha khuyên các cặp đôi rằng, thói quen nuôi dưỡng sự thù địch từ bên trong này chỉ gây thêm tổn thương và bất hòa. “Điều đó giống như việc đào bới lại nỗi đau trong quá khứ. Các cặp vợ chồng cần nhớ những lời của thánh Phaolô: ‘Đức ái thì không nóng giận, không  nuôi hận thù…’ (1Cr 13,5)”.Nói “xin vui lòng”, “xin cảm ơn”, và  “xin lỗi”. Đức Thánh Cha cho rằng đây là ba cụm từ thiết yếu hay những lời lẽ mà mọi cặp đôi cần nói với nhau thường xuyên.  Khi tranh luận, hãy đón nhận quan điểm của vợ chồng mình. Đức Thánh Cha nói rằng, “Đừng bao giờ chế giễu những gì họ nói hay nghĩ, ngay cả khi bạn cần diễn tả quan điểm riêng của mình… Chúng ta phải nhận ra được sự thật của người kia, tầm quan trọng của những mối bận tâm sâu xa nhất của người ấy, và những gì mà người ấy đang ngầm muốn nói, ngay cả thông điệp nằm đàng sau những ngôn từ gay gắt”.  Hãy đọc – đây là điều cần thiết để gây hứng thú. Đức Thánh Cha tin rằng để có một cuộc trao đổi thú vị, chúng ta cần có điều gì đó để nói. “Điều này đòi hỏi một sự phong phú nội tâm nhờ được nuôi dưỡng bằng việc đọc sách, suy tư cá nhân, cầu nguyện, và cởi mở ra với xã hội. Nếu không, các cuộc trò chuyện sẽ trở nên chán ngán và tầm thường… đời sống gia đình sẽ trở nên ngột ngạt”.  Sự trọn vẹn về đời sống tính dục là điều quan trọng. Chính Đức Thánh Cha, một vị giáo sĩ cấp cao đã tuyên hứa sống một đời sống độc thân, nói rằng, bởi vì chính Thiên Chúa tạo dựng nên tính dục, nên không được theo đuổi nó chỉ vì lạc thú của riêng một cá nhân hay theo cách thức khiến người khác bị đối xử như một đồ vật được sử dụng. Ngài nhấn mạnh: “Tính dục được đặt định để người kia sống viên mãn”.  Một khu vườn xinh đẹp Theo quan điểm riêng, tôi cho rằng hôn nhân giống như một khu vườn xinh đẹp cần được chăm sóc. Nó cần được dưỡng nuôi không ngừng, cũng như nhổ bỏ đi điều có hại, là thứ cỏ dại của những thói quen gây khó chịu, chẳng hạn như những người vợ không đủ nhiệt tình để chào đón chồng mình khi anh ta đi làm về, hay thói quen xấu của người chồng hay vứt khăn tắm, tất và quần áo chưa giặt ra sàn nhà!  Vâng, cần giữ nhiều kỷ luật để xây đắp một cuộc hôn nhân thành công. Nhưng đó là điều hoàn toàn đáng giá. Và tôi tin chắc rằng các cuộc hôn nhân biết đặt Thiên Chúa làm trung tâm thì luôn “hoàn hợp”, miễn là tất cả để mắt đến việc nuôi dưỡng các mối tương quan ở trần gian để chúng luôn là một khu vườn xinh đẹp. Nguồn: gpquinhon.org

Tác giả: Lilia Borlongan-Alvarez
Chuyển ngữ: Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Từ: catholicstand.com

Nguồn: http://gplongxuyen.org/tin-tuc/doi-song-hon-nhan-can-duoc-cham-soc-nhu-mot-khu-vuon-xinh-dep.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 4, 2021 in Hôn Nhân Gia Đình

 

KHI CHÚNG TA HOÀI NGHI SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

KHI CHÚNG TA HOÀI NGHI SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Lời cầu nguyện là một chất kháng sinh kín đáo khó thấy, có khi dường như vô dụng, nhưng lại thật sự cần thiết.

Chúng ta cần cầu nguyện kể cả khi đó là việc thiếu sức sống nhất để làm. Đó là lời khuyên của linh mục triết gia Dòng Tên Michael J. Buckley về những gì chúng ta cần thách thức bản thân mỗi ngày. Khi đối diện với đời sống thực tế, lời cầu nguyện thường là việc thiếu sức sống nhất để làm. Vậy lời cầu nguyện tạo nên được khác biệt gì?

Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn! Xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện! Chúng ta luôn nói những câu này. Tôi cho là không ngày nào chúng ta không hứa cầu nguyện cho ai đó. Tuy nhiên, chúng ta có thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta tạo nên khác biệt không? Chúng ta thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta có thể chặn đứng được đại dịch, xoa dịu căng thẳng trong cộng đồng, xóa bỏ hàng thế kỷ hiểu lầm giữa các gis1o phái, chữa lành căn bệnh nan y, đưa con em chúng ta trở lại với nhà thờ, hay làm cho ai đó tha thứ cho chúng ta không? Lời cầu nguyện có thể làm gì khi chúng ta bất lực trong một hoàn cảnh nào đó?

Chúa Giêsu nói rằng có những con quỷ chỉ có thể bị xua đuổi nhờ lời cầu nguyện và chay tịnh. Tôi cho rằng, chúng ta tin câu này theo nghĩa đen như việc trừ quỷ thì dễ hơn là tin lời cầu nguyện có thể xua trừ những con quỷ trần tục như hận thù, bất công, hiểu lầm, chia rẽ, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc, định kiến bất dung và những chứng bệnh thể xác cũng như tâm hồn. Đây là những con quỷ thật sự đang bủa vây cuộc sống chúng ta và dù chúng ta xin Thiên Chúa giúp đỡ trong lời cầu nguyện, nhưng thường chúng ta không mấy tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ tạo nên khác biệt. Sao có thể như thế?

Lịch sử lâu dài của do thái giáo và kitô giáo dạy chúng ta, Thiên Chúa không có thói quen can thiệp trực tiếp vào đời sống tự nhiên và đời sống nhân loại, ít nhất không phải theo cách mà chúng ta thấy được. Các phép lạ có xảy ra, có thể theo hàng triệu cách mà chúng ta không nhận thức được. Nhưng nếu chúng ta không thể nhìn thấy phép lạ, thì chúng có thật không?

Hiện thực có những phương thức khác. Có kinh nghiệm và thần nghiệm. Cả hai đều có thật, dù chúng ta không xem cả hai như nhau về phương diện hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Nếu một xác chết đội mồ sống lại (Phục sinh) hay nếu cả một dân tộc bước đi khô ráo qua Biển Đỏ (Xuất hành) thì rõ ràng đó là sự can thiệp của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, nhưng nếu một lãnh đạo thế giới hồi tâm chuyển ý và đột nhiên đồng cảm với người nghèo, làm sao chúng ta biết được điều gì dẫn đến chuyện này? Với mọi sự chúng ta cầu nguyện cũng vậy. Điều gì thúc đẩy trí khôn dẫn đến việc tìm ra vắcxin cho đại dịch? Thuần túy là cơ may sao? Hay sự can thiệp từ trời cao? Ta cũng có thể đặt câu hỏi đó với hầu hết mọi điều chúng ta cầu nguyện, từ tình hình thế giới cho đến sức khỏe của mình. Nguồn nào đem lại hứng khởi, phục hồi sức khỏe, xóa tan cay đắng, biến đổi nhân tâm, giúp đem lại quyết định sáng suốt hay một cơ hội gặp ai đó khiến cả cuộc đời chúng ta tốt đẹp hơn? Cơ may thuần túy hay ngẫu nhiên tình cờ? Hay là ơn phúc và sự dẫn dắt của Chúa nhờ lời cầu nguyện, dù là của chính mình hay người khác cầu cho mình?

Tâm điểm của đức tin kitô giáo là chúng ta đều thuộc về một thân thể nhiệm mầu, Nhiệm thể Chúa Kitô. Đây không phải là cách nói ẩn dụ. Cơ thể này là một cơ thể sống, cũng thật như một cơ thể vật chất. Bên trong cơ thể vật chất, mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau, dù tốt hay xấu. Các enzym (chất xúc tác sinh học) lành mạnh giúp cơ thể duy trì sức khỏe, còn các vi-rút không lành mạnh thì làm suy yếu cả cơ thể. Nếu đúng là thế, mà đúng là thế thật, thì cái gọi là hành động thật sự cá nhân không tồn tại. Mọi việc chúng ta làm, dù là trong tư tưởng, có tác động đến người khác và do đó tư tưởng và hành động của chúng ta hoặc enzym lành mạnh hoặc vi-rút gây hại cho người khác. Lời cầu nguyện của chúng ta là enzym lành mạnh tác động đến toàn bộ cơ thể, nhất là đến những người, những sự việc mà chúng ta hướng tới. Đây là giáo lý đức tin, chứ không phải một ý nghĩ đơn thuần.

Bà Dorothy Day từng có thời không thích Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, nghĩ rằng tách mình vào một tu viện nhỏ và “con đường thần nghiệm nhỏ” là lòng mộ đạo ngây thơ. Về sau, khi bà Dorothy dốc sức làm những việc lớn lao cho công lý và hòa bình, nhưng bà thấy dường như chúng không thay đổi được đời sống thực tế bao nhiêu, bà đã nhận thánh Têrêxa làm quan thầy. Điều mà bà Dorothy Day nhận ra qua kinh nghiệm của mình là những hành động dường như nhỏ bé và vô ích về mặt thực dụng cho công lý và hòa bình, lại không vô ích chút nào. Dù nhỏ, nhưng chúng đã giúp mở ra một không gian, mới đầu thì nhỏ, nhưng dần dần mở rộng thành một thứ lớn hơn và có tác động hơn. Khi đưa một vài enzym bé xíu vào cơ thể của thế giới, cuối cùng Dorothy Day đã giúp thế giới lành mạnh hơn một chút.

Lời cầu nguyện là một chất kháng sinh kín đáo khó thấy, có khi dường như vô dụng, nhưng lại thật sự cần thiết.

Ronald Rolheiser,

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: http://gplongxuyen.org/tin-tuc/khi-chung-ta-hoai-nghi-suc-manh-cua-loi-cau-nguyen.html

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 4, 2021 in Suy tư

 

Những ‘bí bách’ của gia đình thời Covid

 Jos Trung Toàn 

Ngày 04/10/2021

Những ‘bí bách’ của gia đình thời Covid

TGPSG — Những khó khăn về thu nhập do thất nghiệp, rồi cứ phải ở trong nhà lâu ngày, khiến bí bách, dẫn đến muôn vàn những khó khăn khác…

“Mỗi nhà, mỗi cảnh” , “ Ở trong chăn mới biết chăn có rận”… Những tục ngữ ông bà xưa để lại thường rất đúng và rất đời thường; đúng trong cuộc sống thường ngày và lại càng đúng trong các gia đình khi đại dịch Covid kéo đến.

Đại dịch Covid ập đến, ảnh hưởng trên thu nhập của rất nhiều người. Có người may mắn vẫn có việc làm. Có người ở nhà lãnh 50% lương. Nhưng đại đa số thì phải ở nhà và không có thu nhập. Khó khăn về kinh tế là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến các khó khăn của các gia đình.

Có câu nói thường được mang ra trêu đùa trong mùa dịch: Tỉ lệ người mất trong tai nạn giao thông  giảm đi vì ít người ra đường, nhưng tỉ lệ bạo lực trong các gia đình lại tăng do chán ghét nhau, không muốn nhìn thấy mặt nhau. Những khó khăn về thu nhập do thất nghiệp, rồi cứ phải ở trong nhà lâu ngày, dẫn đến muôn vàn những khó khăn khác. Con người bị nhốt trong nhà, cảm thấy bí bách, không có những khoảng không thư giãn, dễ trở nên cọc cằn, dễ dàng gây sự với chính những người thân yêu của mình.

Ông ở trong nhà nhiều, cảm thấy bức bối, kéo ghế ra trước cửa ngồi hút thuốc. Bà nhắc nhở: “Lại ra ngoài, lại hút thuốc…”. Ông khó chịu: “Bà cũng phải để tôi có khoảng không thư giãn chứ!”

Bà tìm cách đi chỗ này, chỗ kia để kiếm bó rau, con cá, mua lén lút và đôi lúc dừng lại nói chuyện với người này, người kia, đi mãi chưa thấy về… Ông khó chịu, bà nói: “Tôi đi mua thực phẩm về lo cho cả nhà mà! Ông này, lạ chưa?…”

Cháu vui chơi trong nhà, ồn ào… Ông không thể nghe tin tức, lớn tiếng với cháu. Cháu dạ thưa: “Lạy ông, cho con chơi chút đi mà…”

Vợ giặt đồ và phơi quần áo. Chồng vừa mới ngồi xuống, thử bấm điện thoại chơi game, vợ cằn nhằn: “Anh không phụ em được hay sao?…”

Ông giận bà, bà giận ông, cháu giận ông, vợ chồng giận nhau… Có những xích mích to và có những xích mích nhỏ, nhưng cứ để vậy, không giải quyết. Cách giải quyết tốt nhất, đôi khi lại chính là: bỏ đi ra một nơi nào đó cho thoải mái, cho nguôi ngoai, rồi quay lại ôn tồn nói chuyện với nhau. Nhưng trong mùa dịch thì không thể đi ra khỏi nhà…

Chỉ có một cách tốt nhất, đó là ‘sống như những người được Chúa chọn’ như lời Thánh Phaolô: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện.”  (Cl 3,12-17).

Sống đức yêu thương theo cách thế trên đây là phương án tốt để mọi người có thể sống hòa thuận với người thân trong giai đoạn dịch bệnh.

Sự khó chịu, giận dỗi càng lớn thì những người trong gia đình càng cần phải nhẫn nhịn, chịu đựng lẫn nhau nhiều hơn, và phải cùng tìm ra những điểm tốt nơi mỗi việc người thân làm trong giai đoạn khó khăn này.

‘Ánh sáng gia đình’ không tự nó phát ra được, mà cần có sự cố gắng của mỗi thành viên trong gia đình. Có chịu đựng lẫn nhau và có đức yêu thương thì mới nhìn ra được điểm tốt của người khác để xây dựng một gia đình hạnh phúc và bình an như gia đình Thánh Gia xưa.

Jos Trung Toàn (TGPSG)
(Ánh sáng gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nhung-‘bi-bach-cua-gia-dinh-thoi-covid-64304

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 4, 2021 in Suy tư

 

Câu chuyện người Samari nhân hậu nơi bệnh viện dã chiến

 Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam 

Ngày 04/10/2021

Câu chuyện người Samari nhân hậu nơi bệnh viện dã chiến

TGPSG– Từ những ngày Sài Gòn bắt đầu bùng phát dịch bệnh và đặc biệt hơn là tham gia thiện nguyện nơi bệnh viện dã chiến. Một trong những câu chuyện tôi đọc lại nhiều nhất là dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Tin Mừng Luca. Hơn thế nữa, tôi cứ suy đi nghĩ lại lời của đức thánh cha Phan-xi-cô: “Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định trở thành người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu hay thành những người vô cảm thờ ơ. Và nếu chúng ta chịu nhìn vào lịch sử cuộc sống của chính mình và của toàn thế giới, tất cả chúng ta đều giống, hay từng giống, mỗi nhân vật trong câu chuyện dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều có trong mình một điều gì đó của người đàn ông bị thương, một điều gì đó của tên cướp, một điều gì đó của những người qua đường, và một điều gì đó của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu”(1). Khi mới tới bệnh viện, tôi nghĩ rằng những bệnh nhân ở đây là những người đang bị tổn thương, những nhân viên y tế và thiện nguyện viên như là những người sa-ma-ri nhân hậu; còn lại một số khác là những khách qua đường. Nhưng qua những người tôi gặp, tôi nhận ra rằng hầu như trong mỗi con người đều có trong bản thân ba nhân vật của dụ ngôn.

Tôi gặp một chị lao công đang đi làm việc tại bệnh viện dã chiến, lúc vào làm đơn giản chỉ như một khách qua đường vì nhu cầu mưu sinh. Nhưng rồi khi làm việc dần dần trong câu chuyện chị chia sẻ với tôi có cho thấy đó cũng là một người Samari nhân hậu. Chị nói rằng đi làm đây chị ý thức hơn về trách nhiệm với người bệnh, với các thiện nguyện viên cũng như nhân viên y tế. Chị cũng chạnh lòng khi thấy những người bị lây nhiễm và nói rằng mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Thế rồi khi bị lây nhiễm chị như trở thành một người bị thương bên vệ đường. Chị kể về thái độ không tốt của một số người cùng dãy trọ, một số người khác khi nghe tin biết chị bị lây nhiễm…dần dần những ngày điều trị nơi đây, chị có nhiều tổn thương hơn. Gặp gỡ và nghe câu chuyện của chị, tôi nghiệm ra rằng “chính trận cuồng phong này đã bộc lộ tính mong manh của chúng ta và để lộ ra những điều hoàn toàn giả tạo và phù phiếm mà xung quanh chúng… Giữa cơn bão táp này, mặt nạ của những cách thức mà chúng ta đã dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, luôn lo lắng về dáng vẻ bề ngoài đã bị rơi xuống, một lần nữa để lộ ra ý thức hiển nhiên và đáng chúc phúc này: chúng ta là thành phần của nhau, chúng ta là anh chị em với nhau” (2).

Đang miên man suy nghĩ về chị lao công, tôi gặp một chú lao công đang trong giờ làm việc. Chú cho tôi biết chú là một người học không đến nơi đến chốn. Nhìn bên ngoài, chú cũng chỉ là một người lao công như người qua đường. Nhưng cách cư xử của chú làm tôi thấy đó là một tâm hồn của người Sa-ma-ri nhân hậu. Mặc dầu đã gần 14g chiều nhưng tôi thấy chú vẫn chưa thu dọn khu vực lầu 4, chú đứng nói chuyện với tôi, chú cho biết giờ này còn có các cô các chú vừa phục vụ trong phòng bệnh ra đang nghỉ nên cho các cô các chú nghỉ tí đỡ mệt đã. Tôi thấy chú rất tinh tế và biết nghĩ cho người khác.

Việc suy nghĩ và hành động cho người khác cũng được thể hiện nơi một điều dưỡng viên từ Hà Nội. Là tình nguyện viên và khi đi thì bố mẹ đều ngăn cản. Nhưng anh nói với tôi, mọi người nơi đây đang cần anh hơn gia đình. Mặc dầu ra đi cũng sợ lây nhiễm, mà thương bệnh nhân nên xung phong lên đường. Khi tan ca, ra ngồi bên ngoài, thấy khuôn mặt anh có chút đăm chiêu, tôi hỏi thăm. Anh nói hôm nay là sinh nhật của con trai tròn một tuổi, mọi người đang vui cùng nhau bên chiếc bánh sinh nhật. Tôi lặng buồn vì thấy trong anh cũng bị tổn thương khi không ở bên cạnh con trai khoảnh khắc nhiều ý nghĩa này. Nhưng vượt lên trên những điều đó cũng là tinh thần của một người Sa-ma-ri nhân hậu. Anh chăm sóc các bệnh nhân với tình yêu thương và tôi thấy “Anh cũng cho những bệnh nhân một thứ mà trong thế giới đảo điên của mình, chúng ta thường bám lấy thật chặt: anh đã cho họ thời gian của mình. Chắc chắn, anh đã có kế hoạch riêng cho ngày hôm đó, những nhu cầu, dấn thân và mong muốn của riêng anh. Nhưng anh đã có thể đặt mọi thứ sang một bên để đến trước những người bị thương, dù không hề quen biết họ, anh coi đó là điều xứng đáng để cống hiến thời gian và sự quan tâm của mình” (3).  Anh như tâm sự “tôi không thể thu gọn cuộc sống của mình vào mối liên hệ chỉ với một nhóm nhỏ, thậm chí không phải chỉ là gia đình của mình mà thôi, bởi vì không thể hiểu bản thân mình nếu không có những mối quan hệ rộng lớn hơn, không chỉ mối liên hệ hiện tại mà còn là mối liên hệ đã có trước và đã định hình nên tôi xuyên suốt cuộc đời tôi” (4). Sự mở ra cũng được thể hiện nơi bác sĩ trưởng khoa của tôi.

Bác sĩ trưởng khoa nơi tôi làm việc, người đã có mặt từ đầu khi bệnh viện dã chiến thành lập. Chị đến với bệnh viện do sự sắp xếp của cấp trên. Chị lúc đầu cũng có suy nghĩ là chấp hành để cho xong nhiệm vụ được giao. Nhưng những ngày làm việc cùng và quan sát, tôi thấy chị là người có tấm lòng rất đẹp. Chị không bao giờ la rầy hay to tiếng với ai dù đôi lúc thấy chị khá mệt vì công việc. Ngoài những công việc chuyên môn của một bác sĩ, chị cũng quan tâm đến bệnh nhân từ những việc nhỏ nhất. Chị nhớ tên bệnh nhân, những bệnh nhân nặng thì chị quan tâm hơn và dặn chúng tôi phải chăm sóc kỹ hơn; chị cũng không ngại đút những thìa cháo cho các bệnh nhân, thay áo quần cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng chị cũng hỏi thăm và cảm ơn những người thiện nguyên viên. Qua chị và những người khác, tôi thấy rằng “lúc này chỉ còn hai loại người: những người chăm sóc một ai đó đang bị thương tích và những người đi ngang qua; những người cúi xuống giúp đỡ và những người nhìn đi hướng khác và vội vàng bỏ đi. Ở đây, mọi phân biệt, mọi nhãn hiệu và mặt nạ của chúng ta đều rơi xuống: đây là khoảnh khắc của sự thật. Liệu chúng ta có cúi xuống để chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không? Liệu chúng ta có cúi xuống và giúp người khác đứng lên không? Đây là thách thức hiện nay và chúng ta không nên sợ hãi khi đối đầu với nó. Trong thời điểm khủng hoảng, các quyết định trở nên cấp thiết. Có thể nói rằng, ở đây và bây giờ, bất cứ ai không phải là kẻ trộm cướp hay người qua đường, đều là người bị thương hoặc đang mang người bị thương trên vai” (5).

Không chỉ có bác sĩ trưởng khoa, mà cả những điều dưỡng viên cùng làm với tôi như chị Mỹ, anh Xuyên, chị Xuyến, chị Mai, chị Vân, chị Lương… đến từ những bệnh viên khác nhau, từ những vùng miền khác nhau nhưng cứ gọi nhau là anh em và rất vui vẻ trong lúc làm việc. Họ tận tình chăm sóc bệnh nhân nhưng cũng quên cùng nhau tạo ra những khoảnh khắc kỉ niệm qua những bức ảnh kiểu cách. Họ như diễn tả “yêu những người khác khi ở xa cũng như khi ở gần”. Họ cùng chúng tôi và những người khác đang cố gắng xây dựng những tình bạn xã hội, xây dựng tình huynh đệ đại đồng qua sự cởi mở và đón nhận nhau. Chính thái độ và cách cư xử của họ cho tôi thấy rằng “Thiên Chúa tiếp tục gieo nhiều hạt giống tốt lành trong gia đình nhân loại chúng ta. Một lần nữa, đại dịch gần đây cho phép chúng ta nhận ra và trân trọng tất cả những người ở quanh chúng ta, giữa cơn sợ hãi, vẫn đã phản ứng bằng cách trao ban mạng sống của chính họ trên những tuyến đầu. Chúng ta có thể nhận ra rằng, cuộc sống của chúng ta được dệt nên và được duy trì như thế nào bởi chính những con người rất bình dị, những người không hề nghi ngờ gì, đã viết nên những sự kiện quan trọng trong lịch sử chung của chúng ta: đó là các bác sĩ, y tá, dược sĩ, nhân viên siêu thị, người dọn dẹp, người chăm sóc, người vận chuyển, những người nam nữ làm việc để cung cấp các dịch vụ nhu yếu phẩm và an ninh, các tình nguyện viên, các linh mục, tu sĩ, v.v… họ hiểu rằng không ai được cứu một mình cả”(6).

Những hạt giống tốt lành này cũng có nơi chính những bệnh nhân, những người nhìn bên ngoài là những người bị tổn thương nhưng sâu thẳm cũng là những người Samaria nhân hậu trong cách họ cư xử với nhau, trong cách họ lo lắng cho chúng tôi, rồi chia sẻ với nhau những gì họ có… nơi họ tôi thấy rằng “tình yêu thương thì không quan tâm việc người anh chị em đang bị thương phát xuất từ nơi này hay nơi kia. Bởi vì chính “tình yêu đã phá vỡ xiềng xích ngăn cách và chia cắt chúng ta, xây nên những nhịp cầu. Tình yêu thương cho phép chúng ta xây dựng một gia đình tuyệt vời, nơi đó tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà mình… Tình yêu thì biết xót thương và đầy nhân phẩm” (7).

Chính qua những người tôi gặp, tôi như đang đối diện với lời thách thức của Đức Giê-su là “gạt bỏ mọi dị biệt và, đứng trước đau khổ, sẵn sàng đến gần người khác mà không cần thắc mắc. Tôi không nên nói tôi có người thân cận để giúp đỡ, mà bản thân tôi phải là người thân cận cho người khác (8). Thách đố này không chỉ ngay trong giai đoạn dịch bệnh mà là một giai đoạn sau dịch bệnh.

Sau đại dịch, chúng ta có kinh nghiệm của một người bị tổn thương, cũng có kinh nghiệm của một người khách qua đường và kinh nghiệm của một người Sa-ma-ri nhân hậu. Ta biết những nỗi đau, những mất mát của bản thân và người khác. Ta cần sự xoa dịu và chữa lành, ta cũng biết kinh nghiệm xoa dịu và chữa lành vết thương cho người khác. Ta có thể vẫn sống như khách qua đường bàng quang với nỗi đau của người bên cạnh vì nghĩ rằng đó chỉ là những người không liên quan đến cuộc sống của ta. Ta cũng có thể tiếp tục xây những tháp ngà với sự an toàn của gia đình, của cộng đoàn, của nhóm nhỏ …hay chúng ta sẽ hoán cải để xây dựng những chiếc cầu yêu thương, nối kết bằng tình bằng hữu xã hội, cùng nhau xây đắp văn hóa tình thương. Chúng ta cùng nhau phải nhìn nhận rằng “Sự tổn thương, sự mong manh, nỗi sợ hãi và nhận thức về những giới hạn mà đại dịch gây ra, đã vang lên lời mời gọi chúng ta hãy suy xét lại về lối sống của mình, về các mối liên hệ của chúng ta, tổ chức xã hội của chúng ta, và trên hết, ý nghĩa của sự hiện hữu của mình (9). Dù cuộc sống dần trở lại bình thường, nhưng những tổn thương của đại dịch vẫn còn. Khi đó chính chúng ta có quyền chọn lựa cách sống của ta, những kinh nghiệm trong đại dịch sẽ cho ta những bài học quí giá để sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn.

Chúng ta có thể chọn thực hiện lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho người thông luật “hãy đi và làm như người Samaria nhân hậu, ông sẽ sống”. Quả thật, sự sống của mỗi người được quyết định qua mối tương quan của người đó với Thiên Chúa và tha nhân. Mỗi con người không phải là một hữu thể khép kín nhưng là một hữu thể tương quan, luôn mở ra và đi đến với người khác, cúi xuống với người bên cạnh. Sau đại dịch chúng ta vẫn còn trên cùng một hành trình với tư cách của một người bị tổn thương cách này hay cách khác. Mỗi chúng ta được mời gọi cùng cố gắng “phục sinh cảm hứng về tình huynh đệ phổ quát, qua việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc hồi sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ (11). Chúng ta được mời gọi góp phần vào trong sự tái sinh bằng những món quà chúng ta có thể trao tặng cho người khác và thụ tạo.

Từ món quà của chúng ta, chúng ta có thể làm nảy sinh cuộc sống, sức khỏe cho người khác, bệnh tật và đau khổ có thể góp phần vào văn hóa giúp đỡ, cho đi, hy vọng và sự sống. Chúng ta có thể tiếp tục bước đi trong câu hát của lời kinh hòa bình, của tình yêu thương đồng thoại và vũ trụ như thánh Phan-xi-cô As-si-si, người có thể gọi muôn vật muôn loài là anh, là chị và gọi tất cả mọi người là anh em.

(1) Tông huấn Tất cả là anh em  của đức giáo hoàng Phan-xi-cô, # 69.

  1. Ibid., ( # 32).
  2. Ibid., ( # 63)
  3. Ibid., ( # 89).
  4. Ibid.,  ( # 70)
  5. Ibid., ( # 54)
  6. Ibid., ( # 62)
  7. Ibid., ( # 81)
  8. Ibid., ( # 32)
  9. Ibid.,  (# 25)
  10. Ibid., (# 8)

Hoàn Phạm, Hội Thừa Sai Việt Nam

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/cau-chuyen-nguoi-samari-nhan-hau-noi-benh-vien-da-chien-64303

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 4, 2021 in Suy tư