RSS

Daily Archives: Tháng Mười 18, 2021

Đại dịch cuối tháng Chín

 Hữu Sang 

Ngày 18/10/2021

Đại dịch cuối tháng Chín

TGPSG — Chiều ngày cuối cùng của tháng Chín, tôi nghe tiếng reo hò của các em. Lạ quá, tôi vội bước ra ban-công để nhìn.

Không còn những hàng dài rồng rắn của người dân đội mưa đi chích ngừa. Không còn sự căng thẳng và im lặng chờ đợi.

Giờ chỉ có nhóm các em, những tình nguyện viên cho đợt chống dịch Covid, đang reo hò và tạo dáng, chụp hình các kiểu…

Các em vui vì công việc sắp kết thúc, các em vui vì dịch bệnh kinh khủng đang lắng xuống dần, và các em vui vì tuổi trẻ phải là như thế…!

Những ngày trước đây, nhìn các em lấy mẫu xét nghiệm Covid cho người dân, nhiều lúc tôi bực bội vì có em vô ý quên sát khuẩn. Có một lần ngồi ngửa cổ hướng mặt ra đường để được lấy mẫu, tôi cũng bực bội vì bị que chọc vào mũi đau quá, đau cả mấy ngày…

Nhưng tuổi đời các em còn nhỏ hơn con mình nhiều.

Còn trẻ như các em mà phải mang lấy bộ đồ kín như bưng suốt ngày ở nơi trưng dụng làm chỗ chích ngừa, thật là quá sức! 

Còn trẻ như các em mà làm việc hằng ngày, liên tục suốt 7 đến 8 tiếng, liên tục mấy tháng trời, với cường độ căng thẳng và đầy rủi ro lây nhiễm, cũng thật là quá sức!

Cha mẹ các em có thể tự hào vì công việc của con cái mình đã làm. Các em có thể tự hào về kỳ thực tập có một không hai trong đời mình, với quá nhiều cung bậc cảm xúc.

Những trải nghiệm về cái được và cái mất, về sự sống và sự chết, về trao và nhận trong gian nan khốn khó… Đó là những bài học lớn mà không phải người lớn nào cũng đón nhận được, trước và ngay cả sau đại dịch.

Thời gian bùng phát dữ dội của đại dịch ở Sài Gòn đã qua. Và các em đã dám đảm đương trách nhiệm của mình trong thời điểm lịch sử rất cheo leo ấy. Chúc mừng và cám ơn các em!

Cầu chúc các em luôn an lành, hồn nhiên và mạnh khỏe!

Hữu Sang (TGPSG) – cuối tháng 9/2021
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/dai-dich-cuoi-thang-chin-64376

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Suy tư

 

Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức (Lc 12, 35-38)

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Giới thiệu, Thánh ca

 

Kinh Mân Côi tỏa sáng giữa u ám đại dịch

 Giuse Maria Trần Anh 

Ngày 18/10/2021

Kinh Mân Côi tỏa sáng giữa u ám đại dịch

TGPSG — Tháng Mười, cả Sài Gòn đang rực sáng muôn tràng Mân Côi giữa những làn khói u ám lẩn khuất của tử thần trong đại dịch…

Trước đây, tôi chỉ thích cầu nguyện và thầm thì với Chúa. Thi thoảng tôi mới cầu nguyện với Mẹ Maria cách vắt tắt, ngắn gọn vì tâm trí tôi luôn hướng đến Chúa – Tình Yêu lớn nhất của đời tôi.

Thú thật, tôi thấy lần chuỗi Mân Côi mất thời gian: phải nhớ nguyện ngắm các mầu nhiệm Vui – Thương – Mừng – Sáng, rồi lặp đi lặp lại các kinh suốt một giờ đồng hồ, quá đơn điệu và dễ gây buồn ngủ. Vì bổn phận nên mới phải nguyện kinh Mân Côi cùng gia đình, chứ bản thân tôi không cảm thấy hào hứng, dẫu biết rằng Giáo Hội luôn đề cao tầm quan trọng của Kinh Mân Côi.

Nói như thế, không có nghĩa là tôi không có lòng sùng kính Đức Mẹ bởi tôi biết rằng chính Mẹ dịu hiền sẽ dẫn lối cho tôi đến với Chúa. Hằng ngày, tôi vẫn lần chuỗi Mân Côi cùng Mẹ và gia đình. Thế nhưng, tôi thường xuyên bị chia trí trong lúc đọc kinh, nghĩ cả đến những điều xằng bậy và ô uế, rồi cảm thấy xấu hổ và giả hình trước Mẹ. Nhiều lúc, tôi thấy thà chẳng đọc kinh còn hơn vì sẽ bớt đi những sự chia trí đáng sợ này. Tôi dằn vặt, suy nghĩ và cầu nguyện xin Chúa cho tôi lối thoát.

Rồi cơn đại dịch Covid-19 ập đến, khống chế cả thành phố này. Chứng kiến nhiều biến cố xảy ra với gia đình, người thân và mọi người xung quanh, nhưng tôi chẳng giúp được gì, chỉ quanh quẩn trong nhà và cảm thấy thật vô dụng. Chính lúc này đây, tôi mới nhận thấy bản thân thật yếu đuối, phận hèn mọn, chỉ biết nương tựa vào lời kinh nguyện.

Một cách nào đó, như được khai trí, tôi dần dần tập trung hơn khi lần chuỗi Mân Côi cùng gia đình. Miệng đọc, tâm trí thì nguyện: “Ôi lạy Mẹ rất Thánh, Mẹ cứu giúp kẻ khốn khổ, xin cho con được đắm đuối trong những lời kinh dâng Mẹ…”. Cứ như thế, những lần sau, lời nguyện của tôi ngày càng tha thiết, đôi khi nước mắt ứa khóe mi…

Vào một đêm, sau khi kết thúc buổi kinh nguyện cùng gia đình, tôi khép mắt, tay vẫn giữ chuỗi hạt và hướng lòng dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi u buồn, úa tàn của tâm hồn mình để Mẹ thương đón nhận. “Xin Mẹ tha thứ cho vì dù đã rất cố gắng, chuỗi Mân Côi của con cũng chỉ được thế này thôi”, tôi thì thầm. Rồi như rơi vào cơn mộng mị, tôi thấy Mẹ dịu dàng khẽ chạm vào tràng hạt trên tay tôi, cả tràng chuỗi bỗng nở bừng những đóa hoa hồng rực rỡ tuyệt mỹ trong ánh sáng tinh tuyền, khiết trinh của Mẹ. Sau đó, cũng trong mộng mị, tôi thấy Mẹ đeo vào cổ tôi tràng chuỗi hoa hồng thánh thiên này, tâm hồn tôi bổng ngất ngây niềm hạnh phúc, mọi đau khổ thất vọng tan biến.

Sau đêm đó, tôi cảm nhận Mẹ luôn ở bên tôi và gia đình, nhất là trong giờ lần chuỗi Mân Côi. Tôi tin rằng, Mẹ đã cho tôi ân huệ được cảm nhận sự mầu nhiệm của lời kinh Mân Côi qua giấc mơ đó. Cả linh hồn và thân xác tôi được ngập tràn trong tình yêu và hạnh phúc. Và như thế, song song với nhu cầu đến với Bí tích Thánh Thể, tôi nhận ra bản thân mình không thể sống mà thiếu kinh Mân Côi.

Tháng Mười – tháng của những chiếc lá thu đổi màu, trời đất nhuộm màu mộng mơ, lơ đãng. Đây cũng là khoảng thời gian lý tưởng cho những đôi tình nhân lập kế hoạch cho một đám cưới đẹp nhất, hạnh phúc nhất vào mùa Xuân năm sau. Ấy vậy mà Sài Gòn vẫn đang trong cảnh đau thương khủng khiếp của cơn sóng dữ Covid. Những mất mát, khổ đau cùng cực đã in hằn vết thương tổn trên mọi con phố len lỏi vào từng gia đình, trên những phận người nghèo khổ, trên những đứa trẻ thơ dại.

Đặt mình vào trong những hoàn cảnh đó để cảm nhận rồi cùng đau đớn, xót xa và khóc cùng họ, con dâng lên Đức Mẹ những lời kinh Mân Côi và cầu xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa – Đấng luôn chạnh lòng thương xót, cho chúng con sức mạnh, bình an và ơn khôn ngoan để vượt qua mọi khó khăn.

Tháng Mười, cả Sài Gòn đang rực sáng muôn tràng Mân Côi giữa những làn khói u ám lẩn khuất của tử thần trong đại dịch. Bình an nhé Sài Gòn ơi, vì chúng ta có Đức Mẹ chở che qua những lời Kinh Mân Côi tha thiết. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Sài Gòn 10/2021
Giuse Maria Trần Anh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/kinh-man-coi-toa-sang-giua-u-am-dai-dich-64369

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Truyện

 

Ánh sáng Lời Chúa trong đêm đen đại dịch

 Xuân Nguyên 

Ngày 18/10/2021

Ánh sáng Lời Chúa trong đêm đen đại dịch

TGPSG — “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (TV 36) — Đó là ánh sáng Lời Chúa, soi đường giúp bà Đông kiên cường vượt qua đêm đen của đại dịch Covid khắc nghiệt này.

Quan ngại chung

Khi theo dõi tin tức hằng ngày, bà hoang mang căng thẳng vì những sự kiện: Cảnh các bệnh viện quá tải, số người chết ngày càng tăng, các xe tang chờ dài dài đến lượt hỏa táng. Thỉnh thoảng còi xe cứu thương vang lên bất kể ngày và đêm. Những tiếng gọi cửa nhắc mọi người đi test mới đáng sợ hơn. Và sau đó là cảnh các gia đình từ ông bà nội, ngoại, già, đến các trẻ em được đem đi cách ly trông rất đau thương. Làm sao không lo ngại khi một người 75 tuổi như bà, sắm vai người con, nuôi mẹ già yếu, 98 tuổi, nằm một chỗ. Bà vẫn lo sợ: “Nếu mẹ bà đã già, đau yếu như vậy bị nhiễm, thì mẹ bà sẽ được đem đi và sẽ chết chắc chắn không về. Nếu bản thân bà bị bệnh, bị cách ly thì ai sẽ chăm sóc cho người mẹ già yếu này.”

Ánh sáng Lời Chúa

Bà chỉ biết cầu xin Chúa thương xót gia đình bà. Những giờ kinh nguyện và thánh lễ rất có ý nghĩa với bà. Những gương mẫu trong Kinh Thánh: ông Abraham, Ông Giuse bị bán, ông Môsê, qua những dẫn giải của vị mục tử và quý cha là sự an bình, động viên bà rất nhiều trong những ngày giãn cách. Nếu Chúa không che chở phù trợ chắc bà đã ngã gục. Chúa đã dẫn dắt bà từng bước  trong 4 tháng dài có quá nhiều tin buồn hơn tin vui. 

Thân phận mỏng manh của con người

Bà giữ nguyên tắc 5 K rất nghiêm nhặt. Nhưng điều bất ngờ ngỡ ngàng đau xót đã xảy đến. Bà không khỏi ngạc nhiên và thất vọng khi cả nhà bị dương tính. Phút chốc bà cảm nhận được thân phận mỏng manh và bất lực của con người trước đại dịch. Hai người trong nhà đã tiêm một mũi vắc-xin Astra Zeneca. Bản thân bà, đã tiêm hai mũi vắc-xin Pfizer. Có thể mũi thứ hai được tiêm cách 4 ngày chưa đủ tác dụng. Có điều lạ lùng là mẹ bà chưa tiêm mũi vắc-xin nào thì lại âm tính. Việc phải đối mặt bây giờ là “Chăm sóc cho mẹ, phải thận trọng, giữ khoảng cách an toàn”. Và bà chỉ biết tín thác, vác thập giá Chúa trao.

Ơn Chúa

Trong đêm tối cuộc đời, bà đã thật sự cảm nghiệm được tình thương và sức mạnh Lòng Chúa thương xót. Chúa đã không để bà lạc lối trong đêm tối. Vào thời điểm này, điều thuận lợi mà bà vẫn mong đã diễn ra: Bộ Y tế đã cho phép các F0 được cách ly tại nhà. Và, nhiều điều tốt lành khác đã đến.

Khi hay tin không may này, các bạn blouse trắng tạo ngay một nhóm săn sóc F0 online, để cố vấn khuyến khích các F0 giữ vững tinh thần đối mặt với Covid. Các thuốc tốt và an toàn nhất được gửi đến, kèm theo một máy tạo oxy – máy này người bạn bác sĩ mới mua chưa sử dụng, dự trù dành cho người chị chồng F0, nhưng chị đã chiến thắng dịch bệnh nên không cần đến nữa. Để tăng cường sức đề kháng, các bạn của bà còn gửi những thùng thức ăn đầy đủ chất đạm như thịt heo, bò, gà, rau củ quả với lời nhắn “Cố gắng bồi dưỡng để có sức đề kháng”. Đồng thời, nhờ những lời động viên và chăm sóc tích cực của các bạn blouse trắng, bà đã lấy lại tinh thần.

Cả ba F0 trong gia đình bà chỉ biết tạ ơn Chúa. Trong tâm tình cầu nguyện và tín thác vào Chúa, các F0 bình tĩnh đếm từng ngày và theo dõi những triệu chứng: ho, sổ mũi, sốt cao, mất vị giác, khứu giác… và không quên theo dõi SpO2, tập thở và cố “ nuốt” những thức ăn bổ dưỡng. Gọi là cố nuốt vì cơ thể yếu bệnh và tâm lý không ổn đã làm mất đi cảm giác muốn ăn. Hơn thế, bà còn vướng thêm chứng tiêu chảy. Bà phải uống Oresol để bù mất nước và chất điện giải, húp cháo và nuốt cơm với cá kho, thịt kho không chút dầu mỡ.

Một ngày qua đi là niềm hy vọng tăng dần. Cứ thế 15 ngày trôi qua an toàn với các F0. Sợi dây phong tỏa lạnh lùng ngăn cách nhà của bà và người chung quanh được tháo gỡ. Tâm lý của bà theo đó cũng cải thiện, bớt lo sợ vì bà vẫn nghĩ nếu trong thời gian bị ‘chăng dây’ này, chẳng may mẹ bà mất đi, thì đám tang sẽ như thế nào, chắc chắn cái xác trong nhà F0 sẽ bị mang đi.

Cái chết trong ơn thánh

Niềm vui nhỏ mới nhóm lên thì buồn thay, mẹ bà có hiện tượng khó thở. Cũng may, Chúa đã an bài sẵn, máy trợ thở đã có ngay bên. Bây giờ những chăm sóc quan tâm quay về người mẹ già yếu đang thở khó nhọc với “dây râu” thường trực cắm vào mũi. Mẹ bà rên từng hồi nhỏ và đôi lúc rất to. Các bạn ngoài công giáo nói: mẹ bà đang vật lộn với ma vương. Giờ đây, bà chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện. Mỗi lúc mẹ bà la to, bà đánh thức mẹ dậy và hai mẹ con cùng lần chuỗi. Lúc bấy giờ mẹ bà tỉnh táo hơn, sốt sắng đáp kinh “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”

Khi mọi điều kiện y tế tạm ổn, bà ghĩ đến việc lo phần tâm linh cho mẹ. Cách ly hơn bốn tháng, tuy bà cùng mẹ luôn tham dự các thánh lễ online, nhưng điều bà ước mơ cho mẹ mình là được lãnh các bí tích cuối đời vẫn tốt đẹp hơn. Bà đếm từng ngày để chờ ngày 30/09 mau đến trong căng thẳng và lo âu.

Hết phong tỏa, ngày 2/10 là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ bà. Cha đã đến Xức Dầu và cho mẹ bà Rước lễ, trong tình trạng còn tỉnh táo và tâm trạng vui mừng. Còn niềm vui và hạnh phúc nào hơn, bà chỉ biết tạ ơn Chúa. Những ngày kế tiếp là những ngày sẵn sàng chờ đợi Chúa đến vì bà cảm nhận, mẹ bà yếu dần. Và thứ Tư ngày kính thánh Giuse trong Năm kính Thánh Giuse, mẹ bà đã nhẹ nhàng ra đi theo tiếng Chúa gọi.

Y tế phường lại đến test những người trong nhà. Tất cả đều âm tính nên mọi người thở phào nhẹ nhõm khi cầm giấy báo tử của mẹ bà trong tay. Theo như ước nguyện của bà, đám tang dược diễn ra thật ấm cúng giữa những người thân thương, với nghi thức Tẩn Liệm và Thánh lễ tại gia trong điều kiện cho phép không tụ tập quá 20 người. Và Thánh lễ cuối cùng của mẹ bà đã được cử hành tại thánh đường thân thương, nơi mẹ bà năng lui tới trong các sinh hoạt đạo và đời trong suốt 77 năm. Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh, cái chết của mẹ bà là một ân phúc – không phải là sự chia ly đau thương mà là cuộc đi về với Chúa yêu thương.

Tâm tình tạ ơn

Từ những sự kiện đã trải qua, bà kết luận:

Trong mọi sự: Hãy cầu nguyện và tín thác vào Chúa. “Đường lối Chúa, tất cả là yêu thương và thành tín đối với ai tuân giữ giao ước của Ngài.” Cả nhà F0 mà bà không buồn và thất vọng vì qua những sự việc cụ thể trong đời, bà đã xác tín Lòng Chúa Thương Xót và đường lối Chúa quan phòng: Chúa không để bà phải đơn độc một mình. Chúa luôn kề bên, qua những cánh tay nối dài của Chúa là những người bạn thân yêu, các blouse trắng… Và hơn thế nữa, các F0 đã được cách ly tại nhà. Vì tất cả là F0, nên được miễn nhiễm tự nhiên. Các sinh hoạt gia đình thoải mái hơn khi một F0 kề cận chăm sóc một F0. Qua đó, bà có thể cận kề bên mẹ, cùng cầu nguyện với mẹ trong khi bình tĩnh làm hạ nhiệt cơn sốt cho mẹ, an ủi mẹ khi mẹ đang rất cần những lời động viên và bàn tay chăm sóc ân cần yêu thương.

Và niềm hạnh phúc lớn nhất của bà là Chúa đã chờ đợi hết giãn cách mới gọi mẹ bà về với Chúa. Trong điều kiện xã hội thuận lợi dễ dàng hơn, đám tang diễn ra tốt đẹp không thiếu những nghi thức thánh.

Chính Chúa đã phán “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30)

Vâng, bà và gia đình đã chạy đến với Chúa và ách Covid khó nhọc mà bà gánh đã được Chúa làm cho nhẹ nhàng qua những ơn phúc Ngài không ngừng tuôn đỗ trên bà. Bà chỉ biết thốt lên lời “Tạ ơn Chúa mãi không ngơi, vì đời con tất cả là hồng ân”.

Xuân Nguyên (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/anh-sang-loi-chua-trong-dem-den-dai-dich-64368

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 18, 2021 in Truyện