RSS

Daily Archives: Tháng Mười 6, 2021

MỘT CÁI NHÌN TÍCH CỰC về Covid.”KẺ THÙ hay ĐỒNG MINH” của nhân loại?

MỘT CÁI NHÌN TÍCH CỰC về Covid.”KẺ THÙ hay ĐỒNG MINH” của nhân loại?

Hãy mừng vui vì đau thương sắp qua rồi…Qua nhiều tháng ngày sống trong dịch bệnh, lúc này con người (cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, hay quốc gia) đã học được rất…. nhiều bài học để sống còn và họ đạt được những điều bổ ích thực tiễn cho dù đã phải hy sinh trả giá khá đắt về nó.Biết bao sinh mạng đã ra đi, những thiệt hại vô kể về kinh tế, những hao tổn công sức tiền bạc về y tế và cả những hệ lụy không mong muốn về sau của nó.Nhưng một điều rõ ràng mà ít người nghĩ đến là, không hẳn dịch bệnh chỉ mang lại những tiêu cực hay chỉ có kết quả, ảnh hưởng xấu đáng chê bỏ. TẠI SAO ??? Thưa người ta thấy được 3 điều có lợi. Vì …

1. Covid đã “bù trừ” hay đúng hơn “tạo ra” những “vắc-xin” hàng xịn (live) hơn cả Pfizer, Moderna, Astra Zeneca… cho 98% những người đã khỏi bệnh vì nhiễm nó. Vậy Covid dẫu bất lợi, nhưng giờ lại là “bạn” của ta sau khi đã “quy hàng”.

2. Có những tấm lòng của các y bác sĩ, nhân viên, cơ sở y tế và những người hào phóng quảng đại khác. Họ có dịp để thi ân, mở lòng chia sẻ với đồng loại. Điều này khiến ta nhận thấy họ thật sự là những sứ giả, là những thiên thần hay bàn tay tình thương của Thượng đế

3. Chưa kể đến một số người đã “vô tình” được lợi từ những “sự dữ” này. Sự kém may mắn của người này lại có thể là dịp may cho người khác theo luật tự nhiên như khi trời khi mưa/lúc nắng… ấy mà. Nhưng hiển nhiên thời gian này các cơ quan chính phủ, y tế, bảo hiểm, tài chính, thương mại… là chịu thiệt hại nặng nề nhất so với thời gian bình yên vô sự trước đây.Xa hơn, nếu có cái nhìn khách quan hay tích cực theo “hai mặt của một đồng tiền”, ta sẽ thấy cái gì cũng có lưỡng diện. Không có gì là không có giá của nó. Ông trời chẳng cho không ai cái gì; cũng chẳng bắt ai chịu mãi một điều xem ra khó chấp nhận… mà không cho họ lối thoát. (x. ND, Kim Vân Kiều)

Chỉ xin nêu lên một điểm tổng kết nhỏ thôi thì cũng đủ thấy. Nhờ và qua đại dịch này thế giới, quốc gia, xã hội, gia đình chúng ta hiểu nhau hơn, biết cách sống hợp với đạo lý con người và biết lưu tâm đến sức khỏe và môi trường.

Như vậy, khi biết mình vẫn còn sống (hiện hữu), phổi còn hơi thở, tim còn đập, ta vẫn không mất quyền HY VỌNG. “Hết cơn bĩ cực đến hồi thới lai”. Sau cơn mưa, trời lại sáng. Khi đó con người sẽ biết trân trọng những gì mình đã đánh mất do thích thay đổi, nhàm chán hay coi thường…

Sau hết, lời cám ơn chân thành với “bạn” Sarx Covid 2, đến các chính phủ, xã hội, gia đình và mọi người trên thế giới. Cách riêng bạn tôi ơi, hãy tự nói lời cảm ơn đặc biệt đến chính BẢN THÂN mỗi chúng ta… vì em đã góp phần hy sinh, nỗ lực, chịu đựng, vượt gian khó để có TA hôm nay. Và nhất là đừng quên lời cảm tạ Vị trên ta, ĐẤNG TỐI CAO đã đang phù trợ và luôn đồng hành với mỗi tôi cùng toàn thế giới mà Người đã yêu thương tạo dựng.

Chúc mọi người mạnh khỏe, luôn bình an và sớm trở lại trang thái bình thường mới trong nay mai nhé!

NB: Xin đón nhận những ý kiến khác biệt hay phản biện.

Nguồn trích đăng: https://www.facebook.com/daminhvuducthinh

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 6, 2021 in Suy tư

 

Nặng Lòng ! Với tấm biển bên vệ đường | Bài viết của Linh mục Anmai, CSsR || Tin Yêu Chúa.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 6, 2021 in Suy tư

 

Hãy dâng lên Mẹ những tràng Hoa Mân Côi

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 6, 2021 in Giới thiệu, Thánh ca

 

Chiếc bản lề áo trắng

 Soeur Mai Tùy (Kim Ngọc) 

Ngày 05/10/2021

Chiếc bản lề áo trắng

TGPSG– Khi bước chân vào cuộc sống trần gian, ai ai cũng mong cho mình và những người thân một cuộc sống an bình hạnh phúc. Nhưng con thuyền cuộc sống có những lúc chẳng thuận buồm xuôi gió. Bởi đâu? Bởi hai mặt của cuộc sống, như bàn tay lúc sấp lúc ngửa. Nếu mở rộng ngửa bàn tay để đón lấy những ánh bình minh tươi mới của cuộc sống thì đặt sấp bàn tay để kết thúc những gì mong manh yếu đuối và sự chông chênh của phận người? Dừng lại một chút nghĩ suy về hai mặt của cuộc sống, như chiếc bản lề của những niềm vui và nỗi buồn, của hạnh phúc và đau khổ, của bình an và lo lắng, thậm chí của hy vọng và thất vọng, và cao điểm của sự sống và cái chết. Cái gì đã khiến chúng ta suy nghĩ về những điều đó. Covid. Sống trong thời Covid.Đứng từ góc nhìn của một tình nguyện viên, xin được mượn hình ảnh chiếc bản lề để suy tư một chút, như một góc nhìn khuất về chiếc bản lề áo trắng.

Cũng như chiếc bản lề đóng vai trò quan trọng giúp bộ cửa hoạt động trơn tru và kéo dài thời gian sử dụng thì cuộc sống con người cũng có những chuỗi ngày của những mắt xích nối tiếp nhau giúp điểm tô sắc màu của hương vị cuộc đời. Tùy vào công trình kiến trúc, gia chủ có thể lựa chọn bản lề phù hợp với tổng thể chung của ngôi nhà. Cũng vậy, nhìn vào thực tế của thời Covid hiện nay, chiếc bản lề của màu áo trắng dường như là chủ đạo. Cánh cửa Covid tưởng chừng như đóng sập lại mọi mặt của cuộc sống, từ kinh tế, chính trị, giao thông, du lịch, và ngay cả y tế cũng giới hạn số lượng bệnh nhân. Giữa cơn sóng đại dịch “Covid”, bao người đã ra đi theo nhiều cách thức khác nhau. Có những người nhiễm bệnh ra đi cách ly vì dịch bệnh, có những người tìm cách trở về quê hương để trốn tránh vùng tâm dịch, có những người đã ra đi không gia đình, không tang chế, không người thân, và cũng có những người không có cơ hội (ra đi) để tiếp cận với dịch vụ y tế đã âm thầm lặng lẽ ra đi vĩnh viễn … Nhìn thực tế sao lòng đau nhói. Xin đừng dừng lại ở bên này cánh cửa, hãy mở rộng cửa ra cho thông khí, cho virus Corona không còn chỗ bám động. Đã có đây cánh cửa mở ra cho những bước chân của các y bác sỹ áo trắng bước vào. Chiếc bản lề áo trắng không chỉ có đó để trục cuộc sống được ổn định mà còn là một sự nâng đỡ cánh cửa cuộc đời của biết bao người bệnh. Nâng đỡ từ sức khỏe thể lý đến nâng đỡ sự hy vọng của người nhiễm, cũng như thân nhân người bệnh, đồng thời mở ra một tia sáng cho thế giới giữa bóng đêm của thời Covid không biết khi nào chấm dứt, qua việc tuân thủ nghiêm ngặt giữa nhiễm và sạch trong vùng cách ly, để từ đó thắp lên một chút hy vọng cho cuộc sống con người hôm nay.

1. Chiếc bản lề áo trắng: Nâng đỡ sức khỏe thể lý của người nhiễm.

Cũng là ra đi nhưng các Bác sĩ đã đi vào tuyến đầu của tâm dịch để điều trị. Những chiếc bản lề áo trắng này đã mở toang cánh cửa của cuộc sống bình yên, mở toang cánh cửa của sự an toàn cho gia đình và người thân để bước vào vùng dịch. Nước mắt và nụ cười cũng là hai trạng thái khác nhau trong một con người khi hay tin mình là F0. Có ai bước vào khu cách ly mà không để lộ sự lo lắng. Có ai nhập viện để điều trị Covid, mà tránh khỏi sự sợ hãi đâu. Phản ứng đầu tiên của một bệnh nhân, có khi đó là sự miễn cưỡng chấp nhận, có khi đó là sự phản kháng chống cưỡng. Ai là người phải đối diện với những cung bậc cảm xúc đầu tiên của các bạn. Cha mẹ, gia đình, người thân ư? Không, và câu trả lời ngắn gọn: Chỉ có nhân viên y tế và các tình nguyện viên, những con người nhỏ bé, yếu đuối, họ cũng mang trong mình những vui buồn sướng khổ của kiếp người, nhưng họ sao họ làm được, vì họ có một trái tim thổn thức trước những bệnh nhân đang thoi thóp trong từng hơi thở, trong sự mong manh của sự sống. Bạn trao cho họ sự phẫn nộ, họ vẫn bình tĩnh để giải thích cho bạn. Có thể bạn để lại cho họ những câu nói khó nghe, nhưng họ vẫn hướng dẫn bạn trong cách điều trị và phòng chống sự lan truyền của dịch bệnh. Và có thể bạn để lộ cho họ thấy những giọt nước mắt, thì ánh mắt và lời nói của họ sẽ là động lực an ủi bạn. Và cuối cùng chỉ có nụ cười của bạn trong ngày xuất viện mới là nụ cười cho họ mà thôi. “Một lời nói hay một nụ cười thường cũng đủ để đưa sự sống tươi mát vào trong một tâm hồn thất vọng” (Ẩn danh)

2. Chiếc bản lề áo trắng: tuân thủ đúng quy trình sạch và nhiễm

Tiếp đến, khi xem tin tức cập nhật số liệu của từng ngày, tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khi nghe những anh chị em xung quanh, những bà con hàng xóm, những người thân yêu ở nơi xa đang nhiễm bệnh, mới thấy ranh giới của nhiễm và sạch. Và hơn nữa, khi cùng với các Bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên bước vào khu cách ly điều trị mới thấy rõ sự phân biệt vùng vàng vùng xanh quá mong manh. Chỉ cần đẩy cánh cửa, hoặc mở cánh cửa là đã bước sang một khu khác rồi. Có thể nay tôi chưa nhiễm, nhưng ngày mai khi kiểm tra phết họng tôi đã là bệnh nhân thứ bao nhiêu của số liệu. Những gì ở trong vùng nhiễm, cho dù có giá trị bạc tỷ, cũng chẳng ai muốn đưa ra ngoài vùng sạch. Ngay cả con người cũng thế, cho dù họ là những người không nhiễm, nhưng một khi đã khoác bộ bảo hộ bước vào vùng nhiễm thì dường như họ cũng cùng chung số phận. Cách ly, không giao tiếp, sống xa gia đình, phải ở khách sạn và thậm chí có những tình nguyện viên đã cùng chung số phận với những người nhiễm, ra đi vĩnh viễn, không tiếng tăm, không hình ảnh. Một ranh giới quá mong manh, nhưng không làm cho những con người có tâm huyết với nghề nghiệp chùn bước lại. Họ bước vào khu cách ly, họ phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc của khu sạch như một phần của cánh cửa cố định, nhưng họ đã mở cánh cửa còn lại với một tinh thần của “vết dầu loang”. Những mặt cười sau lưng, những quán ăn di động, những quán nước miễn phí, và thực tế những chiếc bánh trung thu cũng được chuyển trao… điều đó có ý gì? Mọi người dù ở ngoài vùng sạch nhưng luôn nghĩ đến các anh em vùng nhiễm, cùng chung tay bằng tấm lòng và những nghĩa cử thương yêu sẽ cải biến môi trường không còn có sự phân biệt sạch và nhiễm nữa.

3. Chiếc bản lề áo trắng: Nâng đỡ hy vọng cho người bệnh

Và cao điểm, khi đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết, mới là lúc ta nhận rõ cuộc sống này thật mong manh. Những chiếc bản lề áo trắng này đã mở toang cánh cửa của chính mình gieo hy vọng cho người bệnh bằng sự tận tình chăm sóc, với ước mong cho bạn thấy bạn có cơ hội sống sót. Những công trình vĩ đại, những cảnh đẹp mê hồn, sẽ không là gì, nếu đôi mắt của ta khép lại. Những con người thân yêu, những cảnh vật quê nhà, sẽ tạm vĩnh biệt, khi ta rời cõi thế. Nay chỉ còn lại bên ta những con người đang ngày đêm giành giật từng giây sống. Những con người chẳng thấy mặt, ai cũng như ai trong bộ bảo hộ màu trắng. Chẳng biết họ ăn uống, nghỉ ngơi như thế nào, mà sao nội lực họ mạnh thế. Họ đã ở bên bạn, lắng nghe từng nhịp tim, từng tiếng máy thở bất thường của bạn, bất kể giờ nào, không phân biệt ngày hay đêm, chỉ biết rằng sự sống của bạn là động lực để họ phấn đấu. Nhưng cũng có những lúc, bạn là người đã buông tay trước. Thì bàn tay họ lại đan xen nắm lại để ép cho những nhịp tim của bạn đập lại. Và sau cùng, khi bạn nhắm mắt, chính họ là những người đầu tiên thương tiếc bạn và đã bảo vệ thân thể của bạn dưới nhiều cách, cho đến khi hương linh bạn được sum họp cùng gia đình.

4. Chiếc bản lề áo trắng: Nâng đỡ tinh thần cho người thân

Khi gia đình có người thân bước vào khu cách ly hoặc khu điều trị, những lo lắng không biết ai sẽ chăm sóc cho bệnh nhân khi mà không có một người thân nào ở kế bên. Bạn biết đó, chính là những con người khoác trên mình chiếc áo bảo hộ trắng, họ chăm sóc từng vùng trên thân thể người bệnh, từ đường dây oxy đủ cho mũi thở cho đến hệ thống máy thở của hệ hô hấp người bệnh; từ ăn uống cho đến vệ sinh tiêu tiểu, và ngay cả sự an lòng của bệnh nhân trong giấc ngủ say. Và nếu bạn là người mong chờ tin tức của bệnh nhân. Thì đây những chiếc bản lề áo trắng sẽ túc trực điện thoại để nối kết bạn và người thân. Mọi thông tin liên lạc mà gia đình muốn biết đều có Hotline công tác xã hội, số điện thoại giải thích bệnh cho thân nhân, các bệnh ổn trong giờ hành chánh. Còn những trường hợp nguy tử, chính những y bác sĩ điều trị sẽ gọi điện thoại thông báo trực tiếp cho gia đình. Với mục đích để gia đình bạn giảm lo lắng có thể an tâm tin tưởng vào những chiếc bản lề áo trắng này. Và bạn có biết, khi có một bệnh nhân nào phải ra đi thì xung quanh người ấy chỉ toàn là những con người áo trắng, họ đau cái đau thể xác, họ đau cả cái đau mất mát ra đi của người thân khi báo tin chẳng lành. Người ta thường nghĩ, người bác sĩ chứng kiến hàng ngàn cái chết họ sẽ không còn cảm xúc, không còn biết đau nữa; nhưng không, đằng sau khuôn mặt điềm tĩnh tưởng chừng như lạnh lùng đó, là một trái tim rỉ máu, trái tim thổn thức với cái đau của những người thân trong gia đình. Nhưng họ không dừng lại ở đó, họ nghĩ đến ngày mai tiếp tục dấn thân phục vụ, để đem lại nụ cười cho nhiều người khác nữa.

5. Chiếc bản lề áo trắng: gieo niềm tin cho thế hệ tương lai

Virus Corona dường như đang muốn hủy diệt tất cả những gì tốt đẹp mà con người đã dựng xây trong thế giới này. Nhưng cho dù virus này có lan rộng đến đâu cũng không thể thiêu rụi được tình người, không thể dập tắt tình làng nghĩa xóm, không thể dập tắt những trái tim biết chia sẻ yêu thương. Chính những chiếc bản lề áo trắng có đó là động lực cho các bạn trẻ trong thế hệ tương lai. Có thể những chiếc bản lễ áo trắng sẽ cũ đi, sẽ rỉ sét, sẽ đuối sức, nhưng tất cả tâm nguyện của họ là muốn làm nền cho các bạn; họ chấp nhận là hạt giống sẽ mục nát để mầm sống được triển nở; họ có thể bị quên đi sau trận đại dịch, nhưng còn các bạn trẻ hãy trân trọng những giây phút hiện tại. Những giây phút đầm ấm bên gia đình sau kinh nghiệm của sự chia ly; những giây phút còn được hưởng bầu khí trong lành của Tạo Hóa trao tặng khi bản thân không còn khí để thở; những giây phút cùng ngồi bên nhau, cùng vui chơi, làm việc với các đồng nghiệp sau những ngày giãn cách. Và hơn nữa, các bạn là những trụ cột cho sự phát triển của đất nước, của khoa học và của con người hôm nay. Ước mong sao cánh cửa tâm hồn của mỗi người luôn rộng mở, để các giá trị nhân văn được nhân rộng, các giá trị nhân bản được triển nở và trái tim con người được đập những nhịp yêu thương.

Ước mong cuộc sống bình yên sẽ sớm được trở lại, tình thương mến sẽ mãi được siết chặt nơi nhân loại hôm nay. Giá trị nhân văn của con người Việt Nam được nhân rộng khắp bờ cõi Nước Nam. Cuộc sống này được thêu dệt dưới nhiều hình thức khác nhau, và cách nhìn cuộc đời của mỗi người mỗi khác, nhưng chung quy ai cũng ước muốn hạnh phúc, không chỉ cho mình và cho người khác. Hãy nhìn nhận những người quanh tôi, như một phần bản lề của tôi, như hai mặt của cuộc sống tôi. Có thể nay tôi cần bạn, mai ngày bạn lại cần tôi. Chúng ta hãy đan tay xây dựng cuộc sống này, giống như chúng ta đã từng chung tay để đẩy lùi dịch bệnh. Với hy vọng, người người hạnh phúc, nhà nhà hạnh phúc và cả thế giới này luôn tràn đầy hy vọng, sự sống, và niềm vui.

Góc nhìn khuất từ khoa Covid B1 Bv Gia Định
Tình nguyện viên Soeur Mai Tùy (Kim Ngọc)
Dòng Thừa Sai Đức Mẹ Trinh Vương
03-10-2021

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/chiec-ban-le-ao-trang-64314

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 6, 2021 in Suy tư

 

Tu sĩ thiện nguyện: Hạnh phúc đơn giản chỉ là cái nắm tay!

 Josephvulo 

Ngày 05/10/2021

Tu sĩ thiện nguyện: Hạnh phúc đơn giản chỉ là cái nắm tay!

TGPSG– Đêm tháng 10, ở nửa kia của đất nước, Hà Nội đã sang thu với tiết trời se lạnh hòa quyện với mùi thơm ngọt thoang thoảng của những nhành hoa sữa phất phơ theo gió. Sài Gòn thì vẫn thế, chợt nắng rồi chợt mưa, nhưng vẫn đầy hứa hẹn và sức sống. Gói mình nơi góc nhỏ của ban công bệnh viện, tôi chộn rộn với mớ cảm xúc khó tả. Hình như, dịch bệnh đã khiến cho những ước ao nhỏ nhoi cũng trở thành một điều xa xỉ. Muốn nghe một lời hỏi thăm từ người nhà. Một tiếng gọi bập bẹ ‘ngoại ơi’ của đứa cháu lên ba. Một cái nắm tay thật chặt của người bạn đời tri kỷ. Những lúc chơi vơi thế này…. với các bệnh nhân nơi đây, thật khó biết bao!

Trong căn phòng nhỏ quen thuộc của khoa ICU, trên chiếc giường được trải một tấm drap trắng tinh, ngoại vẫn đang miệt mài nằm thở với sự trợ giúp của ống thở oxy râu. Ngoại là người khỏe nhất trong số những bệnh nhân nằm ở khoa này. Nhưng thỉnh thoảng, con virus quái ác cứ như đang chơi trò đuổi bắt với cột hơi 88 tuổi của ngoại, lúc thều thào khó nhọc, lúc thở dốc dồn dập như đang cố đùa giỡn với những vật khí còn sót lại.

Ai cũng bảo ngoại đẹp! Mà ngoại đẹp thật! Nổi bật nơi khuôn mặt tròn đầy đã nhuốm màu thời gian là đôi mắt hình bồ câu cân xứng, đượm chút mệt nhọc, uể oải của tuổi già và những cơn đau bệnh, nhưng lúc nào trông ngoại cũng bình an và tín thác đến lạ. Ngoại càng đẹp hơn với làn da hồng hào, bộ tóc bạc phơ được xếp gọn và đôi lông mày đã ngả màu bạch kim y hệt như bà tiên trong truyện cổ tích mà tôi đã thường được nghe từ thuở nhỏ. Một ma sơ làm cùng nói nhỏ với tôi khi đến bên giường ngoại, nói nhỏ nhưng cũng đủ để ngoại nghe, ‘mình ước sau này được như ngoại’. ‘Sơ cứ mạnh dạn bước đi, tới tuổi đó, chắc sơ cũng thành cá mắm như vẫn ấm trong cái tên của sơ vậy’. Tôi cười thành tiếng, trêu đùa, cốt để ngoại và sơ vui. Sơ cười. Ngoại cũng cười với nụ cười đôn hậu và thánh thiện.

Sơ trìu mến nhìn và ân cần hỏi thăm về hiện trạng trong người của ngoại. ‘Đau, ngoại đau lắm! Cứ ê ẩm trong người thôi… Với khó thở nữa!’ Ngoại nhìn sơ trả lời với giọng từ tốn và ấm áp. Nghe những lời ấy, tôi chẳng biết nói gì, liền nắm lấy tay ngoại, rồi siết chặt dần như một cử chỉ cảm thông và sẻ chia với những nỗi đau mà ngoại đang mang lấy. Lạ thay! ngoại cũng siết chặt tay tôi. Tôi nhìn ngoại, ngoại cũng quay qua nhìn tôi. Tay ngoại ấm dần. Tôi cảm nhận có một luồng khí mạnh mẽ chạy từ ngoại lan truyền sang tôi dù có đi qua vài lớp bao tay y tế. Một sự đụng chạm thực sự của con tim, của sẻ chia, của khích lệ. Một cảm nhận mà tôi chưa hề có được từ trước tới giờ. Lòng tôi lâng lâng khó tả! Thất thần, tôi trân người một lát tận hưởng. Tôi như bị lạc vào một bản hòa điệu của thiên nhiên. Tâm trí đang được đắm chìm trong bầu khí thanh sạch, tươi mới của một đồng cỏ non xanh mát. Khoăn khoái và dễ chịu. Nhẹ nhàng và êm ái. Đúng là phút giây của bình an, của hạnh phúc và của tình người! Với tôi, đó chính là khoảnh khắc của ân sủng, sự hiện diện của Đấng Yêu Thương! Trong giây phút thiêng liêng ấy, ba ngoại cháu chúng tôi cùng nhau đọc chậm lời kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh Sáng Danh để Tạ ơn và cầu bình an cho ngoại cũng như các bệnh nhân nơi đây.

Buông đôi tay, tôi chưa kịp nói câu cảm ơn thì ngoại đã mở lời cảm ơn trước và khẽ mỉm cười. Ôi! Dễ thương và cảm động làm sao! Cần lắm những cái nắm tay, đơn giản thế thôi, hạnh phúc!

Josephvulo

Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/tu-si-thien-nguyen-hanh-phuc-don-gian-chi-la-cai-nam-tay-64315

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Mười 6, 2021 in Suy tư